Các quốc gia giữa trận thương chiến

0:00 / 0:00

Với viễn ảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc tạm đạt thỏa thuận trong trận thương chiến giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới, các quốc gia khác sẽ tính sao để bảo vệ quyền lợi của mình? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hồ sơ phức tạp này…

Bảo vệ quyền lợi

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trận thương chiến kéo dài chín tháng giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất thế giới tại hai bờ Thái Bình Dương đang có hy vọng đạt một thỏa ước tạm trong thời gian tới. Khi ấy, các nước khác sẽ tính sao để bảo vệ quyền lợi của mình trong luồng giao dịch toàn cầu?

Kết luận sơ khởi là lãnh đạo và doanh giới xứ nào cũng cần theo dõi việc đàm phán và thỏa thuận tạm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để xem điều đó gây những hậu quả gì cho quyền lợi của mình mà tham gia đàm phán hay tự chuẩn bị.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi tìm hiểu hồ sơ rắc rối này, tôi thiển nghĩ là chúng ta nên chú ý đến bốn chuyện căn bản. Thứ nhất, mọi hiệp ước giữa các nước chỉ được tôn trọng khi quốc gia trong cuộc cùng thấy mình có lợi vì bảo vệ được một phần quyền lợi. Thứ hai, quyền lợi đó không hề cố định bất biến mà còn có thể thay đổi nên sẽ có ngày người ta đòi thương thuyết lại những gì đã đồng ý. Thứ ba, thế giới đã đi vào trạng thái liên lập chứ hết còn tự cô lập về kinh tế, nên trong luồng giao dịch hay chuỗi cung ứng hoặc chuỗi giá trị toàn cầu giữa các nền kinh tế với nhau, người ta không chỉ có hai quốc gia gặp mâu thuẫn và phải đàm phán – giả dụ như giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – vì thỏa thuận nếu có cũng chi phối quyền lợi kinh tế của các quốc gia khác. Do đó và áp dụng thuật đấu trí hay "game theory" vào kinh tế, ta nên thấy vụ thương chiến Mỹ-Hoa sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hay nhóm kinh tế chứ không chỉ có hai nước đó. Kết luận sơ khởi là lãnh đạo và doanh giới xứ nào cũng cần theo dõi việc đàm phán và thỏa thuận tạm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để xem điều đó gây những hậu quả gì cho quyền lợi của mình mà tham gia đàm phán hay tự chuẩn bị.

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng như vậy mà Nhật Bản cũng đang đàm phán với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cuối tuần qua Ngoại trưởng Nhật là Taro Kono đã tới Bắc Kinh hội đàm ở cấp cao về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nghị trình đàm phán bao gồm những điều mà Hoa Kỳ đã khiếu nại với Trung Quốc, như cưỡng bách doanh nghiệp Nhật phải chuyển giao công nghệ hay thuật lý, như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu thông tin, hay việc Bắc Kinh trợ cấp doanh nghiệp của mình và gây ra thế cạnh tranh bất chính. Nếu Bắc Kinh nhượng bộ và chấp hành đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ theo một chu trình kiểm chứng được thì cũng sẽ phải tôn trọng những cam kết đó với Tokyo.

- Song song, Tổng trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi đang gặp Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ tại Washington trong hai ngày 15-16 để mong đạt thỏa thuận về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trong khi đó Ủy ban Âu châu cũng chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ về hai đề mục quan trọng là cắt thuế nhập nội trên mặt hàng công nghiệp và giản lược thủ tục cho các doanh nghiệp Âu Mỹ chứng minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn của đôi bên. Chỉ nhìn sơ như vậy, người ta cũng thấy là các nền kinh tế đều phải theo dõi tình hình chung để tranh thủ quyền lợi riêng.

Nguyên Lam: Qua nhận xét này của ông, phải chăng chúng ta cần thấy nếu Mỹ đòi Bắc Kinh phải mua thêm hàng hóa của Mỹ và chấp nhận cho doanh nghiệp Hoa Kỳ dễ vào Trung Quốc thì các nước chuyên bán hàng hóa hay thương phẩm cho thị trường của Tầu có khi lại bị thiệt?

Nguyên-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy, nhưng thật ra Hoa Kỳ đang đòi Bắc Kinh phải cải cách cơ chế, nâng mức bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài và chấm dứt tình trạng cạnh tranh bất chính qua sự yểm trợ của nhà nước. Nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh tuân thủ những điều kiện ấy thì các nước khác cũng sẽ có lợi. Hoa Kỳ đang mở ra một kỷ nguyên mới khi gây sức ép cho Trung Quốc khiến các nền kinh tế kia, như của Nhật, Úc, Nam Hàn, Đài Loan, Âu Châu và thậm chí của Đông Nam Á, cũng được nhiều lợi ích trong tương lai khi làm ăn với Trung Quốc.

Đơn phương triệt thoái

Nguyên Lam: Người ta thường cho là Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, có chủ đích bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ tới mức hủy bỏ hay đòi song phương thương thuyết lại các hiệp ước quốc tế. Ông nghĩ sao về chuyện đó?

Amazone logo (ảnh minh họa)
Amazone logo (ảnh minh họa) (AFP)

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Điều ấy đúng mà chưa đủ nên gây ấn tượng sai.

- Đúng là Chính quyền Trump chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và của dân Mỹ và tôi cho rằng lãnh đạo xứ nào cũng nên chủ trương như vậy, là điều lãnh đạo Bắc Kinh đã làm từ lâu mà thiên hạ chẳng nhìn ra. Điều chưa đủ ở đây là sự tiến hóa và những thay đổi về quyền lợi khiến lãnh đạo nhiều nước bị quán tính, cứ theo thói quen mà hành xử, nên không dám đặt lại vấn đề, giỏi lắm thì lặng lẽ ăn gian để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi xin lấy một ví dụ ít ai để ý.

- Từ đã lâu, Hoa Kỳ tham gia Liên minh Bưu chính Quốc tế, gọi tắt là UPU, là một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc có chức năng điều hợp chính sách bưu điện và cả giá biểu giữa các thành viên với nhau. Về nguyên ủy, sáng kiến này xuất hiện từ năm 1874 tại Thụy Sĩ. Nhưng tình hình đã thay đổi, nhất là khi có hiện tượng thương mại điện tử hay e-Commerce để người ta giao dịch trực tuyến với nhau, từ chuyển tiền cho tới gửi hàng qua các linh kiện nhỏ. Khi chưa là một nền kinh tế lớn, Trung Quốc hưởng lợi ích này của Liên minh Bưu chính Quốc tế vì gửi hàng qua Mỹ thì thực tế được trợ cấp mà cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ bị thiệt vì nhận giá quá rẻ và phải có bổn phận giao hàng tới từng nhà.

- Doanh nghiệp Mỹ muốn gửi hàng cho khách trong lãnh thổ còn thiệt hơn vì khó cạnh tranh với kiện hàng gửi từ Trung Quốc vào Mỹ với giá bèo. Nhà tiêu thụ Mỹ cũng thế vì nếu không hài lòng mà từ Hoa Kỳ gửi trả về cho nhà xuất khẩu Trung Quốc thì tốn gấp mười trị giá món hàng, cộng thêm cước phí. Vì vậy, từ Tháng 10 năm ngoái, Chính quyền Trump quyết định sẽ rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế trong vòng một năm, nhưng lập tức áp đặt cước phí cao hơn cho các kiện hàng từ Trung Quốc bán vào Mỹ. Vụ này cũng là một khía cạnh của trận thương chiến Mỹ-Hoa mà ít ai chú ý.

Nguyên Lam: Nhưng tại sao Hoa Kỳ lại đơn phương triệt thoái mà không thương thuyết lại với tổ chức Bưu chính Quốc tế này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tổ chức quốc tế này có 192 thành viên nhưng nếu đòi xét lại Hoa Kỳ chỉ có một lá phiếu mà thôi.

- Sáng kiến thương mại điện tử xuất phát từ Hoa Kỳ và phục vụ giới tiêu thụ vì họ có thể ngồi nhà mua đủ mọi hàng hóa và dịch vụ với giá thấp và làm giàu cho các doanh nghiệp Mỹ, như Amazon hay FedEx. Nhưng Bưu chính Hoa Kỳ bị lỗ vì các quy định lỗi thời mà Trung Quốc lại hưởng lợi khi gửi hàng vào Mỹ, cụ thể là thương nhân Trung Quốc gửi hàng rẻ mạt của họ, có khi là nhái hàng Mỹ, qua vạn cây số trên Thái Bình Dương mà trả cước phí còn thấp hơn doanh nghiệp Mỹ bán hàng cũng cho người khách Mỹ đó ở cách ngàn cây số. Quy định này đặt giá biểu bưu chính có nội dung ưu đãi các nước nghèo nhất, Trung Quốc hết là một nước nghèo mà cứ đòi cào mặt ăn vạ.

Là thành viên của Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương giữa 11 nước và có hy vọng tham gia Thỏa ước Tự do Thương mại với Âu Châu, Việt Nam có lợi thế khi đàm phán với Hoa Kỳ để thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, mà căn bản nhất thì vẫn là phát huy nội lực, là hệ thống tư doanh.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Nhân đây, xin nói thêm rằng khi Amazon nương theo mà mở ra mạng thương mại điện tử cho Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có lợi, miễn là có hàng để bán và không bán hàng Trung Quốc dưới nhãn hiệu “Made in Vietnam”.

Khai thác thương chiến

Nguyên Lam: Thí dụ mà ông vừa trình bày cho thấy rằng không chỉ có Nhật, Úc, Âu Châu hay Hàn Quốc, Đài Loan mà các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cũng phải theo dõi và còn nên khai thác trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho quyền lợi của mình. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đấy là một khía cạnh chiến lược. Từ khi tranh cử cho tới ngày đắc cử rồi nhậm chức, ông Trump đã nói đến việc xét lại quan hệ toàn diện của Hoa Kỳ với Trung Quốc, và ông lần lượt làm chuyện đó, với một vài dấu hiệu liên hệ tới Đài Loan và cả Việt Nam. Khi ấy, các nước khác cũng nhìn thấy ưu tiên của mình là gì trong một không gian đa chiều.

- Như Nhật Bản là một bạn hàng của Trung Quốc và Hoa Kỳ mà đang e ngại sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh nên cân nhắc những gì có thể nhượng bộ phía Mỹ, như về nông sản và thực phẩm Hoa Kỳ, nhưng trong khuôn khổ của các quy định của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương CPTTP hay với Liên hiệp Âu châu. Trong khi đó, từng thành viên của Liên Âu, nhất là Đức hay Pháp, lại bị những ràng buộc trong nội bộ với nhau nên sẽ khó đạt thỏa thuận với Mỹ. Loại mâu thuẫn nhiều mặt như vậy dễ gây ấn tượng sai nếu ta không xét cho kỹ.

- Là thành viên của Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương giữa 11 nước và có hy vọng tham gia Thỏa ước Tự do Thương mại với Âu Châu, Việt Nam có lợi thế khi đàm phán với Hoa Kỳ để thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, mà căn bản nhất thì vẫn là phát huy nội lực, là hệ thống tư doanh. Nếu không thì vẫn là người Việt bán hàng Tầu vào Mỹ mà thôi!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.