Nhà thơ quân đội
Tôi sinh năm 1940, ở một làng tên là TrinhTiết tên Nôm là làng Sêu, thuộc huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Đông cũ. Lúc bé ở quê, năm 11 tuổi bố mẹ đưa ra Hà Nội. Lúc ấy Hà Nội thuộc vùng tạm chiếm của Pháp. Học ở Hà Nội cho đến khi tốt nghiệp đại học.
Năm 1963 về làm công tác cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam. Công tác ở đây 4 năm sau đó đi B, tức đi chiến trường miền nam với tư cách phóng viên của tờ tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung Bộ, tức là khu V, vùng từ đèo Hải Vân đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên làm công việc phóng viên từ năm 1967 đến năm 1975.
Đến năm 1980 ra làm biên tập viên tờ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1983 về làm phó chủ tịch hội văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, tổng biên tập tạp chí Đất Quảng.
Đầu năm 1987 chuyển công tác lên tỉnh Lâm Đồng, gây dựng Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và được anh em bầu làm chủ tịch hội.....
Những chi tiết mà nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa kể cho thấy ông đã gắn bó mật thiết thế nào đối với sinh hoạt văn nghệ Việt Nam từ những ngày chiến tranh cho đến thời gian gần đây nhất.
Tác phẩm của ông đã đồng hành cùng với nền văn nghệ miền Bắc với niềm tin tưởng gần như tuyệt đối đó là văn chương có thể thay đổi đời sống con người. Ông sáng tác nhiều thể loại nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những bài thơ mang đậm tính thời sự qua nhiều thời kỳ.
Ông cùng với vợ vào B chiến đấu và người vợ trẻ đã nằm lại vĩnh viễn tại chiến trường miền Nam để lại trong lòng thi sĩ một dấu ấn khôn nguôi. Cái chết của người vợ là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ sau này của ông trong đó ngôn ngữ thi ca mà ông dành cho vợ thật đằm thắm, đến nỗi gây cho người đọc một cảm giác yên vui trong thứ tình cảm ngây ngất của vợ chồng.
Tổ Quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt
Hợp đồng này giầu đẹp lắm Người ơi!
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Bùi Minh Quốc nhẹ nhàng nhắc lại những kỷ niệm mà ông đã cùng với vợ từng trải qua như những giấc mơ mà khi yêu nhau người ta thường lập đi lập lại.
Sự nhắc nhớ trong con chữ của Bùi Minh Quốc tuy đôi khi cũng cay đắng nhưng niềm cay đắng này bàng bạc vị ngọt của hạnh phúc mà ông đã đánh mất.
Bài thơ về hạnh phúc
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Bài thơ có những câu cuối thật xót lòng. Bùi Minh Quốc than vãn não nuột về sự ra đi của vợ, sự ra đi mà có lẽ ông đã biết trước như một định mệnh, vì chiến tranh nào chừa một ai trong cơn hủy diệt của nó. Nhà thơ chỉ biết tự an ủi mình khi đẩy ánh mắt của vợ trước giờ ra đi như một thứ ánh sáng, hay hào quang góp vào nguồn sáng ban ngày:
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Chuyến đi xuyên Việt
Bùi Minh Quốc không sống lâu trong những bài thơ tình, dù là tình cảm vợ chồng. Ông có nhiều chuyến đi xuyên Việt và trong những lần dong ruỗi ấy nhiều sự việc đã khiến ngòi bút của ông trở nên bén hơn với những chất liệu thời sự ngồn ngộn cuốn hút ông mỗi ngày.
Một trong những chuyến đi đã làm tư tưởng ông thay đổi sâu sắc đó là chuyến xuyên Việt lấy chữ ký nổi tiếng mà ông và một nhóm bạn hữu tổ chức theo lời kể sau đây:
“Trong khi làm chủ tịch hội Văn Nghệ Lâm Đồng thì tôi thực hiện một chuyến đi làm việc với các hội văn nghệ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ở các địa phương anh em tổ chức các cuộc đọc thơ.
Cùng đi trong chuyến ấy có nhà thơ Hữu Loan và những cuộc đọc thơ đều có mặt nhà thơ Hữu Loan. Những cuộc đọc thơ này rất hào hứng sôi nổi. Những bài thơ một thời không được in đã được đọc trong dịp này.
Cùng với những cuộc đọc thơ là tuyên bố chung của công dân và văn nghệ sĩ hưởng ứng đổi mới. Qua các tỉnh thì lấy được 118 chữ ký, ra đến Hà Nội là chữ ký cuối cùng. Sau đó đưa tất cả các bản tuyên bố ấy cho ban Bí Thư Trung Ương Đảng và các cơ quan hữu quan như Quốc Hội, bộ Thông Tin ...”
Và như chúng ta đã biết, việc làm mà nhà thơ cho là đúng đắn này được nhà nước nhìn với cặp mắt ngờ vực. Hậu quả là nhà thơ nhiều lần bị mời đi thẩm vấn để truy tìm cho ra những điều mà nhà nước cho là mầm mống phản động.
Đối với người dân thì mỗi lần bị công an mời là một lần kinh hoàng nhưng với nhà thơ có bề dày chiến đấu như Bùi Minh Quốc thì những cuộc thẩm vấn này chỉ làm cho thơ ông thêm sáng thêm bén mà thôi.
Qua bài thơ có tựa đề Thơ Vụt Hiện Trong Phòng Thẩm Vấn, ông đã vẽ lại hình ảnh cuộc hỏi cung mà ông là người trong cuộc, kể lại bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản nhất nhưng lại có sức hiện thực mạnh mẽ bất ngờ:
Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn
Bài thơ này được viết vào năm 1997, trong suốt mấy tháng mùa hè năm 97 tôi liên tục bị công an mời làm việc hàng ngày.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Xuân hổn hển ngực đồi cỏ thắm
Ðà Lạt dậy mùa hoa
Anh nghiến răng trong phòng thẩm vấn
Giữa ban ngày mà ngập đêm đen
Những câu hỏi làm anh lộn mửa
- Bài thơ này anh gửi cho ai?
- Ai gửi cho anh bài này bài nọ?
Trái tim thơ muốn nổ chuỗi cười dài!...
Thật dễ quá đầu môi yêu Tổ Quốc
Ðây tình yêu như máu cuộn không lời
Người quằn quại người nát thây lầm đất
Vẫn người đi, người tiếp mãi bên người.
Tổ Quốc hỡi tình chi đau đớn vậy
Con yêu người, ngục tối nuốt trời xanh
Ôi Tổ Quốc vào tay quỉ dữ
Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình.
Con đối diện những tia nhìn cú vọ
Cả một thời xung trận lại trào sôi
Ðôi cánh thơ vẫy vùng trong bão tố
Tiếng hát tự do trong biếc mãi dâng đời.
Ngôn ngữ thi ca trong bài thơ này hoàn toàn thiếu vắng chất trau chuốt nhưng ngữ điệu của nó lại có sức mạnh khiến lòng người sôi lên những bất bình. Đây là thành công của bài thơ vì nó chuyên chở được thông điệp mà nhà thơ muốn nói đến người đọc, đặc biệt là người đọc có cùng hoàn cảnh như mình.
Bài thơ như một tin nhắn, một sứ điệp lan tỏa trong cộng đồng mạng và nhanh chóng được giới văn nghệ sĩ biết đến. Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể lại hoàn cảnh mà ông sáng tác bài thơ này như sau:
“Bài thơ này được viết vào năm 1997, trong suốt mấy tháng mùa hè năm 97 tôi liên tục bị công an mời làm việc hàng ngày. Trước đó khi xuống Sài Gòn tôi có đến thăm anh Hoàng Minh Chính, lúc đó ông ở ngoài Bắc mới vào ở với con gái.”
Nhà thơ với Thời cuộc
Bùi Minh Quốc rất bén nhạy với những sự kiện về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông lặn lội trong Nam ngoài Bắc để in sách của bạn bè nói về vấn đề này.
Ông lần mò tới tận địa đầu tổ quốc ngồi ôm tấm bia ghi cột mốc biên giới như một cách chống đối thụ động, vì ông biết rõ không thể làm gì hơn trước sự im lặng của nhà cầm quyền Việt Nam.
Ông viết kháng thư tố cáo sự im lặng nặng nề của Hà Nội và lên tiếng kêu gọi hùng tâm tráng chí của mọi người.
Những hình ảnh đời thường chung quanh nhà thơ đã khiến ông bật ra những câu thơ não lòng. Ông vẽ lại thực trạng xã hội hôm nay từ những bàn nhậu của một lớp người mà ông cho là đang gian lận đời sống Việt Nam.
Trong bài "Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt" ông lên án mạnh mẽ sự phản bội trần truồng của những người mà mới đây ông còn gọi là đồng chí, ông cay đắng ghi nhận:
Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Còn ai kêu cho những cây thông không biết nói
Khi nhà thơ bị bóp cổ nghẹn lời
Rừng nguyên sinh vung lưỡi rìu quỉ đói
Rắc rắc cây xô cốc chạm quỉ vang cười
Chúng nó nhậu từng cánh rừng dải núi
Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi
Nhậu tất cả từ Vua Hùng để lại
Nhậu đến nàng Tô Thị rã thành vôi
Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch
Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom
Con mất xác dưới chân thành Quảng Trị
Mẹ khoét hầm nuôi tiếp biết bao con
Kìa mẹ về run rẩy dưới mưa tuôn
Qua cửa vi-la thấy đàn con ngồi nhậu
Những đứa con thoát chết vụ khui hầm
Đang tưng bừng nâng cốc tụng nhân dân
Tổ Quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt
Hợp đồng này giầu đẹp lắm Người ơi!
Im lặng và tuyệt vọng
Nếu khi xưa những bài thơ gửi cho người vợ bất hạnh của ông thuần những ngôn ngữ nhẹ nhàng, êm ái thì nay ngôn ngữ đã thay đổi đến tận cùng. Hình như ông muốn chia sẻ với người vợ hiền của ông rằng đời sống đã quá khốn đốn và trơ tráo, ông bị vây khổn giữa muôn trùng bất trắc và chính giấc ngủ dịu hiền của người vợ mới là vĩnh hằng trong ao ước của riêng ông.
Em ngồi đó, quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay, lan một thế giới dịu hiền
Những búp bê len muôn màu hồn nhiên ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh
Gầm rít quanh ta cơn bão phũ phàng
Cuộc vây hãm dằng dai của mắt cú miệng hùm lưỡi rắn
Em ngồi đó, mười ngón tay lau đằm thắm
Một thế giới dịu hiền - thông điệp của hồn em
Cái thời nhố nhăng cặn bã hóa vương quyền
Rồi lọc hết qua bàn tay em - chỉ sau cùng còn lại
Chỉ sau cùng còn lại
Một thế giới dịu hiền nâng giấc mãi thơ anh.
Bài thơ tuyệt vọng tới mức bi thảm. Bùi Minh Quốc lặng lẽ độc thoại trong đêm tối với ý thức thất vọng tận cùng. Những lời thơ không còn cánh, không còn sức sống, và thậm chí không còn cả âm vang của ngôn ngữ. Im lặng tuyệt đối. Im lặng và buồn...