Để giữ cho bản thân “đạt chuẩn” của phụ nữ thời đại Hồ Chí Mình “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã phải tự mình vui vẻ nhận lấy gánh nặng gấp hai, ba lần đàn ông khi vừa đảm đương công việc cơ quan, vừa gánh vác trọng trách gia đình.
Sự thay đổi “yêu cầu” về “tứ đức” của xã hội đối với phụ nữ Việt Nam đã mang lại cho họ rất nhiều áp lực trong công việc, trong việc thể hiện cảm xúc của bản thân cũng như việc luôn giữ cho mình phải xinh đẹp, vui vẻ trước những bất công dành cho họ. Không những thế, những “chuẩn mực” này, đặc biệt là yêu cầu về đức “Hạnh”, còn trở thành một thứ “bùa” để mỗi người vin vào đó mà đánh giá và hạ bệ người khác.
Bất cứ ai “dám” sống khác biệt so với những “chuẩn mực” được đặt ra cho họ, cho dù vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ bị cả xã hội (của chính những người phụ nữ) đẩy ra bên lề.
“Xã hội” ngày nay nhìn nhận những con người “bên lề” đó như thế nào!? Có khác gì xã hội xưa!? là đề tài tạp chí phụ nữ kỳ này.
Dưới thời phong kiến
"Hạnh" là vẻ đẹp trong tâm hồn, được thể hiện qua tính cách và ứng xử. Theo quan niệm truyền thống, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thể hiện ở cái "duyên ngầm", ở cách đi đứng nói năng “ra thưa vào gửi”, không được nói to, đi mạnh, không được nói trước khi chưa ai hỏi, không được cãi lại chồng... Đối với chồng, dù trong lòng người vợ có giận dữ hay đau khổ đến mấy vẫn phải nén chặt để gương mặt và mọi cử chỉ luôn nhẹ nhàng, tươi tắn. Ngay cả khi chồng quát mắng, thậm chí đánh dập thì vẫn phải cúi đầu nhịn nhục:
“Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?”
Đức “Hạnh”, dưới thời phong kiến được coi là phẩm chất quan trọng nhất của người phụ nữ, đặc biệt quan trọng hơn đức “Dung”. Tục ngữ – ca dao xưa có rất nhiều câu khẳng định quan điểm này. Ví dụ như:
“Có đỏ mà không có thơm
Như hoa dâm bụt nên cơm cháo gì?”
Hay
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Đẹp tính đẹp nết còn hơn đẹp người”
Và bởi vì giữ gìn sự trinh trắng là đạo đức quan trọng nhất của người con gái, (“Đã cho vào bậc bố kinh – đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”_ Truyện Kiều), ca dao – tục ngữ cũng răn dạy họ phải biết “giữ mình” trong các mối quan hệ với nam giới:
“Mặc ai ép nghĩa, nài tình
Phận mình là gái chữ trinh làm đầu”
Hay
“Đàn ông tính khí hoang tàn
Đàn bà con gái giữ giàng nết na
Phòng khi nó bỏ tay ra
Nín đi thì dại, nói ra mang điều”
Đặc biệt trong quan hệ Vợ – Chồng, mặc dù “chuẩn mực” về đức hạnh được áp đặt là đầy bất công đối với họ:
“Trai anh hùng năm thê, bảy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng”
Nhưng người phụ nữ luôn son sắt, thủy chung, một lòng một dạ giữ gìn trinh tiết; yêu thương, tôn trọng chồng bất chấp bất kỳ một sự bất công hay chênh lệch nào.
“Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình duyên chỉ hẹn một lần mà thôi”,
Hay
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”,
“Có xấu cũng thể chồng ta
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người”
Những câu tục ngữ – ca dao, ngày nay có vẻ như đã trở thành “các tác phẩm cổ đại”, ít được biết đến. Tuy nhiên, các vấn đề mà các tác phẩm dân gian này đã đề cập đến một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu gần như không mất đi trong đời sống hiện tại của phụ nữ Việt.
Giữa thế kỷ 21, đàn ông Việt Nam vẫn còn phân vân về việc có hay không nên “tiếp tục" yêu một cô gái khi biết cô không còn trinh tiết - dịch vụ vá màng trinh giả và những bài viết hướng dẫn phụ nữ bảo vệ trinh tiết,... vẫn thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn cô gái trẻ; báo chí và truyền thông ra rả rỉ tai nhau, rằng “đàn ông ngoại tình có thể được tha thứ nhưng đàn bà một khi đã ngoại tình chỉ có thể gánh lấy sự đổ vỡ của gia đình”; các bà mẹ đơn thân tranh luận không dừng về “định nghĩa” thế nào là “bà mẹ đơn thân” - người đã từng có chồng rồi li dị tự hào về bản thân mình hơn những cô gái “không chồng mà chửa”; những người phụ nữ thẳng tay “trừng trị” các cô gái bán dâm, các nữ sinh cặp với đại gia hay làm việc trong các nhà hàng – quán bar,... bằng những danh từ và thái độ đặc biệt; những người phụ nữ dấu kín đau khổ vì chồng ngoại tình để “lên lớp” những phụ nữ khác đã “dám” xao lòng trước những tình cảm xa lạ… Dù cho vì những lý do gì đẩy họ đến “bước đường cùng” đó, những phụ nữ khác cũng ít khi thông cảm được.
Chị Minh nói về những cô gái “bán hoa”:
"Chị thấy thứ nhất là chúng nó nhà quê, không có công ăn việc làm gì rồi tự nhiên vào con đường hư hỏng rồi nó thành quen đi thôi. Chứ bọn chị thì cũng chả để ý vì chị lớn tuổi rồi. Quan điểm của chị thì nói chung là chị không thích những người như thế. Phải chọn một con đường tử tế, hoàn lương đi thôi chứ không thể làm cái nghề như thế được".
Chị Lan nói về những cô nàng “không chồng mà chửa”:
“Không cứ là những người tốt hoặc là những người xấu. Mà bây giờ là á, có những người tốt người ta cũng chọn cái con đường không có chồng mà lại có con. Bởi vì bây giờ có nhiều xu hướng khác nhau, bây giờ người ta cũng chỉ thích có một đứa con thế còn đâu với chồng và thì có những cái người ta cũng có cái suy nghĩ… cũng không phải cứ người đấy là người xấu mà cũng không phải là tốt hẳn. Đấy là theo suy nghĩ của mỗi người thôi chứ cũng không phải xấu hay là tốt hẳn. Đấy là theo suy nghĩ của mỗi người thôi.
Nếu mà những người không có chồng có con, theo xu hướng bây giờ thì nó là sở thích của mỗi người. Chứ còn thật ra nếu mà ông trời đã sinh ra thì nam phải có nữ, nữ phải có nam. Chứ bây giờ mình đã sinh ra là phụ nữ mà một mình mình phải nuôi con, muốn nói dù sao nó cũng vất vả, thứ hai nữa là những người phụ nữ đó là những người phải có nghề nghệ sỹ, đi đêm về hôm; nếu mà lấy chồng thì người ta không thể bắt buộc người ta phải chăm lo một gia đình hoàn hảo cho nên người ta phải chọn con đường là không có chồng mà lại có con. Còn nếu mà phụ nữ mình có chồng, có con thì nó đẹp hơn rất nhiều nếu là không có chồng mà lại có con, rất vất vả trong cuộc sống. Ông trời sinh ra là mình phải nên có đôi có đũa, thế thì trong cuộc sống nó tốt đẹp hơn nhiều chứ! Mỗi khi thứ 7, Chủ nhật mình được nghỉ, mình đi nhà hàng, công viên, có vợ có chồng mình cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc chứ nếu một mình mình dắc con đi như thế mình cảm thấy cũng không bằng mọi người.”
<i>Giữa thế kỷ 21, đàn ông Việt Nam vẫn còn phân vân về việc có hay không nên "tiếp tục" yêu một cô gái khi biết cô không còn trinh tiết - dịch vụ vá màng trinh giả và những bài viết hướng dẫn phụ nữ bảo vệ trinh tiết,... vẫn thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn cô gái trẻ</i>
Chị Mai nói về những đàn bà cả gan đã “dám” ngoại tình:
“Chị nói thật với em là những người có chồng mà người ta lại phải ngoại tình. Cũng không phải tất cả đấy là những người xấu. Thứ nhất là kinh tế, thứ 2 nữa là tình cảm vợ chồng nó không được trọn vẹn. Ví dụ có khi cái người đàn bà đấy rất là khỏe về chuyện sinh lý, nhưng cái người đàn ông lại rất là yếu, người ta không phù hợp với nhu cầu của mình thì có khi người đàn bà ấy người ta tự đi tìm cái để xả stress rồi những cái gọi là tột đỉnh. Có những người đàn bà chồng đáp ứng được cái chuyện chăn gối nhưng mà về kinh tế người ta lại thiếu thốn mà lại có người đàn ông nào đó người ta đáp ứng được, thế là chia sẻ tâm sự rồi có những cái về kinh tế, người ta chia sẻ được…
Chị nói thật, cuộc sống mà đã có vợ có chồng rồi thì cũng không nên là đi ngoại tình vì như thế, cái người phụ nữ ấy thật sự ra mà nói cũng không sung sướng gì, rất là đau khổ mà thật sự là tan nát trong việc gia đình.”
Cũng có những người như chị Linh, ủng hộ quyền tự do của những phụ nữ khác, mặc dù chính mình là người đã chấp nhận “cam chịu”:
"Thế thì có vấn đề gì đâu em. Ngày xưa thì còn quan trọng hóa chứ còn bây giờ thì chả có vấn đề gì cả. Lấy chồng mà được tấm chồng tử tế, thương yêu mình thì mình còn được nhờ. Chứ còn cái người mà không thương yêu mình mà người ta về còn nọ kia thì mình còn khổ hơn. Cũng nhiều người con gái người ta cũng nghĩ thế nên bây giờ người ta cũng không cần lấy chồng, người ta chỉ cần đứa con thôi. Đấy là theo chị, chị nghĩ thế. Chứ cũng không như ngày xưa là phải lấy chồng hoặc là lấy chồng rồi phải cam chịu như chị em mình ngày xưa, lấy chồng rồi cứ phải chịu nhịn nhục cho con cái nó đỡ khổ rồi là bố mẹ đỡ mang tai mang tiếng,..."
Ca dao – Tục ngữ cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian xưa cũng có rất nhiều câu, nhiều truyện, tích chèo,... đấu tranh cho quyền được tự do trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là tự do khỏi xiềng xích trói buộc họ về đức hạnh. Những câu nổi tiếng như:
“Ba đồng một mớ đàn ông
Đem về bỏ lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho nằm”
Hay chống đối mạnh mẽ:
“Anh đánh thì tôi chịu đòn
Tính tôi hoa nguyệt mười con chẳng chừa”
“Tính quen chừa chẳng được đâu
Lệ làng, làng bắt mấy trâu kệ làng”
Hay thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố:
“Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian thường tình”
Những Thị Mầu, Xúy Vân dám sống, dám thừa nhận, dám đấu tranh và dám chết cho sự tự do trong tình yêu, hôn nhân, để đòi quyền bình đẳng “một vợ – một chồng”,... dù không bị “kiểm duyệt” nhưng cũng đã trở thành “các tác phẩm nghệ thuật cổ đại”, không còn đem đến cho đời sống hiện tại của phụ nữ Việt một thông điệp nào. Ngược lại, họ say sưa dò xét, xoi mói vào mọi mặt đời sống của người khác trên từng mặt báo, diễn đàn,... để cùng làm cho đời sống của họ ngày một xoay tròn trong vòng luẩn quẩn Công – Dung – Ngôn – Hạnh.
Trong cái vòng luẩn quẩn đó, những phụ nữ kiên cường “dám” vượt rào hay những phụ nữ bất hạnh, chẳng may buộc phải bước ra ngoài các khuôn khổ giáo lý đó hay thậm chí những phụ nữ ở trong “rào” muốn ủng hộ những người đáng thương cũng bỗng trở nên bị cô lập, đáng thương như con hạc trong câu ca dao:
“Em như con hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay”…
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.