Hội nghị tuyệt mật
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giới quan sát quốc tế cho rằng lãnh đạo của Trung Quốc đang có hội nghị tuyệt mật tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà bên biển Bột Hải cách Bắc Kinh gần 300 cây số về hướng Đông. Theo dõi tin tức Trung Quốc, ông cho rằng nghị trình của cuộc họp này sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cho là hội nghị đề cập tới các hồ sơ nóng bỏng, như trận thương chiến với Hoa Kỳ, tình hình gay go tại Hong Kong và quan hệ căng thẳng với Đài Loan. Nhưng tôi lại nghĩ hơi khác một chút.
- Trước hết, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn có hội nghị hàng tháng của Bộ Chính Trị dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Tập Cận Bình để thảo luận và giải quyết các hồ sơ nóng của Trung Quốc. Nhưng hội nghị tại Bắc Đới Hà lại do một bộ phận khác tổ chức và bảo vệ. Nó còn quy tụ các lão đồng chí đã về hưu nhằm góp ý với Bộ Chính Trị. Vì vậy, hội nghị tích lũy kinh nghiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo trước sau và đề cập tới nhiều vấn đề sâu xa lâu dài.
- Sau hai Đại hội đảng thuộc Khóa 18 và 19 vào cuối năm 2012 và 2017, người ta thấy một chuyển biến lớn là lãnh đạo đảng dần dần trao phó tối đa quyền lực cho ông Tập Cận Bình nhằm giải quyết nhiều bài toán gai góc và đầy mâu thuẫn của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của họ Tập, chế độ độc tài này đang lui về trạng thái “toàn trị” như dưới thời Mao Trạch Đông với Tập Cận Bình là nhà tư tưởng lớn.
Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, tôi ngờ rằng khi hội nghị Bắc Đới Hà có sự tham gia của các thế hệ lãnh đạo trước, từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào, nghị trình đặt ra phải có viễn cảnh xa. Xa nhất là từ năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời.
Nguyên Lam: Tức là ông dự đoán rằng các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đang bàn về những chuyện xảy ra trăm năm về trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khác với các chế độ dân chủ vài ba năm lại thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử, lãnh đạo Trung Quốc nhìn sâu hơn về lịch sử và có nhiều dấu mốc lâu dài, như trăm năm sau ngày thành lập đảng vào năm 1921 hay 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời vào năm 1949. Làm sao tuyên truyền và huy động quốc dân cho các nhiệm vụ lịch sử đó khi đảng đang phải đối phó với nhiều mâu thuẫn cơ bản mà ông Tập Cận Bình đã đề ra và nói tới? Tôi nghĩ hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào các bài toán này.
Nguyên Lam: Ông nêu ra một ý lạ là tham vọng lịch sử của Trung Hoa Cộng sản đảng đối chiếu với các mâu thuẫn thật ra lại khá nan giải của xứ này. Thưa ông, vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có ý thức lịch sử sâu xa, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy. Nhưng làm sao giải quyết bài toán này?
- Chuyện thứ hai là thế giới đổi thay với nhiều thách đố kinh tế cho đảng đã được các thế hệ lãnh đạo thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nêu lên từ gần hai chục năm trước, như không cân đối, không phối hợp, bất công và thiếu bền vững. Làm sao đảng có thể thay đổi để giải quyết các mâu thuẫn đó mà không mất quyền? Thí dụ cụ thể, trước khi bùng nổ trận thương chiến với Hoa Kỳ, thì đà tăng trưởng đã chậm lại và chính thức chỉ còn khoảng 6-7%, thực tế có khi chỉ bằng một nửa.
Mâu thuẫn bên ngoài và bên trong
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì vấn đề không chỉ là mâu thuẫn mậu dịch với nước Mỹ mà còn là những mâu thuẫn bên trong của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mâu thuẫn căn bản nhất mà có lẽ ông Tập Cận Bình cũng ý thức được vì ông nắm vững nhiều thông tin là làm sao dung hòa các yêu cầu trái ngược? Cụ thể là làm sao hiện đại hóa xứ sở, vừa du nhập quy luật tự do của thị trường vừa bảo vệ quyền kiểm soát của đảng? Tôi e rằng Tập Cận Bình vẫn cứ loay hoay trong các mâu thuẫn ấy khi đảng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng để các đảng viên thực hiện cho bằng được với nhiều tham ô lãng phí và gây hậu quả xấu cho đà tăng trưởng thiếu phẩm chất. Tại hội nghị Bắc Đới Hà, nhiều lão đồng chí đã về hưu tất nhiên nêu ra các câu hỏi gay go ấy.
Sự thật thì "người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già" và "nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung" khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Đấy là khi người ta không nêu ra nhiều vấn đề khác như gánh nợ quá nặng, tình trạng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, vị trí bấp bênh của đồng bạc Trung Quốc, hoặc nạn lão hóa dân số với tốc độ nhanh nhất trong các nước đang phát triển và cái mà giới kinh tế gọi bẫy sập của lợi tức trung bình. Ông nghĩ sao về các vấn đề này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau bảy tám chục năm cải cách, các nước tiên tiến đều lên tới trình độ phát triển cao, với lợi tức bình quân một đầu người ở khỏang 40 nghìn đô la một năm. Trung Quốc chưa lên tới đó vì sản lượng hay năng suất của một người chỉ ở khỏang 12 ngàn đồng. Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày lập đảng trong một hai năm tới thì con số bình quân đó chưa thay đổi nhiều, cho tới năm 2025 may lắm lên tới 14 ngàn đô la một người. Nếu vậy, thành tích của đảng là gì? Thành tích đó là dời cột mốc nhằm đề cao thành tựu của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, là chủ nghĩa Hán tộc ngụy danh và sự hùng mạnh quân sự làm các nước kiêng nể.
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua khía cạnh quốc tế của hồ sơ Trung Quốc, với các bài toán nổi cộm như Hong Kong hay Đài Loan và vùng biển Đông Nam Á mà nhiều người cho rằng sẽ thuộc nghị trình của hội nghị tại Bắc Đới Hà. Ông nghĩ sao về những chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có vấn đề thật và vấn đề giả! Bắc Kinh đã nắm Hong Kong trong tay từ năm 1997 mà thôn tính chưa nổi và nay còn hăm dọa sẽ thống hợp Đài Loan bằng giải pháp quân sự. Tôi cho là trong hội nghị tuyệt mật tại Bắc Đới Hà, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc sẽ nói thật nói thẳng, rằng "Trung Quốc Mộng" do Tập Cận Bình đề ra nhằm xây dựng một trật tự mới của thế giới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc để "bình thiên hạ" chỉ là một ảo vọng.
- Sự thật thì “người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già” và “nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung” khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này. Một thí dụ ít ai nhắc tới là Trung Quốc có tỷ lệ học sinh trung học cao nhất thế giới làm ai cũng sợ, nhưng gần một phần tư lại phá ngang, bỏ học. Tuyên truyền về các thời điểm lịch sử như 1921 hay 1949 thì khá huy hoàng, nhưng thực tế lại chẳng như vậy và kinh tế xứ này vẫn quá lệ thuộc vào việc nhập khầu kiến năng hay “know how” của nhiều nước khác. Vì vậy, hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là phút nói thật ở bên trong.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam x in cảm tạ chuyên gia Nguyễn - Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi thú vị tuần này.