Nữ họa sĩ Hương Alaska và “Bức Tường Hòa Bình”

Phòng triển lãm mang tên Peace Mural trưng bày hàng trăm họa phẩm của nữ họa sĩ Hương Alaska khai mạc vào ngày 7 tháng 12 tại thủ đô Washington.

0:00 / 0:00

Với chủ đề Bức Tường Hòa Bình, cuộc triển lãm này thật sự gây tiếng vang không những từ giới phê bình hội họa mà còn tạo sự chú ý mạnh mẽ từ người thưởng ngoạn. Mặc Lâm giới thiệu cuộc trưng bày này trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật sau đây.

nhạc...

Năm 25 tuổi tôi thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, dẫn thằng con chạy ra được, tỵ nạn theo diện boat people. Tôi cố tình tôi quên cái quá khứ của tôi, cái giai đoạn quá đau buồn của đất nước, đến năm 1987 tôi lập lại gia đình tại Mỹ. Trong gia đình tôi, ông già là tù nhân chiến tranh chín năm bị cải tạo, người anh đầu bị bắn khi ngày tàn của cuộc chiến. Đứa em trai không chịu đi lính bị bắt tới bắt lui cuối cùng tự tử trong tù vì không muốn cầm súng....

Năm 25 tuổi tôi thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, dẫn thằng con chạy ra được, tỵ nạn theo diện boat people. Tôi cố tình tôi quên cái quá khứ của tôi, cái giai đoạn quá đau buồn của đất nước, đến năm 1987 tôi lập lại gia đình tại Mỹ. Trong gia đình tôi, ông già là tù nhân chiến tranh chín năm bị cải tạo, người anh đầu bị bắn khi ngày tàn của cuộc chiến. Đứa em trai không chịu đi lính bị bắt tới bắt lui cuối cùng tự tử trong tù vì không muốn cầm súng....

Họa sĩ Hương Alaska

Những lời tự thuật mà quý vị vừa nghe là của nữ họa sĩ Hương Alaska, người sáng tác hàng trăm tác phẩm đang được trưng bày tại một phòng triển lãm có tiếng của thủ đô Washington. Cuộc triển lãm này đang được chú ý bởi các nhà phê bình hội họa cũng như các chính trị gia có quan tâm về vấn đề chiến tranh Iraq.

Hương Alaska tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương sinh năm 1950 trong một gia đình quân nhân. Bà có những kỷ niệm thời thơ ấu dính liền với cuộc chiến Việt Nam đã theo đuổi và nằm trong ký ức bà không những suốt cả thời kỳ chiến tranh mà còn ám ảnh trong suốt quãng đời còn lại tại Mỹ.

Thừa nhận là mình không học hội họa từ trường lớp nhưng bà có những xúc cảm đặc biệt đối với màu sắc và chính màu sắc cũng như đường nét đã an ủi người nữ họa sĩ tài năng này trong những lúc cô đơn và bị ám ảnh bởi quá khứ.

Painting-1
Painting-1

Cuộc chiến Việt Nam và ngày sanh của tôi song song với nhau. Tôi sinh năm 1950 và cuộc chiến này lúc nào cũng đè nặng lên cuộc đời tôi từ thời thơ ấu...

nhạc....

Bước chân vào phòng tranh mang tên "Bức Tường Hòa Bình" này, người xem choáng ngợp ngay bởi số lượng tranh treo trong phòng cũng như vẻ bề thế của không gian triển lãm. Điều đầu tiên mà tranh của Hương Alaska gây cảm giác bừng bừng trong từng vệt màu là chất bi thương ngồn ngộn trên từng tác phẩm. Người xem không cần phải có kiến thức về hội họa nhiều lắm vẫn có thể cảm nhận được sự khốc liệt trong tranh của bà trên những khung canvas đậm đặc hình ảnh chiến tranh từ Việt Nam đến Iraq. Rõ ràng tính chất chống chiến tranh là chủ đề và kêu gọi người xem suy tưởng về những bi thương mà chiến tranh mang tới là mục đích của phòng tranh.

Lịch sử hội họa thế giới không thiếu những tài năng bậc thầy dùng tranh mình để tỏ thái độ với chiến tranh. Từ Francisco de Goya của thế kỷ 18 đến các họa sĩ cận đại như John Singer Sargent, Wyndham Lewis, Stanley Spencer and Augustus John trong suốt hai cuộc thế chiến và mới đây nhất là James Boswell, người họa sĩ chống chiến tranh không mệt mỏi cho đến cuối đời.

Pablo Picasso và bức tranh huyền thoại “Guernica”

Nhưng chống chiến tranh nổi tiếng và thành công nhất không ai khác hơn là họa sĩ của mọi thời đại Pablo Picasso. Với bức tranh huyền thoại mang tên “Guernica” ông đã đánh thức cả thế giới khi nhìn vào nó qua cách mô tả thành phố Gernica, thành phố cổ nhất và được coi là biểu tượng của tự do và dân chủ Tây Ban Nha bị lực lượng của Tướng Franco dội bom năm 1937.

“Guernica” miêu tả bộ mặt đau đớn của các phụ nữ trong cảnh hoang tàn sau cuộc dội bom. Hình ảnh con bò tót liên tưởng đến sự mù quáng của chiến tranh ngay lập tức đập vào trí nhớ người xem dẫn tới những giọt máu và sự ngã quỵ của chính nó trong các cuộc đấu bò. Con ngựa cùng với chim bồ câu, những biểu tượng sống và hòa bình đang quằn mình dưới sức ép của tiếng nổ chừng như còn vang vọng trên khắp thành phố.

Một khách đang xem tranh
Một khách đang xem tranh

Bố cục của bức tranh khiến người xem sững sờ vì tính cách đối xứng mạnh mẽ của nó. Con ngựa là hình ảnh thống thiết nhất trong kiệt tác Guernica; cuộc sống đang kêu gào thảm khốc dưới sức tàn phá của chiến tranh. Nó được đặt ở giữa tranh và bị đâm bằng một lưỡi gươm chí tử. Bên trái là con bò mộng, đầu quay sang một bên, bên dưới là một người đàn bà ẵm một đứa bé đã chết trên tay thét bằng tiếng thét không âm sắc. Những hình ảnh của pho tượng, thanh kiếm gãy, một đóa hoa, một con chim gào lên vô vọng và em bé chết quấn vào nhau trong vòng xoáy của âm thanh hãi hùng tạo cho bức tranh không khí vừa bấn loạn vừa hãi hùng.

nhạc....

Picasso với tôi có duyên từ nhỏ. Con nhà binh nghèo đâu được đi học về hội họa, đâu biết gì về nghệ thuật. Khi tôi mới 6 tuổi thì ba tôi mang về từ Pháp tặng cho tôi một bức tranh chụp của Picasso mang tên “Three Musicians” và từ đó tôi mê luôn Picasso.

Hơi hướm của Guernica hình như phủ nặng trên tranh của Hương Alaska. Chỉ có màu sắc là khác. Guernica được vẽ bởi sắc độ đậm nhạt của màu đen và chớm xanh tái để miêu tả sự tang tóc sau khi những con chim sắt tàn sát thành phố bay đi. Trong tranh của Hương Alaska, gam màu nóng có mặt trên hầu hết tác phẩm của họa sĩ và hiếm hoi lắm người xem mới tìm gặp một khoảnh khắc thư giản ngắn ngủi nơi vài bức vẽ bồ câu của bà. Hương Alaska đã không giấu diếm sự ngưỡng mộ của mình đối với Picasso khi bà sử dụng kỹ thuật phân tích khối để tách rời từng phần nhỏ của hình ảnh.

Bà nhấn mạnh tính cuồng sát của chiến tranh khi lập đi lập lại motif của đầu lâu, răng và những đôi mắt trợn trừng sợ hãi. Bà cũng không ngần ngại sử dụng kỹ thuật mix-media nhằm tăng thêm tính bất an trên chủ đề. Sử dụng phong cách graffiti để diễn tả trạng thái hỗn độn của đường phố trong hoạt cảnh chiến tranh bà đã dẫn người xem đến tận những nơi có máu chảy xương rơi và hiệu ứng này đè nặng trên hầu hết các tác phẩm của bà.

Từ cuộc chiến Việt Nam đến Iraq

Những cuộc chiến mà Hương Alaska trực tiếp hay gián tiếp biết đến được tái hiện tại phòng tranh qua kinh nghiệm chính bản thân và gia đình mình. Thoát khỏi Việt Nam với muôn ngàn cay đắng, người phụ nữ dáng điệu nhỏ bé này một lần nữa bước vào một cuộc hôn nhân khác và trong gia đình mới này, những tưởng mọi di chứng chiến tranh đã trở thành quá khứ nay tái hiện lại bằng cái chết của chính người thân của gia đình chồng trong cuộc chiến Iraq

Tôi qua Mỹ lập lại gia đình với chồng tôi năm 1997 người em chồng của tôi là Patt bị chết trong cuộc chiến đầu tiên tại Iraq.

Và những cuộc chiến tiếp nối không ngừng nghỉ trong tâm thức bà đang nằm trên từng tấm canvas lớn nhỏ thể hiện lại bằng ngôn ngữ của màu sắc, đường nét, bố cục và chất liệu. Bà kể lại kinh nghiệm của mình bằng cách ghi lại hình ảnh vừa thật vừa hư trong tâm thức. Bà chưa bao giờ đặt chân đến Iraq nhưng qua cảm nhận thiên bẩm, người nghệ sĩ trong Hương Alaska thấy được những chi tiết bạo liệt nhất, những tiếng nổ đinh tai nhất và dĩ nhiên không thiếu những xác người đổ xuống tại cuộc chiến hủy diệt này.

Picasso với tôi có duyên từ nhỏ. Con nhà binh nghèo đâu được đi học về hội họa, đâu biết gì về nghệ thuật. Khi tôi mới 6 tuổi thì ba tôi mang về từ Pháp tặng cho tôi một bức tranh chụp của Picasso mang tên “Three Musicians” và từ đó tôi mê luôn Picasso.

Họa sĩ Hương Alaska

Chân dung họa sĩ Hương Alaska
Chân dung họa sĩ Hương Alaska

Có điều tuy dữ dội và mạnh mẽ như vậy, Hương Alaska vẫn không đánh mất sự dịu dàng của người nữ. Những nét cong khép kín trong tranh bà hình như phần nào kéo sự sống lại gần hơn cho nhân vật. Bà tạo những nét cong ấy với mục đích cân bằng bớt những gân guốc thường thấy trong phong cách Picasso.

Bức "Người đàn bà ngắm cảnh Vịnh" có lẽ là bức sẽ được nhiều người Việt Nam yêu thích. Bức tranh miêu tả một người đàn bà ngồi ngắm các cánh buồm trong khi trong tay cầm chặt một bó hoa dại. Toàn bộ màu xanh ngọc bích của biển hòa với trời kể cả chiếc ghế cũng màu xanh tạo một không khí yên bình rõ rệt.

Đôi mắt của người đàn bà được tạo thành một cặp hình thoi nằm dọc với khuôn mặt nghiêng xuống đã gây liên tưởng ngay với các cánh buồm cũng hình thoi trắng phớt đậu đầy trong vịnh. Người nữ trong bức tranh này cũng chính là hiện thân của Hương Alaska trong những ngày đầu tới Mỹ.

Những cánh buồm tuy khiến người ta liên tưởng đến chuyến vượt biển bằng thuyền của bà nhưng cũng qua chính những chiếc thuyền này bà muốn gửi gấm những hy vọng mà một người xa xứ nào cũng biết: đó là tương lai bình yên và càng xa những xung đột bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tâm trạng chung của người Việt tỵ nạn, tâm trạng của những con chim bị ná.

nhạc...

Rời phòng tranh của bà, người xem không dễ gì bỏ lại những xúc cảm phía sau. Ám ảnh về chiến tranh hay khoảnh khắc ngưng nghỉ của những cánh bồ câu yếu đuối sẽ nằm rất sâu trong tâm trí người thưởng ngoạn và có lẽ, an ủi nhất cho người sáng tạo nằm ở chỗ này: Những tiếng thở dài cố nén của người xem tranh mình...

Vì sự giới hạn của chương trình phát thanh không thể diễn tả hết chất liệu cũng như màu sắc của tranh, mời quý thính giả ghé thăm slide show tranh của Hương Alaska trên trang nhà RFA.org