Một trong những thách thức đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay là các trợ giúp về tài chính của quốc tế dành cho Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ giảm đáng kể. Trong đó phải nói đến chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, một trong những chương trình quốc gia trọng điểm.
Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để gánh vác những trách nhiệm tài chính nặng nề hơn trong tương lai liên quan đến chương trình này hay chưa?
Liệu người có HIV/AIDS tại Việt Nam sắp tới có phải trả tiền cho thuốc ARV hay không?
Từ nhận thuốc miễn phí ...
Chỉ khoảng hơn 10 năm về trước, việc phát hiện nhiễm HIV/AIDS đối với rất nhiều người Việt Nam thường có nghĩa là bị kết án tử hình. Nhưng những năm gần đây, các hoạt động phong phú và liên tục của nhiều dự án phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, đặc biệt là chương trình cấp thuốc ARV miễn phí của quỹ PEPFAR, Mỹ và các chương trình chăm sóc y tế khác đã giúp kéo dài tuổi thọ của nhiều người.
Những suy nghĩ bi quan trước kia ngày một giảm bớt. Tuy thế, cùng với việc Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, nhiều người đang sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam đang lo lắng rằng không lâu nữa họ sẽ phải trả tiền mỗi khi lấy thuốc.
Một thanh niên nhiễm HIV ở Hà Nội, xin giấu tên cho biết, anh được biết tin về khả năng phải trả tiền thuốc trong tương lai từ các buổi tập huấn dành cho các tình nguyện viên HIV/AIDS tại Hà Nội. Theo anh đây là một điều rất đáng lo ngại cho những bệnh nhân có HIV/AIDS tại Việt Nam vì phần lớn họ không có đủ khả năng tài chính để chi trả cho việc điều trị này.
Thực sự khi bọn em nghe thấy vấn đề này thì bọn em rất lo lắng vì phải bỏ tiền mua thuốc cho cả hai mẹ con thì cực kỳ quá sức với bản thân.
Chị Trần Thị Huệ, Hà Nội
Chị Trần Thị Huệ, một người có HIV hiện sống ở Hà nội cho biết:
"Thực sự khi bọn em nghe thấy vấn đề này thì bọn em rất lo lắng vì những người đang sống chung với HIV thì công việc làm không ổn định, đã phải làm, phải lo cho gia đình, con cái đã vất vả rồi mà bây giờ mỗi tháng hoàn cảnh em thì cả hai mẹ con đều bị mà phải bỏ tiền mua thuốc cho cả hai mẹ con thì cực kỳ quá sức với bản thân."
Hiện chị Huệ và con được dùng thuốc ARV miễn phí từ quỹ PEPFAR. Mỗi tháng mẹ con chị được phát thuộc một lần dùng trong 30 ngày.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y Tế, hiện Việt Nam có hơn 180,000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 42,000 người đã chuyển sang AIDS.
Năm nay Việt Nam cũng kỷ niệm 20 năm ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, và cũng là 20 năm sự ra đời của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Theo ông Eamonn Merphy, Trưởng đại diện UNAIDS tại Việt Nam thì Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua trong việc phòng chống sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh thế kỷ, đặc biệt là tăng số người được tiếp cận với thuốc điều trị miễn phí. Ông nói:
"Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Hơn 50% những bệnh nhân nhiễm bệnh có thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết, có nghĩa là đã tăng ¾ trong hơn 2 năm qua."
... đến phải trả tiền
Tuy nhiên, cùng với việc gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình, Việt Nam đang phải đối mặt với việc giảm đáng kể các khoản trợ cấp quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Hiện có đến 90% ngân quỹ của chương trình này đến từ nước ngoài, chỉ có 10% là do chính phủ chi trả. Điều này đặt ra các thách thức lớn cho chính phủ Việt Nam. Bác sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết:
"Điều đáng chú ý là có đến 90% ngân quỹ dành cho chương trình này đến từ bên ngoài trong khi đó chỉ có 10% ngân quỹ của chương trình do chính phủ chi trả. Hiện Việt Nam đã chuyển lên nhóm các nước có thu nhập trung bình, họ cần phải sẵn sàng về tài chính để có thể chi trả nhiều hơn cho chương trình. Họ sẽ cần phải sát nhập các dự án hiện có được nước ngoài tài trợ như quỹ PEPFAR chẳng hạn vào một hệ thống y tế quốc gia chung. Cho nên thách thức lớn nhất là phải có nhiều đầu tư hơn từ chính phủ cho chương trình."
Bác sĩ Olivé cũng cho biết hiện tiền tài trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn tiếp tục và vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ việc các dự án này sẽ rút khỏi Việt Nam hay giảm đáng kể các hoạt động trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, về trung hạn, điều này là không tránh khỏi. Ông nói:
"Hiện tại thì tiền tài trợ cho Việt Nam vẫn còn. Các chương trình vẫn chưa chuẩn bị rút khỏi Việt Nam ngay tức khắc. Nhưng điều quan trọng là chính phủ phải nhìn vào khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm tới. Lúc đó sẽ cần nhiều tiền hơn từ chính phủ cho chương trình, và sẵn sàng tiếp nhận các dự án một khi các dự án nước ngoài kết thúc và có thể rút khỏi Việt Nam vì Việt nam đã hoàn toàn ở trong nhóm các nước có thu nhập trung bình và không nằm trong danh sách các nước cần mức trợ giúp như cũ nữa."
Hiện cả UNAIDS và WHO đều đang giúp chính phủ Việt Nam trong việc tính toán để ước tính mức chi phí của chương trình mà chính phủ Việt Nam sẽ phải chi trả trong thời gian tới là bao nhiêu. Hiện vẫn chưa có con số chính thức nhưng theo bác sĩ Olivé thì đó sẽ là một khoản tiền rất lớn.
Nếu chỉ nhìn vào báo cáo của quỹ PEPFAR năm 2010, chỉ riêng khoản tiền điều trị mà quỹ này dành cho 30,000 người có HIV tại Việt Nam, tức chỉ hơn 16% số người nhiễm tại Việt Nam, đã gần 7 triệu đô la. Chi phí cho việc mua thuốc kháng vi rút, phân phối và quản lý mạng lưới cung cấp là gần 18 triệu đô la.
Chính phủ sẽ trả?
Người đại diện của Tổ chức Y Tế Thế Giới cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng để gánh phần trách nhiệm tài chính nặng nề cũng như việc điều hành chương trình quốc gia sau khi sát nhập các dự án khác. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có cam kết chính trị rất mạnh mẽ đối với chương trình thể hiện qua việc Phó Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.
Trả lời về câu hỏi khi Việt Nam phải tiếp quản hầu như phần lớn gánh nặng tài chính của chương trình, liệu người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam có phải trả tiền thuốc ARV hay không. Bác sĩ Olivé nói:
"Tôi nghĩ chính phủ sẽ vẫn tiếp tục chi trả cho phần thuốc cho người bệnh vì đây là chương trình quốc gia, đó là lý do vì sao mà chi phí của chương trình sẽ cao, và việc chuyển giao diễn ra từ từ. Biết được thực tế tại Việt Nam, tôi không nghĩ những người đang sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam phải quá lo nghĩ về việc phải tự chi trả cho các chi phí này.
Tôi nghĩ chính phủ sẽ vẫn tiếp tục chi trả cho phần thuốc cho người bệnh vì đây là chương trình quốc gia.
Bác sĩ Olivé
Mặt khác WHO không ủng hộ việc người bệnh phải trả tiền cho thuốc ARV. Tôi không nghĩ việc tính tiền thuốc ARV cho người bệnh sẽ có thể xảy ra trong giai đoạn trung hạn sắp tới. Lý do nữa để không tính tiền thuốc này là bởi những người đang sống chung với HIV/AIDS tại Việt nam và người có nguy cơ lây nhiễm cao là những người có thu nhập thấp, không có điều kiện để tự chi trả cho các chi phí này."
Trong khi lời phát biểu này của người đại diện Tổ chức Y tế Thế giới có thể làm giảm nhẹ phần nào lo lắng của những người đang sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam, người ta cũng không khỏi đặt ra câu hỏi về năng lực của chính phủ để có thể tiếp nhận các dự án khác vào trong một chương trình quốc gia trong thời gian 5 đến 10 năm tới, nhất là khi sự kỳ thị trong xã hội đối với những người có HIV/AIDS vẫn còn tiếp tục là điều gây đau đầu cho những người làm và thực thi chính sách.