Mới đây Nhà Xuất Bản Đà Nẵng là nơi nhận được quyết định tạm đóng cửa ba tháng sau khi phát hành tác phẩm “Con Rồng Đá” hay còn gọi là “Mũi Uốn Ván” của hai nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai. Tác phẩm này theo dư luận thì có hai vấn đề vì nói trực tiếp đến cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc và theo nhận xét của các nhà lãnh đạo văn nghệ thì tác phẩm này có ngôn ngữ không trong sáng.
Thế nào là ngôn ngữ trong sáng và liệu thứ ngôn ngữ này có hình thành được một loại hình văn học theo định nghĩa khá mập mờ này hay không? Đâu là sự thật dẫn đến hệ lụy cho nhà xuất bản Đà Nẵng, một nơi được dư luận cho là dám xuất bản những tác phẩm bị nhà nước đánh giá là có vấn đề.
Mặc Lâm mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên xoay chung quanh tác phẩm Con Rồng Đá cũng như những câu hỏi mà dư luận đặt ra cho Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam. Trước tiên nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết:
Một nhà xuất bản cấp tiến
Ông Phạm Xuân Nguyên: Thường khi nghe một cuốn sách có vấn đề bị thu hồi hoặc bị ngưng phát hành hay bị kiểm điểm mà gắn với Nhà Xuất Bản Đà Nẵng thì có thể nói là nó không phải là chuyện lạ nữa trong đời sống xuất bản văn học của Việt Nam. Ở đây tôi nói là trong đời sống văn học thì NXB Đà Nẵng là một nhà xuất bản tổng hợp của địa phương. Đứng về ngành dọc thì nó thuộc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước mà trước đây là Bộ Văn Hoá, còn bây giờ là Bộ Thông Tin & Truyền Thông; Nhưng còn về mặt ngang thì nó trực thuộc UBND TP.Đà Nẵng, tức là thuộc địa phương và là nhà xuất bản tổng hợp tức là không chỉ xuất bản tác phẩm văn học mà còn xuất bản sách chính trị, xã hội, sách khoa học, sách quản lý, v.v. Đó là chức năng, nghiệp vụ của nó. Nhưng riêng về mảng sách văn học thì NXB Đà Nẵng là một nhà xuất bản có thể nói là mạnh bạo và có thể là cấp tiến nữa. Họ in được những cuốn sách mà có thể đối với các nhà xuất bản khác thì có thể chức năng nhiệm vụ khác. Bởi vì chúng ta nên hiểu rằng ở Việt Nam mỗi nhà xuất bản là của nhà nước chứ không phải là của tư nhân, nghĩa là mỗi nhà xuất bản thì nó thuộc vào một bộ này, một hội đoàn, một địa phương nhất định, cho nên mỗi nhà xuất bản có chức năng, điều lệ riêng, và nếu không thể xuất bản được thì họ thường bảo là có thể cái này không phù hợp với nhà xuất bản chúng tôi. Và khi động sự đến cái gì khác thì một trong những cái xử lý đầu tiên họ phải giải thích cũng là nói rằng là tại sao anh làm sai chức năng, sai quy định trong quyết định xuất bản, thành lập nhà xuất bản. Nói như thế để chúng ta hiểu được cái tinh thần chung của hệ thống xuất bản ở Việt Nam. Thì NXB Đà Nẵng nó nổi lên cái chính là mảng xuất bản văn học khi mà có nhà văn nhà thơ tin cậy gửi gắm bản thảo của mình, đứa con tinh thần của mình cho NXB Đà Nẵng vì họ thấy ở đây tuy là một nhà xuất bản của địa phương nhưng có những con mắt liên tài, có những tấm lòng rộng mở giúp cho tác phẩm ra đời được, cho nên khi có cuốn sách nào nói đang bị nhắc nhở, bị nghiêm cấm, bị thu hồi mà nhắc đến NXB Đà Nẵng thì nó không phải là chuyện lạ.
Nhưng riêng về mảng sách văn học thì NXB Đà Nẵng là một nhà xuất bản có thể nói là mạnh bạo và có thể là cấp tiến nữa … cho nên khi có cuốn sách nào nói đang bị nhắc nhở, bị nghiêm cấm, bị thu hồi mà nhắc đến NXB Đà Nẵng thì nó không phải là chuyện lạ.
<strong>Ông Phạm Xuân Nguyên</strong>
Giọt nước tràn ly
Mặc Lâm: Thưa anh, theo như quyết định của Bộ Thông Tin và Truyền Thông ghi là NXB Đà Nẵng vi phạm luật xuất bản trong khi in ấn tác phẩm Con Rồng Đá, và nhà văn Đà Linh là tổng biên tập của nhà xuất bản cũng xác nhận như vậy với Đài Á Châu Tự Do, anh có thể cho biết nguyên nhân sâu xa đưa đến quyết định này là gì hay không ạ?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Thật ra, nói rằng là vì cuốn Con Rồng Đá mà NXB Đà Nẵng bây giờ bị đình chỉ trên cái văn bản mà nói, quyết định kỷ luật của Bộ Thông Tin-Truyền Thông thì không phải đó là giọt nước tràn ly. Tôi còn nhớ cách đây mươi - mười lăm năm một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, khi đó anh mới xuất hiện trở lại với tác phẩm Miền Hoang Tưởng và được ký với bút danh là Đào Nguyễn, là một tiểu thuyết được viết Năm 1973 và in ra, hồi đó NXB Đà Nẵng còn thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thì cũng đã bị phê phán dữ rồi. Tôi nhớ hồi đó mở màn đầu tiên cho loạt phê phán cuốn Miền Hoang Tưởng của NXB Đà Nẵng hồi đó là nhà văn Phan Tứ, một nhà văn gạo cội của văn học cách mạng thực hiện, và tập trung trên tờ báo Công An Quảng Nam-Đà Nẵng. Và cho đến bây giờ thì cuốn đó nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng như một số biên tập viên, một số anh em cũng muốn in lại cuốn Miền Hoang Tưởng ấy nhưng mà chưa được in lại. Rồi sau đó, gần đây nhất người ta thấy cuốn Trần Dần – Thơ đầu năm nay và trước Trần Dần – Thơ thì cuốn tiểu thuyết Ba Người Khác của nhà văn Tô Hoài. Rồi trước đó nữa thì là tập truyện ngắn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu. Có thể nói là cuốn Rồng Đá chỉ là một cái cớ, một giọt nước tràn ly, để người ta có biện pháp xử lý đối với NXB Đà Nẵng, bởi vì cứ mỗi trường hợp như thế thì NXB Đà Nẵng đều bị kiểm điểm và đều đã trở thành gọi là có vấn đề rồi.
Ngôn ngữ không trong sáng hay nội dung tư tưởng?
Mặc Lâm: Một vài tờ báo đưa tin về chuyện này cho rằng tác phẩm Con Rồng Đá có ngôn ngữ không trong sáng, có nghĩa là sử dụng từ ngữ mạnh bạo dẫn đến quyết định tạm đóng cửa nhà xuất bản. Anh chia sẻ vấn đề này ra sao?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Cho đến bây giờ về cái quyết định kỷ luật như vậy thì các báo trong nước đều có đưa tin đấy, thì một là nói là vi phạm quy định xuất bản, thứ hai cũng có nói về nội dung nhưng chỉ nói chung chung là có những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề chưa đúng có thể ảnh hưởng. Ở Việt Nam có một cái dở là khi xử lý một cuốn sách nào đấy thì thường là người ta quy về vấn đề hành chính, về luật xuất bản, về cách thức tổ chức của bản thảo và in ấn cuốn sách. Rất ít khi nói thẳng ra và nói cụ thể trực diện ra cái đó là về nội dung tư tưởng. Ngay cuốn Trần Dần - Thơ vừa rồi cũng thế. Nói chung, mặc dầu biết là vì cuốn đó anh em trong giới có thể biết, dư luận có thể biết là cuốn đó vì có vấn đề về nội dung tư tưởng. Cụ thể như cuốn Rồng Đá đây người ta cho rằng là do cái bên đối tác làm ăn với NXB Đà Nẵng là họ đã làm ẩu, làm không đúng quy trình. Ban Giám Đốc NXB Đà Nẵng cũng đã đệ trình, tức là cuốn sách này đã được bản thảo, bản thảo đã được bỉên tập và lẽ ra phải biên tập theo cái bản thảo đó thì Công Ty Tràng An là công ty đối tác với NXB Đà Nẵng đã bỏ, không lấy bản thảo đã được biên tập mà lại lấy ngay bản thảo trong máy tính của tác giả, và đấy là cái sai để có quyết định đó. Và ở Việt Nam cũng chưa có cái xử nào đối với bên đối tác như vậy mà cuối cùng thì nhà xuất bản lại bị. Cái đó chỉ là cái về quy trình mà nếu quy trình đấy thì nó chưa đến mức bị kỷ luật.
Mặc Lâm: Anh đã được dịp đọc tác phẩm này vậy nhận xét của anh như thế nào, thưa anh?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Thật ra tôi phải nói là cuốn Con Rồng Đá cũng chưa phải là một cuốn sách nổi bật, một cuốn sách gây dư luận gì cả. Rất nhiều người không biết. Tôi may mắn có được cuốn sách là bởi vì tác giả có tặng tôi khi in sách ra. Anh Lê Mai là một trong tác giả đứng chung tên trên tập truyện này của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai, Rồng Đá hay là Mũi Uốn Ván. Tôi đọc thì tôi cũng không có ấn tượng gì lắm, và còn hỏi rất nhiều người nữa thì nói không biết. Có thể nói đó là một cuốn sách bình thường, một sáng tác bình thường. Nhưng đến khi thông tin ra thì bản thân tôi cũng ngạc nhiên và như vậy họ xoáy vào 3 truyện của Vũ Ngọc Tiến là truyện Âm Bản Chiến Tranh, Vị Phồn Thực, Chừ Mìn Phủ và Tôi, và trong đó có hai truyện đều viết về chiến tranh, viết về mặt khuất, mặt tối và đúng là mặt âm bản cớ không phải là dương bản của chiến tranh. Thì Âm Bản Chiến Tranh và Vị Phồn Thực đều là nói đến chiến tranh chống Mỹ, còn Chừ Mìn Phủ và Tôi thì nói về chiến tranh biên giới 1979. Đứng ở góc độ tôi là một người đọc và là một người làm phê bình văn học thì tôi thấy đây là một cách viết mà nó tiếp tục thì mạch viết đã được khơi mở trong thời kỳ đổi mới tức là nói về chiến tranh một cách đầy đủ và toàn diện, nói về những cái đau thương mất mát, những mặt tối mặt khuất để cho bức tranh hiện thực chiến tranh được sâu rộng hơn, toàn diện hơn. Một mặt nữa, các nhà văn viết về chiến tranh, viết về thân phận con người , về những đau thương mất mát của con người. Thì tôi thấy cái đó là cái bình thường thôi, không có gì cả. Nhưng sự quy kết và đánh giá đấy thì tôi lại thấy là hơi bất thường.
Tự do cho người cầm bút?
Một cái nghịch lý là đứng về mặt chủ trương đường lối và những cái khác thì Việt Nam rất đề cao cái sự tự do dân chủ cho người viết, đều khuyến khích người viết là khai thác hiện thực, phản ánh trung thực, và ngay gần đây nhất là nghị quyết 23 của Đảng CSVN về văn học nghệ thuật cũng nói như vậy, nhưng đứng về mặt thực hành và đưa vào thực tế thì lại có những biểu hiện, những hành động đi ngược lại …
Ông Phạm Xuân Nguyên
Mặc Lâm: Xin được hỏi anh câu cuối là trước những diễn biến có vẻ gây sức ép đối với văn học này chắc chắn là sẽ gây tác hại trực tiếp cho nhà văn Việt Nam vì họ sẽ không còn hăng say khai thác những đề tài mà nhà nước cho là nhạy cảm nữa. Mà thường thì rất khó đoán được đề tài nào là nhạy cảm bởi vấn đề này cũng còn tùy thuộc vào mỗi biến cố chính trị hay diễn tiến xã hội có liên quan đến chính sách. Anh có thấy đây là một thiệt thòi lớn cho nhà văn Việt Nam hay không ạ?
Ông Phạm Xuân Nguyên: Tất nhiên những động thái này đều gây lo ngại, đều gây băn khoăn cho người cầm bút. Một cái nghịch lý là đứng về mặt chủ trương đường lối và những cái khác thì Việt Nam rất đề cao cái sự tự do dân chủ cho người viết, đều khuyến khích người viết là khai thác hiện thực, phản ánh trung thực, và ngay gần đây nhất là nghị quyết 23 của Đảng CSVN về văn học nghệ thuật cũng nói như vậy, nhưng đứng về mặt thực hành và đưa vào thực tế thì lại có những biểu hiện, những hành động đi ngược lại hoặc là làm không đúng với việc xử sự như với cuốn Rồng Đá hay một số tác phẩm khác thí dụ như gần đây là nhà văn Dương Hướng năm ngoái cũng đã ra cuốn tiểu thuyết dày Dưới Chín Tầng Trời và rồi muốn tái bản lại thì đến nhà xuất bản thì nhà xuât bản bảo là chúng tôi rất muốn tái bản lại cho ông nhưng mà theo trên thì không được, thế là ông đành viết một bài kêu trời vậy thôi. Rồi cuốn Một Thời của Thánh Thần vừa rồi ra nó cũng chẳng rõ gì cả, phạt hành chính nhà xuất bản rồi, cuốn sách đó cũng bị điều tiếng gì đấy, thì nó vừa không lợi cho văn học mà đôi lúc người ta có thể nghĩ là cuốn này hay lắm, cuốn này là tuyệt lắm, còn nếu để bình thường thì nó cũng bình thường thôi, nhưng mà nó đưa tới sự e ngại cho người cầm bút làm cho họ không dám đi tới sự tận cùng, rốt ráo tận cùng của suy tư nghệ thuật về cuộc sống về con người mà đó mới đúng là chức năng, thiên chức của nhà văn. Và hai nữa, đối với nhà xuất bản thì nó cũng sẽ gây e ngại, cũng gây khó khăn cho nhà xuất bản khi họ có tâm, họ cũng muốn là nơi đầu ra cho các nhà văn và tác phẩm. Tôi nghĩ với những cách làm không thông thoáng như thế này thì đều là đáng ngại cho nhà văn.
Quý vị vừa nghe nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét về tác phẩm Con Rồng Đá và những động thái của Bộ Thông Tin và Truyền Thông khi ra lệnh đóng cửa Nhà Xuất Bản Đà Nẵng. Hy vọng rằng những thông tin mà ông vừa đưa ra sẽ phần nào làm sáng tỏ tình trạng sáng tác cũng như xuất bản các tác phẩm văn học trong nước hiện nay....