Tài trợ chuỗi cung ứng châu Á

0:00 / 0:00

Từ 10 ngày qua, thế giới bị hoảng loạn về hậu quả của dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc và Á Châu rồi lan ra hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Nền kinh tế tương đối khả quan nhất là Hoa Kỳ cũng có triệu chứng hốt hoảng trong mấy ngày liền. Nhưng Châu Á còn là tâm điểm của chuỗi cung ứng vây quanh Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về một khía cạnh bất ngờ, đó là các nước tài trợ chuỗi cung ứng đó bằng gì?

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, ngoài hậu quả đột ngột từ trận chiến về giá dầu thô giữa Á Rập Xaođi với Liên bang Nga, thế giới vẫn chưa biết đại dịch từ vi khuẩn Covid-19 sẽ còn hoành hành bao lâu, với hiệu ứng gì cho các nền kinh tế Á Châu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài khía cạnh nhân sinh khi toàn cầu có hơn 10 vạn người nhiễm bệnh, hơn bốn nghìn tử vong, mà ba phần tư là tại Trung Quốc, ta thấy dịch bệnh này đang thật sự là đại dịch vì lan ra 105 quốc gia và khu vực trên thế giới. Vì vậy, nếu các nước có hốt hỏang thì cũng là điều có thể hiểu được.

Châu Á không chỉ là tâm điểm của dịch bệnh từ đó lan ra toàn cầu. Khu vực này còn là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, hay "global supply-chain" vây quanh Trung Quốc, có sản lượng thứ nhì thế giới.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Nói về kinh tế - vốn là chủ điểm của tiết mục chuyên đề này – Châu Á không chỉ là tâm điểm của dịch bệnh từ đó lan ra toàn cầu. Khu vực này còn là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, hay “global supply-chain” vây quanh Trung Quốc, có sản lượng thứ nhì thế giới. Ngày nay, kinh tế Trung Quốc thật sự bị đình đọng mà mọi nơi khác cũng đang bị ảnh hưởng, từ Á sang Âu. Các kỹ nghệ du dịch, vận tải, hàng không, v.v. bị tạm ngưng, mọi sinh hoạt có đông người đều bị tạm hoãn. Quan trọng nhất, việc sản xuất hàng hóa cơ phận cho chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị gián đoạn. Khi số cung lẫn cầu đều giảm thì khu vực trung gian ở giữa là ngành tài trợ cung ứng phải hốt hoảng và thị trường tài chính bị dao động.

Chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từng bước để giải thích lại cho thính giả của chúng ta, trước hết, thế nào là chuỗi cung ứng toàn cầu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi các nền kinh tế hợp tác với nhau để tùy theo lợi thế tương đối của từng nơi về nhập lượng như nguyên liệu, kỹ thuật, hay phí tổn mà chế biến ra một sản phẩm hoàn tất rẻ nhất và tốt nhất hầu có thể bán ra toàn cầu, họ đã lập ra một chuỗi cung ứng. Thí dụ là nền kinh tế này bán nguyên nhiên vật liệu, nền kinh tế kia cung cấp nhân công có tay nghề, nền kinh tế khác thì có công nghệ hay thuật lý cao để cung cấp sản phẩm công nghiệp hay bán chế phẩm, rồi ráp thành một sản phẩm hoàn tất cho một nền kinh tế khác phân phối ra toàn cầu.

- Hãy ngĩ tới xe hơi Toyota hay Honda của Nhật, điện thoại Samsung của Hàn Quốc có nhiều cơ phận ráp chế tại Trung Quốc để bán ra ngoài. Châu Á tập trung hiện tượng hợp tác quốc tế đó quanh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, v.v. Điều đáng nói là đa số các nghiệp vụ sản xuất và thanh toán đó đều sử dụng Mỹ kim, dù sao vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất.

Nguyên Lam: Tức là ông bước qua mặt bên kia, là đối giá tài chính của chuỗi cung ứng, có phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, và đấy mới là khía cạnh khó hiểu nhất mà lại có ảnh hưởng quốc tế bất ngờ vì liên hệ đến chính sách tiền tệ của nước Mỹ.

- Ngân hàng của các nước Á Châu kể trên tài trợ chuỗi cung ứng của họ chủ yếu bằng đô la Mỹ mà lại không dễ gì tìm ra. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thiếu thanh khoản thì vấn đề của họ dội ngược về Hoa Kỳ, về các ngân hàng Mỹ và về định chế tài trợ sau cùng là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.

- Như chúng ta thấy khi Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào hôm Thứ Ba mùng ba tuần trước mà lại gây hốt hoảng thì có lẽ thế giới có ba tâm điểm như ba vòng xoáy. Ở trong là tâm điểm của đại dịch từ Châu Á đang làm toàn cầu náo động mà chưa biết bao giờ dứt. Ở vòng ngoài là tâm điểm của chuỗi cung ứng cũng từ Châu Á đang bị đình trệ và gây ra suy trầm. Ngoài cùng là chuỗi cung ứng tài chính Á châu lại thiếu thanh khoản bằng đô la Mỹ.

Nguyên Lam: Như ông vừa nói, chuyện này khó hiểu thật! Nếu vậy, ta sẽ đi ngược từ vòng ngoài vào trong, từ tình hình kinh tế của Hoa Kỳ, ông nghĩ sao?

Ảnh minh họa: Việc chen nhau mua đồ càng gây thêm tổn thất cho kinh tế.
Ảnh minh họa: Việc chen nhau mua đồ càng gây thêm tổn thất cho kinh tế. (AFP)

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta hãy nhìn trên toàn cảnh như thế này. Trong các nền kinh tế tiên tiến thì Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thống nhất đã có giai đoạn tăng trưởng lâu dài và khả quan nhất. Các nước trong khối Euro như Đức, Pháp, Ý, và nhất là Ý, lại không được như vậy và đang ở mé bờ khủng hoảng tài chính vì dịch bệnh. Vậy mà hôm Thứ Tư 11, nước Anh bất ngờ thông báo là cắt lãi suất 50 điểm tới 0,25% vì hiệu ứng đại dịch trên chuỗi cung ứng của họ.

- Khi so sánh thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn có sức chịu đựng cao nhất, với nền kế toán tài chính an toàn hơn cả nên sẽ vượt qua khó khăn. Nhưng, đại dịch vẫn gây ra hốt hoảng như chúng ta đã thấy tuần qua khiến các cơ chế của Mỹ tranh luận về hai loại biện pháp tiền tệ và ngân sách để ứng phó. Tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền, ngân sách là tăng chi và giảm thuế nhằm cấp cứu các thành phần bị nạn.

“Dựa lưng nỗi chết”

Nguyên Lam: Bây giờ các ngân hàng Á Châu lại trông chờ vào Hoa Kỳ để có thanh khoản cho chuỗi cung ứng của họ thì Ngân hàng Trung ương Mỹ nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến chữ "dựa lưng nỗi chết"!

- Sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm 2008-2009, các nền kinh tế Tây phương như Âu-Mỹ đều theo Nhật mà hạ lãi suất tới gần số không, thậm chí số âm, và gây lệch lạc cho kinh tế. Ngày nay, mức lãi suất đó vẫn còn quá thấp nên khó cắt thêm được, nếu kinh tế bị sa sút vì đại dịch.

- Vì vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý ngay tại Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump phàn nàn Ngân hàng Trung ương Mỹ là chậm hạ lãi suất để kích cầu, nhưng định chế này thật ra gần hết đất lùi với lãi suất quá thấp. Hậu quả là tuần qua, họ nói về biện pháp ngân sách là giảm thuế và tăng chi cho các đối tượng bị thiệt hại trong một thời gian nhất định. Mà ta đừng quên rằng các nước Tây phương theo chế độ dân chủ nên biện pháp ngân sách phải có sự phối hợp giữa Hành pháp với Lập pháp và đòi hỏi thời gian với sự đổi chác. Đấy là lúc các ngân hàng Á Châu gõ cửa vì thiếu thanh khoản bằng đô la.

Nguyên Lam: Thưa ông, nếu vậy thì mọi sự đều bế tắc hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hơn 10 năm qua, các Ngân hàng Trung ương Tây phương đều theo nhau hạ lãi suất tới số không nên gây lệch lạc như tôi vừa nói: Tiền nhiều mà rẻ chưa chắc đã giải quyết được nhu cầu kinh tế mà còn tạo ra lợi thế cho giới đầu tư cổ phiếu làm giới đầu tư trái phiếu bị thiệt vì phân lời thấp.

Sự hoảng loạn của viêc chen lấn mua hàng hóa còn nguy hơn dịch bệnh! Lý do là các hệ thống phân phối đó, như Costco, WalMart, Kroger, v.v… bán hàng tiêu dùng hay nhu yếu phẩm và "cái được" của họ không thể bù cho "cái mất" của quá nhiều ngành khá. Cứ xem lợi nhuận hay trị giá cổ phiếu của họ trong tháng qua thì rõ. Nhưng chính là sự hốt hoảng ấy mới càng gây thêm tổn thất kinh tế.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Trong khi chờ đợi biện pháp ngân sách đạt sự đồng thuận chính trị tại Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể trở lại bài toán tài chính căn bản với các ngân hàng Á Châu để chuỗi cung ứng ở đây khỏi sụp đổ. Ấy là “nếu quý vị cần thanh khoản thì chúng tôi có nhiều cách bơm tiền cho vay với hai điều kiện dễ hiểu, 1/ là trả tiền lời cho cao chứ không là gần tới số không để rồi lại ỷ thế rẻ mà làm liều; 2/ phải có tài sản thế chấp thỏa đáng”.

Kết luận

Nguyên Lam: Câu chuyện này quả là phức tạp, nhưng Nguyên Lam vẫn phái xin ông nêu ra vài kết luận ở đây.

- Thứ nhất, chúng ta đang chứng kiến sự hốt hoảng của các nước vì đại dịch toàn cầu, lồng trong sự hốt hoảng về hậu quả kinh tế tài chính. Thứ hai, tâm điểm của đại dịch cũng là tâm điểm của chuỗi cung ứng kinh tế tại Á Châu. Nếu không khéo xử thì Châu Á sẽ bị khủng hoảng và thế giới càng bị lây. Thứ ba, các nước Tây phương theo chế độ dân chủ nên làm gì cũng phải có sự đồng thuận chính trị nên có thể gây ấn tượng sai là không dám triệt để như chế độ độc tài tại Bắc Kinh. Thứ tư, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, lãnh đạo Trung Quốc cũng đã ào ạt bơm tiền bù cho sự hao hụt của các thị trường xuất khẩu mà rốt cuộc lại gây ra hiện tượng “ỷ thế làm liều” của các doanh nghiệp.

- Thứ năm, tôi xin nói tới sự hốt hoảng trong một quốc gia tiên tiến và có nền kinh tế vững mạnh nhất là Hoa Kỳ. Sau chương trình tuần trước, có một thính giả hỏi tôi là khi dân Mỹ chen nhau mua đồ tại hệ thống bách hóa Costco thì điều ấy có lợi gì không cho kinh tế Mỹ? Câu trả lời của tôi là sự hoảng loạn này còn nguy hơn dịch bệnh! Lý do là các hệ thống phân phối đó, như Costco, WalMart, Kroger, v.v… bán hàng tiêu dùng hay nhu yếu phẩm và “cái được” của họ không thể bù cho “cái mất” của quá nhiều ngành khác. Cứ xem lợi nhuận hay trị giá cổ phiếu của họ trong tháng qua thì rõ. Nhưng chính là sự hốt hoảng ấy mới càng gây thêm tổn thất kinh tế.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích vô cùng rắc rối của tuần này.