Đúng 30 năm trước, hai biến động tại Đông Âu và Trung Quốc lại dẫn tới hậu quả tương phản. Tại Trung Quốc là vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng. Tại Đông Âu là cuộc cách mạng dây chuyền trong các quốc gia bị Liên bang Xô viết chiếm đóng từ sau Thế Chiến Hai khiến bức tường Bá Linh sụp đổ rồi Liên Xô tan rã. Phải chăng điều ấy mới khiến Bắc Kinh rất nhạy cảm với tình hình Hồng Công ngày nay? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện sâu xa này.
Vì sao Bắc Kinh nhạy cảm?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi vào một khúc quanh bên lề trận thương chiến, khi Bắc Kinh tỏ vẻ cực kỳ nhạy cảm với những gì xảy ra trong nước Mỹ và bắt Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ National Basketball Association phải xin lỗi vì một lời phát biểu liên quan tới Hồng Công, ông nghĩ thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày xưa, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Liên bang Xô viết và Thế giới Tự do, chủ nghĩa tự do kinh tế và dân chủ chính trị đi song hành cho tới khi Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu được giải phóng đúng 30 năm trước. Ngày nay, Trung Quốc lợi dụng tự do kinh tế của các nước để trục lợi, lại còn đòi can thiệp vào xứ khác để bảo vệ chế độ độc tài của họ. Vì vậy, khi Tổng giám đốc của một đội bóng rổ tại Houston của tiểu bang Texas tỏ vẻ ủng hộ người dân Hồng Công, Bắc Kinh bắt Hiệp hội Bóng Rổ Quốc gia Hoa Kỳ phải xin lỗi. Chúng ta sẽ phải khởi đi từ đó để nhìn ra toàn cảnh của mâu thuẫn này.
Các nước độc tài như Trung Cộng thì chỉ có chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng mà rốt cuộc thì định chế hóa bất công xã hội. Trong tinh thần đó, khi Chính quyền Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh phải cải tổ hệ thống quản lý và luật lệ để tôn trọng quyền tự do thì đấy cũng là một áp lực đúng về đạo lý.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông nhắc lại biến cố đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng 30 năm trước, Trung Quốc đã có vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng vào ngày mùng bốn Tháng Sáu năm 1989. Cùng lúc đó, tại Đông Âu, các quốc gia bị Liên Xô chiếm đóng sau Thế Chiến Hai, như Ba Lan, Hung và Đông Đức cũng có biến khi người dân không chấp nhận sự cai trị của đảng Cộng sản do Liên Xô bảo vệ.
- Khác với thái độ của Bắc Kinh, giới lãnh đạo cộng sản tại các nước Đông Âu lại không ra tay đàn áp và cuối cùng thì bức tường Bá Linh sụp đổ, dân Đông Âu được giải phóng, hai nước Đông - Tây Đức thống nhất và Liên Xô tan rã. Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản đó khi thấy Hồng Công rung chuyển và không muốn bất cứ ai lên tiếng ủng hộ người dân Hồng Công. Vì vậy họ mới bắt một hiệp hội thể thao Mỹ phải xin lỗi khi Tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets của Hoa Kỳ rất nổi tiếng tại Trung Quốc lại tỏ ý bênh vực dân Hồng Công.
- Chúng ta không quên là nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời đúng 70 năm trước, vào ngày bảy Tháng 10 năm 1949, dưới sự thống trị của Hồng quân Liên Xô sau khi Thế Chiến Hai kết thúc vào năm 1945. Biến cố ấy đánh dấu thời Chiến Tranh Lạnh và chỉ chấm dứt 30 năm trước. Vào thời đó, Liên Xô và Đông Đức đã dựng lên bức tường tại Bá Linh để không cho người dân Đông Đức di tản qua Cộng Hòa Liên Bang Đức, là Tây Đức theo chế độ tự do dân chủ. Thủ tướng Tây Đức thời ấy là ông Willy Brandt gọi bức tường đó là “Bức Tường Ô Nhục”.
Nguyên Lam: Và thưa ông, bức tường đó bắt đầu sụp đổ như thế nào đúng 30 năm về trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước Đông Âu không muốn tái diễn vụ tàn sát người dân Bắc Kinh tại Thiên An Môn và xứ Hungary đã trước tiên cho dân Đông Đức vượt lãnh thổ của mình để qua Tây Đức. Từ đó, dân Đông Đức mới phá tan bức tường phân chia chế độ độc tài với thế giới tự do. Đấy là cuộc cách mạng không đổ máu khiến các nước Đông Âu đã tự giải phóng rồi Liên Xô tan rã. Chúng ta cũng không quên là khi Bắc Kinh mở cuộc tàn sát tại Thiên An Môn thì Ba Lan cho tổ chức bầu cử trong cùng ngày và phong trào Liên Đới hay Solidarnosc đã thắng cử vẻ vang để mở ra một trang sử mới cho cả khu vực.
- Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản cách mạng đó có thể tái diễn tại Hồng Công và dùng thế lực kinh tế, nôm na là lợi nhuận nhờ quảng cáo, để gây sức ép với hiệp hội bóng rổ Mỹ. Khác với ngày xưa, là việc buôn bán giữa Hoa Kỳ và Liên Xô thật ra không đáng kể, chưa bằng một phần tư của một phần trăm Tổng sản lượng GDP, ngày nay, Hoa Kỳ đã giao dịch kinh tế rất nhiều với Trung Quốc nên dễ bị Bắc Kinh dùng lợi nhận để chi phối.
Hoa Kỳ và các nước tự do sai lầm
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, có lẽ người ta cần nêu một câu hỏi: phải chăng Hoa Kỳ và các nước tự do đã lầm khi giao dịch kinh tế với Trung Quốc mà xứ này lại không cải cách chính trị để theo chế độ dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy! Các nước, trước tiên là Hoa Kỳ, đã lầm khi tưởng rằng kinh tế tự do sẽ dẫn tới sự xuất hiện của một thành phần trung lưu và giới trung lưu của Trung Quốc sẽ khiến xứ này tiến hành cải cách chính trị để tiến tới chế độ dân chủ. Sự thật đã xảy ra trái ngược. Trước hết, Bắc Kinh vẫn duy trì ách độc tài chính trị và Tổng bí thư Tập Cận Bình còn trở lại tình trạng toàn trị như thời Mao Trạch Đông, chứ không cần làm bộ ôn hòa theo kiểu "thao quang dưỡng hối" như thời Đặng Tiểu Bình.
- Thứ hai, sau vụ Thiên An Môn, khi thấy khối dân chủ than phiền mà vẫn giao dịch buôn bán, Bắc Kinh kết luận rằng vì lợi nhuận, tư bản chủ nghĩa vẫn sẵn sàng làm ăn với chế độ độc tài. Thứ ba, dùng lợi nhuận làm đòn bẩy, Bắc Kinh còn can thiệp và chi phối các xứ khác để tạo ra hình ảnh tốt đẹp về mình. Họ gọi đó là “hoạt ngữ chiến”, là chiến tranh tuyên truyền nhằm gây ấn tượng sai lạc về chính họ và còn tuyên truyền với thần dân của họ rằng chế độ đã khuất phục bọn tư bản và sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Vì vậy, vụ đội bóng Rockets của Houston trong Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia phải xin lỗi là hồi chuông cảnh báo nước Mỹ về thế lực chính trị của Bắc Kinh trong xã hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đấy là tin vui!
Nguyên Lam: Nếu nhìn rộng ra ngoài thì thưa ông, liệu người ta có thấy ra một mâu thuẫn trầm trọng hơn không? Đó là trào lưu toàn cầu hóa không tất nhiên dẫn tới dân chủ hóa mà yếu tố kinh tế lại còn hủy diệt các giá trị tinh thần của chế độ tự do, như nhân quyền hay dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi hơi duy tâm nên nghĩ tới cuộc đua giữa Thiện và Ác!
- Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị đàm phán về thương mại với phái bộ Bắc Kinh thì Bộ Thương Mại rồi Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn ra quyết định trừng phạt các viên chức và doanh nghiệp Trung Quốc có can dự vào vụ đàn áp người Hồi giáo gốc Duy Ngô Nhĩ, gốc Kyrgystan hay Kazhakstan tại Tân Cương. Tôi nghĩ rằng đấy là cái Thiện chống cái Ác. Nếu Chính quyền Mỹ khéo vận động các nước dân chủ khác cùng có biện pháp trừng phạt tương tự thì Bắc Kinh sẽ phải giật mình. Nhưng, và đây là cái Ác, các nước dân chủ cũng có thể nói vì quyền lợi kinh tế quốc gia, họ không muốn làm Bắc Kinh khó chịu! Tôi cũng xin nói thêm ý khác.
- Từ nguyên thủy vào giữa Thế kỷ 18, tư bản chủ nghĩa không hề có mục tiêu đạo lý, nhưng vẫn dẫn tới hậu quả luân lý là tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người, trong một thế giới tử tế hơn. Do đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nước theo tư bản chủ nghĩa đều có dân chủ, là nơi mà người dân có quyền đề cử và phê phán lãnh đạo. Các nước độc tài như Trung Cộng thì chỉ có chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng mà rốt cuộc thì định chế hóa bất công xã hội. Trong tinh thần đó, khi Chính quyền Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh phải cải tổ hệ thống quản lý và luật lệ để tôn trọng quyền tự do thì đấy cũng là một áp lực đúng về đạo lý.
Không đơn thuần là chuyện áp thuế
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ giới hạn vào chuyện áp thuế nhập nội mà còn có những vấn đề sâu xa thuộc về cơ chế lãnh đạo chính trị của hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ thế và xin nói đến một sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế chính trị.
Việc Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để chi phối nước khác không thể khỏa lấp những vấn đề nội bộ rất trầm trọng của Trung Quốc và đấy cũng là bài học cho Việt Nam khi bị bóng rợp của Bắc Kinh che phủ lên đầu.<br/>-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Hoa Kỳ hay nói đến pháp quyền nhà nước, hay “rule of law”, là nơi người dân tôn trọng luật lệ do giới dân cử mà họ bầu lên soạn thảo ra và chấp hành. Nền dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước luật lệ do mình thiết lập qua giới dân cử. Chế độ cộng sản độc tài lại khác vì chỉ có đảng quyền chứ không có pháp quyền.
- Đó là “rule by law”, không là “rule of law”. Lý do là đảng ra lệnh cho nhà nước làm luật bắt mọi người dân phải theo. Trước mắt thì họ có vẻ ổn định hơn chế độ dân chủ cứ hàng ngày hàng giờ tranh cãi về mọi chuyện như chúng ta đang thấy tại Hoa Kỳ hay nhiều xứ tiên tiến khác. Về thực chất thì đấy là sự ổn định giả tạo của một cái nồi bị bịt vung ở trên, khi bên dưới ngọn lửa kinh tế vẫn bùng cháy và sẽ có ngày bùng nổ thành “cách mạng”. Dù sao, dưới chế độ cộng sản, các nước Đông Âu cũng đã công nghiệp hóa - thậm chí còn tiên tiến hơn Liên Xô, đông dân, có võ khí mà lạc hậu về kinh tế - nên họ chẳng giết dân 30 năm trước mà còn tiến hành cách mạng không đổ máu và trở thành quốc gia tiên tiến.
Nguyên Lam: Nếu vậy, câu hỏi cuối của Nguyên Lam là vì sao một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc hay Đài Loan đã bước vào thành phần kinh tế tiên tiến?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ có ý thức tự trọng và chủ trương độc lập dân tộc! Đó là một. Thứ hai, thời Chiến Tranh Lạnh, họ được Hoa Kỳ bảo vệ và nước Mỹ khi ấy cũng gây áp lực cải cách để các nước này trở thành rồng cọp kinh tế, là các nước "tân hưng", nhưng cũng lần lượt cải tổ chính trị để áp dụng quy tắc dân chủ.
- Trung Quốc và cả Việt Nam thì chỉ học theo họ về kinh tế nhưng thiểu số có chức có quyền lại không dám bước lên trình độ cao hơn về chính trị vì sợ mất phần về kinh tế. Việc Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để chi phối nước khác không thể khỏa lấp những vấn đề nội bộ rất trầm trọng của Trung Quốc và đấy cũng là bài học cho Việt Nam khi bị bóng rợp của Bắc Kinh che phủ lên đầu…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.