Hôm nay, 20 tháng Sáu 2004 là Father’s Day, ngày lễ cho Cha. Hằng năm, người Mỹ dành ra một ngày để ghi nhớ công ơn dưỡng dục của Cha, là ngày hôm nay đây. Nguồn gốc lễ này như sau: Vào năm 1909 khi mọi người mừng Mother’s Day, lễ cho Mẹ, thì bà Sonora Dodd bùi ngùi liên tưởng đến cha, là ông William Smart.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio
Mẹ bà chết khi sanh đứa con thứ sáu, để lại gánh nặng gia đình cho người chồng cựu chiến binh. Cảnh “gà trống nuôi con” đàn con gồm một trẻ sơ sinh và năm đứa nhỏ, diễn ra ở vùng nông thôn tiểu bang Washington. Ông Smart lo toan, quên mình để nuôi dạy đàn con.
Đến khi lớn khôn, hiểu ra được sự hy sinh ấy, Sonora vận động với giới chức chính phủ, xin dành ra một ngày trong năm để vinh danh các người cha. Sonora Dodd yêu cầu là vào tháng Sáu, tháng sinh của cha bà.
Tới năm 1966 thì tổng thống Lyndon Johnson công bố dành Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hằng năm, làm Father’s Day.
Dịp Father’s Day, các ông bố, ông nội, ông ngoại đều được tặng quà. Thế nhưng quà cho đàn ông thì hơi khó. Các ông hay diễu là năm nào cũng nhận cả đống cà-vạt và vớ, nếu không thì những thứ mang tiếng là quà nhưng lại khiến phải làm lụng thêm, ví dụ như thùng quà, mở ra là bộ dụng cụ để sửa sang nhà cửa, vườn tược chẳng hạn ...
"Cha yêu quí" …(audio clip)
Ca khúc “Papa” Tuấn Ngọc đang trình bày, lời Việt là “Cha yêu quí” nói về hoàn cảnh tương tự hoàn cảnh ông William Smart.
Chuyện này làm Thy Nga nhớ đến phim “The kid”. Quý vị từng xem phim của Charlot chắc còn nhớ cốt truyện - danh hề này đóng vai ông bố “bất đắc dĩ” nuôi đứa bé sơ sinh bị người ta bỏ rơi. Những màn vụng về nuôi trẻ trong hoàn cảnh nghèo túng làm cho khán giả cười, nhưng nhiều lúc lại là cười ra nước mắt.
"Người cha" … (audio clip)
Người ta thường nói về Mẹ mà ít đề cập đến công lao của Cha, như Thiên Kim trình bày trong bản “Người cha”
Đến đây, mời quý vị cùng nghe các em thiếu nhi hợp ca bài “Ơn nghĩa sinh thành” của Dương Thiệu Tước.
"Ơn nghĩa sinh thành" ... (audio clip)
“Công cha như núi Thái Sơn ...” câu này, người Việt nào cũng biết nằm lòng thế nhưng núi Thái Sơn ở đâu thì Thy Nga không rõ.
Một anh bạn từng du lịch Trung Quốc, kể cho biết là núi Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông. Du khách đến Bắc Kinh, đi xe khoảng năm trăm kilômét về hướng Đông thì thấy dãy núi xanh um, trong đó núi Thái Sơn cao 1545 mét. Xe hơi đến lưng chừng núi thì đổi qua xe goòng, rồi khách phải xuống xe, trèo cả ngàn bực thang mới lên tới chùa.
Nhiều chùa to lắm, và đền nữa. Đỉnh núi được gọi là “Đỉnh Ngọc Hoàng” vì là nơi mà các vua chúa ngày xưa lên tế lễ trời đất.
Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa vì vậy trong ca dao, đã ví công lao người cha với ngọn núi hùng vĩ đó.
"Tình cha" ... (audio clip)
Dạy cho con nên người, thương con tuy nhiên, trong các xã hội Á đông, người cha ít bày tỏ tình cảm với con cái, nhiều như người mẹ. Càng lớn thì con càng hiểu về tấm lòng cha, như lời hát của Thu Hằng trong bài “Tình cha”.
Trên đường đời, chúng con nguyện luôn nhớ những lời cha dạy bảo, căn dặn. “Công cha non Thái sao bằng” nhạc bản của Ngô Mạnh Thu,Ngọc Đan Thanh ca.
"Công cha non Thái sao bằng" ... (audio clip)
Người Việt mình có câu “Con không cha, như nhà không nóc” nghĩa là trong nếp sống gia đình, ông bố có vai trò hàng đầu.
Nếu chẳng may, cha chết đi thì con cái như bị mất phương hướng trong cuộc sống. Thế nhưng lại có câu “Sẩy cha còn chú” tức là trong hoàn cảnh đó, người chú sẽ lãnh trách nhiệm đùm bọc, trông nom đàn cháu.
Với ca khúc "Tình cha" Thy Nga xin kết thúc chương trình kỳ này. Chào tạm biệt quý thính giả và các bạn … "Tình cha" …(audio clip)