Tầm quan trọng của Nước đối với sức khoẻ Con Người (phần 2)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Muốn sống khoẻ mạnh, chúng ta cần uống nhiều nước, vì nước là một thành phần quan trọng không thể thiếu trên trái đất cũng như trong cơ thể mỗi con người chúng ta, vì nó giúp duy trì sự sống. Một bằng chứng cụ thể là con người nhịn ăn tới 2 tháng cũng vẫn có thể tồn tại, nhưng chỉ vài ngày thiếu nước là chúng ta sẽ chết.

DrinkWaterBottle200.jpg
Nước là một thành phần quan trọng không thể thiếu trên trái đất cũng như trong cơ thể mỗi con người chúng ta.

Thế nhưng trong vô số các nguồn nước đang được sử dụng hàng ngày, nguồn nào tốt nhất cho súc khoẻ? Và những điều cần lưu ý để có được lượng nước an toàn và đầy đủ cho cơ thể là gì?

Chương trình hôm nay tiếp tục gửi đến quý vị và các bạn những lời khuyên bổ ích từ giới chuyên môn, qua phần trao đổi tiếp theo với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, từ Hoa Kỳ:

Trà Mi : Thưa Bác Sĩ, ở Việt Nam có một số nguồn nước thông dụng, như thôn quê thì nó nước mưa rồi sau này uống nước giếng, ở thành thị thì có nguồn nước máy rồi đun sôi, hoặc là bây giờ thịnh hành hơn ở những nhà có tiền hay khá giả một chút thì họ mua nước tinh khiết đóng chai, một bình nước có thể 20 lít. Giữa những loại nước này, theo ý kiến của giới chuyên môn, loại nào tốt nhứt cho cơ thể?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Thực tình ra vấn đề nói tốt nhất thì nó cũng chỉ tương đối mà thôi. Nước máy hoặc là nước giếng hoặc là nước đóng chai thì tất cả đều là nước hết, nhưng mà vấn đề quan hệ là làm sao nứoc trở nên an toàn đối với người tiêu thụ, mà an toàn tức là không có các vi sinh vật có hại nằm ở trong đó, tức là không có nhiều hoá chất độc hại nằm trong đó. Đó là hai điểm quan hệ đối với chúng ta.

Thế ở bên Việt Nam chúng ta thấy rằng nước mưa là nguồn nước rất tốt, nhưng vấn đề chính là khi chúng ta phải giữ nước đó không bị nhiễm trùng sau này mà nó có thể đưa tới các vi sinh vật nằm ở trong nước mưa.

Cô thấy rằng ở Việt Nam nhiều khi có những thứ nước để lâu như vậy thì có lăng quăng. Những con lăng quăng đó có thể là nguồn gốc đưa tới bệnh tật cho cơ thể của chúng ta, nếu mà có thêm những vi sinh vật có hại nằm trong nước đó.

Trà Mi : Như vậy nước mưa không bị ô nhiễm hay sao?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Nước mưa ở trên rơi xuống thì nó không có ô nhiễm với vi khuẩn, nhưng mà có thể rằng có những hoá chất khác ở trong môi trường không khí trong không gian nó lẫn ở trong đó. Chúng ta biết rằng trong không khí có nhiều loại hoá chất khác nhau và khi nó có quá nhiều thì cũng có thể gây ra ảnh hưởng cho cơ thể.

Tuy nhiên, nói chung thì nước mưa tương đối tinh khiết. Đó là điểm thứ nhất. Và điểm thứ hai là ở bên Việt Nam chúng ta nước giếng nếu chúng ta đào thật sâu xuống thì có thể có những nguồn tốt nhưng mà bao giờ cũng vậy, ở trong đất vẫn có những mạch nước có thể có những loại khoáng chất khác nhau nằm ở trong đó, cũng như là các chất phế thải từ các công kỹ nghệ - xí nghiệp nó đưa tới đó thì có thể nhiễm.

Cho nên chúng tôi xin phép đề nghị là đối với bà con ở trong nước là, giống như cô Trà Mi vừa nói, chúng ta nên sử dụng những loại nước đã đun sôi rồi, chúng ta để nguội để uống. Và như vậy thì mới an toàn, tại vì các vi khuẩn hoặc là các loại vi trùng ở trong nước khi đun sôi lên thì đều bị tiêu diệt.

Trà Mi : Dạ. Nói như vậy là những người ở thành thị cũng không cần thiết phải mua nước đóng chai mà chỉ cần uống nước đun sôi cũng đủ là tinh khiết rồi, phải không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề đun sôi cũng đủ làm tinh khiết thì đó là tinh khiết ở khía cạnh thứ nhất là tiêu diệt được những vi khuẩn.

Trà Mi : Thưa, Bác Sĩ nói rằng nước được đun sôi 100 độ bách phân thì vi trùng bị tiêu diệt hết, nhưng đối với những kim loại có thể nhiễm trong nguồn nước như chì, thạch tín, v.v. khi mình đun sôi như vậy nó có diệt luôn những kim loại độc đó không?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Thực ra những loại nước mà đun sôi thì nó chỉ có thể trừ diệt được các loại vi khuẩn mà thôi. Chứ còn đối với các kim loại thì thực tình khó có thể loại bỏ chúng được. Vì thế cho nên chúng ta cần phải biết rõ nguồn nước đó từ đâu tới.

Nếu những thứ nước ở gần các khu phế thải của công kỹ nghệ là những thứ nước chúng ta cần phải đề phòng. Thí dụ như Việt Nam chúng ta thấy rằng có nhiều vùng có nguồn nước đưa tới ung thư là tại vì trong nước có những chất phế thải, các loại kim loại khác nhau, và nó ảnh hưởng tới cơ thể của chúng ta. Thành ra đó cũng là điểm chúng ta cần phải lưu ý.

Ngoài ra, nước mà chúng ta đóng chai thì nó cũng có thể có trường hợp mà nước bị nhiễm, là tại vì nước đóng chai đôi khi người ta cũng lấy nước máy rồi người ta chế biến trở thành nước đóng chai. Cho nên khi mua những nước đóng chai như vậy đó chúng ta cần phải coi xem những nhà sản xuất có đúng đắn hay không và họ có lương tâm nghề nghiệp hay là không. Đôi khi họ làm một cách không được tinh khiết và chúng ta phải trả tiền với một giá rất đắc để mua những loại nước không tinh khiết.

Trà Mi : Và giới chuyên môn thì cứ khuyên là uống nhiều nước, nhưng mà uống quá nhiều thì nó có tác hại gì không?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Thực ra mà nói thì ở đời cái gì cũng vậy, nếu quá nhiều thì bao giờ nó cũng đưa tới cái hại chứ không phải không. Khi chúng ta uống quá nhiều nước vào trong cơ thể thì nó có thể đưa tới những trưòng hợp gọi là ngộ độc nước, tức là trong đó cái khoáng chất với lại những loại hoá chất khác nhau nó sẽ làm cho mất cân bằng ở trong cơ thể chúng ta và đôi khi có thể đưa tới hôn mê.

Ngoài ra chúng tôi cũng lưu ý rằng có một số trường hợp chúng ta nên cẩn thận khi uống nước. Thí dụ những bện nhận bệnh tim mạch, huyết áp, hoặc là bị phù nề tức là sưng ở bàn chân, thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước tới một mức độ cao hơn. Và thứ hai là những bệnh nhân mắc bệnh thận thì tất nhiên trái thận làm việc cũng yếu kém, thành ra mức độ thải nước tiểu cũng giảm đi, cho nên trong trường hợp này chúng ta cần phải cẩn thận khi uống nước để tránh trường hợp đọng nước quá nhiều trong cơ thể.

Trà Mi : Ngoài những điều mà Bác Sĩ vừa lưu ý đó thì còn có những điều nào khác cần đặc biệt quan tâm để cung cấp lượng nước cần thiết và hữu dụng cho cơ thể hay không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Có một số trường hợp chúng ta cần phải uống thêm nước. Thí dụ khi chúng ta sống trong một môi trường không khí khô quá (ngồi trong máy bay đường trường 4-5 tiếng đồng hồ chăng hạn) thì chúng ta cần phải uống thêm nước để tránh tình trạng khô nước trong cơ thể chúng ta. Hoặc là với thời tiết lạnh Mùa Đông chúng ta cần phải uống thêm nước để giữ nhiệt độ trong cơ thể chúng ta ở mức bình thường. Hoặc là khi chúng ta làm việc trong thời tiết quá nóng, thí dụ làm việc ở ngoài trời, thì chúng ta cũng cần phải uống thêm một hai ly nước để bù trừ chỗ đã mất đi.

Ngoài ra trong những trường hợp bị cảm, bị sưng phổi, hoặc là phụ nữ có bầu, hoặc là phụ nữ cho con bú, thì cũng cần phải uống thêm nước. Hoặc một trường hợp nữa, mà trường hợp này chúng ta cần phải lưu ý , là khi chúng ta bị tiêu chảy, bị ói mữa, hoặc là bị băng huyết, hoặc là ở những người mắc bệnh tiểu đường, thì cũng cần phải uống thêm nước.

Trà Mi : Và trước tình hình ở Việt Nam đang có dịch tả tấn công thì lời lưu ý của giới chuyên môn dĩ nhiên là phải uống nước thật là sôi, đun thật là chín rồi mới uống.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Vâng. Điểm đó rất đúng, tại vì dịch tả do một loại vi khuẫn đặc biệt gây ra. Vi khuẩn này rất thích nước và nó hay ở trong môi trường nước hơi ô nhiễm, hơi đục, hơi dơ dáy, nhất là nước tù đọng. Thành thử vấn đề nước phải đun sôi để nguội là điều rất quan hệ.

Trà Mi : Dạ vâng. Thế giới chuyên môn có lưu ý những nguồn nước khác như là nước sâm, nước đắng, nước giải khát các loại ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Nói đến những loại nước bán ở quán cóc hay lề đường đó thì ngay báo chí ở trong nước cũng đã nhắc nhở rất nhiều, là tại vì những nguồn mà các chất liệu để làm ra nước đó đều không được an toàn. Tại vì có khi họ mua những sản phẩm rất rẻ tiền rồi họ pha chế nước đó, cho thêm đường hoá học vào trong đó để người ta bán, thành ra những loại nước đó là không được an toàn.

Và không những không an toàn mà nó còn gây hại cho cơ thể của chúng ta. Vấn đề quan hệ là nước ở chỗ nào cũng có, nước ở trong nhà chúng ta có thể sử dụng nước máy đun sôi để nguội, như vậy nó an toàn hơn cả. Đấy là nhữ ng thứ mà chúng ta không phải mua.

Trà Mi : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích mà Bác Sĩ dành cho chương trình ngày hôm nay.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức : Trước khi chấm dứt thì chúng tôi cũng xin thưa thế này. Con cá nó sống vì nước, vì cần có nước để tung tăng vẫy vùng bơi lội,. Con người không sống ở trong nước, nhưng mà nước nằm trong cơ thể chúng ta. Không có nước thì không thể có máu lưu thông ở trong cơ thể chúng ta, mà không có nước thì không có hormon nam nữ để nối dõi tông đường.

Và không có nước thì da chúng ta sẽ nhăn, mắt chúng ta sẽ khô, và các khớp xương của chúng ta sẽ kêu cót két. Vì thế cho nên chúng tôi xin cảm ơn cô Trà Mi đã quan tâm tới vấn đề rất là thông thường này nhưng lại cũng rất là quan trọng mà mọi người chúng ta lại hay quên. Và chúng tôi cũng xin cảm ơn quý vị thính giả đã theo dõi.

Trà Mi : Cảm ơn Bác Sĩ rất là nhiều. Và câu cuối cùng xin nhắn gửi tới tất cả quý vị thính giả sau khi nghe chương trình này là hãy quan tâm bổ sung nước cho mình nhưng mà nhớ là phải nước sạch và nước tinh khiết thì mới có tác dụng.

Phần trình bày về lợi hại của nước đối với sức khoẻ con người được phát thanh vào sáng thứ sáu tuần trước. Mời quý vị truy cập vào trang web www.rfa.org, chọn phần Tiếng Việt, để nghe và xem lại toàn bộ hai cuộc phỏng vấn với bác sĩ Đức về chủ đề này.

Chương trình "Sức khoẻ và đời sống" tuần này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.