Vừa qua, giới yêu nhạc Việt Nam nghe tin nhạc sĩ Nhật Bằng bị đột quỵ. Bệnh nào chừa ai, nhất là Nhật Bằng đã bị stroke hai lần rồi nhưng nghe tin đó, bạn bè ông ở cùng tiểu bang Virginia hơi ngỡ ngàng vì thấy ông dạo sau này chăm nom sức khỏe rất kỹ, và tập thể dục hàng ngày.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to donwload this audio
Sau hai ngày nằm hôn mê, nhạc sĩ Nhật Bằng lìa trần vào đêm 7 tháng Năm, thọ 74 tuổi. Chương trình kỳ này xin dành để tưởng niệm người nhạc sĩ có dáng vóc rất nghệ sĩ ấy.
"Thuyền trăng"... (audio clip)
Quý vị đang nghe ca khúc “Thuyền trăng” nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi Nhật Bằng. Bài này, lời của nhà văn Thanh Nam, nhạc do Nhật Bằng soạn.
"Thuyền trăng" cont' …(audio clip)
Trần Nhật Bằng sinh năm 1930 tại Hà Nội, học nhạc từ lúc 7 tuổi. Sáng tác đầu tay là bản “Hoa trăng” viết vào năm 1947 để ghi lại mối tình học trò lúc còn ở hậu phương.
Nhật Bằng cho biết là khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một người bạn rất thân với ông tại trường Bưởi, đem nhạc bản ấy vào Saigon phổ biến, thì tựa đề được đổi thành “Đợi chờ”
"Đợi chờ" ... (audio clip)
Năm 1950, Nhật Bằng trở về Hà Nội, tiếp tục học trung học, rồi lập ra ban hợp ca Hạc Thành cùng với các em ông là Nhật Phượng, Thể Tần và Hồng Hảo trình diễn với tính cách tài tử trên đài phát thanh.
Đến năm 1952 thì Nhật Bằng gia nhập quân đội trong ngành quân nhạc cùng thời với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Đan Thọ, ...
Nhạc sĩ Nguyễn Túc kể lại như sau: (audio clip)
Đất nước đã bị phân chia, ở Nha Trang, lòng hoài nhớ Hà Nội, Nhật Bằng thổ lộ nỗi niềm qua các bản “Vọng cố đô”, “Bóng quê xưa” viết cùng với nhạc sĩ Đan Thọ.
Tới năm 1956 thì Nhật Bằng vào sống ở thủ đô miền Nam. Bản "Về đây anh" do ông viết cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hiền được dùng làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu Hồi đài phát thanh Saigon hồi đó. "Về đây anh" … (audio clip)
Theo tài liệu thì ông lập ra ban nhạc tên là “ban Nhật Bằng” trên đài phát thanh Saigon và đài quân đội. Đồng thời, ông là nhạc sĩ sử dụng contre-bass cho các ban nhạc Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Tiếng Hát Tâm Tình, Vũ Thành trên đài Saigon.
Ngoài ra, ông còn soạn hòa âm cho các ban nhạc trên đài phát thanh, đài truyền hình Việt Nam và cho nhiều hãng băng, hãng dĩa.
Đến năm 63 thì Nhật Bằng cùng với Văn Phụng và Anh Ngọc thành lập ban tam ca Do Si La. Từ 1956 đến 1969 là thời kỳ Nhật Bằng sáng tác hăng say nhất. Trong tổng số hơn một trăm nhạc bản của ông, người nghe nhận ra ba thể loại khác nhau là nhạc quê hương, nhạc tình cảm, và nhạc chiến đấu. Rất nhiều ca khúc của ông nói lên nỗi sầu ly hương như “Vọng cố đô”, “Anh về một mùa trăng”...
Danh ca Anh Ngọc nói về kỷ niệm với nhạc sĩ Nhật Bằng như sau: (audio clip)
Loại nhạc tình cảm thì tiêu biểu là các bản “Thuyền trăng”, “Dạ tương sầu”, “Lỡ làng”, “Bóng chiều tà”, “Một chiều thu”, … Trong thời kỳ quân ngũ, Nhật Bằng sáng tác các bài thuộc loại chiến đấu như “Bóng người chiến sĩ”, nhất là bài “Chiến sĩ ca” được phổ biến khắp các quân trường.
Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, Nhật Bằng phải đi tù cải tạo mất 6 năm. Tới tháng 9 năm 1990 thì ông cùng vợ và các con sang Hoa Kỳ định cư ở vùng ngoại vi Washington. Ông mở lớp luyện ca sĩ và soạn hòa âm, ông cũng thành lập ban nhạc cho ba cậu con có đất hoạt động.
Ngoài ra, Nhật Bằng còn tiếp tay với phong trào Hưng Ca Việt Nam, và Cao Trào Nhân Bản. Vào năm 1991, ông soạn bài “Ngày Quốc Tế cho Cao Trào Nhân Bản” làm nhạc hiệu cho tổ chức đấu tranh nhân quyền này.
"Mùa Đông tuyết trắng" … (audio clip)
Buổi nay, quý vị đã nghe trích các bản “Thuyền trăng” qua giọng hát Diễm Liên, “Đợi chờ” Vũ Khanh trình bày, “Về đây anh” với Khánh Hà; “Mùa Đông tuyết trắng” Kim Tước hát; và chương trình kết thúc với ca khúc “Nước mắt quê hương” do chính tác giả Nhật Bằng trình bày.
"Nước mắt quê hương" … (audio clip)