Cái Dũng của nhà văn

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với năm văn nghệ sĩ là nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Trần Nhương và nhà văn Võ Thị Hảo xoay chung quanh các vấn đề được cho là nhạy cảm hiện nay có liên quan đến Trung Quốc cũng như vai trò của nhà văn trong tình hình được xem là khá khó khăn này.

0:00 / 0:00

Như quý vị đã biết nhiều sự việc được blogger và báo giới trong và ngoài nước đưa tin về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang, blogger Mẹ Nấm, blogger Người Buôn Gió đã dấy lên một làn sóng lo ngại cho giới cầm bút. Những bài viết về vấn đề biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như việc khai thác bauxite có liên quan đến Trung Quốc vẫn xuất hiện trên nhiều trang blog cá nhân, bất kể việc bắt giữ vừa nói. Thế nhưng có điều mà dư luận hiện nay đang quan tâm đó là các nhà văn có tên tuổi của Việt Nam vẫn chưa có những sáng tác nào gây ấn tượng về vấn đề này. Hôm nay chúng tôi hân hạnh mời năm vị văn nghệ sĩ là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhà văn - nhà báo quân đội Phạm Đình Trọng, nhà văn - họa sĩ Trần Nhương và nhà văn Võ Thị Hảo để mạn đàm về vấn đề này. Trước tiên xin được hỏi nhà văn Nguyễn Trọng Tạo về trang blog của ông.

Trân trọng thế hệ trẻ

Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi đọc được một bài viết link từ trang blog khác nói về entry cuối cùng của Mẹ Nấm. Ông có nhận xét gì về bài viết này?

Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo:Bài viết của một người trẻ thế hệ 8X là một bài viết mà tôi đọc tôi rất bất ngờ. Sau sự kiện Mẹ Nấm thì người trẻ mới nhận thức về yêu nước rất là sâu sắc. Họ hiểu biết về văn hóa yêu nước của người Việt Nam từ những cuộc chiến tranh trước mà họ chưa được sinh ra, đấy là một điều làm tôi thấy rất bất ngờ. Bất ngờ mà lại không bất ngờ vì người Việt có truyền thống yêu nước và khi nào lửa cháy thì nó sẽ bùng lên. Đây là một điều tôi rất cảm động và rất trân trọng thế hệ trẻ hiện nay.

Họ hiểu biết về văn hóa yêu nước của người Việt Nam từ những cuộc chiến tranh trước mà họ chưa được sinh ra, đấy là một điều làm tôi thấy rất bất ngờ.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo

Mặc Lâm: Cám ơn nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Chúng tôi nhận thấy rằng việc kêu gọi lòng yêu nước của giới trẻ xem ra có vẻ lấn lướt các nhà văn lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn họ thông qua những phương tiện rất thông dụng hiện nay là các trang blog. Thật ra các blogger này không còn một miếng đất nào khác để truyền đi tiếng nói của mình. Xin một câu hỏi cho nhà văn Trần Mạnh Hảo. Ông có những chia sẻ gì về nhận xét này?

Trách nhiệm với đất nước

TranManhHao150.jpg
Nhà văn Trần Mạnh Hảo. RFA file photo.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi thấy ở trên nhiều tờ báo mạng và nhiều blog, những nhà văn Việt Nam đã có ý kiến và họ đã nói rất thẳng thắng. Họ lên án sự xâm lược của Trung Quốc, họ rất lo lắng và bức xúc trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm đe dọa như thế và họ viết lên những ý kiến. Còn tác phẩm nghệ thuật thì tôi nghĩ không thể một ngày, hai ngày mà có được vì truyền thống của ông cha ta là làm thơ, viết văn mà văn thơ thường yêu nước, thường chống giặc - như Bình Ngô Đại Cáo chẳng hạn - các áng văn bất hủ ngày xưa thì bây giờ không thể nào một lúc mà có được.

Mặc Lâm: Cám ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo, theo nhà văn Trần Nhương thì sao?

Nhà văn Trần Nhương: Những nhà văn thì thật ra họ cũng phải nghĩ đến tồn vong của đất nước. Họ cũng vẫn viết và tất nhiên không nhiều vì đôi khi người ta cũng ngại ngần những va chạm này khác. Vì mưu sinh và cuộc sống yên bình thì lắm lúc họ cũng thôi nhưng tôi tin các nhà văn vẫn có những tác phẩm. Năm 1979 đối với dân tộc Việt nam thì có lẽ không ai quên và trách nhiệm của mỗi nhà văn, mỗi người cầm bút có lẽ cũng phải làmcho nhân dân mình hiểu.

Mặc Lâm: Cá nhân tôi cũng xin có ý kiến là mặc dù yếu tố thời sự thường được nhà báo khai thác trước khi nhà văn bắt tay vào tìm kiếm những yếu tố nội tại cũng như những suy tư sâu hơn và điều này cần thời gian để chắt lọc. Tuy nhiên những sự kiện quan trọng thì văn nghệ sĩ cũng phải có thái độ thích hợp với thời gian tính của nó.

Nhà văn Trần Nhương: Những điều anh vừa nói sự thật là có như vậy đấy. Quả thực nếu xét về việc nhà văn phải có những phản ứng ngay với những ý đồ đe dọa xâm lấn của Trung Quốc, thì đúng là giới nhà văn Việt Nam có đi chậm so với một số anh em báo chí. Nhưng mà ngay cả những anh em báo chí hay những blogger thì cuối cùng cũng phải im tiếng. Họ thấy rằng việc lên tiếng ấy là việc làm thực sự yêu nước cũng như việc chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi biên thùy của VN là chủ trương lớn mà Đảng và chính phủ VN đã công bố, thế nhưng cuối cùng thì không hiểu tại sao họ lại bị bắt bớ, trừng phạt hay kỷ luật khi họ lên tiếng về vấn đề xâm lấn của TQ. Thật ra tôi không chắc có vấn đề gì khác không vì mình không phải là nhà điều tra nhưng theo dư luận thì họ đã lên tiếng một cách mạnh mẽ về vấn đề TQ hay vấn đề Bauxite và họ bị bắt, thì tôi thấy sự lên tiếng của giới báo chí và một số người là đúng, là có lương tâm và cần thiết.

Không thấy trên văn đàn, trên những tờ báo, trên các phương tiện truyền thông được nhà nước chính thức cho phép được duyệt là đăng hay không đăng thì không có nghĩa là không có những người đang thầm lặng sáng tác.

Nhà văn Võ Thị Hảo

Mặc Lâm: Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, theo bà thì việc lên tiếng của nhà báo và blogger rất đúng, còn sự im lặng của nhà văn thì sao?

Nhà văn Võ Thị Hảo: Giới nhà văn thì tôi nghĩ rằng họ sẽ ghi nhận tất cả, sẽ không quên điều gì và trái tim không thể không đau nhưng phản ứng của văn chương thì khác, nó được khúc xạ và được chuyển tải lại dưới hình thức những tác phẩm. Có thể chưa phải ngay bây giờ mà là sau này. Không thấy trên văn đàn, trên những tờ báo, trên các phương tiện truyền thông được nhà nước chính thức cho phép được duyệt là đăng hay không đăng thì không có nghĩa là không có những người đang thầm lặng sáng tác.

Mặc Lâm: Cám ơn nhà văn Võ Thị Hảo, xin quay lại với nhà văn Phạm Đình Trọng, thưa ông là một nhà văn quân đội và mới đây ông có một kiến nghị gửi cho Thủ Tướng nói lên những bức xúc của một người dân về vấn đề Trung Quốc, ông có thể cho biết đôi điều về chuyện này không?

Nhà văn Phạm Đình Trọng: Chúng tôi là người lính nên chúng tôi thấy rõ. Bản thân cũng chẳng muốn động đến làm gì nhưng vì cái chung mà một kẻ sĩ không thể làm ngơ nên đành phải viết. Những cái tôi nói thì mọi người đều biết cả nhưng nhiều người cũng bận việc khác, hoặc trong một xã hội như chúng tôi đang sống thì những việc nói như thế này cũng có nhiều cái không thuận lợi cho cuộc sống thành ra người ta cũng ngại. Tình hình đất nước bây giờ đã đến lúc mà mọi người phải tập họp nhau lại rồi, không phân biệt trẻ hay già, mà thực tế cũng đã như thế rồi. Trong đời sống, trong những báo chính thống không nói được thì trong thế giới mạng đang rất sôi nổi và không phân biệt tầng lớp nào. Đã đến lúc mọi người đều phải thấy lo ngại cho đất nước và thấy phải có trách nhiệm rồi.

Nói lên sự thật

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Phạm Đình Trọng và xin mạn phép quay lại với nhà văn Trần Mạnh Hảo. Ông có chia sẻ gì với ý kiến ông Phạm Đình Trọng vừa nói không ạ?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi nghĩ mình là một nhà văn, một nhà báo thì thiên chức của mình là nói lên sự thật. Tôi chỉ nói lên sự thật thôi chứ tôi không chống ai cả. Còn đó có phải là sự thật không thì các ông tranh luận chứ sao lại cấm tôi. Tôi nghĩ với thiên chức của tôi thì cho đến chết tôi vẫn nói lên sự thật.

Mặc Lâm: Theo chúng tôi hiểu thì vẫn còn rất nhiều nhà văn nhận thấy viết các trang viết mạnh mẽ trong lúc này không có lợi cho bản thân và gia đình. Nhà văn-hoạ sĩ Trần Nhương có thể cho biết ý kiến của ông?

Nhà văn Trần Nhương: Tôi nghĩ là họ cũng có những lý do của họ và tôi cũng không nói thêm gì hơn về những người bạn đồng nghiệp của mình. Mình phải biết là với bản thân mình và một số bạn bè của mình thể hiện lòng yêu nước thì mình cũng phải nói thôi, nói theo đúng với tâm trạng và lòng mong muốn của mình chứ mình cũng không làm gì quá đáng. Nhưng thực tế trong đời sống xã hội thì vấn đề ứng xử với TQ mình đang có một cái gì lấn cấn. Tôi nghĩ những điều đó cũng cần phải minh bạch, cái nào ra cái đó.

Mặc Lâm: Xin được quay lại với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ông có nhận xét chung gì về các nhà văn đối với những sáng tác của họ trong tình hình hiện nay không?

Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo:Phải nói là nhiều năm nay chúng ta sáng tác quá nhiều về đề tài tình yêu, có thể nói là bội thực thơ tình vì trong thời chiến tranh thơ tình hầu như bị kìm hãm trên các kênh thông tin đại chúng. Tình yêu thì cũng là gốc rễ của con người, là bản chất rất lớn của con người. Đó là về tình yêu nam nữ, còn tình yêu tổ quốc thì hầu như gần đây các nhà văn cũng bị xao nhãng nhiều, đặc biệt là lớp trẻ. Bây giờ chính là lúc người ta đang lên tiếng và có một xu hướng tiếp tục dòng văn học yêu nước ở thời đại mới. Tôi tin điều đấy sẽ hợp với lòng người VN ở thời đại bây giờ.

Bài thơ “Nếu Tổ quốc tôi không còn biển”

Mặc Lâm: Cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Mới đây chúng tôi nhận được một bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo có tựa đề là: "Nếu Tổ quốc tôi không còn biển". Ông có thể giới thiệu với thính giả bài thơ này trước khi chúng ta chấm dứt câu chuyện ngày hôm nay?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi viết bài thơ này vì lòng yêu nước. Một người VN yêu nước thì tôi nghĩ không có lỗi gì cả. Tôi thấy trên bản đồ "đường lưỡi bò" do nhà nước VN thông báo cho chúng tôi biết, rồi trên báo chí TQ thì đường lưỡi bò liếm hết biển VN mình. Tôi rất lo vì nước VN mà không có biển thì không còn lối ra và rất là nguy vì bao nhiêu tài nguyên trên biển. Rồi đây con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào? Tôi xin đọc bài thơ "Nếu Tổ quốc tôi không còn biển", đây là bài thơ mới nhất tôi viết hôm 11 tháng 9.

Tôi viết bài thơ này vì lòng yêu nước. Một người VN yêu nước thì tôi nghĩ không có lỗi gì cả.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo

“Nếu Tổ quốc tôi không còn biển”

Mất Hoàng Sa, Trường Sa

Rồng Việt Nam không còn chỗ núp

Không có lối ra

Tổ Quốc như bị giam trong ngục

Xin Ngô Quyền về đây

Xin Trần Hưng Đạo về đây

Dìm quân xâm lược

Tổ Quốc nguy nan

Mỗi người Việt Nam

Hóa thành cọc nhọn

Bán đảo Đông Dương biển mất gần hết

Hồng Hà biết chảy về đâu?

Cửu Long rồi giãy chết?

Linh hồn cha Lạc Long Quân

Không còn chốn đi về

Cái lưỡi bò ngoại tộc

Rót vào tai nhà đương cục

Mười sáu chữ vàng

Miệng vờ ôm hôn

Tay lừa bóp cổ

Lưỡi bò đang liếm sạch biển Đông

Trọng Thủy xưa

Từng dùng lưỡi bò tỏ tình

Lừa tình cướp nỏ

Lừa tình cướp nước

Trong miệng người anh em

Giấu một lưỡi bò

Nếu Tổ Quốc không còn biển

Dân tộc tôi sẽ chết đuối trên bờ

Chết đuối trên cao nguyên

Chết đuối trong bùn bô-xít

Tổ Quốc không chịu chết

Biển Đông gầm đang hóa Bạch Đằng Giang

Mặc Lâm: Quý vị vừa theo dõi buổi trao đổi với các văn nghệ sĩ về tình hình sáng tác trước hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi xin được cám ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhà văn nhà báo quân đội Phạm Đình Trọng, nhà văn, họa sĩ Trần Nhương và nhà văn Võ Thị Hảo đã góp tiếng trong chương trình VHNT hôm nay.