Chính sách quan tâm
Phát triển kinh tế luôn đi ngược với vấn đề bảo vệ môi trường, trước thềm năm mới Tân Mão, Nam Nguyên phỏng vấn giáo sư tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về một vài khía cạnh liên quan. Từ Hà Nội trước hết giáo sư đưa ra nhận định:
Các chuyên gia nước ngoài cũng như trong nước đã cảnh báo, các nhà quản lý Việt Nam chắc chắn cũng nhận thức được đấy là những biểu hiện của biến đổi khí hậu.
GSTS Đặng Hùng Võ
GSTS Đặng Hùng Võ:
“Theo tôi, về mặt chủ trương đường lối các chính sách lớn thì Việt Nam rất quan tâm về vấn đề môi trường, cũng nhận thức được đầy đủ tác động vào môi trường của quá trình đầu tư phát triển công nghiệp, triển khai cơ sở sản xuất tăng cường các dự án đầu tư. Tất cả những việc này tác động vào môi trường và đều được đưa vào khuôn khổ pháp lý những đánh giá tác động môi trường, vấn đề đưa yếu tố môi trường vào quy hoạch sử dụng đất, vấn đề triển khai kiểm tra kiểm soát đối với các diễn biến về môi trường trên thực tế.
Nhưng có cũng một điểm mà điểm này không chỉ diễn biến trong lãnh vực về môi trường mà cũng trong nhiều lãnh vực khác. Tức là giữa qui định của pháp luật, các chủ trương chính sách của Nhà nước Chính phủ đặt ra thì gần như việc triển khai ở địa phương là không đảm bảo được tính nghiêm túc của vấn đề đặt ra, nhiều khi cũng khá rõ ràng nhưng ở địa phương triển khai vẫn vướng mắc bởi những khuyết tật của quá trình triển khai thậm chí có thể là những sai sót vô thức. Nhưng nhiều khi là những sai sót mang tính thiếu trách nhiệm, thậm chí nhiều nơi có biểu hiện của tham nhũng, để nó làm cho sự triển khai ở địa phương bị xộc xệch, không đúng với những chủ trương đường lối chính sách, những qui định pháp luật đã được Nhà nước ở trung ương đặt ra.”
Nam Nguyên:
Thưa GS, tình hình thời tiết bất thường của năm ngoái có đặt ra vấn đề gì liên quan tới khía cạnh môi trường hay không.

GSTS Đặng Hùng Võ:
“Sự thực ra đây là vấn đề mà các chuyên gia nước ngoài cũng như trong nước đã cảnh báo, các nhà quản lý Việt Nam chắc chắn cũng nhận thức được đấy là những biểu hiện của biến đổi khí hậu. Có thể trước đây chúng ta mới quan tâm đến biến đổi khí hậu ở trạng thái dự báo, băng ở hai cực tan vậy thì mức nước biển có thể dâng cao. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất của việc thu hẹp diện tích canh tác lại, như vậy nó ảnh hưởng tới nông nghiệp, đời sống người dân đặc biệt là những nông dân nghèo hiện nay cũng bị ảnh hưởng khá lớn trước tình trạng nước biển dâng.
Nhưng hiện nay ý thức đã được thay đổi, ý thức quan niệm về biến đổi khí hậu đã được thay đổi không chỉ về việc nước biển dâng mà các chế độ thủy triều cũng đã thay đổi, các hệ thống thiên tai bão lũ cũng đã được thay đổi như năm ngoái đã thể hiện. Cụ thể là lũ lụt ở miền Trung là trên toàn tuyến miền Trung chứ không phải chỉ ở một hai tỉnh như những năm trước đây. Đấy là những biểu hiện của biến đổi khí hậu khá rõ ràng và chúng ta cũng phải ý thức cao hơn về những dạng biến đổi khí hậu như thế này.”
Triển khai xộc xệch
Nam Nguyên:
Thưa Giáo Sư, chuyện lũ chồng lũ ở miền Trung vừa qua bên cạnh nguyên nhân từ thiên nhiên, có những ý kiến là do khai thác gỗ bừa bãi phá rừng để mở diện tích canh tác và còn nguyên nhân đặc biệt nữa là các đập thủy điện xả lũ chưa theo một qui trình nghiêm chỉnh. Giáo sư nhận định gì về việc này.
GSTS Đặng Hùng Võ:
“Đây là những nhận định hoàn toàn đúng. Tất nhiên cái mà chúng ta nhìn bằng trực giác thì đấy chính là tác động của thiên nhiên, bởi vì bão lũ là thiên nhiên mang tới gây hại cho con người. Thế nhưng tại sao thiên nhiên lại mang tới những bất thường đó, thì chắc chắn nguyên nhân sâu xa lại là do chính con người gây ra chứ không phải là tự nhiên. Tình trạng biến đổi khí hậu là do con người tạo ra, do quá trình phát triển tạo ra, thí dụ con người tàn phá rừng khiến diện tích rừng không đủ để làm sạch khí quyển nữa thì chắc chắn sẽ gây ra biến đổi khí hậu.
Tại sao thiên nhiên lại mang tới những bất thường đó, thì chắc chắn nguyên nhân sâu xa lại là do chính con người gây ra chứ không phải là tự nhiên.
GSTS Đặng Hùng Võ
Việc bão lũ ở miền Trung cũng tương tự như vậy do nạn lâm tặc, thậm chí ý thức của người dân, thậm chí chính quyền địa phương cấp xã huyện không cương quyết trong vấn đề bảo vệ rừng, thậm chí còn tham gia cả vào việc phá rừng. Chính vì vậy rừng không còn ngăn được lũ nữa, như vậy lũ sẽ tràn về và nó bất thuờng hơn, cũng là do không giữ được những diện tích rừng cần thiết để ngăn lũ. Bên cạnh đó con người đã không tính trước được tác động của việc lập quá nhiều đập thủy điện, điều đấy các chuyên gia cũng đã có cảnh báo. Thế nhưng trên thực tế do một số lợi ích kinh tế trước mắt, chúng ta đã không tính tới cái tác hại còn nhiều hơn gấp nhiều lần cái lợi thu được ngày hôm nay. Cái tác hại đó sẽ tác hại vào thế hệ con cháu chúng ta vào thời gian tới và có thể còn nặng nề hơn.

Thủy điện là một trong những nguyên nhân mà nó làm cho việc xả lũ đồng thời gây ra một cái tác động gọi là mạnh hơn cả sức mà thiên nhiên tác động vào nữa. Tức là lúc đó mà còn xả lũ nữa thì chắc chắn tác động do con người cộng lực từ các đập thủy điện xả lũ vào tác hại của thiên nhiên sẽ làm cho tác hại đó lớn hơn nhiều. Tôi cho rằng đây là một kinh nghiệm rất lớn mà các nhà khoa học cũng phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Các nhà quản lý cũng cần tỉnh táo hơn nữa để có được quan niệm đúng mức về cái lợi kinh tế trước mắt và nếu đánh đổi thì đánh đổi như thế nào cho cái tác hại của nó mà con cháu chúng ta không phải gánh chịu.”
Nam Nguyên:
Bước vào năm mới Tân Mão, Việt Nam có một ban lãnh đạo mới như vậy toàn cảnh bức tranh môi trường của năm mới với các nhà lãnh đạo mới sẽ có thay đổi gì hay không.
GSTS Đặng Hùng Võ:
“Tôi cũng như tất cả người dân Việt Nam khác luôn hy vọng là mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Từ thực tiễn lý luận từ sự phối hợp hành động của các tổ chức quốc tế chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam có thể nhìn nhận được vấn đề mạch lạc hơn và sẽ có những chính sách và qui định pháp luật hiệu lực hiệu quả nó cao hơn và đây cũng là điều chúng ta luôn luôn hy vọng là sẽ đạt được.”
Nam Nguyên:
Cảm ơn Giáo Sư.
Theo dòng thời sự:
- Tuần lễ Thế giới Nước ở Thụy Điển
- Kiểm soát nguồn nước sông Mêkông thế nào?
- Vì sao mực nước hạ lưu sông Mêkông xuống thấp?
- Bao giờ người Việt Nam mới có đủ nước sạch?
- Quan ngại nước nhiễm thạch tín
- Sức khỏe và môi trường
- Thực trạng và biện pháp bảo tồn nguồn nước ở VN
- Suy thoái nguồn nước ngầm tại Việt Nam
- Nguồn nước ở Việt Nam đang kêu cứu
- Vấn Đề Nước Sạch ở Việt Nam