Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hậu quả của nạn dầu thô lên giá với các nền kinh tế. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện qua cuộc trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Tăng giá kỷ lục
Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Thứ Sáu mùng sáu tuần qua, giá dầu thô đã tăng gần 11 Mỹ kim nội trong một ngày, lên tới mức kỷ lục là gần 139 đô la một thùng. Biến cố ấy khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá mạnh, với chỉ số kỹ nghệ Dow Jones mất gần 400 điểm và kéo theo nạn sụt giá cổ phiếu trên các thị trường quốc tế, từ Á châu tới Âu châu.
Khi nhìn lại, người ta thấy rằng nạn dầu thô lên giá và liên tục vượt mức kỷ lục kề từ đầu năm nay đã gây nhiều biến động kinh tế, xã hội và cả chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, trong chương trình chuyên đề kỳ này, xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về ảnh hưởng hay hiệu ứng của nạn dầu thô lên giá trên thế giới. Đầu tiên nhờ ông giải thích vì sao dầu thô lại tăng giá quá mạnh như vậy?
Khi dầu thô lên giá thì giới đầu tư muồn giữ trị giá tài sản của mình đều có hướng mua dầu trên thị trường thương phẩm để tích trữ nên càng đẩy giá dầu lên cao hơn.<br/>
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do chính là cái thế quân bình căng thẳng giữa yêu cầu gia tăng quá mạnh nên vượt khả năng cung cấp nhất thời của các quốc gia xuất khẩu. Trong hoàn cảnh ấy, bất cứ biến động an ninh hay chính trị nào ảnh hướng đến nguồn cung cấp đều lập tức đẩy giá dầu lên kỷ lục mới.
Cùng với nạn tăng giá thương phẩm - là loại nguyên nhiên vật liệu, nông sản và lương thực gọi là commodity - khi dầu thô lên giá thì giới đầu tư muồn giữ trị giá tài sản của mình đều có hướng mua dầu trên thị trường thương phẩm để tích trữ nên càng đẩy giá dầu lên cao hơn.
Việt Long: Các thị trường dầu khí thường yết giá bằng Mỹ kim nên người ta có nói đến một nguyên nhân khác nữa là nạn Mỹ kim tuột giá, ông nghĩ sao về yếu tố này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa cũng chỉ một phần mà thôi. Khi nói rằng Mỹ kim tuột giá là ta so sánh trị giá đồng Mỹ kim với một số ngoại tệ khác, thí dụ như đồng Euro Âu châu hay đồng Yen Nhật, đồng Bảng Anh, v.v... Nhưng, nếu đối chiếu giá dầu tính bằng Euro thì ta vẫn thấy mức tăng giá đáng kể, nên yếu tố chính vẫn là cái thế quân bình rất bấp bênh của cung cầu.
Trong một tương lai không xa, có lẽ chỉ vài tháng nữa thôi, nếu Mỹ kim có lên giá ta vẫn chưa thấy vì thế mà dầu thô sẽ sụt giá. Nạn tăng giá năng lượng sẽ chỉ chấm dứt và đảo ngược nếu số cung gia tăng rất mạnh là điều khó xảy ra trong ngắn hạn, hoặc vì số cầu sút giảm đột ngột do kinh tế thế giới bị suy trầm, là điều có xác suất cao hơn mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong một kỳ khác.
Tác động đến nhiều lĩnh vực
Việt Long:
Trong khi chờ đợi một thay đổi lớn như vậy, dầu thô sẽ còn cao giá khá lâu. Nếu vậy, hậu quả sẽ ra sao cho các quốc gia trên thế giới? Câu hỏi này đặc biệt đáng quan tâm cho dân Việt Nam vì qua nhiều chương trình trước đây, chúng ta đã nói đến giả thuyết cực kỳ bất ổn cho Việt Nam nếu giá dầu vẫn ở trên mức một trăm hai vì tiếp tục đẩy mạnh lạm phát và gây thêm bội chi ngân sách khi Việt Nam phải bơm tiền trợ giá hầu giúp đỡ giới sản xuất và tiêu thụ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong kịch bản dầu thô cao giá, hoàn cảnh của mỗi quốc gia lại mỗi khác tùy ở mức cung là khả năng sản xuất và xuất khẩu và ở mức cầu là số dầu cần thiết cho sinh hoạt kinh tế. Nếu dầu thô tiếp tục cao giá như vậy, tình hình kinh tế và vị trí chiến lược của nhiều quốc gia sẽ có thay đổi lớn trong những năm tới, là chuyện mấy chục năm mới thấy một lần.
Việt Long: Sự thay đổi ấy có tùy thuộc ở vị trí của một quốc gia là ở sản xuất và bán dầu hoặc phải mua dầu mua xăng, phải không ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, nó tùy thuộc vào khả năng thỏa mãn nhu cầu năng lượng cao hay thấp cho kinh tế quốc gia. Ta có các quốc gia nổi tiếng là có sản xuất dầu, như Iran, Indonesia, Venezuela hay cả Trung Quốc và Việt Nam, mà rốt cuộc vẫn bị điêu đứng vì nạn dầu thô lên giá đã đẩy giá xăng dầu lên cao. Sở dĩ như vậy là vì nhiều lý do.
Nếu dầu thô tiếp tục cao giá như vậy, tình hình kinh tế và vị trí chiến lược của nhiều quốc gia sẽ có thay đổi lớn trong những năm tới, là chuyện mấy chục năm mới thấy một lần.<br/>
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa<br/>
Lý do thứ nhất, là dù có sản xuất và bán dầu thô ra ngoài, như trường hợp Việt Nam, Indonesia hay Iran, thì vẫn phải mua xăng, dầu hay khí đốt từ bên ngoài với giá cao hơn nên gặp hoàn cảnh ta gọi là "lợi bất cập hại". Indonesia vừa tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu khí OPEC cũng vì lý do đó.
Lý do thứ hai, là dù có sản xuất thừa để bán dầu thô ra ngoài mà vì hạ tầng khai thác dầu khí và xăng vẫn lạc hậu và chế độ quản lý kinh tế vĩ mô quá tồi, nên mối lợi nhờ dầu thô lên giá chỉ đủ tài trợ các mục chi tiêu khác của xứ sở. Khủng hoảng vì vậy vẫn có thể bùng nổ, là trường hợp Iran hay Venezuela, nơi mà cả hai Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Hugo Chavez cùng bị thất bại rất nặng về chính trị trong tuần qua.
Việt Long: Thế còn trường hợp của nhiều quốc gia công nghiệp tiên tiến và có chế độ quản lý vĩ mô tương đối vững mạnh mà dù có dầu vẫn phải nhập thêm, thí dụ như Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Các quốc gia ấy sẽ bị hiệu ứng ra sao vì nạn dầu thô lên giá?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, các quốc gia ấy sở dĩ được gọi là tiên tiến vì đều có hiệu năng tiêu thụ cao. Họ cần một lượng dầu thấp hơn để có được cùng một đơn vị sản xuất. Trong 35 nền kinh tế có sản lượng kinh tế cao nhất thế giới, 17 nước dẫn đầu về hiệu năng tiêu thụ đều ở tại Âu châu. Nhật Bản là xứ duy nhất đứng trong tầng lớp đó, ở hạng thứ 14. Nhân đây, xin nói là Iran đứng hạng chót!
Việt Long: Thế còn Hoa Kỳ, một quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ dầu khí?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ đứng thứ 20 vì đặc tính địa dư quá rộng lớn và cũng vì tập quán tiêu thụ của dân Mỹ. Nói cho gọn, thì với một galông xăng, tức là ba lít tám, xe hơi tại Mỹ đi được chừng 32 cây số vì dân Mỹ ưa chạy xe có phân khối cao. Với cùng một lượng xăng đó, một chiếc xe hơi điển hình tại Âu châu chạy được bình quân là 64 cây số!
Khi dầu thô tăng giá và nạn tăng giá ấy kéo dài, xã hội Hoa Kỳ phải thay đổi là điều đã bắt đầu xảy ra. Thứ nhất, dân Mỹ trở thành tần tiện hơn, họ đi chơi ít hơn và chọn xe ít hao xăng hơn. Thứ hai, dân Mỹ bắt đầu thấy nhu cầu phải tìm ra nguồn năng lượng thay thế, và đành thực tiễn chấp nhận là muốn tự túc về năng lượng thì phải hy sinh nhiều mục tiêu khác, như an toàn về môi sinh.
Thứ ba, ngày càng có nhiều người đồng ý là phải cho phép khai thác các giếng dầu ngoài thềm lục địa và tại vùng cực Bắc tiểu bang Alaska xưa nay vẫn bị Quốc hội cấm vì nhiều lý do phù du như bảo vệ môi sinh, thú hiếm hay kỹ nghệ du lịch.
Tranh luận về năng lượng đang trực tiếp chi phối cuộc tranh cử tổng thống và có thể báo hiệu nhiều thay đổi tốt đẹp hơn. Nghĩa là khủng hoảng dầu khí có thể giúp dân Mỹ trưởng thành và làm một cuộc cách mạng.
Ai được, Ai mất?
Việt Long: Bây giờ, ta mới nói đến các nước xuất khẩu dầu đứng đầu thế giới. Có phải là họ có lợi nhất hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có hai trường hợp đáng chú ý nhất trong các quốc gia này. Thứ nhất, Saudi Arabia và nói chung các nước Á Rập trong vùng Vịnh, đều thu mối lợi rất lớn nhờ dầu thô lên giá.
Ngày 27 tháng Năm vừa qua, Hoàng gia Saudi còn thông báo sẽ đầu tư khoảng 130 tỷ Mỹ kim để cài tiến hạ tầng dầu khí và lập thêm xưởng lọc dầu trong nước và ở xứ khác hầu trở thành một thế lực vừa xuất khẩu dầu khí vừa bán xăng. Nhờ nguồn lợi tức lớn lao đó, Saudi Arabia có thể phóng tài hoá thu nhân tâm, là tranh thủ các bộ tộc Sunni, giải trừ ảnh hưởng của xu hướng cực đoan khủng bố, đồng thời trở thành lực đối trọng với chế độ Hồi giáo theo hệ phái Shia tại Iran.
Một nghịch lý bất ngờ là dầu thô lên giá lại có thể góp phần ổn định khu vực Trung Đông - kể cả Iraq - vì không xứ nào muốn động loạn sẽ giết con gà đẻ trứng vàng là khu vực dầu khí.
Việt Long: Ông vừa nói đến một trong hai trường hợp mà ông gọi là đáng chú ý, thế trường hợp thứ hai là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là Liên bang Nga. Nước Nga đang trở thành cường quốc có thế lực nhờ dầu thô lên giá.
Sự sụp đổ của chế độ Xô viết khiến xứ này đã có thể tự túc về lương thực và còn dư cho xuất khẩu là điều chưa hề có trước đây. Từ khi lên cầm quyền sau vụ khủng hoảng kinh tế năm 1998, Tổng thống Vladimir Putin lại chú ý đến khu vực năng lượng, là một trong các trung tâm quyền lực của mình, nên có cải tiến hạ tầng khai thác, là điều không xảy ra tại Venezuela, một xứ độc tài và có dầu như nước Nga.
Cũng vì dầu thô lên giá, khu vực Trung Á có lắm dầu và nhiều tài nguyên càng dễ trở thành vùng tranh chấp ảnh hưởng và quyền lợi giữa Liên bang Nga và Trung Quốc.<br/>
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa
Kết quả là ngày nay, Liên bang Nga có lợi lớn nhờ năng lượng lên giá và đang dùng năng lượng như một võ khí cho các mục tiêu chiến lược với Âu châu hiện đang cần khí đốt của Nga và với một nước Cộng hoà xưa nằm trong Liên bang Xô viết, là Ukraine.
Cũng vì dầu thô lên giá, khu vực Trung Á có lắm dầu và nhiều tài nguyên càng dễ trở thành vùng tranh chấp ảnh hưởng và quyền lợi giữa Liên bang Nga và Trung Quốc.
Việt Long: Ông nói tới Trung Quốc, xứ này bị hiệu ứng thế nào về nạn dầu thô tăng giá?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong tất cả các quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới, Trung Quốc bị hiệu ứng nặng nhất và càng dễ bị khủng hoảng vì vừa đói ăn vừa khát dầu. Cơ bản là thiếu dầu là các doanh nghiệp Trung Quốc phá sản, thất nghiệp tăng và động loạn bùng nổ. Khi dầu lên giá và cần hỗ trợ thị trường nội địa trong khi vẫn phải xuất khẩu thì mâu thuẫn dễ bùng nổ trong bộ máy công quyền.
Thứ nhất là giữa chính quyền trung ương với các công ty xuất khẩu khi doanh lợi bị bào mỏng để xuất khẩu với giá rẻ. Thứ hai là giữa chính quyền và các tổng công ty dầu khí vốn không muốn bán xăng dầu với giá quá thấp của chính phủ. Nếu không kiềm giá và giảm thiểu trợ cấp thì dân sẽ nổi loạn vì xăng dầu quá đắt.
Đấy là hoàn cảnh chung của nhiếu xứ Á châu, kể cả Việt Nam, nhưng nghiêm trọng nhất là tại Trung Quốc. Mà chính là vì vậy, Bắc Kinh càng muốn khống chế khu vực Hoàng Sa và Trường Sa với hy vọng tìm thêm năng lượng.
Tổng kết lại, hiệu ứng dầu khí có thể dẫn tới nhiều thay đổi trên thế giới. Trong một kỳ sau, ta mới thử tìm hiểu xem xăng dầu còn lên giá như vậy được bao lâu nữa...