Ảnh hưởng của tiếng ồn đến thính lực

Tiếng ồn ảnh hưởng như thế nào đến thính lực, làm thế nào để tránh được những ảnh hưởng đó, và chăm sóc sức khỏe thính giác ra sao?

0:00 / 0:00

Nhờ thính giác, con người mới có thể nghe được, nhưng nghe được nhiều hay ít, rõ hay không rõ, tức là thính lực ra sao lại là chuyện khác. Vì thế mới phải bàn đến bệnh lãng tai, và việc chăm sóc và bảo vệ thính giác là điều cần được quan tâm đúng mức.

Suy giảm thính lực

Trước hết cần khẳng định rằng tất cả các bộ phận trong tai đều đóng góp trong việc tạo ra thính giác. Tai ngoài đưa tiếng động vào màng nhĩ, tai giữa chuyển độ rung của màng nhĩ vào tai trong, và nơi đó sẽ tạo thành những xung động thần kinh qua dây thính giác, đưa về óc.

Từ đó các chuyên gia giải thích cơ chế của sự suy giảm thính lực. Âm thanh bên ngoài tác động và gây tổn thương tới các tế bào chuyển, có chức năng dẫn truyền sóng âm thanh đến não bộ. Nếu bị tổn thương tạm thời, thì các tế bào vùng này có thể phục hồi. Nhưng chúng cũng có thể bị tổn thương vĩnh viễn bởi những tiếng ồn quá lớn hoặc tác động lâu dài. Trong trường hợp đó, thính lực sẽ bị suy giảm không thể phục hồi lại được.

Trên nguyên tắc khi tai thường xuyên nghe tiếng động lớn mặc dù qua earphone hay là qua haut-parleur (tức loa phóng thanh) bên ngoài thì ảnh hưởng cũng thế.

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đời sống tinh thần và tiện nghi vật chất của con người ngày càng được nâng cao. Hiện nay, chỉ với một chiếc máy nghe nhạc di động tý hon, người ta có thể mang theo bên mình cả một nhà hát với những bản nhạc mà họ ưa thích. Tiếc rằng bên cạnh tiện nghi đó, thì việc sử dụng những thiết bị này cũng có thể dẫn đến mối nguy hiểm lớn là giảm thính lực của người nghe.

Các chuyên gia của Mayo Clinic ở Minnesota cho rằng những âm thanh trên 90 dB (decibel) tác động liên tục trong một thời gian dài có thể gây ra bệnh lãng tai, nhưng hầu hết các thiết bị nghe nhạc di động hiện nay đều được sản xuất với âm lượng lớn hơn 120 dB.

Tổ chức Quốc tế Zogby của Mỹ thực hiện cuộc thí nghiệm trên 300 sinh viên và hơn 1000 người lớn. Kết quả cho thấy 40% trong số họ luôn để âm lượng của các thiết bị nghe ở mức cao. Đặc biệt, các sinh viên có khuynh hướng cao gấp 2 lần trong việc nghe nhạc ở âm lượng thật lớn và hơn phân nửa số sinh viên không muốn giới hạn thời gian nghe. Hơn nữa, 1/3 trong số họ nói rằng họ không thích giảm âm lượng.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra hơn phân nửa số sinh viên và 40% người lớn có ít nhất một loại bệnh liên quan đến thính lực, một số thấy khó nghe trong các cuộc thảo luận, một số cho rằng cần phải tăng âm lượng ở TV hay Radio mới nghe được rõ, một số khác lại thấy có tiếng lạ ở trong tai.

Các vấn đề liên quan đến chuyện mất thính lực không có dấu hiệu rõ ràng trong một vài năm, nhưng một khi xuất hiện sẽ không thể khôi phục được vì lẽ thính giác đã bị tổn thương vĩnh viễn. Hiện nay tại Hoa kỳ có khoảng 30 triệu người Mỹ gặp những vấn đề liên quan đến thính lực. Một phần ba trong số họ đã bị lãng tai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của sự giảm thính lực khi sử dụng những thiết bị nghe (earphone) là thói quen sử dụng không đúng cách của người nghe. Họ thường có xu hướng mở to quá mức trong khoảng thời gian dài.Nguyên nhân là vì những người nghe nhạc bằng máy nghe nhạc di động không muốn bị tạp âm bên ngoài ảnh hưởng đến việc thưởng thức âm nhạc của họ hay đơn giản đó chỉ là do thói quen của những người trẻ tuổi.

Theo tiến sĩ Rochester Minn, thuộc Chương trình Cứu trợ thính giác ở Mayo Clinic nhận xét rằng: “Đối với các thiết bị nghe nhạc cá nhân trước đây như Walkman chẳng hạn, thì âm thanh nghe sẽ rất tồi khi bạn tăng âm lượng quá cao, vì vậy đa số người nghe nhạc không làm vậy. Còn ngày nay, dù bạn mở to hết mức, chất lượng âm thanh vẫn rất tốt. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề rất đáng lo lắng này!”.

Bác sĩ Hoàng Gia Khánh-Giễn. Photo courtesy visontmc.com
Bác sĩ Hoàng Gia Khánh-Giễn. Photo courtesy visontmc.com

Bác sĩ Hoàng Gia Khánh-Giễn, chuyên khoa Tai-Mũi-Họng ở tiểu bang Virginia, Hoa kỳ nhận định việc lạm dụng earphone để nghe những thiết bị di động như bluetooth, hoặc các thiết bị nghe nhạc như iPod sẽ ảnh hưởng xấu đến thính lực. Ông nói:

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn:

"Vâng, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, ngay cả những người làm nghề đánh đàn chuyên nghiệp hay đi hát họ cũng bị lãng tai tương đối nhanh. Đó không phải là vấn đề để bàn cãi nữa mà là sự thật. Chỉ có điều là làm cách nào để phổ biến với giới trẻ, và những hãng sản xuất radio,rằng earphone phải đi kèm những thông tin hướng dẫn, hoặc lời khuyên (rằng)chỉ nghe trong một thời gian nào đó rồi tắt, thí dụ như vậy.

Trên nguyên tắc khi tai thường xuyên nghe tiếng động lớn mặc dù qua earphone hay là qua haut-parleur (tức loa phóng thanh) bên ngoài thì ảnh hưởng cũng thế. Rất nhiều khảo cứu đã chứng tỏ rằng âm thanh càng cao và thời gian nghe càng lâu thì tai càng bị hỏng nhanh.Các nước khác cũng tương tự như bên Mỹ. Ở Hoa kỳ, có một cơ quan của chính phủ Liên bang gọi là OSHA, tức là Occupational and Health Safety Administration, từ lâu người ta đã căn cứ vào rất nhiều nghiên cứu và khuyên rằng nếu nghe tiếng nói, tiếng hát, hoặc tiếng động cao hơn 90 dB thì chỉ nên nghe trong độ 8 tiếng đồng hồ thôi, vì nếu nghe lâu hơn nữa thì tai sẽ bị hỏng.

Hệ quả song song giữa việc nghe tiếng động càng lâu thì tai càng bị hỏng đã có nhiều khảo cứu chứng minh được chuyện đó. Còn đối với earphone thì đây là vấn đề mới, hiện giờ mới có một vài khảo cứu về lĩnh vực đó nhưng nói cho cùng thì dùng earphone hay là nghe ở haut-parleur thì cũng thế cũng là tiếng động đến tai của mình.”

Cần thư giãn

Các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn thường xuyên ở những nơi quá ồn ào, luôn luôn phải tiếp cận với âm thanh lớn thì nên cố gắng tạo cho mình một quãng thời gian thư giãn yên tĩnh sau một khoảng thời gian nhất định hoặc sử dụng miếng đệm tai để giảm thiểu âm thanh. Tốt nhất, bạn hãy giảm thiểu âm lượng đến mức có thể, tránh xa tiếng ồn để cố gắng bảo vệ đôi tai của bạn.

Nếu nghe tiếng nói, tiếng hát, hoặc tiếng động cao hơn 90 dB thì chỉ nên nghe trong độ 8 tiếng đồng hồ thôi, vì nếu nghe lâu hơn nữa thì tai sẽ bị hỏng.

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn.

Về việc giảm thính lực ở người cao niên, các chuyên gia y tế nhận định rằng trung bình thính lực bắt đầu giảm từ tuổi 40. Theo định luật tự nhiên của tạo hóa, ở người lớn tuổi thường có hiện tượng mắt mờ, tay run, vận động kém linh hoạt, thì việc giảm thính lực cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, sự ô nhiễm tiếng ồn trong môi trường sống và nơi làm việc sẽ có tác động quan trọng và lâu dài đối với thính giác và có thể gây ra bệnh lãng tai sớm hơn thông thường.

Ngay với quá trình suy giảm tự nhiên của tuổi tác, bác sĩ Khánh-Giễn vẫn cho rằng, có thể làm chậm quá trình này:

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn:

“Có thể làm cho việc giảm thính lực được chậm đi một chút, nhưng dù sao đi nữa với tuổi già, mắt mờ, tay run thì tai cũng bắt đầu nghễnh ngãng. Cách tốt nhất là tránh những nơi có tiếng động nhiều, không những là tiếng động cao mà thời gian tiếp xúc với tiếng động cũng không nhiều.

Những người làm việc trong những hãng, xưởng máy mà có tiếng động liên tục thì những người điều hành phải cho nhân viên đeo nút tai gọi là ear-plugs, và màng che tai gọi là ear-muffs; mỗi cái cộng vào nhau. Nút tai thì giảm được từ 10-20dB, chỉ vào khoảng tiếng nói thì thào, nên cũng không giảm được nhiều. Cái che tai thì giảm được từ 20-30dB, thì vào khoảng như tiếng động trong văn phòng làm việc với tiếng đánh máy các thứ.”

Bác sĩ đang khám tai cho bệnh nhân. Photo courtesy benhvientaydo.vn
Bác sĩ đang khám tai cho bệnh nhân. Photo courtesy benhvientaydo.vn

Trẻ em cũng có thể có thính lực kém hay thậm chí bị điếc. Có hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, điếc bẩm sinh do có sự bất thường trong quá trình phát triển của bào thai thường gặp là do người mẹ bị nhiểm Rubella lúc mang thai. Thứ hai, là do trẻ mắc các bệnh như; sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não, hoặc chấn thương tai. Tùy thuộc vào lứa tuổi trẻ mắc bệnh mà có những ảnh hưởng khác nhau đến sự phát triển thính lực của trẻ.

Có những người bị câm điếc bẩm sinh. Thật ra, thường thì điếc trước câm sau. Bác sĩ Khánh-Giễn giải thích:

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn:

“Thường thường điếc sẽ đưa đến câm. Những người bị tật từ lúc mới sinh ra thông thường là bị điếc bẩm sinh nhiều hơn là bị câm bẩm sinh. Chúng ta thấy khi đứa trẻ học nói, thì nó phải nghe tiếng trước rồi mới bắt chước nói theo sau, nên nếu không nghe được thì sẽ không bắt chước được.

Cho nên nếu vấn đề điếc bẩm sinh chỉ mới ở một mức độ nào đó thôi, đứa trẻ vẫn còn nghe được chút ít, thì nó sẽ bị nói ngọng. Còn nếu độ lãng tai bẩm sinh (nặng đến nỗi) không nghe được gì hết, thì nó không thể nói được vì không nhận biết được tiếng động, như lời nói chẳng hạn thì làm sao có thể lặp lại những tiếng động đó được.”

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết một số biện pháp giúp phát hiện sớm hoặc ngăn ngừa điếc ở trẻ em. "Đối với phụ nữ, chích ngừa bệnh sởi (Rubella) cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đối với trẻ, điều trị dứt điểm các bệnh lý về đường hô hấp; tầm soát nghe kém hoặc điếc ở các trẻ có nguy cơ như các trẻ mắc bệnh: viêm màng não, sinh non, nhẹ cân, vàng da nặng, những trẻ sơ sinh nằm trong các khoa Hồi sức sơ sinh hơn 5 ngày."

Thường thường điếc sẽ đưa đến câm. Những người bị tật từ lúc mới sinh ra thông thường là bị điếc bẩm sinh nhiều hơn là bị câm bẩm sinh.

BS Hoàng Gia Khánh-Giễn.

Bác sĩ Hoàng Sơn cũng khuyên các bậc phụ huynh nên lưu ý, chỉ cần thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau đây nên mang đến bệnh viện để kiểm tra thính lực:không phản ứng với tiếng động lớn, đột ngột; không bị đánh thức bởi tiếng ồn; không xoay đầu theo hướng giọng nói của người thân; không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của người thân; khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ; nói to hoặc không sử dụng kỹ năng ngôn ngữ thích hợp theo tuổi.

Tại các nước tiên tiến, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán để phát hiện sớm tình trạng hài nhi bị điếc bẩm sinh, mặc dù giới chuyên môn rất chú trọng đến việc này để có sự can thiệp sớm của y học.

Có vị độc giả ở Việt Nam email hỏi, xin cho biết khám tai ở đâu. Xin trả lời là hiện nay, tại một số bệnh viện như bệnh viện Nhi đồng 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ sử dụng các dụng cụ đo điếc để phát hiện chứng nghe kém ở trẻ em. Các xét nghiệm này có mức độ chính xác khá cao do ứng dụng các thiết bị hiện đại. Đối với người lớn, có thể khám và điều trị ở khoa Tai-Mũi-Họng tại các bệnh viện lớn hoặc Bệnh viện chuyên khoa Tai-Mũi-Họng.

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.