Hôm mùng ba tuần trước, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB công bố báo cáo về viễn ảnh kinh tế Á Châu, với một số triển vọng và rủi ro cho các nước thuộc loại “đang phát triển”, trong đó có Việt Nam. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về viễn ảnh này.
Viễn ảnh kinh tế
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm mùng ba Tháng Tư, một định chế quốc tế có chức năng tài trợ phát triển là Ngân hàng Phát triển Châu Á hay Asian Development Bank đã công bố báo cáo thường niên về viễn ảnh kinh tế cho năm 2019 và 2020 của các nước Á Châu. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho khán thính giả của chúng ta viễn ảnh đó.
Việt Nam nên thúc đẩy khả năng tiêu thụ nội địa để góp phần cho đà tăng trưởng, thay vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu và bị ảnh hưởng mạnh của các yếu tố ngoại nhập.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, thành lập từ năm 1966 - tức là hai chục năm trước khi Việt Nam manh nha tiến hành "đổi mới" - với hội sở tại thủ đô Manila của xứ Philippines, Ngân hàng Phát triển Á Châu được gọi tắt là ADB nay quy tụ 68 quốc gia thành viên, đa số là các nước Á Châu, với mục tiêu trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho các nước Châu Á còn nghèo, bây giờ gọi là "đang phát triển".
- Khu vực Châu Á có 45 quốc gia thuộc nhóm này, trong khi chỉ có Nhật Bản là thuộc loại tiên tiến, chứ Trung Quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hong Kong là “các nền kinh tế mới công nghiệp hóa”, newly industrialized ecomomies, gọi tắt là NIC, tôi dùng chữ “tân hưng” cho nhóm đó. Trong loại đang phát triển, ngân hàng ADB phân biệt các nước theo vị trí địa dư, như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Nam Á…. Phúc trình vừa được ADB công bố dựa trên số liệu khá cập nhật, gần nhất là vào ngày tám Tháng Ba.
- Có thể tóm lược nội dung của báo cáo này là do số cầu giảm mạnh trên thế giới hy vọng tăng trưởng của Á Châu cũng bị chậm lại trong năm nay và năm tới. Ngày hôm qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cũng vừa cập nhật dự báo về kinh tế toàn cầu, lần thứ ba trong có sáu tháng, theo hướng sút giảm nhẹ. Điều này thì từ nhiều tháng qua, mọi người đã rõ. Nhưng phúc trình của ADB còn có giá trị ở khuyến cáo dành cho các nước đang phát triển mà chúng ta nên chú ý.
Khuyến cáo cho Việt Nam từ ADB
Nguyên Lam: Xin ông phân tích cho thính giả của chúng ta những khuyến cáo mà ADB đã nêu ra cho Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong một công trình nghiên cứu gần 400 trang dành cho 45 quốc gia đang phát triển thì phần phân tích của ADB về kinh tế Việt Nam chỉ có năm trang, với cả chục đồ biểu khá công phu. Ngân hàng ADB đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dù sẽ đình trệ đôi chút thì vẫn thuộc loại khả quan trong khu vực, nhưng nhấn mạnh đến rủi ro hay nguy cơ tiềm ẩn về dài và trong ngắn hạn. Bản thân tôi thì cho rằng chúng ta nên chú ý tới những rủi ro đó.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày và phân tích các rủi ro này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi ngợi ca một số thành quả của Việt Nam, như có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực với sự ổn định về vật giá, ADB cho là kinh tế Việt Nam có thể gặp rủi ro ngắn hạn, then chốt là vì yếu tố ngoại nhập từ các nền kinh tế ở bên ngoài, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, vốn là đối tác của Việt Nam. Về trường kỳ thì mối nguy lại tiềm ẩn bên trong.
- Thứ nhất, dù biết và muốn cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa hay tư nhân hóa, Việt Nam vẫn tiến hành quá chậm so với chỉ tiêu đặt ra. Thứ hai, hệ thống doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là loại có kích thước nhỏ và vừa, với đóng góp gần phân nửa cho sản lượng kinh tế quốc dân, lại chưa được yểm trợ đúng mức để tham gia và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lý do của sự yếu kém là tư doanh khó tìm ra nguồn tài trợ và thu hút được công nhân có tay nghề để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn trong một thị trường ngày càng đòi hỏi các chuẩn mức khắt khe về phẩm chất, như kỹ thuật, môi sinh, y tế và kiểm dịch.
Nguyên Lam: Khi theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam, ông nhận định thế nào về sự đánh giá của ngân hàng ADB?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là xác đáng mà dĩ nhiên chưa đủ chi tiết. Giới kinh tế Việt Nam có thấy các vấn đề ấy và cũng nêu ý kiến chứ chẳng phải không.
- Đầu tiên, với dân số gần trăm triệu đã có mức sống khá hơn, Việt Nam nên thúc đẩy khả năng tiêu thụ nội địa để góp phần cho đà tăng trưởng, thay vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu và bị ảnh hưởng mạnh của các yếu tố ngoại nhập. Đừng quên rằng sức tiêu thụ nội địa là một trong các yếu tố tích cực giúp Việt Nam có đà tăng trưởng cao như ADB đã nhắc nhở. Kế đó, kinh tế Việt Nam vẫn quá lệ thuộc quá nhiều vào nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nên đa số nguồn lợi lại trút vào giới đầu tư quốc tế chứ không vào Việt Nam. Thứ ba, muốn phát huy nội lực bên trong, Việt Nam lại gặp trở ngại vì tay nghề của nhân công quá thấp mà lợi thế thu hút đầu tư là nhân công rẻ là chuyện không bền và thật ra đã hết. Cho nên - và báo cáo của ADB có nói tới chuyện này - Việt Nam nên xác định lại ưu tiên về chính sách.
Xác định ưu tiên chính sách
Nguyên Lam: Ưu tiên đó là gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa tư doanh và quốc doanh, là điều có quy định trong các hiệp ước thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thứ hai là ưu tiên cho các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của tư doanh. Việt Nam cần có chính sách toàn diện và nhất quán cho ưu tiên là nâng trình độ sản xuất của tiểu doanh thương tư nhân, như về tín dụng và đầu tư để thụ đắc các thiết bị và công nghệ cao cấp và về giáo dục và đào tạo để nhân công có tay nghề khả dĩ cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
ADB không nói gì về chính trị nhưng mọi người đều hiểu khuyến cáo ngầm của định chế tài trợ phát triển này là Việt Nam cần một đợt đổi mới nữa thì mới giải quyết được bài toán quốc doanh và phát huy sức mạnh của tư doanh làm nội lực thật.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Tuy nhiên, thưa ông, báo cáo của ADB có nói tới triển vọng tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, ông nghĩ sao về nhận định ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng chưa phải là phát triển nếu thiếu phẩm chất, như tình trạng môi sinh, điều kiện lao động và cả công bằng xã hội. Thứ nữa, trong các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, Việt Nam là nước đi sau và mới chỉ gia nhập Hiệp hội ASEAN của các nước Đông Nam Á từ năm 1995 sau khi đổi mới từ năm 1987-1991 cho nên đà tăng trưởng có thể cao hơn các nước đã tiến hành cải cách từ trước. Nhưng nếu hài lòng với tốc độ biểu kiến đó mà không cải cách thêm thì vẫn là tụt hậu so với các lân bang kể từ nay mình sẽ phải cạnh tranh kịch liệt hơn. Ta đừng quên các nước kia đã cải cách về kinh tế lẫn cơ chế chính trị qua nhiều đợt cứ tưởng như bất ổn và khủng hoảng, chỉ vì kinh tế và chính trị vẫn là hai mặt của một đồng tiền mà thôi.
- Dĩ nhiên là ADB không nói gì về chính trị nhưng mọi người đều hiểu như vậy, khuyến cáo ngầm của định chế tài trợ phát triển này là Việt Nam cần một đợt đổi mới nữa thì mới giải quyết được bài toán quốc doanh và phát huy sức mạnh của tư doanh làm nội lực thật.
Nguyên Lam: Lời kết của ông trong phần bình luận kỳ này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - So với các dân tộc lân bang, người dân Việt Nam thật ra chẳng thua kém gì nhưng bị nhiều tai họa về chiến tranh và "cách mạng" trong ngoặc kép, kéo dài mấy chục năm. Ngày nay, tình hình đổi khác đang cho Việt Nam một cơ hội mới để cải sửa sai lầm cũ và tránh được những rủi ro tiềm ẩn. Việc cải cách thể chế sẽ chỉ có kết quả trong lâu dài, nên nghĩ tới năm mười năm, nhưng chính vì vậy mà phải khởi sự càng sớm càng hay, và một cách đồng bộ. Then chốt nhất vẫn là kiến thức và khả năng của con người, cuộc cách mạng thật của lần này phải khởi đi từ đó.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.