Những bài học từ Malaysia

0:00 / 0:00

Kết quả và ảnh hưởng từ bầu cử

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và xin có lời mừng rằng ông đã bình phục sau hai tuần bị bệnh. Thưa ông, khu vực Đông Nam Á có hai quốc gia thuộc loại quần đảo với lãnh thổ trải rộng trên mặt biển là Malaysia và Indonesia. Trong Tháng Năm vừa qua, Malaysia đã có bầu cử với kết quả gây bất ngờ cho mọi người, qua Tháng Sáu tới đây, Indonesia cũng sẽ có bầu cử để cử tri chọn lựa các chức vụ tại địa phương như tổng trấn hay thị trưởng. Hoàn cảnh địa dư quá đặc biệt của các quốc gia đó là điều rất đáng chú ý nên kỳ này, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho bài toán kinh tế chính trị của họ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm nay, ba nước Đông Nam Á có bầu cử là Malaysia, Indonesia và Cam Bốt. Trường hợp Cam Bốt đáng chú ý vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen cố tập trung quyền lực mà chẳng có thay đổi gì nhiều. Trường hợp Indonesia thì đặc biệt hơn vì vị Tổng thống đương nhiệm mong là cử tri sẽ cho đảng của ông một đa số vững mạnh hơn tại địa phương hầu có thể hoàn thành việc cải cách đã hứa hẹn. Riêng tại Malaysia thì cuộc bầu cử hôm mùng chín Tháng Năm lại gây ra một cơn địa chấn chính trị và kinh tế sẽ còn lan rộng trong cả khu vực, cho nên chúng ta cần tìm hiểu thêm, là điều tôi dự tính từ hai tuần trước mà rồi phải tạm bỏ vì lý do sức khỏe.

Riêng tại Malaysia thì cuộc bầu cử hôm mùng chín Tháng Năm lại gây ra một cơn địa chấn chính trị và kinh tế sẽ còn lan rộng trong cả khu vực.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Chính vì vậy mà kỳ này Nguyên Lam xin ông đề cập tới kết quả bầu cử đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu so sánh, Việt Nam có hoàn cảnh địa dư tốt đẹp hơn Malaysia vì là một quốc gia bán đảo với lãnh thổ tương đối liền lạc, chứ Malaysia lại không được như vậy do lãnh thổ bị chia làm hai phần. Tại hướng Tây, Malaysia là bán đảo tiếp cận với Thái Lan, Singapore và Indonesia. Cách đó 600 cây số về hướng Đông trên mặt biển, lãnh thổ Malaysia có một phần nhỏ tại miền Bắc của của đảo Borneo, phần kia là thuộc về Indonesia. Dù có vị trí địa dư phân tán như vậy, hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia vẫn cố thiết lập cơ chế dân chủ, tương tự trường hợp của Philippines, cho nên chuyện ấy rất đáng cho người Việt chúng ta suy ngẫm mà đừng sợ dân chủ.

- Chuyện thứ hai là hoàn cảnh văn hóa và chủng tộc của Malaysia. Vì lý do địa dư lẫn lịch sử, xứ này có đặc tính đa văn hóa với ba sắc tộc chính là dân Mã Lai, người dân gốc Trung Hoa và người gốc Ấn Độ. Họ sống hòa đồng với nhau trong thể chế quân chủ lập hiến, với quốc trưởng là một Quốc vương có ưu thế biểu trưng cho tinh thần thống nhất. Vì lý do địa dư hình thể, Malaysia còn có chế độ liên bang của nền dân chủ đại nghị sau khi giành lại độc lập từ tay Đế quốc Anh cách nay đúng 60 năm. Nền dân chủ đại nghị là khi quốc hội có thực quyền và đảng chính trị nào chiếm đa số trong Quốc hội thì đề cử chức vụ Thủ tướng là người cầm đầu Hành pháp cho một nhiệm kỳ nhất định.

Nguyên Lam: Nhiều người cứ nghĩ một quốc gia có lãnh thổ phân tán, như trường hợp Malaysia, Indonesia hay Philippines, thường hay tập trung quyền lực để chính quyền trung ương dễ cai trị. Thưa ông, kết quả ấy ra sao sau khi các nước đó giành lại được nền độc lập từ các nước thuộc địa Âu Châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có thấy phản ứng tập trung đó tại Philippines và Indonesia, nhưng hậu quả là chế độ độc tài, như Ferdinand Marcos tại Philippines hay Suharto tại Indonesia. Cuối cùng thì chế độ độc tài bị người dân lật đổ tại Philippines năm 1986 và tại Indonesia năm 1998. Sau dăm ba năm hỗn loạn thì nền dân chủ vẫn được tái lập và người dân tìm ra giải pháp lãnh đạo khác.

- Ta cần nói thêm rằng cả ba quốc gia Đông Nam Á ấy đều có người theo đạo Hồi và dễ bị nạn khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan cuồng tín, là chuyện vừa mới xảy ra cho Indonesia, nhưng chẳng vì vậy mà nhân danh ổn định chính trị họ rơi vào chính sách đàn áp hoặc kỳ thị. Việt Nam nên học kinh nghiệm đó của họ, nhất là khi ba quốc gia đó đều có trình độ kinh tế cao hơn Việt Nam.

Bài học cho Việt nam

Nguyên Lam: Trở lại chuyện Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua, ông thấy là Việt Nam còn có thể học được gì khác từ quốc gia này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi giành được độc lập, một chính đảng đã thực tế cầm quyền liên tục trong một liên minh với các đảng nhỏ hơn, rồi đảng chính trị này biến chất dần thành một hệ thống tham nhũng. Một lãnh tụ từng là Thủ tướng trong 22 năm liền là ông Mohamad Mahathir liền bước qua thế đối lập với cái đảng do chính ông lập ra trước đó và liên minh đối lập này đã thắng cử bất ngờ. Thủ tướng đương nghiệm là ông Najib Rajak phải từ chức và ngày nay đang bị điều tra về tội tham nhũng. Hầu như mỗi ngày người ta lại tìm ra một chứng cớ mới về tình trạng tham ô của ông ta. Vì vậy, bài học nên nhớ ngay là quyền lực kéo dài rất dễ đưa tới nạn tham nhũng là sự cấu kết giữa chính trị với kinh tế. Sau đó là một bài học khác, là chính quyền mới sẽ phải làm những gì để cải thiện nền kinh tế và khôi phục lại niềm tin của quốc dân?

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông tóm lược cho thính giả của chúng ta diễn biến bất ngờ ấy để nhiều người có thể rút tỉa kinh nghiệm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, vì sao lại có sự bất ngờ đó?

- Từ quá lâu, những người tạo ra dư luận thường đánh giá sai phản ứng của quần chúng mà cho rằng nguyên trạng sẽ còn tiếp tục. Nào ngờ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak chỉ được 79 ghế trong tổng số 222 ghế của Quốc hội và liên minh các đảng đối lập lại được 113 ghế dân biểu. Đảng cầm quyền không chỉ thất cử mà các nhân vật có thế giá trong đảng cũng bị cử tri cho về vườn tại những địa phương cứ tưởng là thành lũy của đảng.

Vì vậy, bài học nên nhớ ngay là quyền lực kéo dài rất dễ đưa tới nạn tham nhũng là sự cấu kết giữa chính trị với kinh tế. Sau đó là một bài học khác, là chính quyền mới sẽ phải làm những gì để cải thiện nền kinh tế và khôi phục lại niềm tin của quốc dân?<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thật ra, chỉ dấu bất mãn của cử tri được thấy từ cuộc bầu cử năm 2008, 10 năm về trước, và còn suy sụp hơn trong cuộc bầu cử năm 2013, nhưng liên minh cầm quyền vẫn giữ được đa số là 132 ghế trong Quốc hội nên mắc tội chủ quan.

- Chuyện thứ hai ít ai thấy ra là sự chuyển dịch dân số khá chậm rãi. Thành phần dân Mã Lai có tỷ lệ sinh sản cao hơn trong khi dân số những ngưới gốc Hoa và gốc Ấn lại cứ sụt dần. Liên minh cầm quyền kết hợp ba thành phần sắc tộc ấy trong một hệ thống quyền lợi kinh tế đã mất dần thế mạnh mà không biết, cho tới khi bị thất cử thê thảm hôm mùng chín.

Tương lai của Malaysia

Nguyên Lam: Thưa ông, việc nguyên Thủ tướng Mohamad Mahathir lại ra nhậm chức ở tuổi 92 có là điều lạ hay không và ông ta có thể làm gì cho tương lai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hai chục năm trước, trong vụ khủng hoảng Đông Á vào các năm 1997-1998, tôi đã có dịp trình bày về nhân vật Mahathir này trên diễn đàn của chúng ta. Là người Mã Lai đã tranh đấu cho nền độc lập, ông ta có tư tưởng thiên tả trong chính sách kinh tế nhưng triệt để yêu nước và nghi ngờ Tây phương. Sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir đã về hưu từ năm 2003. Nhưng khi đảng cầm quyền của ông trở thành sa đọa và gây thiệt hại cho kinh tế nên ông phải bước ra lãnh đạo một đảng đối lập và trở về làm Thủ tướng.

- Một nhân vật thân tín xưa kia là Phó Thủ tướng của ông Mahathir là Anwar Ibrahim thì bị mất chức từ năm 1998 và hai lần bị truy tố rồi vào tù vì những tội danh thật ra là chính trị nay cũng vừa được Quốc vương ân xá. Là người có thực tài và uy tín trong khối đối lập, ông Anwar này có hy vọng kế nhiệm sau một hai năm giao thời của ông Mahathir.

Nguyên Lam: Khi theo dõi tình hình Malaysia từ đã lâu như vậy, ông dự đoán thế nào về tương lai xứ này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về trường kỳ, sự chuyển dịch dân số với thành phần gốc Mã Lai theo Hồi giáo sẽ có chủ trương quốc gia dân tộc mạnh hơn và không mấy tin tưởng vào Trung Quốc. Kết quả bầu cử vừa rồi tại Malaysia là điều bất lợi cho Bắc Kinh, nhất là cho Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của ông Tập Cận Bình. Ta đừng quên rằng về địa dư, Malaysia cũng góp phần kiểm soát Eo biển Malacca trên dòng hải lưu chiến lược nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

- Nói về trung hạn, trong vòng từ hai năm tới năm năm, lãnh đạo của Malaysia cũng muốn cải cách cơ chế kinh tế để ít lệ thuộc hơn vào việc xuất khẩu năng lượng và khoáng sản mà phát huy thế mạnh của việc xây dựng hạ tầng cơ sở và các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao hơn. Tôi cho là Thủ tướng Mahathir và ông Anwar sau đó sẽ thực hiện việc chuyển hướng như họ đã hứa khi tranh cử.

- Nói về tương lai ngắn hạn, chính quyền mới phải thu hồi lại cho công quỹ khoản tài sản đã bị Thủ tướng cũ lấy cắp, là điều cần thiết vì ngân sách bị bội chi và vì đề nghị giảm thuế tiêu dùng của Chính quyền Mahathir. Do đó việc chấn chỉnh công chi thu, kể cả thanh toán một số dự án với Trung Quốc, rồi chuyển hướng phát triển cho Malaysia sẽ là những ưu tiên mới.

Nguyên Lam: Vì thời lượng của chúng ta có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kế luận về những bài học từ Malayia.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có hoàn cảnh địa dư và lịch sử bất lợi hơn Việt Nam và cũng từng bị cộng sản chi phối trong những năm đấu tranh cho độc lập, Malaysia tránh được tai họa cộng sản và chiến tranh. Sau đó, họ cố gắng xây dựng dân chủ dù gặp khá nhiều rủi ro. Kết quả là trên một lãnh thổ rộng bằng Việt Nam, với dân số chỉ bằng một phần ba, Malaysia có sản lượng kinh tế vượt xa Việt Nam và người dân có mức sống bình quân là cao gấp bốn lần người Việt mình. Sau cuộc bầu cử vừa rồi, Malaysia sẽ có tương lai khá hơn Việt Nam vì người dân của họ được quyền chọn lựa một giải pháp khác.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.