Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong suốt một tháng, thế giới lên cơn sốt với giải vô địch bóng đá thế giới World Cup. Với không khí nhộn nhịp tưng bừng ấy, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu khiá cạnh kinh tế của hiện tượng thể thao này, qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.
Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, giải World Cup đang được cả thế giới theo dõi, người Việt Nam cũng theo dõi rất động đảo, nên chúng tôi đề nghị là kỳ này ta sẽ cùng trao đổi về những khiá cạnh kinh tế của giải vô địch bóng tròn thế giới.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, bởi vì một lý do dễ hiểu là có nói đến nguy cơ suy thoái kinh tế tại Đông Á từ cuối năm nay trở đi và những thách đố cho kinh tế và nhất là vật giá tại Việt Nam vào đầu năm tới thì chúng ta chưa chắc đã gây được sự quan tâm của mọi người. Sau khi có hy vọng vào tổ chức WTO, mọi người ở trong nước có thể tạm quên những thử thách đang chờ đợi để theo dõi giải Vô địch Túc cầu Thế giới.
Trong suốt một tháng, trái đất đã thành trái bóng, nhân đấy ta cũng có thể rút tỉa được vài điều hữu ích về kinh tế, huống hồ đây là giải thể thao được nhiều người theo dõi nhất thế giới với con số ước lượng là 80% dân số toàn cầu…
Việt Long: Còn số người theo dõi Thế vận hội Olympic thì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có thể rút tỉa bài học đầu tiên về kinh tế khi so sánh hai biến cố ấy là chuyện cung cầu. Trước đây, Thế vận hội là biến cố được nhiều người theo dõi nhất khiến đám đông theo dõi này là lực lượng tiêu thụ tiềm thế và đẩy lên những sinh hoạt bên lề, như tường thuật và quảng cáo.
Thế rồi kể từ năm 1994 Ủy ban Thế vận Quốc tế đã tách đôi và xen kẽ hai cuộc đấu là Thế vận mùa Hè với Thế vận mùa Đông, do đó thay vì bốn năm mới có một lần thì cứ hai năm lại có một kỳ thế vận. Kết quả là số người theo dõi có giảm so với giải World Cup, là sự kiện bốn năm mới có một lần, lại được nuôi dưỡng bằng các cuộc đấu từ vòng loại ở từng khu vực, để trong 198 nước chọn ra 32 nước xuất sắc nhất.
Cũng cần nói thêm rằng “theo dõi” 64 trận đấu của giải vô địch này là một khái niệm mơ hồ, ngồi xem tất cả hay một số trận đá trước truyền hình hay xem phần tường thuật, đọc tin về kết quả, v.v… là nhiều mức theo dõi khác nhau. Dù sao, World Cup là sinh hoạt mà các xứ nghèo và nhỏ cũng có thể tham dự và đôi khi còn làm nên sự nghiệp bất ngờ, như vụ đội Trinidad và Tobago thủ hòa với đội Thụy Điển hôm mùng 10 là thí dụ.
Vả lại, Thế vận hội là từng cá nhân tranh tài nhưng cuối cùng thì các siêu cường giàu mạnh nhất lãnh nhiều huy chương nhất, chứ túc cầu là bộ môn tập thể mà ai ai – nhất là dân các xứ nghèo - cũng có thể thấy mình trong đó khi đá bóng từ lúc còn bé, ở góc công viên hay ngoài vỉa hè.
Việt Long: Nói đến chuyện siêu cường và nước nghèo, nếu theo dõi tình hình của các nước tranh giải tại Đức, ta có thể tìm ra vài ba yếu tố giải thích sự thịnh hành của bộ môn này không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước tiên, tôi xin tạm phân biệt thành phần tham gia với tham dự. Tham dự là người theo dõi, là giới mộ điệu hò hét trước màn ảnh chẳng hạn, thì xứ nào cũng có, nhất là tại các nước nghèo. Nhưng tham gia là các nước có đội cầu thủ sáng giá, được lọt vào thành phần 32 nước thi đấu cho chúng ta theo dõi. Việc tham gia ấy đòi hỏi một số điều kiện thuận lợi như ông muốn nói tới.
Việt Long: Thế kinh tế có phải là một điều kiện đầu tiên hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi tình hình kinh tế và chính trị nói chung tốt đẹp, số người tham dự theo dõi có thể lên tới rất cao. Ngược lại, nếu bị bận tâm vì nhiều chuyện khác thì người ta ít theo dõi hơn, như trường hợp có thể thấy tại Pháp kỳ này. Pháp là vô địch World Cup năm 1998, nhưng số người theo dõi năm nay có thể ít hơn vì những khó khăn muôn mặt của xã hội Pháp.
Nói về thành phần tham gia thì kinh tế là một lợi thế nhưng không là điều kiện tất yếu. Thí dụ các nước Âu châu chiếm đa số tới 16 trong 20 nước đứng đầu danh mục FIFA. Nhưng kinh tế không giải thích tất cả vì trong bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới, Canada không được vào Worl Cup, hay Nhật Bản thì đứng hàng thứ nhì thế giới về sản lượng mà lại xếp hạng thứ 41. Trong khi ấy, xứ Brazil vẫn là một quán quân về túc cầu và có thể lại là vô địch năm nay mà không là xứ giàu nhất.
Việt Long: Và Hoa Kỳ cũng là một trường hợp khác, hay Trung Quốc cũng vậy phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, chúng ta bắt đầu đề cập tới một yếu tố khác, là văn hoá hay giáo dục. Túc cầu mà dân Mỹ gọi là "soccer" là bộ môn thể thao thịnh hành nhất trong giới thiếu nhi từ bảy đến 11 tuổi, nhưng khi các em bước vào bậc trung học thì lại yêu thích các bộ môn truyền thống của Mỹ, nhất là football, là loại banh cà na hình bầu dục, hay baseball, là loại khúc côn cầu. Trong khi ấy, tại xứ lân bang là Mexico thì túc cầu có thể được coi như một tôn giáo.
Tại Trung Quốc, môn bóng đá mới chỉ bắt đầu thịnh hành gần đây và dù số tham dự có đông đảo thì số tham gia vẫn ít, y như trường hợp Ấn Độ, sẽ có mấy trăm triệu trong dân số một tỷ người của họ theo dõi World Cup nhưng môn thể thao thịnh hành nhất vẫn là cricket, một loại đánh banh có thể là nguồn gốc của baseball tại Hoa Kỳ.
Việt Long: Như vậy, kinh tế không quyết định tất cả, mà còn cả tập quán văn hoá hay những yếu tố gì khác phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Các nhà kinh tế có tìm hiểu về hiện tượng ấy và ngoài tập quán văn hoá hay giáo dục thì họ có nói đến những yếu tố sau đây trong trường kỳ.
Thứ nhất, có hy vọng thắng lớn là một nước có nền kinh tế thịnh vượng, dù chưa giàu nhất thì cũng phải trong thành phần các nước đang phát triển. Bốn nước Âu châu từng chiếm giải vô địch, là Anh, Đức, Pháp, Ý, đều nằm trong bảy nước công nghiệp của nhóm G-7.
Trong thành phần các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga hay Brazil thì Brazil là thủ lãnh lẫy lừng và trong một tương lai không xa, Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể có hy vọng tham gia giải World Cup.
Việt Long: Nhất là hai nước ấy lại có dân số nhất nhì thế giới phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vâng, dân số một quốc gia có thể là yếu tố phù trợ. Dân số càng cao thì thành phần chơi bóng đá ở vào lớp tuổi từ 16 đến 36 lại càng đông nên có hy vọng tìm ra người tài. Brazil và cả Argentina có thể là những thí dụ tại Nam Mỹ.
Các nước dù thịnh vượng mà có dân số thấp thì ít hy vọng, như trường hợp Luxembourg, Thụy Sỹ hay Na Uy. Một nước có thể vào chung kết là Italy chưa chắc đã có tương lai trong hai chục năm tới nếu dân số cứ sa sút dần và có ngày thua Turkey tại Âu châu hay Ấn Độ tại Á châu. Trường hợp Liên bang Nga cũng thế, với dân số suy giảm dần từ nay đến giữa thế kỷ.
Việt Long: Như vậy, biến chuyển trong thế giới bóng đá cần đuợc nhìn một cách toàn diện và trong trường kỳ phải không? Ta đã đi qua các yếu tố kinh tế, văn hoá và dân số. Ngoài ra còn yếu tố gì khác là đáng kể?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa sự thịnh vượng, văn hoá và dân số còn bị chi phối bởi một hiện tượng mới là toàn cầu hoá. Xin nhắc lại là một phán quyết của Toà án Âu châu vào cuối thập kỷ 90 cho phép các đội tuyển câu lạc bộ ở Âu châu thuê cầu thủ chuyên nghiệp ở nước ngoài.
Nhờ vậy mà nhân tài về túc cầu cũng có thể vượt biên cương để hoà nhập vào luồng trao đổi quốc tế, kể cả chuyển giao kỹ thuật hay nghệ thuật đá bóng. Cầu thủ từ các nước nghèo ở Phi châu hay Mỹ châu La tinh đem lại danh vọng cho các đội tuyển Âu châu nhưng ngược lại cũng đem về nhà những kiến thức về tổ chức và khiến túc cầu càng phổ biến hơn và có nền nếp hơn.
Việt Long: Tổng kết lại thì sự thịnh vượng về kinh tế vẫn là một đóng góp cần thiết?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tổng hợp lại thì dân số, giáo dục và sự thịnh vượng có thể là các yếu tố phù trợ đáng kể nhất. Khi kinh tế phát đạt và không bị khủng hoảng thì một xứ hạng nhì về kinh tế như Brazil hay Ấn Độ sau này vẫn có thể bỏ tiền ra thuê cầu thủ hay huấn luyện viên thượng thặng của Âu châu về cho hội tuyển của mình, tạo ra một sức thu hút rất lớn trong quần chúng và từ đấy có hy vọng tìm ra nhân tài để tranh đua với thế giới.
Nếu nhìn xa hơn thế để tổng hợp nhiều yếu tố khác biệt, ta còn có thể thấy một mối liên hệ dù gián tiếp nhưng vẫn đáng kể giữa thành quả trong giải World Cup với thành tích kinh tế của một xứ mở cửa, đo lường ở chỉ số gia tăng của thị trường chứng khoán trong nhiều năm liền.
Các nước mạnh nhất trong số tranh tài năm nay đều có chỉ số chứng khoán gia tăng kể từ giải World Cup kỳ trước vào năm 2002. Tuy nhiên, kết quả luôn luôn là sự bất ngờ chứ không phải tất yếu nên giải này mới có sự hào hứng, nhất là cho các nước đang lên.
Việt Long: Theo dõi sinh hoạt kinh tế của thế giới, ông có thấy giới kinh tế dự đoán gì về kết quả chung cuộc sẽ được thấy ngày mùng chín tháng Bảy này không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên thế giới, không ít cơ quan hay diễn đàn đã tính ra xác suất thành bại của các đội tuyển – kể cả và nhất là những tổ chức cá cược thu thập ý kiến của giới mộ điệu. Trong lãnh vực kinh tế thì vì mục tiêu giải trí và có thể là chiêu mại, tổ hợp Goldman Sachs tại Mỹ cũng có làm một báo cáo kết hợp các dữ kiện của FIFA và của giới cá cược, được gia trọng với cường độ và lịch trình thi đấu của các đội, để nêu ra vài dự đoán đáng chú ý.
Việt Long: Ông có thể nói thêm về dự đoán ấy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ dự đoán xác suất trở thành vô địch cho cả 32 nước tham dự. Thấp nhất là đội của Trinidad và Tobago thì chỉ có 0,2% hy vọng thắng giải, nhưng đội này cho thấy khả năng bất ngờ khi chỉ còn 10 cầu thủ sau phút thứ 46 mà vẫn thủ hoà với đội Thụy Điển có xác suất trở thành vô địch cao hơn 18 lần, là 3,6%.
Từ trên xuống, Brazil có xác suất cao nhất, là 12,4%; kế tiếp là Anh, với 8,6%; Tây Ban Nha đồng hạng với Pháp là 8,3%; Hà Lan có 8% xác suất thắng giải; Argentina được 7,4%, trên xứ Portugal và nước chủ nhà là Đức. Ngang ngửa trong nhóm đó là Ý và Tiệp. Chúng ta có thể nghi ngờ dự đoán ấy sau khi chứng kiến trận ra quân của Anh!
Nhân đây, tôi cũng xin nói đến việc hai sinh viên 22 tuổi đã áp dụng công nghệ tín học để dự đoán kết quả, một là người Ấn Độ một là người Iran. Họ đang học ngành điện toán tại Đại học Hoa Kỳ ở Sharjah của vùng Vịnh Ba Tư và dưới sự hướng dẫn của một Giáo sư người Đức đã thảo ra một mô thức điện toán dùng trí thông minh nhân tạo tổng hợp các dữ kiện của cả 32 đội từ 20 năm nay để dự báo kết quả.
Hãy tưởng tượng ra một điển hình của toàn cầu hoá qua sự kiện ấy, một Đại học Mỹ tại Dubai, hai sinh viên Nam Á và Trung Đông, một giáo sư Đức, dùng công nghệ tín học để dự đoán kết quả với xác suất đúng sai là 83%.
Việt Long: Dự đoán ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Mô thức ấy được gọi là FIFI, viết tắt từ Fifa Intelligence và đoán là ở vòng tứ kết Anh sẽ đá bại Argentina và Hà Lan sẽ loại Đức. Sau đó, Brazil sẽ gặp Anh và Hà Lan sẽ gặp Ý ở vòng bán kết. Ngày mùng chín tháng tới, Brazil sẽ trở thành vô địch lần thứ sáu sau khi đá bại đội tuyển của Ý!
Việt Long: Theo diễn tiến từng ngày của trận tranh tài World Cup và những bất ngờ của khả năng của các đội tuyển thì dự đoán này chưa có gì là đáng tin cậy. Và thưa quý thính giả, chúng tôi nêu lên kết quả những dự đoán này theo một tính cách khoa học để có thể làm rõ hơn khía cạnh kinh tế cũng như khía cạnh toàn cầu hoá và một số yếu tố khác của giải bóng đá thế giới, và xin được phép không phải chịu trách nhiệm về những dự đoán đó, trong trường hợp quý vị thính giả nào đem kết quả đó ra cá cược, mà chẳng may lại thua một tô phở hay một chầu cà phê. Việt Long kính chào quý thính giả và ông Nguyễn Xuân Nghĩa.