Steve Jobs đem thẩm mỹ vào sản phẩm

Tiếng nhạc mở đầu trên kênh truyền hình CNN mà quý vị vừa nghe nhằm nhắc lại những gì mà Steve Jobs cống hiến cho nền công nghệ thông tin của nhân loại từ khi chiếc máy tính Apple trình làng lần đầu tiên cho tới khi ông mất vào ngày Thứ Tư 5 tháng 10 năm 2011.

0:00 / 0:00

Cái chết của cha đẻ hãng vi tính mang hình trái táo ngay lập tức tạo nên một làn sóng tiếc thương khắp thế giới. Không ồn ào như cái chết của Michael Jackson,

không ủy mị, đầy nước mắt như công nương Diana nhưng sự tiếc thương thiên tài Steve Jobs tuy âm ỉ nhưng rộng lớn. Nó lan tỏa khắp các châu lục từ người trẻ tới người luống tuổi, từ chuyên gia máy tính cho tới người sử dụng chiếc iphone bình thường. Cầm trên tay chiếc điện thoại mà cha đẻ của nó vừa qua đời những ai biết chuyện không tránh khỏi niềm xúc động sâu xa cho một thiên tài vừa rời xa trái đất.

Năm 1976, khi Jobs 21 tuổi và Wozniak 26 tuổi, hai người bạn thân này sáng lập công ty Apple Computer trong ga-ra nhà của Jobs. Sản phẩm đầu tiên của họ là máy tính cá nhân Apple I. Năm 1977 Apple tung ra sản phẩm tiếp theo, Apple II, một thành quả to lớn đã làm nên tiếng vang cho một công ty còn non trẻ Apple.

Cho đến giờ phút cuối cùng của Steve Jobs hãng Apple của ông đang dẫn đầu thế giới về các sản phẩm công nghệ ứng dụng vào đời sống thường nhật cụ thể là chiếc iphone đã bước sang đời F4s. Toàn thế giới biết đến logo Trái táo qua sản phẩm vô địch này và cũng từ đó Steve ngày một gần gũi hơn với trí nhớ của nhiều người.

Tài năng của Steve được nhắc tới nhiều qua việc ông điều hành hãng Apple với tư cách Tổng giám đốc CEO của công ty. Phẩm chất làm việc của ông là điều đáng kinh ngạc và ông buộc nhân viên dưới quyền phải ngang hàng với ông không được thua kém.

apple-logo-silver-200.jpg
Logo hình 'trái táo màu bạc' của công ty Apple. Photo courtesy of www.edibleapple.com.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất giúp cho Apple vượt lên mọi hãng khác là cảm nhận thẩm mỹ của Steve được mang áp dụng vào sản phẩm của Apple đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của các loại sản phẩm kỹ thuật số vốn lạnh lẽo và vô cảm.

Đầu những năm 1980, Jobs là một trong vài người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng thương mại của giao diện người dùng điều khiển đồ họa bằng cách sử dụng con chuột dẫn đến việc ra đời chiếc máy tính Macintosh. Phát hiện của Steve thật sự là một bước ngoặt cho công nghệ graphic design áp dụng vào vi tính.

Năm 1998, Steve Jobs tổ chức một cuộc họp tại Apple, và nói thẳng với nhân viên của mình rằng sản phẩm của Apple quá tồi tệ lý do là không có ‘sex’ trong đó.

Cái sex mà Jobs miêu tả chính là tính thẩm mỹ của sản phẩm. Ông buộc nhân viên của mình phải có khái niệm mỹ thuật trước tiên khi phác họa một sản phẩm mới.

Tiêu chuẩn đẹp đến với Steve thật ra chỉ quay trở lại với ông theo như lời ông kể trong bài diễn văn bất hủ đọc tại lễ tốt nghiệp đại học Stanford vào năm 2005:

“Tôi xin kể cho các bạn một ví dụ: Đại học Reed khi đó có lẽ là ngôi trường tốt nhất dạy về nghệ thuật viết chữ đẹp ở Mỹ. Toàn bộ khuôn viên trong trường là các tấm poster, tranh vẽ tay với những dòng chữ viết tay tuyệt đep. Lúc đó tôi đã bỏ học, tôi ghi danh vào lớp dạy viết tay các loại chữ để tìm hiểu họ làm điều đó thế nào.

Tôi học cách sáng tạo trong nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm... Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp.

Steve Jobs

Tôi học cách sáng tạo trong nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Đây là môn học nghệ thuật nhưng mang dấu ấn lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được.

Môn học này lúc ấy dường như chẳng thể ứng dụng vào thực tế trong cuộc đời tôi. Thế nhưng 10 năm sau đó, khi chúng tôi thiết kế máy Macintosh, mọi thứ hình như quay trở lại với tôi. Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp.”

Ngôi trường mà Steve Jobs theo học là một trong 10 trường mỹ thuật nổi tiếng nhất nước Mỹ. Tọa lạc tại một khu vực yên tĩnh của thành phố Portland tiểu bang Oregon, Reed College tập trung nhiều giảng viên nổi tiếng và trong mỗi mùa hè sinh viên có nhiều hoạt động mỹ thuật ngoại khóa khá sôi động.

Tranh vẽ của sinh viên cao học dựng bên cạnh các thân hình khỏa thân xuất hiện trong khuôn viên trường thẩm thấu vào óc thẩm mỹ và gây cảm hứng cho Steve về cái đẹp mà ông đem áp dụng triệt để vào sản phẩm của Apple trong nhiều chục năm sau.

Trước khi Apple thành hình, người họa sĩ thiết kế đồ họa phải làm mọi việc bằng tay, từ phác thảo đến tạo mẩu trên sản phẩm. Sau khi các chương trình ứng dụng như Illustrator và PhotoShop ra đời đã thay đổi toàn bộ khuôn mặt của nền đồ họa đương đại. Steve Jobs là người có công đầu đưa ý tưởng này vào các phần mềm mỹ thuật. Với ông, mọi sản phẩm của Apple phải bắt đầu bằng tiêu chí thẩm mỹ trước khi nói đến tính ứng dụng của sản phẩm.

apple-logo-isaac-newton-200.jpg
Logo đầu tiên của công ty Apple. Photo courtesy of www.edibleapple.com.

Triết lý đưa mỹ thuật vào kinh doanh là tiêu chí hàng đầu của Steve khi ông tập trung sức lực vào ngay hình ảnh logo của công ty. Năm 1976 logo đầu tiên được Ronald Wayne sáng tác chỉ sau một năm đã bị chính Steve từ chối vì trông quá cổ điển và đơn điệu. Hình ảnh của Isaac Nerwton ngồi dưới gốc cây trầm tư trong khi trái táo treo lơ lửng trên đầu hoàn toàn không nói lên được mục đích của Apple. Logo miêu tả tính kinh điển của khoa học máy tính hơn là sự sáng tạo một sản phẩm thực sự cần thiết cho người tiêu dùng theo ý đồ của Steve.

Chỉ một năm sau ngày ra mắt, logo năm 1976 được thay thế bằng hình ảnh một trái táo có màu sắc cầu vồng bị cắn mất một miếng bên hông. Họa sĩ Rob Janoff đã theo gợi ý của Steve sáng tác logo này trên ý thức khi nhìn vào người ta sẽ cảm nhận sự sống xuất hiện trên đó với những ẩn ý về Ham muốn, Hiểu biết, Hy vọng và Nổi loạn.

Miếng cắn làm cho quả táo mất góc là điểm nhấn của logo. Nó trở thành quen thuộc với mắt người nhìn do khác với một trái táo tròn trịa và đơn điệu. Cho dù tình cờ đi chăng nữa chính cái góc khuyết này làm cho trái táo có duyên và hiệu quả.

Logo này tưởng chừng như không thể thay thế như nhiều người đã nghĩ, chỉ có Steve là không nghĩ như vậy. Với người có óc sáng tạo mạnh mẽ thì sự thay đổi là yếu tố không thể thiếu trong sáng tạo. Trái táo nhiều màu rồi cũng ra đi khi Steve quay trở lại công ty vào năm 1998. Ông cho rằng trái táo màu cầu vồng đã thực hiện xong bổn phận của nó và bây giờ là lúc chiếc logo phải nói lên tính thời đại của sản phẩm. Thế là chiếc logo đơn sắc, gần với thẩm mỹ đương đại ra đời.

Thời gian của bạn không nhiều đâu đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác.

Steve Jobs

Logo không phải là vật duy nhất làm nên thương hiệu Apple. Steve luôn suy nghĩ tận cùng đến điều gì đẹp đẽ nhất nhằm mang đến cho người tiêu dùng cảm giác dễ chịu qua cảm nhận thẩm mỹ của đại chúng. Ông không dùng những sáng tạo của các khuynh hướng đương đại, ông tập trung vào những nét đẹp mà thời đại chấp nhận và phát triển nó vào sản phẩm.

Imac, iphone, ipad được sáng tạo trên cái nền thẩm mỹ này và Apple đạt thành công vượt mức trước ý tưởng đúng đắn của con chim đầu đàn Steve Jobs.
Nói về cái chết, Steve nói ông thường xuyên đối diện với nó khi bác sĩ cho biết ông bị ung thư tuyến tụy tạng, phát biểu trước lễ mãn khóa của hàng ngàn sinh viên đại học Stanford ông nói:

“Không ai muốn chết. Ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Cái chết lại là đích đến mà chúng ta không ai thoát được nó. Cái chết là cách sáng tạo hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Cái chết đào thải sự cũ kỹ để mở đường cho cái mới. Các bạn hôm nay là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống.

Thời gian của bạn không nhiều đâu đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời khuyên vô bổ vì đó là ý tưởng của người khác. Đừng để những quan điểm sáo rỗng lấn át tiếng nói bên trong lòng bạn.”

apple-logo-rainbow-200.jpg
Logo hình 'trái táo màu cầu vồng' của công ty Apple. Photo courtesy of www.edibleapple.com.

Số phận buộc ông phải ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Đối với Steve Jobs ông chưa đạt được thành công như ý muốn mặc dù Apple bây giờ đã trở thành khổng lồ trong thế giới kỹ thuật số. Người ta thương tiếc ông như người thân, đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh và đồ họa. Trưởng nhóm phim hoạt hình Colory Đoàn Trần Anh Tuấn cho biết cảm nghĩ của anh khi nghe tin Steve ra đi, anh nói:

“Hồi lúc sớm lúc em mới vô công ty thì được mấy chị trong công ty nói thần tượng của em đã qua đời rồi! Trời ơi em cứ tưởng mọi người nói giỡn không! Nhưng thực sự thì sau đó em nhào lên máy vi tính em check lại thì đúng là ông Steve Jobs vừa mới chết.

Lúc đó em cảm giác giống như bị hụt hẫng lắm vì em coi ông ấy là thần tượng và giống như một người thân của mình đó là một mất mát rất là lớn đối với mình. Không những với riêng em mà em nghĩ đối với dân công nghệ thông tin, những người yêu thích sản phẩm của Steve Jobs. Em cảm thấy mỗi sản phẩm của ông ấy hay của Apple gần như một tác phẩm nghệ thuật và công ty Colory của em đã định hướng là lấy hình mẫu của Pixa cái hãng phim hoạt hình mà ông Steve Jobs đồng sáng lập lấy đó làm hình mẫu để học hỏi và làm theo họ.”

Ngày 5/10 trên website của Apple là dòng tin ngắn: "Apple vừa mất đi một thiên tài sáng tạo và có tầm nhìn lớn, còn thế giới cũng mất đi một nhân vật kiệt xuất. Những người có may mắn biết và làm việc với Jobs đã mất đi một người bạn thân, một động lực đối với họ. Jobs ra đi, để lại một công ty mà chỉ ông mới có thể xây dựng. Tinh thần và triết lý của ông sẽ mãi gắn bó với Apple".
…………..
Triết lý đem thẩm mỹ vào sản phẩm của Steve Jobs có lẽ là bài học lớn nhất cho những nhà kinh doanh trong thế giới ngày nay, đặc biệt quan trọng với Việt Nam nơi mà tiêu chuẩn thẩm mỹ của sản phẩm chưa bao giờ được xem trọng. Sự ra đi của ông không biết có đánh động tâm lý coi trọng cái đẹp của người Việt hay không vì chung quanh đời sống không nơi nào là không xuất hiện sản phẩm của Apple, của Steve, bậc thầy kinh doanh của mọi thời đại.

Theo dòng thời sự: