Đạo diễn Trần Văn Thủy

Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin được giới thiệu đến quý vị buổi trò chuyện thân mật với đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của nhiều phim tài liệu nổi tiếng trong đó có phim “Hà Nội Trong Mắt Ai”, và “Chuyện Tử Tế”.

0:00 / 0:00

Chắc chúng ta còn nhớ số phận của phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” nhiều người cho rằng nếu viết thành một phim tài liệu kể lại những gì xảy ra cho “Hà Nội Trong Mắt Ai” thì cũng hay không kém chính bản thân của nó. Chuyện chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam khi người có trách nhiệm duyệt phim nhìn chi tiết nào của phim cũng liên tưởng ngay đến sự chỉ trích hay ám chỉ các sự kiện bất cập trong đời sống xã hội. Nhiều quan chức của chế độ không thể chỉ ra được sự chống đối ngầm của phim nhưng vẫn ra lệnh miệng cấm chiếu công khai trong dân chúng.

Phim nói về các di tích văn hóa và lịch sử của Hà Nội mà qua cách dẫn chuyện của đạo diễn người xem có thể so sánh một cách chân phương rằng bài học lịch sử không những phản ảnh trong sử sách mà tại các di tích văn hóa cũng nói lên đầy đủ một thời gian mà nó trải qua.

Dùng việc xưa chống việc nay

Trong một đoạn nói về triều đại vua Lê Thánh Tông bộ phim kể, trong 38 năm vua Thánh Tông cầm quyền, đất nước gần như không có thời đại nào thịnh trị bằng. Nhà Vua đã cho xây dựng bộ luật Hồng Đức, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng bia Văn Miếu, thành lập hội Tao Đàn, … Những việc làm của vua Thánh Tông vẫn còn lưu truyền, vậy mà chỗ bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra vua Lê Thánh Tông, khi bị xiêu vẹo đổ nát qua thời gian, thì một trụ sở UBND phường lập tức mọc lên, thế thì văn hóa và di tích lịch sử để đâu?

Đoạn miêu tả vua Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn, trong có đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan có lẽ là đoạn có vấn đề nhất, khi xem phim ai cũng thấy rõ là phim liên tưởng: “Giá như thời Lê mạt cũng có một cái trống như vậy thì dân chúng ở đây sẽ phải đinh tai nhức óc”! Toàn là nói việc người xưa nhưng ai đó lại nghĩ rằng phim đang ám chỉ thời gian hiện tại của đảng cộng sản đang cầm quyền!

Nhiều chi tiết khác trong phim tuy rất lành và có tính thuyết phục cao vẫn không thể làm một số quan chức an tâm khi trong lòng những kẻ này luôn bị ám ảnh rằng bộ phim dùng việc xưa để chống việc nay.

Bộ phim xuất hiện trước “thời kỳ đổi mới” khi những bài viết của Phùng Quang Lộc với truyện ngắn “Cái Đêm hôm ấy đêm gì”, hay “Hồn Trương ba da hàng thịt” và các vở kịch khác của Lưu Quang Vũ nên bộ phim chịu thiệt thòi hơn rất nhiều. Mãi tới cuối năm 1986 “Hà Nội Trong Mắt Ai” mới được phép chiếu rộng rãi cho người dân xem và rồi nó nổi tiếng đến nỗi cả một thế hệ thuộc nằm lòng cái tựa đề dễ thương “Hà Nội Trong Mắt Ai”.

Hôm nay chúng tôi mời đạo diễn bộ phim là ông Trần Văn Thủy để nói đôi điều về công việc làm phim của ông, hy vọng rằng chúng ta sẽ biết thêm những chi tiết chưa được ông công bố, xin mời đạo diễn Trần Văn Thủy….

Lên bờ xuống ruộng

tran-van-thuy-200.jpg
Đạo diễn Trần Văn Thủy. Photo courtesy of ngominhblog.

ĐD Trần Văn Thủy: Bộ phim "Hà Nội Trong Mắt Ai" cũng như "Chuyện Tử Tế" và những bộ phim khác tôi làm thì là những câu chuyện rất dài, không thể nào nói tóm tắt trong vòng mươi mười lăm phút được. Mong rằng chương trình này có ích cho độc giả.

Tôi muốn nói một điều đó là “Hà Nội Trong Mắt Ai” đã là chuyện xưa rồi, chuyện cũ rồi, đã ba mươi năm rồi. Ba mươi năm là nửa cuộc đời rồi cho nên tôi có thể nói chuyện đó, nói thật với anh là tôi muốn quên bộ phim ấy đi từ lâu rồi và trên thực tế thì tôi không muốn nhắc đến nó.

Cũng phải nói ngay rằng khi làm “Hà Nội Trong Mắt Ai” nó hồn nhiên lắm, nó trong sáng, ngây thơ và tình cờ lắm chứ chẳng phải thai nghén hay là âm mưu gì cả! Thế nhưng về sau nó thành một sự kiện lớn vào đầu những năm 80, cụ thể là năm 1982.

Lúc ấy trong giới văn nghệ Việt Nam cũng chưa có sự kiện nào đặc biệt để đánh dấu mốc cho cái quan niệm cho sự thay đổi hay là ghi nhận gì cả. Thực tế “Hà Nội Trong Mắt Ai” khi ra đời nó bị cấm đoán nó bị bức bách quá. Năm năm trời từ 1982 tới 1987 đối với một bộ phim bị cấm như thế rồi sau đó kèm theo rất nhiều những chuyện đàm tiếu và dư âm của bộ phim này đến cái mức người ta nghĩ có một lực lượng chính trị đứng phía sau lưng! Cái bộ phim này làm cho khốn nạn khốn khổ “lên bờ xuống ruộng” cả nhà tôi chứ đâu phải là chuyện đơn giản!

Tôi đã nói với một đoàn làm phim Mỹ khi tôi gặp họ trong một chương trình giao lưu chiếu phim ở Brooklyn, tôi bảo với họ cái xứ của tôi nhờ vậy tôi mới nổi tiếng chứ như ở Mỹ ông muốn làm gì thì làm thì làm sao nổi tiếng được? Bên tôi nhờ cầm đoán, nhờ quy chụp để người ta chú ý thì tôi trở thành nổi tiếng!

Tôi làm bằng máu huyết của tôi trong thời điểm đó thôi thì cũng may, ơn Chúa cho phép như thế và rồi sự may mắn nó cũng có.

Mặc Lâm: Chúng tôi còn nhớ là trong khoảng thời gian đó ông cũng đang làm một phim khác mang tên là "Chuyện Tử Tế" phim này cũng nổi tiếng và tuy ngắn nhưng nói rất nhiều điều, ông có thể cho biết hoàn cảnh nào mà "Chuyện Tử Tế" ra đời?

ĐD Trần Văn Thủy: Trong thời gian "Hà Nội Trong Mắt Ai" bị cấm khoảng thời gian từ 82 tới 87, giữa thời điểm đó là 1985 thì tôi bắt đầu quay "Chuyện Tử Tế".
Bộ phim "Chuyện Tử Tế" được quay trong hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt bởi vì lúc ấy "Hà Nội Trong Mắt Ai" vẫn bị cấm và tôi hoàn toàn bị khó khăn rất nhiều mặt. Nói rõ là bị công an theo dõi! Hãng phim của tôi cũng không thuận lợi gì khi tạo công ăn việc làm cho tôi.

Khi tôi làm phim “Chuyện Tử Tế” cũng không có một cái kịch bản nghiêm chỉnh bởi nó xuất phát từ mách bảo của linh tính rằng ở trên đời này đang có những chuyện rất là cấp bách trong quan hệ xã hội, trong con người với con người cần phải bàn đến, cần phải đề cập đến.

Sau này khi có máy quay chúng tôi vừa đi vừa nghĩ, vừa lập ý vừa tìm kiếm nhân vật cũng như tìm kiếm câu chuyện xâu chuỗi nó vào để làm bộ phim sau này có tên là “Chuyện Tử Tế”!

Mặc Lâm: Vâng thưa ông, số phận của "Chuyện Tử Tế" có giống với "Hà Nội Trong Mắt Ai" hay không?

Cái bộ phim này làm cho khốn nạn khốn khổ "lên bờ xuống ruộng" cả nhà tôi chứ đâu phải là chuyện đơn giản!

ĐD Trần Văn Thủy<br/>

ĐD Trần Văn Thủy: Bộ phim ấy sau khi làm xong thì cũng để đấy thôi bởi vì bộ phim "Hà Nội Trong Mắt Ai" vẫn bị cấm vì vậy không có cách gì để quảng bá bộ phim này hoặc có thể mang bộ phim này ra để duyệt để có thể phát hành, công chiếu được, cái chuyện đó là không tưởng.

May thay khi tôi làm xong được hơn một năm nó xảy ra sự kiện rất quan trọng vào thời kỳ đó tức là khi đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 xảy ra vào cuối năm 1986 đầu năm 1987. Trong đại hội đảng này thì một vấn đề lớn được đặt ra là phải soát xét lại tất cả những vấn đề về lãnh đạo quản lý văn học, văn hóa văn nghệ. Xem lại tác phẩm và tác giả trong quá khứ đã từng đánh giá đúng sai như thế nào.

Trong hoàn cảnh đó thì rất nhiều tác giả ngày xưa đã cao tuổi hoặc anh chị em đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm cũng như tác phẩm thời tiền chiến đã được in lại, cũng như sắp xếp lại tác phẩm đương thời lúc bấy giờ như “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ và bộ phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” của tôi cũng được xem xét đánh giá lại trong thời điểm và sự kiện đó.

Kỷ lục phim ảnh VN

Mặc Lâm: Sau khi được "xóa án" thì hai bộ phim được công chúng đón nhận ra sau thưa đạo diễn?

ĐD Trần Văn Thủy: "Hà Nội Trong Mắt Ai" và "Chuyện Tử Tế" hai phim chiếu nhập chung với nhau. Trong Nam ngoài Bắc trong tất cả các rạp, trong tất cả các trụ sở hay câu lạc bộ rất là nhiều người xem. Chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh một phim tài liệu của Việt Nam và thế giới chưa bao giờ người ta xếp hàng rồng rắn để mua vé vào xem phim tài liệu như người ta xem "Hà Nội Trong Mắt Ai" và "Chuyện Tử Tế".

Mặc Lâm: Và theo ông công bằng mà nói thì yếu tố nào trong hai bộ phim thu hút khán giả như vậy?

ĐD Trần Văn Thủy: Thật ra đây không phải là vấn đề nghệ thuật mà là quan niệm về xã hội nó liên quan. Nói thẳng một cái là vấn đề chính trị. Xin nói ngay là chữ chính trị nó rất là đẹp chứ không xấu như người ta tưởng bởi nó không phải là tà trị.

Thế nhưng vào thời điểm đó người ta quan tâm đến tình hình xã hội Việt Nam mà tình hình này là tình hình chính trị cho nên người ta xem hai bộ phim với con số chưa từng có. Nó cũng là kỷ lục đặc biệt đối với phim ảnh Việt Nam và cho đến bây giờ không lập lại được một lần như thế nữa.

chuyen-tu-te-250.jpg
Một cảnh trong phim "Chuyện Tử Tế". Photo courtesy of www.gxdaminh.net.

“Chuyện Tử Tế” sau này cũng bị khó khăn! Sau bốn, năm tháng được chiếu rồi người ta cấm không cho mang ra bên ngoài nữa! Mấy liên hoan phim quốc tế bên Pháp bên Ba Lan, Đức, Nga người ta mời tôi nhưng cuối cùng không đi được. Thế nhưng khi “Chuyện Tử Tế” vượt biên thành công sang Festival International Film năm 1988 thành công được rất nhiều, được các nước đặt vấn đề mua bản quyền.

Tôi có thể nói chắc chắn một điều rằng không có một bộ phim nào của Việt Nam kể cả phim truyện được các đài truyền hình trên thế giới quan tâm và mua bản quyền nhiều như bộ phim tài liệu “Chuyện Tử Tế”.

Mặc Lâm: Chắc thính giả cũng sẽ thắc mắc như tôi thưa đạo diễn, với một số hợp đồng bản quyền cho các kênh truyền hình lớn như thế chắc ông thu không ít tiền phải không?

ĐD Trần Văn Thủy: Đứng về phương diện kinh tế mà nói thì có thể nói rằng đấy là bộ phim đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nhà nước chứ bản thân tôi thì không có gì. Về mặt xã hội thì nó có ý nghĩa tích cực vì người ta sẽ hiểu Việt Nam qua một lăng kính khác tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn.

Bộ phim ấy nếu không đoạt giải Liên Hoan Phim Quốc Tế thì thời kỳ đó chắc chắn tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có thể tôi phải chạy sang Paris để rửa bát cho một cái restaurant nào đó chứ không phải như bây giờ ngồi đây nói chuyện điện thoại với anh.

Sau này thì bộ phim “Chuyện Tử Tế” tồn tại và mang được rất nhiều tiếng thơm. Tôi phải nói là rất nhiều bằng hữu của tôi ở nước ngoài, bạn bè văn nghệ với nhau đã hiểu và rất nhiều anh em đã trở về Việt Nam sau khi xem phim “Chuyện Tử Tế”.

Mặc Lâm: Sau hai phim này thì phim nào được ông tiếp tục theo đuổi?

ĐD Trần Văn Thủy: Thưa anh Mặc Lâm tôi vẫn đang làm việc, mà gần đây nhất là tôi làm chùm phim 4 tập, mỗi tập khoảng 80 phút và chưa kết thúc.

Về âm nhạc như Nghìn Năm Thăng Long. Tôi chẳng có năng khiếu và chẳng quan tâm gì tới âm nhạc cả nhưng mà phim âm nhạc của tôi làm là có thân phận, có vấn đề ở trong đó. Có bi kịch trong đó mà nó phản ánh lại một thời. Thí dụ như là tôi dựng lại những tác giả và tác phẩm trong giai đoạn tiền chiến và sau này có những bi kịch mà họ đã lãnh chịu do những nhầm lẫn ấu trĩ của một thời.

Yêu nước là của tất cả mọi người

Mặc Lâm: Làm gì thì ông cũng không thoát ra viễn kiến chính trị mà ông nói là khác rất xa với tà trị...có phải chính từ quan điểm này mà ông bắt tay vào công trình bộ phim nói về nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh?

ĐD Trần Văn Thủy: Ý tưởng làm bộ phim này do cháu rể của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, gọi cụ bằng ông nội, cụ thể là anh Nguyễn Lân Bình. Anh Nguyễn Lân Bình thay mặt gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra tổ chức thực hiện chứ không phải là của nhà nước hay một hãng sản xuất nào.

Với tôi thì tôi vô cùng kính trọng và khâm phục cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Anh hình dung là nhà cụ nghèo, 7 tuổi chăn bò trên đê Yên Phụ, 8 tuổi thì ngồi kéo quạt tại trường thông ngôn đình Yên Phụ và khi cụ ngồi kéo quạt nghe thầy giáo giảng bài bên cạnh các ông Tú, ông Cử ông Nghè. Ba năm sau đến năm 11 tuổi xin thầy cho được cùng thi với các ông Nghè, ông Cử, ông Tú. Thế mà cụ đỗ 12/40. Ông Hiệu trưởng kinh hoảng quá và coi đây là thần đồng!

Yêu nước là của tất cả mọi người. Là quyền lợi và trách nhiệm của toàn dân chứ không phải ai có độc quyền yêu nước hay là ban phát danh hiệu yêu nước cho bất cứ ai, đấy là khi tôi làm phim Nguyễn Văn Vĩnh.

ĐD Trần Văn Thủy

Thế rồi một thời cụ bị quy là tay sai là bồi bút, tức là phản động!

Tôi muốn chứng minh rằng những nhân vật ấy là những người yêu nước đích thực. Yêu nước là của tất cả mọi người. Là quyền lợi và trách nhiệm của toàn dân chứ không phải ai có độc quyền yêu nước hay là ban phát danh hiệu yêu nước cho bất cứ ai, đấy là khi tôi làm phim Nguyễn Văn Vĩnh.

Mặc Lâm: Thưa rất tiếc là thời gian chúng ta có hạn, tôi còn biết bao chuyện muốn hỏi ông nữa nhưng cũng đành chờ một dịp khác, may ra khi ông ra mắt một bộ phim mới nào đó... vậy thì trước khi chia tay ông muốn chia sẻ gì thêm với thính giả về công việc, hay nguyện vọng của ông hay không?

ĐD Trần Văn Thủy: Cả một đời tôi làm phim tài liệu, tôi không làm gì khác ngoài phim tài liệu cả. Có những lúc những người cảm mến tôi bảo ông làm chức vụ nọ chức vụ kia...tôi bảo không, nhà em lý lịch ba đời không ngon lành gì cho nên để cho em ngồi những chỗ khác để cho em làm phim tài liệu thôi.

Tôi quý nghề này ở cái điều cực kỳ quan trọng là anh có thể trình bày được cái gì mình nghĩ cho cuộc đời mình, nhất là nếu nó có ích cho cuộc đời thì lương tâm mình thanh thản và mình cảm thấy nó vui lòng. Tình thật mà nói làm bất kỳ công việc gì kể cả làm phim thì không bao giờ tôi nghĩ đến vật chất. Tôi chỉ nghĩ đến là nó đã đã chưa? Đã hài lòng chưa và nó đã nói được cái tâm nguyện của số đông chưa?

Mặc Lâm: Xin cám ơn đạo diễn Trần Văn Thủy về buổi nói chuyện hôm nay.

Theo dòng thời sự: