Chuyện dài nhiều tập của phim truyền hình Việt (Phần 1)

Người dân Việt Nam trong những năm gần đây được xem phim thuần Việt thỏa thích trên các đài truyền hình trung ương trong những giờ thuận tiện được gọi là giờ vàng.

0:00 / 0:00

Những bộ phim truyền hình dài tập viết về mọi đề tài xã hội được thay thế cho những bộ phim dài nhiều tập của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc phần nào làm dịu đi nỗi trăn trở cho những ai từng ưu tư cho đất sống của phim Việt trên phương tiện truyền thông đại chúng này.

Lượng nhiều phẩm kém

Thế nhưng số lượng ngày một nhiều hơn một cách bất thường đã đẩy phim truyền hình Việt Nam sang một cực khác, đó là những bất cập xảy ra nhan nhản trước mắt người xem hàng ngày trong những giờ vàng của họ, đã dẫn tới việc các tờ báo lớn trong nước phải tung ra nhiều loạt bài về hiện tượng khán giả quay lưng với khá nhiều bộ phim Việt hiện đang được trình chiếu trên TV hiện nay.

Từ 300 tập phim một năm như trước, các đài truyền hình trung ương bị chi phối bởi luật Điện Ảnh từ Bộ Văn Hóa Thông Tin buộc phải sản xuất được ít nhất là 2.000 tập phim Việt Nam một năm. Quy định này đã đẩy vấn đề sản xuất phim truyền hình vào một góc đài mà khán giả là người bị tấn công.

Hiện tại thời lượng sản xuất phim truyền hình Việt Nam nó tăng lên rất nhiều theo luật Điện Ảnh của nhà nước Việt Nam ...

Đạo diễn Lê Đức Tiến

Theo đạo diễn Lê Đức Tiến nguyên giám đốc hãng phim truyện Việt Nam cho biết thì luật Điện Ảnh đã chi phối rất nhiều đến các ekip làm phim truyền hình và do bị chi phối nặng nề như vậy nên tiêu cực xảy ra là điều khó tránh khỏi, ông nói:

“Hiện tại thời lượng sản xuất phim truyền hình Việt Nam nó tăng lên rất nhiều theo luật Điện Ảnh của nhà nước Việt Nam đáp ứng nhu cầu của khán giả từ 30 tới 40% do đó các đài truyền hình như Truyền hình Trung ương, đài Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đài khác phải tổ chức sản xuất phim truyền hình thật nhiều mới đáp ứng được những luật quy định do đó mà nó có nhiều loại đề tài khác nhau, nhiều ekip làm phim khác nhau và nó phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản.”

Chạy theo lợi nhuận

Trong tình hình non trẻ của nền điện ảnh nước nhà, việc thúc đẩy sản xuất nhiều quá mức các sản phẩm phim truyền hình tất yếu dẫn đến những phim tồi và kéo theo biết bao hệ lụy mà chỉ khán giả là người chịu thiệt.

Phim truyền hình được xem không mất tiền vì chi phí sản suất phim được các spot quảng cáo trang trải. Vấn đề quảng cáo lại một lần nữa được chú ý và người xem phát hiện ra rằng các công ty thuê spot để đặt quảng cáo sản phẩm của họ hoàn toàn không chú ý gì đến chất lượng của phim, miễn là làm sao có những hình ảnh mát mẻ từ các người mẫu chân dài hay vài cảnh nóng trong phim là được.

anh-chang-vuot-thoi-gian-250.jpg
Diễn viên Thanh Thức (giữa) trong phim "Anh Chàng Vượt Thời Gian". Photo courtesy of "vtv.vn".

Hiện tượng các công ty thương mại định hướng thị hiếu khán giả phải chạy theo quyết định của họ đã góp phần kéo theo sự dễ dãi lẫn cẩu thả của các ekip làm phim mà dẫn đầu là nhà sản xuất phim và đạo diễn. Người xem phim không trả tiền nên không còn cách nào để cho nhà đài biết là họ không bằng lòng với những bộ phim tồi tệ. Đài truyền hình nhà nước thì say sưa với con số phim được chiếu mỗi ngày và thỏa mãn với lợi nhuận kết sù từ các spot quảng cáo. Từ thực tế này không khó lắm khi nhận ra luật Điện Ảnh được ban hành với mục đích gì khi bắt buộc các đài phát sóng phải nộp đủ chỉ tiêu trên 2.000 phim một năm.

Với con số trên ngàn phim thì vài ekip có tay nghề hiện nay làm sao thực hiện được? Đạo diễn Lê Đức Tiến có câu trả lời như sau:

“Hiện tại thời lượng phim truyền hình tăng lên nhiều cho nên có tình trạng xã hội hóa có nghĩa là các công ty tư nhân họ cũng tham gia. Những công ty đó bỏ vốn ra làm phim họ bắt buộc phải tìm cách thu hồi vốn lại. Thế cho nên họ can thiệp sâu vào nghệ thuật thí dụ như cần phải có diễn viên này diễn viên kia hay pha nọ pha kia, cần phải có yếu tố câu khách ….do đó các đạo diễn làm phim không phải là người bỏ vốn ra thì phải tôn trọng nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu của họ để họ thu hồi được vốn do đó chất lượng phim truyền hình không đồng đều tôi nghĩ đấy là chuyện bình thường. Trong một môi trường sản xuất phim truyền hình nó rất cần nhiều như hiện nay và đội ngũ làm phim của nó rất là khác biệt cũng như dàn diễn viên cần phải đào tạo, phải qua một quá trình đào tạo dài.”

Kịch bản tồi

Một bộ phim dù ngắn hay dài cái xương sống của nó vẫn là kịch bản. Kịch bản của các bộ phim truyền hình hiện nay đã đến mức báo động vì người xem cảm thấy bị coi thường một cách khá lộ liễu. Nhiều bộ phim được quảng cáo ầm ỉ nhưng khi trình chiếu thì khán giả biết mình bị lừa! Anh Chàng Vượt Thời GianXin Thề Anh Nói Thật là hai phim được đánh giá như thế.

Đạo diễn Song Chi, người có nhiều năm cộng tác với các hãng phim truyền hình nhìn nhận những khiếm khuyết từ kịch bản phim phát sinh từ lý do chạy theo số lượng phát sóng hàng ngày. Bà cho biết kinh nghiệm của mình về chuyện kịch bản chạy theo giờ chiếu như sau:

Không thể nào chấp nhận tình trạng vừa làm vừa phát sóng, vừa làm vừa cuốn chiếu! Rất nhiều trường hợp kịch bản chưa xong đã đi quay rồi!

Đạo diễn Song Chi<br/>

“Mình phải có cơ chế gọi là điều tiết nữa chẳng hạn như đài cứ để cho tư nhân sản xuất phim nào hay thì tôi sẽ chọn tôi mua thì như vậy họ phải buộc lòng làm phim chất lượng. Phim nào cao thì tôi mua giá này, còn phim nào thấp thì tôi mua giá này… và phim nào yếu thì tôi hoàn toàn không mua!

Hiện nay chỉ duyệt sơ sơ đề cương thôi. Từ đề cương tới kịch bản là cả một quá trình, cho tới thành phim lại là một quá trình nữa thì làm sao mình dám chắc là nó hay? Không thể nào chấp nhận tình trạng vừa làm vừa phát sóng, vừa làm vừa cuốn chiếu! Rất nhiều trường hợp kịch bản chưa xong đã đi quay rồi!

Hiện nay có một số người vẫn giữ được lương tâm nghề nghiệp có nghĩa là kịch bản phải xong hoàn toàn và thậm chí phải phân cảnh đàng hoàng, tức là làm rất kỹ lưỡng. Vì vậy cho đến giờ phút này trên truyền hình có những bộ phim vẫn làm kỹ vẫn quay một máy và đạo diễn có mặt gần như hầu hết thời gian và như thế thì bộ phim mới có chất lượng được.”

Biên kịch, đạo diễn kém

xin-the-anh-noi-that-250.jpg
Một cảnh trong phim "Xin Thề Anh Nói Thật". Photo courtesy of "vtv.vn".

Tình trạng kịch bản chạy theo show diễn tuy nhiên vẫn có thể khắc phục nếu giám đốc sản xuất biết đặt tiêu chí nghệ thuật, dù là nghệ thuật thương mại đi chăng nữa, lên trên yêu cầu rẻ tiền của công ty thuê spot quảng cáo. Chuyện nhuận bút cho nhà biên kịch có lẽ là lý do hàng đầu khiến tình trạng ngày một trượt dài trên phạm vi kịch bản dở. Mỗi một kịch bản được VFC trả theo quy định của nhà nước hiện nay từ 5 tới 7 triệu chưa trừ thuế. Với số tiền nghèo nàn như vậy làm sao kỳ vọng một nhà biên kịch có thể can đảm ngồi miệt mài nhiều tháng trời để cho ra đời một sản phẩm trí tuệ và hấp dẫn được! Trong khi đó viết kịch bản cho một tập phim truyền hình dài tập hiện nay giá trung bình mỗi tập từ 6 đến 10 triệu thì làm sao một nhà biên kịch thoát được cái cám dỗ từ những khoản thù lao này?

Bên cạnh đó người ta phát hiện một sự thật nữa là hiện nay các trường điện ảnh tại Việt Nam không hề có khoa biên kịch! Các nhà biên kịch từ xưa tới nay chỉ sáng tác do khả năng riêng của mình khi yêu thích viết văn và chuyển sang viết kịch bản điện ảnh mà không qua bất cứ một khóa đào tạo nào. Từ thực tế này, nhiều người đã viết kịch bản điện ảnh như viết truyện ngắn, hay tệ hơn như viết blog! Và khi giao cho đạo diễn thì ông này lại không cần xem lại vì thời gian cấp bách, cứ như thế mà đem ra sàn quay cho kịp giờ chiếu!

Đạo diễn Lê Cung Bắc xác định người biên kịch giỏi phải đắm mình vào những ngõ ngách sâu xa nhất của cuộc sống để ghi nhận những tình tiết vô cùng quý giá mà ngoài bề mặt thường ngày chúng ta không thấy. Ông cho rằng cái dở đang lấn át phim Việt hiện nay đều có chung một công thức: kịch bản tồi, đạo diễn bất tài và nhà sản xuất dễ dãi hoặc chạy theo lợi nhuận bất chấp tất cả.

Có nhiều bộ phim kịch bản chưa xong đã đi quay thì bản thân ông đạo diễn đó ổng không biết câu chuyện cuối cùng nó như thế nào nữa!

Đạo diễn Song Chi

Đạo diễn Song Chi nhận xét về kịch bản mì ăn liền hiện nay xuất hiện trong từng tập phim truyền hình do nhận thức của nhà biên kịch một lẽ còn một lẽ khác quan trọng hơn là cơ chế hiện nay đã tạo nên những bất cập này, bà nói:

“Có nhiều bộ phim kịch bản chưa xong đã đi quay thì bản thân ông đạo diễn đó ổng không biết câu chuyện cuối cùng nó như thế nào nữa! Bản thân diễn viên họ cũng không biết nhân vật của họ cuối cùng sẽ ra làm sao thì làm sao họ diễn tốt được?

Cho nên thứ nhất là đào tạo, thứ hai phải thay đổi cơ chế và cuối cùng mới kêu gọi lòng yêu nghề cũng như lương tâm nghề nghiệp thì người ta mới có thể sống và làm việc được chứ còn kêu gọi lòng yêu nghề không thôi thì khó lắm, những cái tên còn lương tâm nghề nghiệp thì hầu như không thể sống bằng nghề được.”

Người xem thắc mắc liệu những bộ phim này trước khi trình chiếu trên hệ thống truyền thông chính thống của nhà nước thì có được phê duyệt do một ủy ban nào đó hay không.

Bà Minh Hà thuộc phòng khai thác phim truyện truyền hình HTV cho biết ngay ở đài THVN đã có một ban thẩm định vô cùng hùng hậu, gồm đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các nhà văn hóa, các nhà văn, các nhà biên kịch và các nhà quản lý truyền hình.Riêng cơ chế duyệt phim ở Đài truyền hình TP.HCM hiện nay rất gắt gao.

Đối với phim truyền hình bộ trưởng Bộ VHTT-DL đã có thông tư hướng dẫn các Đài phát thanh và truyền hình thành lập Hội đồng thẩm định gồm đủ các thành phần như của Bộ VHTT-DL và do người đứng đầu đài ký quyết định ban hành.

anh-chang-vuot-thoi-gian-2-250.jpg
Ca sĩ Thu Minh và diễn viên Huỳnh Anh Tuấn trong phim "Anh Chàng Vượt Thời Gian". Photo courtesy of "vtv.vn".

Tuy nhiên đối với các phim được thực hiện theo kinh phí xã hội hóa, luật Điện Ảnh quy định không phải trình thẩm định kịch bản mà chỉ thẩm định phim. Còn các phim được thực hiện bằng kinh phí của nhà nước thì quy trình thẩm định được tiến hành từ khâu kịch bản cho đến khi bộ phim ra mắt công chúng.

Sự dễ dãi đối với các bộ phim được thực hiện dưới mỹ từ xã hội hóa đang làm cho người xem phim tự hỏi, nếu cho phép như vậy thì tại sao không cho phép các đài truyền hình tự đặt chỉ tiêu cho mình bao nhiêu phim một năm để có được những kịch bản hay, chất lượng phục vụ người xem, và tại sao lại quy định một con số vượt khả năng lẫn tài năng của các nhà sản xuất bất kể xã hội hóa hay không?

Câu chuyện về phim truyền hình Việt Nam vẫn còn là câu chuyện dài nhiều tập. Trong chương trình kỳ tới chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề đạo diễn và giám đốc sản xuất, hai bộ óc quyết định chất lượng phim hiện nay đã và đang thực hiện những bộ phim truyền hình như thế nào, và liệu với những cung cách như vẫn đang áp dụng, phim truyền hình Việt Nam sẽ đi về đâu khi khán giả ngày một ê chề với các bộ phim thiếu chất lượng trầm trọng như hiện nay...

Theo dòng thời sự: