Dịch Corona Vũ Hán

0:00 / 0:00

Dịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán đã gây khủng hoảng cho Trung Quốc và mấy chục quốc gia khác thế giới vì số tử vong gia tăng hàng ngày và vì tổn thất kinh tế mà chưa ai đếm được. Trong bối cảnh đen tối ấy, Diễn đàn Kinh tế xin đi từ đầu nguồn, từ kinh tế chính trị học của lãnh đạo Bắc Kinh.

Vị trí chiến lược của thành phố Vũ Hán

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài từ Tết Bính Tý năm 1997, và Nguyên Lam mong ông đã hưởng Tết Canh Tý vui vẻ với gia đình sau quá nhiều năm làm việc vất vả. Trong chương trình đầu năm Tý lần này , chúng ta không thể không nói về dịch bệnh Coronavirus bùng phát từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc làm nhiều người Trung Quốc tử vong ở trong và ngoài nước với tốc độ đáng ngại. Thưa ông, theo dõi vụ này, ông nghĩ rằng chúng ta nên chú ý đến những khía cạnh gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới chưa biết quá nhiều chuyện trong vụ này nên ta khó đoán ra các hậu quả về thương vong hay kinh tế, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, tôi nhìn vào nhiều khía cạnh khác, may ra phần nào ta hiểu ra nguyên nhân mà tôi gọi theo kinh tế chính trị học là "hậu quả bất lường" và trách nhiệm thuộc về giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tôi xin được nói rằng đề tài này rất rắc rối và ta cần tấm bản đồ của sông Dương Tử với thành phố Vũ Hán nằm ở vị trí chiến lược.

Nguyên Lam: Thính giả của c húng ta đã quen với lối phân tích luôn luôn bất ngờ của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, nhưng thưa ông, vì sao từ dịch bệnh đang bùng phát từ Vũ Hán, ông lại đòi xem tấm bản đồ?

Đặng Tiểu Bình đã lấy một rủi ro rất lớn và thành công, mà để lại bài toán sinh tử cho các thế hệ sau, kết tụ vào sông Dương Tử và Vũ Hán.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với lãnh thổ trải trên một triệu cây số vuông, Trung Quốc ngày nay thật ra chẳng khác gì Âu Châu, với nhiều khác biệt về địa dư hình thể, về văn hóa, sắc tộc, lịch sử và kinh tế. Năm 221 trước Tây lịch thì Tần Thủy Hoàng Đế đã thống nhất lãnh thổ từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và đấy cũng là lúc nước ta rơi vào thời Bắc thuộc. Nhưng chế độ cường Tần không tồn tại được lâu và khác biệt trong bản chất dẫn tới chiến tranh liên miên khiến bài toán muôn thuở của xứ này là làm sao chính quyền trung ương có thể dung hòa được quyền lợi với các lãnh chúa địa phương. Năm 1949, Mao Trạch Đông lại thống nhất được Trung Quốc, nhưng dưới một chế độ toàn trị Mác-Lênin. Việc thống nhất chính trị đó của Mao có phát triển hành lang rộng lớn và then chốt là lưu vực sông Dương Tử, nhưng cũng dẫn tới khủng hoảng kinh tế làm Trung Quốc lụn bại. Cho tới khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình mới giành lại quyền lực để tiến hành cải cách kinh tế kể từ đầu năm 1979.

- Khi ấy ta càng nhìn vào địa dư hình thể là bản đồ. Trung Quốc có các tỉnh miền Đông tại vùng duyên hải tương đối trù phú và đã tiếp cận với thế giới bên ngoài. Bên trong là các tỉnh nội địa chậm phát triển, đông dân mà nghèo. Sau cùng là các khu vực rộng lớn chiếm đóng của xứ khác, như Tân Cương, Tây Tạng hay Nội Mông, làm vùng trái độn quân sự để các sắc tộc ở đó không thể khống chế hay cai trị Trung Quốc như trong lịch sử... Đặng Tiểu Bình đã lấy một rủi ro rất lớn và thành công, mà để lại bài toán sinh tử cho các thế hệ sau, kết tụ vào sông Dương Tử và Vũ Hán.

Vai trò của thành phố Vũ Hán

Nguyên Lam: Theo đúng phương pháp, ông thường dẫn chúng ta từ bối cảnh xa cho tới chuyện gần. Thưa ông, từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình và Vũ Hán, ta nên thấy những chuyện gì? Và vì sao ông cho rằng Đặng Tiểu Bình đã lấy rủi ro rất lớn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi họ Đặng tiến hành kế hoạch "cải cách và cởi mở", từ năm 1979, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 10% một năm qua 30 năm, nhưng cái trật tự bấp bênh về địa dư chính trị của Trung Quốc lại bị rạn nứt. Các tỉnh miền Đông đã làm giàu rất nhanh, còn thu hút nhân công từ các tỉnh nội địa bị trả lương rẻ và không có hộ khẩu, rồi ào ạt xuất khẩu ra ngoài với tỷ giá đồng bạc rất thấp. Thế giới bên ngoài chỉ thấy cái tủ kiếng ngoạn mục huy hoàng tại vùng duyên hải mà không hiểu ra một nhược điểm sinh tử của Trung Quốc là nền kinh tế không có khả năng tiêu thụ nội địa để bảo đảm nền tăng trưởng bền vững. Khi lợi tức tại miền Đông không được chia sẻ cho giới lao động mà trút vào nhà nước, qua các ngả ký thác tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của nhà nước nhằm tài trợ hệ thống doanh nghiệp cũng của nhà nước để thực hiện các dự án có lợi cho sản xuất từ vùng duyên hải thì đấy là nạn bất công. Hậu qủa chính trị của chiến lược kinh tế đó là sự bất mãn của người dân và đảng viên tại các tỉnh nội địa. Trung Quốc gặp lại mâu thuẫn trong ngoài của lịch sử cho nên lãnh đạo từ thời Hồ Cẩm Đào phải sửa sai để tránh loạn. Đó là các kế hoạch "Quật Khởi Trung Đô" tại sáu tỉnh nội địa (là Thiểm Tây, Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây), hay "Tam Giác Trung Ương" Hồ Bắc – Giang Tây – Hồ Nam và "Khu Kinh Tế Tam Giác" của Châu thổ Trường giang là sông Dương Tử.... Vũ Hán nằm ở vị trí then chốt của các kế hoạch đó.

Các nhân viên y tế Trung Quốc đang chuẩn bị đến Vũ Hán để trợ giúp khi dịch Corona bùng phát.
Các nhân viên y tế Trung Quốc đang chuẩn bị đến Vũ Hán để trợ giúp khi dịch Corona bùng phát. (AFP)

Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm câu chuyện phức tạp này thì mọi sự đã xuất hiện từ lâu và vai trò của thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc trên sông Dương Tử đã được tăng cường từ trước. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy mà còn rắc rối hơn vậy!

- Về địa dư, sông Dương Tử dài hơn sáu ngàn cây số, phát nguyên từ Tây Tạng, với gần ba ngàn cây số có thể khai thác như phương tiện vận chuyển hàng hóa và người thuộc loại rẻ nhất nếu so sánh với hỏa xa hay đường bộ, để nối liền Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên với Thượng Hải khi đổ ra biển Đông. Về kinh tế, lãnh đạo Bắc Kinh muốn nâng con sông chiến lược này thành một thứ “xa lộ cao tốc” để phát triển các tỉnh nội địa hầu san bằng những dị biệt về lợi tức và nhận thức với vùng duyên hải. Về chính trị, đây là một nỗ lực thống nhất nhằm gia tăng khả năng lãnh đạo của đảng và động lực chính trị là chủ yếu, kinh tế là phụ thuộc.

- Qua thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình thì chủ trương chính trị đó nhuốm mùi duy ý chí, bất chấp thực tế kinh tế và gây rất nhiều tốn kém. Bắc Kinh muốn hợp nhất trong ngoài mà còn có tham vọng biến Vũ Hán thành một tiêu biểu của “Trung Quốc hiện đại” với các ngành khoa học kỹ thuật tiên tiến và sự tham gia của đầu tư quốc tế nhằm hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 500 tập đoàn với tài sản kinh doanh lớn nhất thế giới, có 300 đã vào làm ăn tại Vũ Hán.

Tổng bí thư Tập Cận Bình không chỉ nuôi tham vọng đưa xứ sở vượt qua các nước Tây phương tiên tiến, ông còn muốn mô hình quản lý Trung Quốc phải là mẫu mực cho mọi quốc gia. Nào ngờ cái bệnh vĩ cuồng đó lại bị con siêu vi vật ngã ngay tại Vũ Hán, trước sự chứng kiến của cả thế giới!<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Thế rồi tai họa bùng nổ với dịch bệnh mà chưa ai tìm ra nguyên do…

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh ráo riết công nghiệp hóa lưu vực sông Dương Tử không luôn luôn vì lý do kinh tế, với nhiều dự án ít giá trị kinh tế, mà chỉ vì muốn xây dựng một cấu trúc kinh tế xã hội có khả năng đảm bảo quyền lực của chế độ.

- Trên đại thể thì vậy, nhưng vào chi tiết thi hành thì các đảng viên chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên chứ không ai lo cho dân đen ở dưới. Khi tai họa xảy ra, về môi sinh hay y tế, trong một cộng đồng chung đụng rất đông đảo, các đảng viên cứ giấu nhẹm tin tức, như chúng ta đã thấy nhiều lần trong quá khứ, thí dụ là nạn viêm phổi cấp tính SARS 17 năm trước. Lần này, tai họa bùng nổ từ đầu Tháng 12 năm ngoái ngay trong cái tủ kính Vũ Hán đang triển lãm hình ảnh của Trung Quốc hiện đại mà vì sự trì hoãn đã trở thành khủng hoảng toàn quốc, rồi toàn cầu. Căn bản của vấn đề là bên dưới cái hạ tầng cơ sở vật chất của Vũ Hán có sự ruỗng nát của “hạ tầng cơ sở vô hình”, là xã hội và y tế. Nạn nhân chính là người dân và thủ phạm là hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Kết luận

Nguyên Lam: Như mọi khi, xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta vài kết luận cho chương trình tuần này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì quá nhiều khác biệt địa dư, văn hóa và lịch sử, bài toán hợp tan của Trung Quốc là vấn đề muôn thuở. Sau 70 năm cầm quyền, đảng Cộng sản Trung Hoa muốn thống hợp tất cả mà chưa thành công. Tổng bí thư Tập Cận Bình lại còn đòi đi xa hơn. Không chỉ nuôi tham vọng đưa xứ sở vượt qua các nước Tây phương tiên tiến, ông còn muốn mô hình quản lý Trung Quốc phải là mẫu mực cho mọi quốc gia. Nào ngờ cái bệnh vĩ cuồng đó lại bị con siêu vi vật ngã ngay tại Vũ Hán, trước sự chứng kiến của cả thế giới!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.