Lý luận kinh tế của Marx

Thiên tài ngụy biện

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, trong tuần qua, Chính quyền Trung Quốc và Việt Nam có sinh hoạt kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx. Mỗi quốc gia có thể có một lý do tổ chức lễ kỷ niệm này, nhưng việc Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tham dự lễ kỷ niệm trong Nhân Dân Đại Sảnh tại Bắc Kinh và long trọng đề cao cuộc đời cùng tư tưởng của Marx như một di sản thần thánh dẫn đến sự thịnh vượng của Trung Quốc ngày nay cũng làm nhiều người ngạc nhiên. Vì vậy, kỳ này, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích riêng về lý luận kinh tế của Marx.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong cả chục nhà tư tưởng Âu Châu vào thế kỷ 19 và 20 về xã hội chủ nghĩa, chỉ Marx có chủ thuyết được coi là lý luận chính thống của các đảng phái chính trị tự xưng là đại diện của giai cấp công nhân thợ thuyền. Y như Mao Trạch Đông, cuộc sống thật của Marx không được như Tập Cận Bình đề cao chỉ vì nhu cầu củng cố vai trò của đảng Cộng sản Trung Hoa. Ai tin việc tuyên truyền ấy thì ráng chịu. Nhưng quả thật là chúng ta nên nhìn ra huyền thoại - là chuyện không có thật mà cứ được loan truyền - về lý luận kinh tế của Marx, mà điều này thật ra không dễ vì ông ta là một thiên tài về nghệ thuật ngụy biện.

- Trong cả trăm năm, giới nghiên cứu lịch sử vẫn đánh giá cao thiên tài của Marx vì là tác giả của tài liệu tuyên truyền đầy lý tưởng là bản Tuyên ngôn Cộng sản, viết cùng Fredrich Engels và xuất hiện năm 1848, sau đó là các tài liệu vô cùng khó hiểu cho người thường, nhất là bộ “Tư Bản Luận” hay “Das Kapital, viết từ năm 1867 tới khi chết vào năm 1883, cũng do Engels sao nhuận và xuất bản.

Vì vậy, tôi thiển nghĩ Marx là một thiên tài ngụy biện và nếu không có Lenin sử dụng một số ý kiến của ông để cướp chính quyền và xây dựng xã hội chủ nghĩa thì Marx cũng chỉ là một nhà tư tưởng lỗi thời trong buổi bình minh của tư bản chủ nghĩa mà thôi.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Những kẻ nông dại tin vào bản Tuyên ngôn thì cho rằng tài liệu ấy được hỗ trợ bởi một pho sách mà chỉ có giới bác học mới hiểu. Vì vậy, tôi thiển nghĩ Marx là một thiên tài ngụy biện và nếu không có Lenin sử dụng một số ý kiến của ông để cướp chính quyền và xây dựng xã hội chủ nghĩa thì Marx cũng chỉ là một nhà tư tưởng lỗi thời trong buổi bình minh của tư bản chủ nghĩa mà thôi.

Trình tự của lý luận

Nguyên Lam: Ta sẽ khởi đi từ đó và xin đề nghị ông chầm chậm trình bày cho thính giả của chúng ta hiểu ra trình tự hay diễn tiến về lý luận kinh tế của Marx.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là ta phải đi chầm chậm vì không dễ hiểu đâu! Tinh hoa của Marx là đưa ra sự tiên đoán về sự chuyển hóa của xã hội con người lồng trong việc phê phán tư bản chủ nghĩa mới phôi thai vào thời đại của ông. Sau này nhìn lại thì các tiên đoán ấy đều sai mà việc phê phán tư bản chủ nghĩa lại thiếu cơ sở khoa học, là chuyện chúng ta sẽ nói tới. Những tiên đoán của Marx đều sai khi ông còn sống với sự ra đời của Đệ nhất rồi Đệ nhị Quốc tế, thành thử

- Chủ nghĩa Mác-xít có mấy phiên bản mâu thuẫn và đối nghịch cho tới khi Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời với Đệ tam Quốc tế và Đệ nhất Thế chiến. Sau đó là một vụ tàn sát kéo dài cũng vì nhân danh Karl Marx. Vì sao tư tưởng Marx lại bị nhiều lần xét lại như vậy thì cả Staline tại Liên Xô, Mao Trạch Đông hay các nhà lý luận cò con của xứ khác cũng chẳng giải thích được sau khi giết nhau như ngóe! Ngày nay, Tập Cận Bình cũng chỉ ngoa ngụy nói láo mà thôi! Bây giờ, ta sẽ đi vào phần nhức đầu hơn nữa là lý luận kinh tế của Marx.

Nguyên Lam: Ông mới chỉ nhắc lại vài chi tiết về bối cảnh đó, nhiều người đã giật mình! Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển tiếp các khía cạnh kinh tế.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi còn trẻ và học các nhà tư tưởng đi trước, Marx đã muốn đưa ra một triết lý về lịch sử, theo đó các xã hội của con người sẽ tiến hóa theo một xu hướng tất yếu. Đó là phần tiên đoán lý tưởng mà non dại của Marx, nhưng sau này được hệ thống hóa thành "duy vật sử quan", quan điểm duy vật về lịch sử. Sau đó, Marx mới học hỏi thêm về kinh tế và xã hội để lồng vào lý luận có vẻ tiên tri của mình một số hiểu biết lõm bõm về khoa học đầy chất "duy lý" vì tưởng lý trí sẽ giải quyết được mọi bài toán của nhân sinh.

- Nói nôm na dễ hiểu thì xã hội con người tất nhiên tiến hóa theo những định luật lịch sử và vì tư bản chủ nghĩa đã thay thế chế độ nô lệ và phong kiến nên tất yếu sẽ bị thay thế bởi chế độ xã hội chủ nghĩa để tiến lên cộng sản chủ nghĩa. Cốt tủy của Marx là hợp nhất một phê phán luân lý, rằng tư bản chủ nghĩa là sự bóc lột, với chuỗi lập luận có vẻ khoa học về sự bóc lột đó, cho nên tất yếu dẫn tư bản chủ nghĩa tới khủng hoảng và đào thải. Nhưng dưới vẻ khoa học, lý luận kinh tế của Marx là chuỗi ngụy biện!

Nguyên Lam: Vì biết đề tài kỳ này khó hiểu, Nguyên Lam sợ là nhiều thính giả vẫn muốn ông giải thích thêm về lý luận kinh tế đó của Karl Marx.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, Marx vẽ ra lý luận nhập môn về "giá trị lao động", theo đó trị giá của mọi loại hàng hóa là bằng với lượng lao động bình quân để sản xuất ra món hàng đó. Bước thứ hai là lý thuyết về "tiền lương", vì Marx cho rằng tư bản chủ nghĩa dựa trên quyền tư hữu về phương tiện sản xuất nên giới tư bản mua dùng lao động vận hành các phương tiện sản xuất kia và bóc lột người lao động bằng lương rẻ. Bước thứ ba là lý luận về "giá trị thặng dư", sự sáng tạo hàm hồ nhất của Marx. Vì ông ta cho giá trị của hàng hóa là bằng với lượng lao động được mua với tiền lương, thì giới tư bản chỉ cần trả lương thấp hay bắt thợ thuyền phải lao động nhiều hơn là sẽ có thêm lợi nhuận.

- Ra cái vẻ khoa học, Marx còn viết ra công thức về lợi nhuận của tư bản như một phân số: lợi nhuận là tử số ở trên, bên dưới mẫu số gồm có tư bản cố định tức là đất đai và máy móc, và tư bản biến thiên là sức lao động, xin nói tắt là LN/ C+V. Qua nhiều đoạn chứng minh, Marx quy định rằng tư bản biến thiên, hay sức lao động, luôn luôn bằng với lợi nhuận. Từ đấy bèn kết luận rằng giá trị thặng dư hay tỷ lệ bóc lột là 100%. Sự thật không phải vậy nhưng mấy ai chịu khó đọc và tìm ra sự hàm hồ đó?

Bần cùng hóa

Nguyên Lam: Trở lại quy tắc đạo lý về nạn bóc lột và sự tiêu vong tất yếu của tư bản chủ nghĩa thì thưa ông, Karl Marx và những người theo chủ nghĩa Mác giải thích ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Marx đã hàm hồ, người Mác-xít lại khéo ngụy biện nên có nhiều cách giải thích khác nhau! Lý luận đơn giản nhất là sự bần cùng hóa.

- Vì giới tư bản hay giai cấp tư sản làm chủ các phương tiện sản xuất như đất đai máy móc nên họ ra sức bóc lột sức lao động của công nhân khiến thành phần này bị bần cùng, trở thành vô sản, ngày càng đông và có ý thức giai cấp cao hơn, trước bọn bóc lột giàu có hơn mà sẽ là thiểu số. Vì vậy, cách mạng tất yếu bùng nổ để đa số lập ra một chế độ công bằng hơn cho mọi người. Thực tế thì điều ấy chỉ xảy ra và đã xảy ra trong các nước xưng danh cộng sản hay xã hội chủ nghĩa khi nền chuyên chính vô sản mà Marx nói tới lại là ách chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản. Chúng ta đang thấy điều đó tại Cuba hay Venezuela và ngay tại Việt Nam.

- Một cách giải thích tinh vi hơn của những người tự xưng là Mác-xít dựa trên công thức ngoa ngụy của Marx về “giá trị thặng dư” hay lợi nhuận. Vì lợi nhuận dựa trên sức lao động cộng với các phương tiện sản xuất cố định, khi các phương tiện nảy giảm mà sức lao động tăng thì lợi nhuận tất nhiên sẽ giảm và tư bản chủ nghĩa sẽ nghèo đi và bị khủng hoảng rồi sụp đổ. Thời Marx, nhiều người tưởng vậy và khai triển lý luận vừa đạo lý vừa khoa học mà hàm hồ của ông về “giá trị thặng dư” để tiên báo sự sụp đổ tất yếu của tư bản chủ nghĩa và sự ra đời cũng tất nhiên của xã hội chủ nghĩa.

Người ca ngợi Marx là thiếu hiếu biết về kinh tế học, hoặc tệ hơn vậy, là chạy tội cho kẻ sát nhân. Marx chỉ khoác vai đấng cứu thế và chẳng giết ai nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ cộng sản đã làm cả trăm triệu người chết.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thành thử, nếu nói cho gọn thì lý luận kinh tế của Marx là sự nông cạn dễ hiểu vào thời đại của ông. Nhưng trên cơ sở của tư tưởng cao đẹp về việc giải phóng con người, ông cũng biện minh cho tội ác. Người ca ngợi Marx là thiếu hiếu biết về kinh tế học, hoặc tệ hơn vậy, là chạy tội cho kẻ sát nhân. Marx chỉ khoác vai đấng cứu thế và chẳng giết ai nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ cộng sản đã làm cả trăm triệu người chết.

Ảo tưởng

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao một tư tưởng cao đẹp với các lập luận kinh tế đáng ngờ của Karl Marx lại có thể là biến cố lớn trong thế kỷ 20 và giờ này còn được một số người ngợi ca?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có thể chỉ vì giới trí thức lười suy nghĩ và hơi hèn! Họ lười nghĩ vì tin vào những tiên đoán của Marx và còn muốn đón đầu lịch sử nên trở thành công cụ của tội ác rồi cúi đầu chấp nhận, nay còn lải nhải về Marx như kẻ ghiền ma túy.

- Đầu tiên là Engels khi gây ảo tưởng về tương lai tất yếu của nhân loại qua nhiều tiểu luận của ông, nhất là tác phẩm “Chống Duhring” xuất bản năm 1876, khi đã manh nha các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có tính chất cải lương thay vì cách mạng tại Đức. Engels đơn giản hóa nhằm quảng bá tư tưởng có vẻ tiên tri của Marx về một chủ thuyết hành động hợp với quy luật lịch sử cho quần chúng chạy theo.

- Sau đó, Lenin mới là một trí thức siêu đẳng đã đi vào hành động để dùng tư tưởng Marx làm công cụ cách mạng qua nhiều tác phẩm của ông. Để nguyên thì tư tưởng Marx đã bị đào thải, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng Lenin khai triển, loại bỏ và đảo ngược nhiều lý luận của Marx để xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp về cướp chính quyền và thiết lập nền chuyên chính với độc quyền chân lý của đảng và nhà nước theo nguyên tắc dân chủ tập trung đang thấy tại Bắc Kinh. Vì vậy, cách mạng vô sản không xảy ra tại Đức như Marx tiên đoán mà tại Nga nhờ Lenin. Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời mới dọn đường cho các bạo chúa như Stalin hay Mao Trạch Đông và nhiều kẻ hiếu sát sau này.

Nguyên Lam: Chúng ta không còn nhiều thời gian nên Nguyên Lam xin ông cho một kết luận ngắn gọn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Karl Marx rậm râu sâu mắt chỉ là mụ đỡ cho một lũ sát nhân khiến cả trăm triệu người thiệt mạng trong thế kỷ 20 vì chủ nghĩa cộng sản. Qua thế kỷ 21 mà còn ngợi ca Marx thì chỉ có những kẻ mê tín hoặc các chế độ độc tài muốn dựng xác chết để bảo vệ hệ thống bóc lột đã bị chính Marx đả kích. Hèn gì, vào lúc cuối đời, Marx nói rằng ông không là người Mác-xít!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy vẻ châm biếm kỳ này.