Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc với nỗi niềm mới trong “We Are”

Chương trình VHNT kỳ này xin giới thiệu với quý thính giả đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, một khuôn mặt khá quen thuộc với sân khấu thành phố qua những hoạt động trong lĩnh vực văn chương, sân khấu, và điện ảnh.

Sắp tới đây bà sẽ có một vở kịch được trình diễn tại New York và các diễn viên hầu hết đều đến từ Việt Nam. Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với bà xoay chung quanh đề tài này, mời quý vị theo dõi.

Vài nét về tác giả

Mặc Lâm: Thưa bà, xin cám ơn thời giờ của bà đã dành cho thính giả chúng tôi trong ngày hôm nay. Xin bà cho biết đôi nét về những hoạt động của bà trong lĩnh vực nghệ thuật từ trước tới nay.

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Trước 75 khi viết văn tôi ký là Ngọc Minh, sau 75 thì tôi tốt nghiệp đạo diễn sân khấu. Thật ra tôi hoạt động trên ba lĩnh vực là văn học, sân khấu và điện ảnh. Bên điện ảnh thì tôi tham gia như tác giả kịch bản. Năm 2004 tôi được đài truyền hình Việt Nam chọn là nhân vật tiêu biểu của ngành sân khấu, và cũng có 3 đài truyền hình trong nước có làm phim tài liệu giới thiệu về những công việc của tôi làm.

Những công việc tôi làm có lúc phải chường ra mà cũng có lúc phải lui về bóng tối. Tôi làm công việc đào tạo của trường sân khấu. Có hai diễn viên hiện giờ nói thì nhiều người biết đó là Quang Minh và Hồng Đào. Tôi cũng đào tạo khá nhiều diễn viên như vậy. Những năm trước khi qua đây tôi có dạy môn lịch sử sân khấu Việt Nam cho đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và cũng có dạy một số môn ở những nơi khác thành ra học trò cũng khá đông.

Mặc Lâm: Đó là những hoạt động về lĩnh vực biên kịch và giảng dạy, riêng về viết lách thì bà có tác phẩm nào được xem là phổ biến rộng rãi trong giới đọc sách?

Trước 75 khi viết văn tôi ký là Ngọc Minh, sau 75 thì tôi tốt nghiệp đạo diễn sân khấu. Thật ra tôi hoạt động trên ba lĩnh vực là văn học, sân khấu và điện ảnh.

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cuốn tiểu thuyết gần đây được nhiều người quan tâm có tên "Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ". Tôi nghĩ, mọi người lùng cuốn đó bởi vì họ tò mò. Có nhiều người gán cho đây gần như là tự truyện nhưng thiệt ra là chuyện hậu trường sân khấu, cũng khá nhiều thành ra nhiều người đoán là những nhân vật trong sách có giống nhân vật nổi tiếng nào ngoài đời hay không.

Thật ra mục đích của tôi không phải níu vô chuyện đó để mà câu khách, nhưng vì sống với ngành sân khấu cũng khá lâu, nằm ở hậu trường cũng khá nhiều thành ra có những nhức nhối trong nghề tôi cũng liệng vô tiểu thuyết đó.

Còn về hai cuốn được giải thưởng mà số tiền lớn nhất trong cuộc đời viết tôi được, có tên là “5 đêm với bé Su” sau đó tôi có một cuốn được in 12 ngàn bản. Đó là cuốn được in nhiều nhất nhưng chỉ dành tặng cho trẻ em vùng sâu vùng xa chứ nó không phổ biến trong người đọc thành phố.

Cuốn mới nhất tôi vừa xuất bản là “100 câu hỏi đáp về cải lương Việt Nam”. Cuốn này nằm trong bộ nhiều tập của Sài Gòn vì có thời gian tôi làm chủ nhiệm của trường đào tạo cải lương nhà hát Trần Hữu Trang.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được biết bà có nhiều vở kịch nổi tiếng trong đó có vở "Người đàn bà thất lạc" đã được công diễn trước đây tại Mỹ, bà có thể cho biết thêm về vở kịch này hay không?

Uẩn khúc trong “Người đàn bà bị thất lạc”

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Vở "Người đàn bà thất lạc" đó cũng đã dự nhiều liên hoan phụ nữ tại châu Á Thái Bình Dương. Nó cũng có thu truyền hình trong nước. Qua vở đó có một số khuôn mặt của phụ nữ. Từ một người phụ nữ đang rất hạnh phúc phải bỏ nhà ra đi.

Người chồng nhìn các tác phẩm của mình và ông ta đi hỏi các bức tranh tượng mà ông ta vẽ thì một trong các bức tranh tượng đó bản đầu tiên mà tôi đi in thì những nhân vật có Huyền Trân, có Dương Vân Nga, có Hồ Nguyệt Cô và có Thiếu phụ Nam Xương. Nhưng mà khi công diễn thì tôi được đề nghị là phải bỏ bớt Huyền Trân và Dương Vân Nga! Lúc đó tôi đành phải chỉnh lại là Trưng Trắc và Kiều Nguyệt Nga, nó nằm chung trong vở “Người đàn bà thất lạc”…

Mặc Lâm: Xin được ngắt lời bà chỗ này, bà vừa nói là trước khi công diễn thì người ta buộc phải bỏ hai nhân vật Huyền Trân và Dương Vân Nga, xin bà kể rõ hơn chi tiết hơn một chút được không ạ?

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cái đó nó vẫn còn là một ẩn số…bây giờ tôi chỉ có thể nói được cảm giác khi tôi ngồi trên máy bay đưa đoàn diễn viên nữ của chúng tôi đi qua Philippines để diễn trong Liên hoan phụ nữ châu Á Thái Bình Dương. Tôi vẫn bàng hoàng không hiểu tại sao mình có thể đi được vì tôi vẫn nghĩ tác phẩm cuối cùng sinh ra đời được là do trời thương vậy thôi.

“We Are”, nỗi niềm mới

poster-we-are-200.jpg
Poster vở kịch "We Are". Photo courtesy of VietNam Project II.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được biết vào ngày 18 cho tới ngày 26 tháng 3 này thì bà cũng có một vở kịch khác mang tên là "We Are" được dịch ra "Chúng tôi là" sẽ công diễn tại New York. Bà có thể thố lộ đôi điều về vở kịch này hay không?

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Phải nói đường giây xuyên suốt lần này đó là cứ ba năm một lần thì hội Viết kịch Phụ nữ Thế giới họ có nhóm lại một lần. Tôi có dự một vài lần chứ không đi đều được. Năm 2009 vở "We Are" được đại hội Tam Niên ở Ấn Độ chọn để đọc. Sau thành công của vở "Người đàn bà thất lạc" năm 2008 ở New York thì ngay sau đêm bế mạc mọi người hỏi tôi khi nào đem vở thứ nhì đến…thành ra khi tôi có trong tay kịch bản "We Are" tôi gửi tới nhà hát đó thì họ đi xin tài trợ và được quỹ Bảo Trợ Văn Hóa của thành phố New York họ đồng ý.

Khi nhận được tin này thì tụi tôi cũng biết rằng phải chuẩn bị lâu lắm, bởi vì đây là công việc mang tính cách thể nghiệm nhiều hơn là giải trí và doanh thu. Nhà hát này đã mời rất nhiều nước châu Á đến rồi nên họ rất mong có Việt Nam tham gia.

Năm 2003 tôi nhận được học bổng của Hội đồng Văn hóa Châu Á, họ cũng muốn Việt Nam xuất hiện bên cạnh các nước châu Á khác. Tôi không biết là có được cái may mắn làm được vở thứ ba nữa hay không nhưng để làm vở thứ nhì này cái chuyện bên hậu trường rất là vất vả.

Vất vả từ cá nhân tôi, vì thật ra trước đây khán giả và độc giả của tôi trong nước rất đông mà lọt vào hoàn cảnh phải xa xứ thành ra tôi rất muốn chọn đề tài này để chia sẻ với những người phụ nữ vì hoàn cảnh nào đó, có thể đi lao động hợp tác hay đi lấy chồng thì phải xa cội rễ của mình.

Cái đường dây ngầm trong We Are vẫn là trăn trở của người sáng tác nhất là sáng tác trong khi xa xứ.

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc

Bên cạnh đó vẫn là câu hỏi của người sáng tác là: mình sống với những ngổn ngang tư liệu như vậy thì mình chọn cái nào đây? Bởi vì những điều tôi nhức nhối trong suốt thời gian làm người sáng tác và khi có dịp dự những conference của thế giới thì tôi đưa ra những cái ý của anh Nguyễn Huy Thiệp mà chị em rất thích đó là có 4 mafia trong văn hóa văn nghệ đó là quyền lực, đồng tiền, tôn giáo và tình yêu.

Cá nhân tôi thì tôi thấy cái khó chống đỡ nhất chính là tình yêu bởi vì quyền lực và đồng tiền mình có thể khống chế được để dùng sáng tạo vượt lướt qua. Nhưng cái khó đối phó nhất là tình yêu.

Thật ra đề tài là phụ nữ nhưng đường ngầm bên trong là của một người sáng tác. Mà tôi nghĩ, người sáng tác không phải là nam hay nữ. Cái chất liệu ngổn ngang như vậy, cái xúc cảm của cá nhân anh, anh phải đối phó với công chúng, với đồng tiền, với quyền lực kể cả tôn giáo thế thì anh làm gì để vừa bảo vệ anh, không bị mất chính anh mà còn có thể đưa đứa con tinh thần ra trước quần chúng?

Cái đường dây ngầm trong We Are vẫn là trăn trở của người sáng tác nhất là sáng tác trong khi xa xứ.

Mặc Lâm: Xin phép được hỏi bà từ khi sang Hoa kỳ định cư bà có hoạt động gì với các cộng đồng ở đây hay không đặc biệt là tại Cali nơi tập trung văn hóa văn nghệ của người Việt hải ngoại?

Hoàn cảnh chung và góc nhìn riêng

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Thiệt ra khi qua đây sống tôi cũng có cộng tác với ban kịch sống Túy Hồng, nhưng phải nói rằng để những vở kịch dài ra đời trên đất nước không dùng tiếng nói của mình làm ngôn ngữ chính thì rất là gay go. Tôi cũng đặt mình trong hoàn cảnh tôi cũng là phụ nữ xa xứ, bên cạnh đó tôi cũng đọc báo thấy có những phụ nữ Việt Nam đi ra nước ngoài sống, hay lấy chồng. Cũng có người về qua dạng một hủ tro mang về. Có những người bị thưa ra tòa, cũng có những người bị cướp con thành ra tôi nghĩ mình cũng có cái đau đớn như những chị em cũng có những đau đớn khác.

Cũng có người đang sống nhưng như đang chết giữa đời sống thì bây giờ khả năng tôi nói giùm những người đó được điều gì thì được. Nói tóm lại tôi chỉ gom hai chữ “chia sẻ”. Tôi muốn chia sẻ với những phụ nữ đó có nghĩa là mình chia sẻ với chính cá nhân mình. Là một người phải sống xa xứ, đứt lìa với khán và độc giả của mình.

Mặc Lâm: Bà vừa cho biết cách chia sẻ của bà trong những nhân vật thì như thế còn vở kịch dùng hình thức nào để chia sẻ? Thoại kịch, kịch đương đại hay nhạc kịch?

Tín hiệu cuối cùng tôi nhắn gửi tới mọi người như lời hát của Trịnh Công Sơn là "tôi ơi đừng tuyệt vọng". <br/>

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Kinh nghiệm của những lần trước theo tôi biết thì nghệ thuật cải lương cũng thích hợp với loại hình truyền thông đó. Tôi có lợi thế là làm việc khá lâu trong ngành cải lương thành ra có những mảng tôi dùng nghệ thuật cải lương và âm nhạc cải lương làm một cái cầu nối để người ta cảm được cái tâm hồn và tình cảm của văn hóa Việt Nam. Đồng thời đặc biệt trong vở kịch kỳ này tôi cũng chọn nhiều nhạc phẩm của anh Trịnh Công Sơn.

Mặc Lâm: Cái gửi gấm chủ yếu trong vở kịch này mà bà muốn mang tới cho khán giả là gì thưa bà?

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Cái ẩn dụ lớn trong vở này là nỗi cô đơn. Cái cô đơn không phải vì anh đơn độc một mình mà cô đơn giữa nơi rất là đông người hoặc là đang sống với người bạn đường của mình mà không cùng ngôn ngữ để có thể cảm thông được.

Tín hiệu cuối cùng tôi nhắn gửi tới mọi người như lời hát của Trịnh Công Sơn là “tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Dù cho ở trong bất cứ tình thế nào ngay cả rất bế tắt nhưng mà vẫn có thể tự ru mình để mà vượt qua được.

Mặc Lâm: Xin bà một câu hỏi chót, theo như bà nói thì vở kịch này không có gì để mà gặp phiền phức như vở trước phải thay đổi nhân vật mới được công diễn, bà có gặp trở ngại nào về khâu tổ chức hay tìm kiếm vai trong vở "We Are" hay không?

Trở ngại từ Mỹ, tại sao?

nguyen-thi-minh-ngoc-250.jpg
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hình do ĐD Minh Ngọc cung cấp.

ĐD Nguyễn Thị Minh Ngọc: Thực ra bây giờ mà nói là trở ngại thì cũng hơi buồn cười! Đó là trở ngại từ phía Mỹ! Như kỳ trước thì có Thành Lộc tham gia với chúng tôi, Hải Phượng và Mỹ Hằng. Kỳ này chúng tôi vẫn muốn đem những nghệ sĩ giỏi trong nước qua như nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh và Hữu Quốc là học trò của tôi để qua cùng diễn.

Nhưng giờ chót tôi không nghĩ nó bị trục trặc như thế. Phía nhà nước Việt Nam tích cực lo cho chị Lê Khanh được đi nhưng giờ chót thì phỏng vấn bị rớt thành ra rất tiếc. Bởi vì luật mới là phải đóng Visa B3, đây là Visa business. Tụi tôi chủ quan vì nếu chuẩn bị trước thì phải mất nửa năm mới làm giấy tờ này được. Họ bắt đóng thuế thì phải nói anh em hy sinh rất lớn vì thù lao anh em rất thấp.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc và nhân đây xin giới thiệu với thính giả đang sống tại vùng New York, vào ngày 16 tới ngày 26 tháng này vở "We Are" sẽ được công diễn tại nhà hát Liên Á, địa chỉ 263 West 86th Street, thành phố New York.

Hy vọng quý vị sẽ có mặt tại đấy để thưởng thức một công trình kịch hiện đại do đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc dàn dựng và trình diễn. Xin cám ơn.

Theo dòng thời sự: