Hiệp định RCEP có cứu được ASEAN không?

0:00 / 0:00

Trong viễn ảnh kém sáng sủa của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, 10 quốc gia Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN có triển vọng gì không với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP? Tuần này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hai chuyện, là viễn ảnh kinh tế và Hiệp định RCEP.

Nạn suy trầm

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuối tuần qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh vì một trong nhiều dấu hiệu tiên báo về nạn suy trầm đã xuất hiện. Đó là khi phân lời trái phiếu dài hạn, thí dụ là loại 10 năm lại sụt và còn thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn, là điều khá bất thường. Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng đó trước khi ta nói về kinh tế Á Châu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin trình bày về định nghĩa và ngôn từ để mình biết là nói về cái gì. Khi một nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn, thì người ta gọi là bị suy trầm, hay recessiom, là một hiện tượng chu kỳ dăm bảy năm lại bị một lần và mỗi lần kéo dài chừng một hai năm. Khi sinh hoạt kinh tế lại sa sút liên tục trong nhiều năm thì người ta gọi là suy thoái, thoái là lùi, để dịch từ depression. Khi nạn suy thoái kinh tế lan qua nhiều lĩnh vực và quốc gia thì người ta mới gọi là khủng hoảng.

Khi giá đồng sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Sau khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009, tình hình vẫn thiếu khả quan nhưng từ đó đến nay đã gần 10 năm qua mà kinh tế Mỹ chưa bị suy trầm. Do đó, người ta e ngại và tìm nhiều cách đoán trước vì thật ra mình chỉ biết kinh tế có suy trầm hay không sau một hai quý mà thôi. Quốc tế cũng theo dõi chuyện đó của Hoa Kỳ vì nền kinh tế số một của thế giới có sức tiêu thụ cao nhất nên có thể mua hàng hoá của thiên hạ.

- Bước sang chuyện trái phiếu hay tờ giấy nợ. Chủ nợ là người có tiền cho vay như một hình thức đầu tư để kiếm lời thì có thể cho vay ngắn hạn từ vài ba tháng tới dài hạn là cả chục năm hay mấy chục năm. Tiền lời đó nên gọi là phân lời hay yield để phân biệt với lãi suất ngân hàng hay interest rate. Khi cho vay dài hạn, chủ nợ là nhà đầu tư thường đòi tiền lời cao hơn loại vay ngắn hạn vì về dài dễ bị nhiều rủi ro hơn.

- Giới chuyên môn có thể giản lược hóa mà trình bày phân lời từ ngắn đến dài hạn thành một đường tuyến gọi là yield curve. Trên cái trục thời hạn cho vay thì nó thường chếch lên bên phải vì phân lời dài hạn cao hơn ngắn hạn. Việc bất thường là khi đường tuyến lại nằm ngang, thậm chí chúc xuống, là điều xảy ra tuần qua, người ta coi đó là chỉ dấu báo trước suy trầm từ khoảng 300 ngày đến một năm sắp tới.

Nguyên Lam: Thưa ông, những người không am hiểu về kinh tế có thể hỏi vì sao hiện tượng đó có thể báo trước nạn suy trầm. Xin ông giải thích cho dễ hiểu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Con người ta luôn luôn muốn biết trước về tương lai và trong lĩnh vực kinh tế, người ta cố tìm ra cả chục dấu hiệu tiên báo, trong đó có đường tuyến về phân lời như ta vừa nói. Từ hơn ba chục năm nay, các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ đã dùng dấu hiệu đó để tiên đoán.

- Về đại thể, lý do giải thích vì sao thì có tâm lý của nhà đầu tư cho vay tiền bằng trái phiếu. Nếu đường tuyến chếch lên rất cao thì đấy là vì họ đòi phân lời dài hạn thật đắt vì e ngại nạn lạm phát. Nếu đường tuyến nằm ngang hay chúc xuống thì có thể là họ dự đoán về lãi suất ngắn hạn sắp tới và đòi phân lời cao hơn. Kế đó là hậu quả của tâm lý bi quan này trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng hay cơ quan tín dụng huy động tiền ký thác để đem cho vay. Họ trả tiền lời ký thác ngắn hạn và đem cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn và kiếm lời ở giữa. Khi hiện tượng phân lời đảo ngược xảy ra giữa loại trái phiếu ba tháng và 10 năm như ta thấy hôm 22 tuần trước thì mức lời của các ngân hàng giảm sẽ làm họ ngại cho vay và có thể gây ra ách tắc tín dụng làm cho sinh hoạt kinh tế bị đình trệ. Nhưng lần này, sự thể chưa chắc đã tệ như vậy.

Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lần này tình hình kinh tế Mỹ chưa chắc đã tệ như vậy dù đã có hiện tượng chúc xuống của đường tuyến phân lời như ông nói?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có vài lý do giải thích vấn đề kỹ thuật quá rắc rối này. Thứ nhất, sau khi kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng bình quân là 3% suốt năm qua thì năm nay có thể giảm đà tăng trưởng nhẹ, như chúng ta đã trình bày tuần trước. Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật ra tín hiệu khó hiểu sau khi nâng lãi suất cơ bản trong năm ngoái rồi quyết định không tăng lãi suất nữa cho tới cuối năm làm thiên hạ nghĩ rằng tình hình kinh tế sẽ tồi tệ hơn. Thứ ba là sự bất trắc trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và nhất là tình trạng kinh tế quá thất thường của cả Trung Quốc lẫn Âu Châu. Riêng về kinh tế Âu Châu, sự u ám đã thành sự thật với đà tăng trưởng sẽ ở dưới 1% trong năm nay làm cho phân lời trái phiếu Đức đã tuột xuống số âm, là đều bất thường.

Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 29 tháng 1, 2019.
Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 29 tháng 1, 2019. (afp)

- Nhìn trong bối cảnh chung đó, ta thấy ra sự ngược đời là kinh tế Hoa Kỳ lại khá nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, nhờ sức mạnh của thị trường lao động và ảnh hưởng tới đà tiêu thụ của người dân và nhờ một nghịch lý khác là đà tăng chi của ngân sách liên bang. Vì vậy, lần này, chỉ dấu tiên báo của đường tuyến phân lời chưa chắc đã bi quan như người ta nghĩ. Bản thân tôi thì còn theo dõi một chỉ đấu khác là giá một loại thương phẩm khá đặc biệt vì cần thiết cho nền công nghiệp là giá đồng. Khi nó sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn. Giá đồng đã sụt nhưng lại vừa tăng chút đỉnh nên chúng ta cần theo dõi thêm. Nói vắn tắt thì người ta có nhiều cách dự đoán khác nhau nhưng chính tâm lý bi quan có tính chất bầy đàn mới càng dễ đưa tới kết qủa bất lợi cho tương lai.

RCEP

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin được bước qua phần thứ hai là nói về 10 nước Đông Nam Á trong Hiệp hội ASEAN và quy chế tự do thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, thường được gọi tắt là RCEP. Thưa ông, khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP này có giúp gì cho các nước Đông Nam Á hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đó là kịch bản "bên bờ ảo vọng"!

- Về bối cảnh thì năm 2012, khối ASEAN muốn tiến tới một hiệp định với sáu quốc gia đã có hiệp ước tự do thương mại với cả khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn và New Zealand. Tôi nghĩ rằng chính Bắc Kinh thúc đẩy sáng kiến này khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP gồm 12 nước đang thành hình mà không có Trung Quốc. Tham vọng của họ là hội nhập 16 quốc gia có ba tỷ 600 triệu dân và sản xuất ra một phần ba sản lượng toàn cầu.

Khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP chỉ là kịch bản "bên bờ ảo vọng" cho các nước Đông Nam Á.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Ban đầu thì họ mơ hoàn thành việc đó vào năm 2015 mà sau 25 vòng đàm phán qua sáu năm trường thì vẫn chưa đạt đồng thuận. Tiêu chí hoàn tất vào năm 2018 cũng đã qua, nên đành mong rằng có thể ký kết thỏa ước chung trong hội nghị ASEAN tại Thái Lan vào Tháng 11 năm nay, mà cuối cùng cũng sẽ là không.

Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lại có những trục trặc và chậm trễ như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho tôi nói tiếp về bối cảnh đã thì ta dễ hiểu ra sự thể.

- Khác với Hiệp định TPP có tính chất hợp tác toàn diện và còn bao hàm ý hướng chiến lược vây quanh Trung Quốc, Hiệp định RCEP có tham vọng tạo dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn mà tập trung vào lĩnh vực mậu dịch, nôm na là trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thuế suất nhập nội rất thấp. Vậy mà họ mất sáu năm bàn cãi để chẳng đi tới đâu.

- Với 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, đây là cơ hội khuếch trương buôn bán với các nước ở bên ngoài và so sánh với Hiệp định TPP chỉ có bốn thành viên, là Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei, thì RCEP có lợi hơn cho toàn khối. Đó là lý thuyết, thực tế lại hơi khác.

- Với Bắc Kinh thì đây là cơ hội giàng neo cột 10 nước Đông Nam Á vào quỹ đạo của họ trước sức mạnh của Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ với các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, và Úc để khiến các nước này không dễ gì đồng ý với những đòi hỏi về thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy!

Nguyên Lam: Tức là ông bắt đầu giải thích vì sao Hiệp định RCEP này chưa thể thành hình trong năm nay?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quan hệ kinh tế giữa các nước không chỉ có thuế suất nhập nội của hàng hóa và dịch vụ xứ này bán qua xứ kia mà còn có nhiều rào cản, thí dụ như hạn ngạch nhập cảng, hoặc việc hội nhập vào một chuỗi cung ứng, là xứ này trao đổi nguyên vật liệu của các xứ khác để có được sản phẩm hoàn tất. Hiệp định RCEP chỉ tập trung vào chuyện hạ thuế suất mà không thấy ra nhiều khía cạnh rắc rối kia. Đó là một.

- Lý do thứ hai có lẽ xuất phát từ Trung Quốc, Hiệp định RCEP đặt ra khuôn khổ hợp tác giữa nhà nước với nhà nước, trong khi Hiệp ước TPP lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Khi thu hẹp vào phạm vi quyết định của nhà nước thì nhà nước nào cũng nhìn xuống quần chúng của mình khi đàm phán. Thí dụ điển hình là Ấn Độ, một cường quốc kinh tế không thuộc nhóm 11 quốc gia của TPP, mà vẫn e ngại quan hệ với Bắc Kinh và bị nhập siêu với Trung Quốc. Chính Ấn Độ đã nêu ra nhiều đòi hỏi gây trở ngại.

- Mà không chỉ có Ấn Độ là quốc gia sẽ có bầu cử và rất quan tâm đến dư luận, sau Thái Lan vào tuần qua, Úc và Indonesia cũng sắp có bầu cử. Lãnh đạo các quốc gia đó không thể nhượng bộ nước ngoài để có khi thất cử bên trong. Do đó, Hiệp định RCEP này sẽ khó thành hình trong năm nay.

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhóm ASEAN muốn gì và có thể làm được những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đều biết là thuế nhập nội thấp thì sẽ gia tăng số ngoại thương trao đổi với nhau, nhưng các nước Đông Nam Á đang muốn đa diện hóa hệ thống sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho tinh vi hơn mà cũng muốn đa diện hóa các thị trường giao dịch và tiến tới chế độ tự do chuyển dịch người và vật cho mục tiêu phân công đó. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP thật ra chưa có gì là toàn diện mà vẫn bị giới hạn về trao đổi dịch vụ và lao động nên ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán nhưng không giàng tương lai của họ vào cơ chế này.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.