Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Hiện, khách các nơi đang đổ đến Việt Nam để dự SEA Games. Nhân dịp này, nhiều du khách có thể lưu lại để viếng thăm các danh lam thắng cảnh. Đất nước Việt Nam, nhiều nơi đẹp lắm. Qua âm nhạc thì có các bài hát mang tên những địa danh từ Bắc vào Nam, điều này gây cảm hứng cho Thy Nga soạn để gởi đến quý thính giả một số ca khúc ấy trong các chương trình song song với thời gian lễ hội.
Trong kho nhạc Việt, chúng ta có thể kể hàng trăm bài hát ngợi ca tình yêu quê hương nhưng không gì hoành tráng cho bằng các trường ca “Con đường cái quan” của Phạm Duy, “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương hát về các con sông ở ba miền, và “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương.
Xuôi vạn lý, từ ải Nam Quan đi dần xuống, chẳng mấy chốc thì đến thị trấn Đồng Đăng.
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh …”
Trên một ngọn núi vùng này, đá chồng chất lên nhau, có chỗ trông mường tượng như hình ảnh người đàn bà bế con. Dưới chân núi, sông Kỳ Cùng long lanh ánh nước. Phải chăng, đó là giòng lệ vẫn chưa khô cạn của người thiếu phụ bất hạnh ấy?
Với các nhạc bản “Đường Lạng Sơn” và “Việt Bắc”, Phạm Duy viết lên cảnh núi rừng miền thượng du. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng ghi lại nhiều kỷ niệm qua ca khúc “Đường về Việt Bắc”. Xuôi xuống nữa thì đến vùng núi Kim Bôi. Nhạc sĩ Tô Hải nói về lối sống chân phương của các sắc dân miền cao nguyên trong bản “Nụ cười sơn cước”.
Âm điệu miền cao nguyên bắc phần cũng được thể hiện trong bản “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn, và ca khúc “Trăng sơn cước” nữa. Không xa dãy núi Kim Bôi, là động Hương Tích, tính ra thì cách Hà Nội khoảng 70 cây số về phía Tây Nam. Chúng ta hãy sửa soạn theo chân Ái Vân đi lễ chùa Hương.
Bản “Em đi chùa Hương” do nhạc sĩ Trung Đức phổ từ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Có tới ba nhạc sĩ phổ bài thơ này.
Hà Nội, thành Thăng Long năm cửa ô, xe cộ nhộn nhịp 36 phố phường. Hát về Hà Nội thì có nhiều bài lắm - trong chương trình hôm nay, mời quý vị thưởng thức ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” qua giọng hát Mỹ Linh
Ra khỏi Hà Nội một chút là Hà Đông, nơi nổi tiếng về lụa. Theo thi sĩ Nguyên Sa thì lụa Hà Đông với người thiếu nữ xinh xắn là một sự kết hợp vô cùng hài hòa. Mời quý vị nghe sau đây bản “Áo lụa Hà Đông” do Ngô Thụy Miên phổ nhạc.
Từ Hà Nội, nhìn chếch về hướng tây là núi Ba Vì. Vùng Sơn Tây này được thể hiện trong thơ của Quang Dũng, Phạm Đình Chương phổ nhạc và trình bày bài “Đôi mắt người Sơn Tây” …
Trong âm thanh ca khúc “Đôi mắt người Sơn Tây”, Thy Nga xin tạm dừng chương trình. Buổi nay, quý vị đã nghe trích các bản “Những nẻo đường Việt Nam” Khả Tú trình bày, “Hòn Vọng Phu 2” do Nhật Trường ngâm và hát, “Nụ cười sơn cước” với Hoàng Trọng Nam, “Em đi chùa Hương” qua giọng hát Ái Vân, “Hà Nội đêm trở gió” với Mỹ Linh, và “Áo lụa Hà Đông” Vũ Khanh trình bày.
Kỳ tới, mời quý vị vào thăm miền Trung.