Tình hình biển Đông vài ngày qua đang làm nhức nhối bao trái tim của người Việt. Lịch sử cho thấy khi chủ quyền đất nước lung lay thì hầu như mọi con tim đều hướng tới điều thiêng liêng nhất được gọi là tổ quốc. Nhà thơ, hơn ai hết tâm tình của họ trước nỗi lo mất nước luôn nhạy cảm hơn người bình thường. Hình như những rung động thi ca trong tim người nghệ sĩ lúc nào cũng nghe ngóng nhịp thở quê hương khiến họ nhanh chóng cảm thụ được nỗi nguy hiểm phảng phất trong không khí trước cả người làm chính trị. Họ nhanh chóng nắm bắt sự nguy hiểm rình rập đất nước bằng con tim trong khi nhà chính trị đối phó hoàn toàn bằng lý trí.
Lý trí bị chế ngự bởi số liệu và tầng nấc biến động của sự kiện nhưng con tim thì cảm nhận nhanh chóng những khoảnh khắc mà không máy tính nào đo đếm được. Sự chiêm nghiệm và nhạy cảm đặc biệt này làm cho thơ xuất hiện. Xuất hiện và chinh phục những trái tim khác có cùng tầng số.
Tầng số này không thể cảm nhận hay thu giữ bằng đám đông hay kỹ thuật bởi thi ca luôn là chất xúc tác vô hình với người đọc nó. Thi ca có chức năng khá độc đáo là trước rung động của người viết, tác phẩm trở thành nơi kết nối sự cảm thông nhiều lần hiệu quả hơn những lời hiệu triệu. Nếu làm một phép thử về sự kết nối này ra sao đối với người đọc, chúng ta có ngay những kinh nghiệm lịch sử về nhiều bài thơ yêu nước còn đọng lại trong tim người Việt hàng ngàn năm qua, trong đó Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt sẽ là bài thơ dẫn đầu:
Nam Quốc Sơn Hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Sơn hà nước Nam thuộc quyền vua Nam
Ðiều này đã ghi rõ trong sách nhà Trời
Nếu kẻ nào dám đến xâm phạm
Chắc chắn sẽ bị thảm bại
Bài Nam Quốc Sơn Hà có lẽ là một ngoại lệ duy nhất vì bản chất thơ không là một công cụ để chống giặc ngoại xâm. Thơ chỉ mang thông điệp mà người thi sĩ muốn chia sẻ hơn là kêu gọi, qua đó tầng số rung động sẽ cộng hưởng với cái chung một cách sâu rộng và lâu dài. Một bài thơ hay khó thể xuất phát từ mục đích khích động người khác. Nó chỉ hay và nằm lâu trong lòng người bởi sự xúc cảm tột cùng của nhà thơ. Xúc cảm thật cộng với tài năng sẽ là chất kết dính bài thơ với người đọc.
Lý Thường Kiệt có thể được xem là nhà thơ tuyệt vời với khả năng truyền đạt những rung động của một thi nhân hơn là lời hiệu triệu binh sĩ dưới quyền của một danh tướng trong tinh thần này.
Những tác phẩm mà chúng tôi sắp giới thiệu cùng quý vị sau đây có lẽ đã đạt được phần nào tính chất chia sẻ đó. Những bài thơ này được sáng tác hoặc sau chiến tranh Biên giới hoặc trong thời gian có sự lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc.

Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tác giả Nguyễn Việt Chiến được sáng tác vào năm 2009. Đây là bài thơ đầu tiên anh sáng tác sau khi ra khỏi nhà giam trong vụ PMU18. Nói với chúng tôi về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, Nguyễn Việt Chiến cho biết:
“Tôi viết bài thơ vào tháng 4 năm 2009 trong một chuyến đi sáng tác của Văn Nghệ Quân Đội và từ cảm xúc về đất nước về dân tộc và tất cả những cái đã diễn ra trong thời điểm có vấn đề về biển. Nó gợi lên cho mình một niềm tự hào. Mình nghĩ cha ông mình mấy nghìn năm đã dựng nước, giữ nước và những quần đảo thiêng liêng của tổ quốc như một phần đất đai không thể tách rời. Và như thế cảm xúc nó cứ gợi lên thôi.
Tôi nghĩ rằng vượt lên trên hết mọi tình cảm cũng như tất cả mọi điều khác mà tôi đang mặc cảm, điều tôi nghĩ đầu tiên về đất nước về dân tộc mình có lẽ là những cái bao trùm toàn bộ bài thơ ấy."
Tổ quốc nhìn từ biển
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước *
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Tác giả thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu trong chương trình hôm nay là nhà thơ Bùi Minh Quốc với hai bài thơ "Bên Cột Mốc" và "Thơ Dâng".
Cùng cảm xúc với những gì tổ quốc đang gánh chịu từ biển xa, Bùi Minh Quốc có những dòng thơ ngắn, chắt lọc, phát họa những hình ảnh khi hiện thực lúc mờ ảo tại nơi mà mầm sống phải tranh dành với những đe dọa không ngừng bởi thiên nhiên lẫn kẻ thù trên hai quần đảo yêu thương của tổ quốc. Bài thơ mang tên "Thơ Dâng" mang âm hưởng của sóng rì rào, vỗ về liên tục và êm ả nhưng phía sau những lọn sóng ấy là ngộp thở, là chờ đợi. Những ngắt dòng bất chợt cũng làm bài thơ trở nên hồi hộp bất thường hơn.
Thơ Dâng
Tôi ngước mắt vọng trời
Trời rựng máu
Hoàng Sa
Trường Sa
Tôi cúi đầu tìm đất
Đất ứa lệ
Hoàng Sa
Trường Sa
Tôi vây giữa ngàn thông ngàn hoa
Gốc thông nào cũng khắc
Hoàng Sa
Trường Sa
Cánh hoa nào cũng nhắc
Hoàng Sa
Trường Sa
Kìa vụt hiện ngọc ngà
Người mẫu
Em lớn từ lệ máu
Hoàng Sa
Trường Sa
Ê a bên thềm miệng sữa ê a
Vỗ lòng tôi tựa sóng
Hoàng Sa
Trường Sa
Sực nghe xuân gõ cửa mọi nhà
Âm âm
rền
Hoàng Sa
Trường Sa.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc khi còn công tác trong hội Văn Học Nghệ Thuật Lâm Đồng đã có nhiều dịp tiếp cận với những vùng đất xa xôi nhất của tổ quốc. Sau chiến tranh biên giới năm 1979 do Trung Quốc phát động, nhà thơ đã đến Lạng Sơn, vùng đất bị giặc tàn phá nặng nề và trong chuyến đi này ông đã cho ra đời bài thơ "Bên Cột Mốc" rất nổi tiếng.
"Lúc ấy là năm 81 sau hai năm Trung Quốc nó đánh Lạng Sơn. Lúc ấy vẫn dằn co mấy cái điểm chốt ở Lạng Sơn. Các vùng khác cũng có nhưng lúc đó mình đến với đơn vị ở cao điểm 400 phía Tây bắc Đồng Đăng. Mình đến với anh em đang giữ chốt, không lên được chốt nhưng gặp anh em ở dưới chân núi. Anh em kể những ngày giữ chốt, những cảnh đồng bào sơ tán vẫn diễn ra, rồi những cảnh tàn phá ở thị xã Lạng Sơn rất hoang tàn. Cảnh tàn phá vẫn còn nguyên như thế."
Bên cột mốc
Tim thắt lại trong buổi chiều lúa non
Bản Nùng xa khói bếp
Hoa phượng đỏ đầy trời xứ Lạng
Đỏ lên từng tấc đất tôi thương
Máu đồng đội đỏ cho màu hoa ấy
Ôi màu khói màu hoa tự bao giờ cứ vậy
Dù ai để ý hay không
Sao lòng ta run rẩy
Tiếng xe ngựa qua cầu Kỳ Lừa
Lóc cóc dưới chiều mưa
Tấm bạt rách trên mui gió lật
Che mái đầu mấy người đàn bà
Nói những chuyện cuốc cày mua bán
Em bé Nùng ngồi trong quang mẹ gánh đi sơ tán
Như chính tôi thuở nào
Mắt em nhìn thăm thẳm làm sao!
Thăm thẳm một đời bao thứ giặc
Chưa giặc nào như giặc này
Quân ăn cướp quân phản trắc
Đã từng vào nhà ta
Như một người bạn thân một người đồng chí
Thăm hỏi vợ ta
Bồng bế con ta
Siết tay ta rất chặt
Cùng nhau ngồi ở góc phòng kia
Quanh bộ bàn ghế trúc
Bữa ăn tươi có nem rán bún bò
Bánh bao nhân thập cẩm…
Nhưng phút chốc bỗng tan tành tổ ấm
Ta đâu có thể ngờ
Phút chốc đã tan tành tổ ấm
Cái tổ ấm vừa nhen sau cuộc chiến tranh dài
Chính bàn tay đã cùng ta chúc rượu
Lại đến đây bắn pháo giật mìn.
Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
Phân rõ ranh giới này
Người cộng sản và lũ bạo chúa giương cờ cộng sản
Đứng trên Thiên An Môn hô những lời cách mạng
Được tụng niệm như kinh
Đánh cắp niềm tin của triệu người lao động ngay lành
Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
Mẹ Việt Nam cắm chắc ở nơi này
Gan góc
Thẳng ngay
Đến cái chết cũng chẳng hòng đánh bật
Ôi màu hoa lặng lẽ đỏ trong chiều
Lặng lẽ nói tình yêu
Những người lính đêm ngày trên điểm tựa.

Với Trần Mạnh Hảo thì tác phẩm "Nếu Tổ quốc tôi không còn biển" là cách để ông dàn trải những trăn trở của một kẻ sĩ trong hoàn cảnh khá khó khăn của đất nước. Dưới ngòi bút của ông biển đảo thân yêu đã trở thành máu thịt, thành hơi thở và vì vậy khi không còn đảo tức là không còn biển, mà Việt Nam không còn biển có nghĩa là chấp nhận diệt vong!
Bên cạnh điều lo lắng cho sự mất còn của biển đảo, Trần Mạnh Hảo cũng không ngần ngại dóng lên cảnh báo về kịch bản Trọng Thủy của thời hiện đại, thơ ông do đó đậm chất thời sự và hơi thở của sự kiện.
“Nếu Tổ quốc tôi không còn biển”
Mất Hoàng Sa, Trường Sa
Rồng Việt Nam không còn chỗ núp
Không có lối ra
Tổ Quốc như bị giam trong ngục
Xin Ngô Quyền trở về
Xin Trần Hưng Đạo trở về
Dìm quân xâm lược
Tổ Quốc nguy nan
Mỗi người Việt Nam
Hóa thành cọc nhọn
Bán đảo Đông Dương biển mất gần hết
Hồng Hà biết chảy về đâu ?
Cửu Long rồi giãy chết ?
Linh hồn cha Lạc Long Quân
Không còn chốn đi về
Cái lưỡi bò ngoại tộc
Rót vào tai nhà đương cục
Mười sáu chữ vàng
Miệng vờ ôm hôn
Tay lừa bóp cổ
Lưỡi bò đang liếm sạch biển Đông
Trọng Thủy xưa Từng dùng lưỡi bò tỏ tình
Lừa tình cướp nỏ
Lừa tình cướp nước
Trong miệng người anh em
Giấu một lưỡi bò
Nếu Tổ Quốc không còn biển
Dân tộc tôi sẽ chết đuối trên bờ
Chết đuối trên cao nguyên
Chết đuối trong bùn bô-xít
Tổ Quốc không chịu chết
Biển Đông gầm đang hóa Bạch Đằng Giang.
Thơ ca thời chiến tuy hào hùng nhưng rõ ràng thấm đẫm máu đào của cả dân tộc. Có ai thích thú gì khi làm thơ trong cái thuơng tâm mất mát ấy. Thế nhưng bi kịch luôn đeo đẳng Việt Nam như số phận bởi kẻ láng giềng khó đối phó. Người Việt qua bao nhiêu ngàn năm đã tự động mang trong lòng hai chữ cảnh giác với những điều mà tổ tiên đã học được. Thơ ca và những loại hình nghệ thuật khác hình như không đủ để chuyển tải những khổ đau mà cả dân tộc hứng chịu từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Tạo hóa cho con người có khả năng sáng tạo để từ ngôn ngữ nhào nặn thành thi ca. Thi ca cũng chính là chiếc khăn dùng để thấm mồ hôi lẫn máu nếu cuộc chiến xảy ra, mà trong chúng ta ai là người trông chờ cuộc chiến ấy để có được những vần thơ tuyệt tác?
Theo dòng thời sự:
- Bản chất 'Bá quyền' của Trung Quốc
- Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa?
- "Ma Chiến Hữu" trong cuộc chiến biên giới 1979
- Nhà thơ Trần Vàng Sao và "Bài Thơ của Một Người Yêu Nước Mình"
- Không đọc kỹ "Hội thề" xin đừng "Chiêu tuyết"
- Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói về bài "Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt"
- RSF vinh danh nhà báo Nguyễn Việt Chiến
- Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc