Từ nỗi đau của bản thân
Sài Gòn có vẻ như ngày càng sầm uất và nhộn nhịp. Những căn nhà chọc trời thay nhau mọc lên cùng với các khu công nghiệp rộng lớn là những dấu hiệu của sự phát triển. Tuy nhiên, Sài Gòn cũng không thiếu những số phận rách rưới, cơ nhỡ, lang thang mọi ngã đường khiến người ta có lúc phải tự hỏi: “Rồi họ sẽ kết thúc cuộc sống của mình như thế nào?”
Đó cũng là câu hỏi mà ông Bùi Văn Oanh đặt ra từ hơn 30 năm nay khi đạp xe ba bánh khắp các ngõ phố. Tuy nhiên, có lẽ điều làm ông già 66 tuổi này khác với người khác là ông không chỉ thắc mắc mà còn hành động.
Khi tôi đạp xe đi vòng vòng Tp.HCM thì tôi thấy những mảnh đời bất hạnh và nhớ lại hoàn cảnh gia đình nên nảy ra ước mơ thành lập đội mai táng.
Cảm thương cho những số phận lang thang, cơ cực đến lúc nhắm mắt cũng không được chôn cất đàng hoàng, năm 1979 ông Oanh nảy ra ý định mai táng cho những người khốn khổ đó. Ông nuôi ý định này bởi chính bản thân ông hiểu được nỗi đau khi nhìn người thân chết lạnh lẽo mà không có nổi một cái hòm để chôn.
Tôi tin rằng ai cũng có một tấm lòng nhân ái nhưng vì phải mưu sinh mà khép kín. Tôi muốn gợi lên lòng nhân ái càng xa càng tốt. Tôi hy vọng việc làm của tôi sẽ tạo ra thêm nhiều ông Oanh khác ở các nơi khác.<br/> Ông Oanh
Cha tôi mất lúc tôi vô cùng nghèo khổ, con cái 5-6 đứa nheo nhóc, nhà thì mái lá. Tôi chạy đến nhà bán hòm và mua một cái quan tài trị giá 200 đồng lúc đó. Lúc đó tôi gom hết gia sản, kể cả tiền phúng điếu mà chỉ được có 150 đồng, cho nên sau đó họ đã thưa tôi ra chính quyền. Ba năm tôi đã vất vả đạp xe ba bánh khắp nẻo đường mới có đủ số tiền 50 đồng trả cho người ta.
Cha ông Oanh mất năm 1979 nhưng mãi đến ba năm sau ông mới trả được hết số nợ chôn cha mình. Từng ngồi nhìn xác cha mà ôm mặt khóc vì không biết làm thế nào có tiền để chôn cha, ông mủi lòng với cái lạnh lẽo của những cái chết cô đơn trên đường phố và thấm thía được nỗi đau khổ của những gia đình nghèo xơ xác. Ông Oanh quyết tâm thành lập một đội mang táng thiện nguyện nhằm giúp chôn cất những số phận neo đơ, cơ nhỡ và nghèo khổ. Để thực hiện được ước mơ của mình, ông Oanh phải trải qua nhiều vất vả:
Tuy nhiên lúc đó nó không thành hiện thực nên quyết định bỏ ống heo. Mỗi bữa đi làm về là tôi gom góp. Cái nào mua gạo nuôi vợ con thì để riêng. Rồi ba năm trời như thế thì tôi mới thành lập được đội mai táng thiện nguyện. Đạp đến nỗi chân tôi nổi gân cả, buông cái xe ra là tôi oải cả người. Nhưng con nhỏ, không tiền mua gạo nên ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền thì thôi chứ không cần biết là bán sức lao động này với giá bao nhiêu.
Tấm lòng nhân ái
Mỗi ngày, khi đạp xe ba bánh quanh Sài Gòn, ông lân la dò hỏi cách thức tổ chức ma chay và mai táng. Sau khi dành dụm được 3 năm, đội mai táng “Oanh Lập” được thực hiện với chính ông và vài ba người thân tham gia. Qua 31 năm lặng lẽ, ông đã vận động được khoảng 20 người vào đội mai táng thiện nguyện.
Những người trong đội mai táng Oanh Lập cũng là những người nghèo lao động phổ thông bình thường. Họ là những người chạy xe ôm, đạp xích lô hay thậm chí đi nhặt ve chai. Họ vẫn đi kiếm sống hằng ngày nhưng hễ khi có hữu sự là các anh em đều có mặt. Trong số họ, có những người đến với đội mai táng Oanh Lập đã 20 năm. Anh Nguyễn Hữu Phúc, một trong những người theo ông Oanh khá lâu, cho biết:
Tôi chạy xe ba bánh, thấy chú Oanh làm việc cao cả nên xin đi theo làm việc thiện cùng chú. Tôi rất vui vì mình làm được những việc mà ngay cả những người có tiền chưa chắc làm được.
Mỗi khi nghe tin ở đâu có người chết mà không có thân nhân, ông Oanh đứng ra vận động bà con góp tiền mua hòm để hỏa táng. Còn nếu đối với gia đình nghèo, ông cũng hỗ trợ ma chay, lễ lạc và thậm chí tiền mua hòm.
Những người được tôi chôn cất là những người không còn gì cả. Họ là những mảnh đời bất hạnh nằm lây lất trong các thành phố; hoặc là những người có gia đình nhưng cơm còn không có ăn. Khi chết, họ không được chôn cất nằm mở mắt trông rất tội cho nên tôi phải ráng làm.
Ông Oanh cho biết, mặc dù ông không phải giàu có nhưng cái diễm phúc của ông là còn có một gia đình và một nơi để đi về sau một ngày vất vả; còn những người cơ nhỡ khi mất đi mà cái bất hạnh còn đeo mang. Chính vì thế, mặc dù những người được ông chôn cất không phải là người thân, nhưng ông cũng xem như bà con ruột thịt:
Nếu tôi không nhận được tin báo có người mất thì tôi coi như người thân của mình vẫn bình an. Còn nếu có ai gọi cho tôi báo tin có người chết thì dù người đó không quen biết tôi cũng coi như chính người thân của mình mất đi.
Mặc dù là hộ nghèo trong xóm, nhưng nói về nhân nghĩa thì hiếm ai bì được với gia đình ông Oanh. Hai cô con gái của ông mặc dù đã lấy chồng, nhưng hễ khi có người chết cần ông Oanh giúp là cả vợ và con gái ông cũng tham gia. Tuy nhiên, trước khi được gia đình và xã hội ủng hộ, ông Oanh phải trải qua một thời gian vô cùng khó khăn khi bị người khác đay nghiến. Vợ ông Oanh, bà Nguyễn Thị Y chia sẻ:
Gia đình khó khăn mà ông lại làm như thế nên tôi thấy rất eo hẹp nhưng sau tôi thấy dù có cản ông cũng làm nên ủng hộ ông, coi như tích phước cho con cháu.
Bị sự chế giễu của hàng xóm không phải là khó khăn duy nhất của ông Oanh khi ông già trên 60 tuổi không còn đủ sức lao động để đạp xe mướn. Để giúp được người khác, ông Oanh phải dành dụm số tiền ăn khoảng 2 triệu rưỡi mỗi tháng hàng tháng mà con cái ông cho. Ngoài ra, ông cũng phải đi vận động bà con lối xóm và cái trại hòm để mua hòm chôn cất người chết.
Lòng tốt không có giới hạn
Ông Oanh chia sẻ, nhiều khi có được một cái hòm giá hơn 2 triệu đồng, ông phải vất vả đổ hết mồ hôi và nói hết lời để xin bá tánh. Có lúc không ai hỗ trợ, ông bấm bụng mua thiếu để có hòm chôn người chết trước rồi sau đó tìm kế trả nợ sau. Từ hơn 30 năm nay, ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Một khi người ta đã tìm đến ông nhờ chôn cất vì quá nghèo thì ông phải làm bằng mọi cách, bất kể người chết là dân xì ke hay dính vào tệ nạn xã hội. Ông nói:
Nghèo không phải là một cái tội. Mình có đau răng mới biết đau răng là như thế nào. Xì ke cũng không phải là một cái tội. Tội chăng là với gia đình, luật pháp, xã hội nhưng không phải là tội với việc làm thiện nguyện của tôi. Khi họ mất họ đều là thân nhân tôi cả. Người đã nằm xuống rồi, còn gì nữa mà trách.
Cứ như thế, một năm 365 ngày là 365 ngày ông làm việc bất kể đêm ngày. Chiếc điện thoại của ông lúc ngủ cũng chưa bao giờ tắt đi, phòng khi có người gọi nhờ giúp đỡ. Từ nhiều năm nay, ông đã chôn hàng nghìn người cơ nhỡ, bần cùng mà chưa một lần đòi hỏi. Đối với ông Oanh, những giá trị mà ông được nhận còn lớn hơn những gì ông cho đi:
Mình làm thì mình có một niềm vui riêng. Nhiều người hỏi tôi làm như vậy được cái gì, tôi cũng nói đơn giản là nếu không được bây giờ thì được ở kiếp sau. Tôi làm cái này có một niềm vui là được chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác.
Mặc dù sống tại Sài Gòn nhưng ông Oanh chôn cất cho người ở hầu như khắp các tỉnh trong cả nước. Ông cho biết trừ Hà Nội ra, cá tỉnh từ Trà Vinh, Sóc Trăng cho đến Nha Trang, Tuy Hoà… ông đều đến giúp chôn cất cả. Mỗi một lần giúp người để lại cho ông một kỷ niệm riêng, trong đó có nhiều kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được:
Có rất nhiều kỷ niệm. Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên là có một gia đình từ tỉnh lẻ vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Người vợ phụ rửa chén bát còn người chồng bán vé số. Chẳng may trong một lần đi bán vé số thì ông này bị té và chết trên đường. Gia đình gọi cho tôi, tôi đến và chứng kiến hoàn cảnh rất tội nghiệp vì nhà của họ là nhà thuê nên không được để xác trong nhà. Tôi khâm liệm xong và chở xác về quê ở Nghệ Tĩnh và cũng quên bẵng đi chuyện đó. Nhưng một năm sau thì người vợ dắt đứa con tìm đến nhà tôi mà lạy tạ ơn.
Nếu tôi không nhận được tin báo có người mất thì tôi coi như người thân của mình vẫn bình an. Còn nếu có ai gọi cho tôi báo tin có người chết thì dù người đó không quen biết tôi cũng coi như chính người thân của mình mất đi.<br/> Ông Oanh
Có lẽ sự tạ ơn của cô gái làm ông Oanh cảm thấy hạnh phúc và cảm kích, nhưng nó chưa phải là tâm nguyện của ông. Việc làm của ông xuất phát từ một mục đích chung và tâm nguyện của ông cũng không nằm ngoài mục đích đó:
Tôi tin rằng ai cũng có một tấm lòng nhân ái nhưng vì phải mưu sinh mà khép kín. Tôi muốn gợi lên lòng nhân ái càng xa càng tốt. Tôi hy vọng việc làm của tôi sẽ tạo ra thêm nhiều ông Oanh khác ở các nơi khác.
Ông Oanh đã đúng khi cho rằng “phải đau răng mới hiểu được sự đau đớn đó như thế nào”. Nhưng có lẽ không cần phải đau mới thông cảm được nỗi đau của người khác. Đối với ông, lòng tốt là vô hạn và nó không chỉ được dành để trả ơn những người ông mang ơn. Năm xưa, những người hàng xóm đã giúp ông Oanh chôn cất cha của mình và ông chọn giúp đỡ người khác như cách để trả ơn cuộc đời. Và lòng tốt chỉ có ý nghĩa khi nó đến được nơi cần nó.
Mời quý thính giả đóng góp cho chương trình tại Quynhchi@rfa.org.
Theo dòng thời sự:
- Khi đau đớn không thể sớt chia
- Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả
- Đau xót khi tự tay "cầm tù" con mình
- Quá muộn để yêu nhau
- Cô gái chưa bao giờ biết đến từ "Tương lai"
- Mong một lần được đứng lên
- Ngày Quốc tế Thiếu nhi và ước mơ một đôi giày
- Ông bố nát rượu và cô bé đảm đang
- Chuyện về người thầy giáo không lương
- Cô gái vượt lên số phận
- Người đàn bà bán vé số muốn sống trọn đạo
- "Đàn bà đi biển…"