Điều này làm dấy lên mối quan ngại về sức khoẻ con người do tác hại từ việc bị nhiễm phóng xạ hạt nhân.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay sẽ trình bày ý kiến của chuyên gia sức khoẻ và chuyên gia nghiên cứu hạt nhân về những vấn đề liên quan trong lĩnh vực này.
Các giới chức phụ trách về năng lượng nguyên tử Pháp cho biết sự cố ở các lò phản ứng hạt nhân Fukushima được đánh giá về mức độ nghiêm trọng là 6 trong thang bậc tối đa là mức 7. Đây là tai nạn hạt nhân lớn thứ hai chỉ sau vụ rò rỉ hạt nhân ở Chernobyl, Ukrainia năm 1986. Trong vụ rò rỉ ở lò phản ứng hạt nhân Chernobyl năm 1986, Liên xô đã phải di dời 30,000 cư dân. Sau đó người ta nhận thấy, tất cả những nhân viên làm việc tại nhà máy này bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức 6.000 millisieverts đều chết trong vòng một tháng do các bệnh liên quan đến phóng xạ nguyên tử.
Trước tình hình ở Fukushima, chánh Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật cho hay các nhân viên tại nhà máy đã được sơ tán ngay sau khi mức phóng xạ tăng lên, còn người dân thì được lệnh phải ở trong nhà không nên ra ngoài.
Giáo sư Kim Kearfott, Khoa Vật lý Hạt nhân thuộc Đại học Michigan, bà là một chuyên gia nghiên cứu về năng lượng nguyên tử hàng đầu của Hoa kỳ, nói rằng:
“Hiện nay không có thông tin nào cho hay người dân Nhật bị nhiễm một lượng lớn phóng xạ từ nhà máy nguyên tử ở Fukushima. Có tin nói rằng một công nhân ở nhà máy này bị nhiễm một lượng phóng xạ gấp đôi giới hạn ở mức bình thường đối với các nhân viên làm việc có tiếp xúc với các chất phóng xạ. Tuy nhiên do mức ấn định chính thức cho phép là rất nhỏ, nên người này cũng chưa có nguy cơ bị các bệnh rối loạn về gien, ung thư hay các bệnh liên quan đến phóng xạ nguyên tử."
Về vấn đề, liệu các nguồn thực phẩm tại Nhật bản có bị ảnh hưởng bởi phóng xạ hay không. Giáo sư Kearfott nhận định:
"Còn quá sớm để có thể đánh giá được những ảnh hưởng của các chất phóng xạ từ các vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima đối với đời sống nói chung và thực phẩm nói riêng tại Nhật. Chúng ta chưa biết chắn chắn số lượng có thể bị nhiễm là bao nhiêu. Mặc dù con số đưa ra hiện nay hầu như là tương đối thấp.”
Hiện tượng nhiễm phóng xạ
Bác sĩ Trần Văn Sáng, hiện đang hành nghề tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ phân tích hiện tượng bị nhiễm chất phóng xạ như sau:
“Phóng xạ là một danh từ mà chúng ta nghe rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày từ các vụ nổ bom nguyên tử trong lịch sử mà chúng ta biết ở Hiroshima và Nagasaky, vụ nổ Chernobyl bên Liên Xô cũ, cho tới khi chúng ta đi chụp hình trong nhà thương hay ở những nơi chụp hình quang tuyến thì người ta cũng nói đến vấn đề có thể bị ảnh hưởng của phóng xạ.
Phóng xạ là gì? Thật sự nó là những tia phát xuất ra từ một nhân tố gọi là neutrinos. Cấu trúc neutrios gồm hai phân tử chính là protron và neutron. Hai chất này kết chặt với nhau để tạo ra nhân tố, mà của tất cả những chất trong thiên nhiên mà chúng ta thấy. Sự kết hợp này rất chặt chẽ và do những lực hết sức đặc biệt trong thiên nhiên.
Nhưng một khi lực này trở nên bất toàn, nó di động hay di chuyển vị trí của những phân tử thì nó sẽ phát ra những tia mà chúng ta thấy thường sử dụng gọi là tia Alpha, Beta và Gama. Trong những tia đó có tia gọi là X-ray, mà trong y học sử dụng để chụp hình vì tia này có thể đi xuyên thấu vào trong cơ thể. Cũng như có những tia mạnh hơn như tia Gama, nó có thể xuyên thấu qua những bức tường, kể cả những bức tường bằng sắt."
Giải thích nguyên nhân vì sao con người có thể bị ảnh hưởng bởi việc nhiễm phóng xạ. Bác sĩ Sáng cho biết:
“Những tia này có ảnh hưởng rất lớn trong thiên nhiên, vũ trụ, và ảnh hưởng đối với cơ thể con người. Chính vì vậy khi chúng ta đi chụp hình, CAT scan hay chụp X-ray thì người ta đều thấy có những người chụp hình quang tuyến bảo vệ cơ thể của họ bằng cách mang những tấm chắn. Trong thiên nhiên cũng có những tia này rất nhiều, khi hút thuốc lá, hay khi chúng ta đi tới những nơi có lò nguyên tử hạt nhân, v.v...Thì phần lớn chúng ta lúc nào cũng có mức độ tiếp xúc với những chất phóng xạ này không nhiều, không ít. Nhưng mức độ quá nhỏ thành ra chúng ta không thấy nó ảnh hưởng đến cơ thể của chúng ta."
Chuyên gia về sức khoẻ này cũng đưa ra nhận định để mọi người không quá hoang mang về vần đề bị nhiễm phóng xạ:
“Đó là một số những ý niệm hết sức đơn giản về chất phóng xạ để quý vị thấy là không phải chỉ có khi xảy ra những tai nạn ở những lò hạt nhân thì chúng ta mới tiếp xúc với các chất phóng xạ mà thôi. Bình thường trong đời sống hàng ngày chúng ta dù không muốn tiếp xúc thì cũng có thể tiếp xúc với một ít chất phóng xạ do thiên nhiên tạo ra.”
Nhiễm các chất phóng xạ ở mức độ cao sẽ có những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con người, Bác sĩ Trần Văn Sáng nêu lên một số căn bệnh liên quan đến vấn đề này:
“Chúng ta sẽ nói trong hai tình huống khác nhau. Đó là những cái xảy ra khi có sự tiếp xúc một lượng lớn của các chất phóng xạ, thí dụ như chuyện xảy ra tại Nhật bản vì vụ nổ của lò nguyên tử hạt nhân.
Thường người ta chia làm hai nhóm. Nhóm có triệu chứng cấp tính, tức là nếu sự tiếp xúc quá gần và nồng độ của chất phóng xạ quá cao, thì sẽ ảnh hưởng trên da, làm da bị đỏ, phỏng đỏ, và có những triệu chứng hư hoại da. Đó là những người tiếp xúc rất gần, và họ có thể bị tử vong vì những sự tiếp xúc.
Khi tia đi vào trong cơ thể nó ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hoá thì người đó sẽ bị ói mửa. Và sau đó những tia này sẽ đi vào trong những tuỷ xương, và nó làm hạn chế hoạt động của những tuỷ xương, đó là nơi cung cấp những tế bào hồng cầu, bạch cầu, và những kháng thể cho cơ thể, thì khi đó cơ thể sẽ không sản xuất được những chất kháng thể giúp cơ thể thì vi trùng sẽ gây lên những biến chứng nhiễm trùng cho cơ thể và cũng gây ra tử vong.
Trường hợp cấp tính mà nếu lượng phóng xạ quá cao có thể làm suy sụp hoạt động của tim và mạch máu, thì người đó sẽ chết rất nhanh. Đó là những trường hợp cấp tính, thì thường chỉ xảy ra trong những vụ nổ của những lò hạt nhân.
Còn hậu quả lâu dài của những vấn đề tiếp xúc với các chất phóng xạ thì được nghiên cứu rất kỹ từ khi có những kinh nghiệm do thả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaky. Và đặc biệt là vụ nổ lò hạt nhân ở bên Liên xô năm 1986 tại Chernobyl, Ukrainia. Người ta thấy tỉ lệ ung thư tuyến giáp trạng (Thyroid gland) rất cao, kế đó là những trường hợp bị ung thư vú, và thứ ba nữa là ung thư máu (leukemia).
Bên cạnh những biến chứng như vậy, thì người ta thấy những ảnh hưởng về tâm lý thần kinh cũng rất nhiều, vì những ảnh hưởng lo sợ, ảnh hưởng do sự mất mát về tài sản của cải, và người thân, cũng như phải di chuyển ra khỏi những vùng mà trước đây họ ở cùng với gia đình hay quê hương của họ. Những yếu tố thay đổi này cũng rất nặng nề và kéo dài nhiều năm cho những gia đình hay những người còn sống sót trong những tai biến xảy ra do phóng xạ.”
Giáo sư Kearfott cũng giải thích thêm về những tác động tiêu cực đối với cơ thể con người, nếu như những người ở quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị nhiễm các chất phóng xạ. Bà nói:
“Con người có thể bị phơi nhiễm với chất phóng xạ dưới hai hình thức. Một là, phần bên ngoài thân thể bị nhiễm. Thứ hai là chất phóng xạ ngấm vào bên trong cơ thể. Về điểm thứ nhất chỉ xảy ta khi tiếp xúc với một số lượng lớn chất phóng xạ, đối với những người dân bình thường thì khả năng này ít xảy ra, nhưng đối với những công nhân làm việc tại nhà máy chế biến hạt nhân thì phần thân thể bên ngoài có thể bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ. Nếu cơ thể bị nhiễm chất phóng xạ thì ảnh hưởng của nó đối với cơ thể còn tuỳ thuộc vào đó là loại phóng xạ nào.
Trường hợp đang xảy ra ở Nhật hiện nay vì người dân đã được sơ tán đi nơi khác nên nếu có bị nhiễm xạ bên ngoài thân thể thì cũng chỉ với một lượng rất nhỏ.”
Cũng theo nữ Giáo sư này, thì những phụ nữ bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh. Bà nói:
“Nếu bà mẹ bị nhiễm một lượng phóng xạ lớn thì có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh, nhưng thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng do yếu tố gien bị tác động bởi các chất phóng xạ, nên các thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng do di truyền.”
Biện pháp phòng tránh
Về những biện pháp phòng tránh và bảo vệ cho cơ thể khỏi sự ô nhiễm của các chất phóng xạ. Bác sĩ Trần Văn Sáng nói rằng:
“Trên truyền thông người ta đã nói rất nhiều, là tất cả những người trong vùng này được di chuyển qua các vùng khác, và chính phủ Nhật cũng đã áp dụng phương pháp an toàn, tức là cho mang những khẩu trang để tránh hít những không khí có mang các chất phóng xạ, thay đổi quần áo của họ thường xuyên để tránh trường hợp nhiễm trên quần áo. Đặc biệt trẻ con gần những vùng bị phóng xạ phải di chuyển ra những nơi xa nhất, và không cho ăn hay uống những thực phẩm nào mà phát xuất từ những vùng bị phóng xạ như vậy cho tới khi có những cơ quan y tế hay cơ quan của chính phủ họ kiểm soát được, và họ dùng những máy để đo độ phóng xạ ở những vùng đó hay ở trên cơ thể của những người ở trong vùng đó. Và đặc biệt trong trường hợp như vậy thì người ta đã đưa cho những người ở trong vùng uống một loại thuốc gọi là Potassium Iodide.
Potassium Iodide là cái chất gì? Potassium Iodide là chất mà chúng ta thường tìm thấy trong muối gọi là Iodide salt tức là chất I-ốt trong tiếng Việt chúng ta. Tại sao phải dùng I-ốt trong vấn đề phòng bệnh cho những người ở trong vùng bị nổ những lò hạt nhân. Tại vì nó sẽ liên hệ đến một cái bệnh gọi là ung thư của tuyến giáp trạng, gọi là Thyroid cancer.
Tuyến giáp trạng mỗi ngày đều sản xuất ra những chất kích thích tố. Tuyến giáp trạng là gì? Tuyến giáp trạng là một cấu trúc rất nhỏ ở phiá trước cổ chúng ta, ở khoảng giữa và hơi phiá dưới chút xíu, nó rất nhỏ nhưng sản xuất ra một chất rất quan trọng là kích thích tố tuyến giáp trạng là Thyroxine. Chất Thyroxine này giúp rất nhiều trong những hoạt động của cơ thể kể cả tim và trong bắp cơ và những hệ thống khác.
Chất Thyroxine này khi được sản xuất thì nó cần rất nhiều chất I-ốt, bởi vậy lúc nào cơ thể cũng cần những chất I-ốt mà chúng ta ăn vào, để dùng I-ốt đó đưa đến tuyến giáp trạng để sản xuất ra chất Thyroxine. Và nếu mà trong môi trường bị phóng xạ như vậy, thì thường có một chất gọi là Iodine, gọi là Radioactive Iodine, tức là những chất I-ốt mà nó bị nhiễm phóng xạ, được phát ra trong không khí, trong thực phẩm, và nước.
Khi người bị tiếp xúc xử dụng những cái này thì chất I-ốt có mang phóng xạ đó sẽ chạy thẳng đến tuyến giáp trạng và nó có thể làm hư hoại hay tương lai nó có thể đưa đến ung thư của tuyến giáp trạng giống như chúng ta đã thấy trong kinh nghiệm quá khứ chính vì vậy uống viên thuốc Potassium Iodide này thì nó sẽ giúp để tuyến giáp trạng không nhận những chất I-ốt bên ngoài mà có mang chất phóng xạ. Khi uống thuốc này thì chất I-ốt sẽ được sử dụng đưa đến ngay tuyến giáp trạng.
Chính vì vậy mà ngăn chận tất cả những chất I-ốt khác có mang chất phóng xạ đến tuyến giáp trạng để sản xuất. Đó là cách mà hiện nay đang được sử dụng; mỗi người ở trong vùng đó, đều phải uống chất Potassium Iodide này để ngừa trong tương lai những biến chứng về bệnh tuyến giáp trạng.”
Tin cho biết độ phóng xạ mỗi giờ tại một điểm ở khu vực nhà máy điện nguyên tử Fukushima hôm thứ bảy 12/03 cao gấp 1.000 lần mức một người được phép phơi nhiễm trong vòng một năm.
Theo dòng thời sự:
- Thiên tai ở Nhật và nguy cơ phát tán phóng xạ của các nhà máy điện hạt nhân
- Trận động đất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Nhật?
- Số người chết vì động đất ở Nhật có thể lên hơn 10,000
- Nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật
- Nhật lo ngại thảm họa phóng xạ rò rỉ
- Quốc tế bắt đầu gửi các toán cứu trợ đến Nhật
- Nhật Bản vẫn trong tình trạng hỗn loạn