Việt Nam với bờ biển dài hơn 2 ngàn kilômét, biết bao nhiêu là cát trắng, nhưng tại sao chỉ có Nha Trang mới là “miền quê hương cát trắng”?
Trước hết có lẽ vì nhạc sĩ Minh Kỳ là người quê ở Nha Trang, đã sớm dành mất danh hiệu đó cho quê hương ông.
Biển xanh cát trắng
Nhưng nếu các bạn đã thấy Nha Trang, thì các bạn phải bị lôi cuốn vì màu xanh của biển, màu xanh của núi, màu xanh của thực vật trên bờ, trên đảo, trên những rặng thùy dương ven bờ biển Đồng Đế bên trong Hòn Chồng, mà nay đã nhường chỗ cho những công trình mở mang đường xá, khách sạn, biệt thự chen nhau san sát.
Khác hẳn vũng biển Đồ Sơn màu nước sông, biển Nha Trang màu xanh biêng biếc, điểm xuyết với 19 hải đảo lớn nhỏ cây cối xanh rì. Đối diện những hải đảo hoang sơ nhỏ bé như những quân cờ xanh mà các ông tiên của thiên nhiên ném ra vùng nước biếc, lại là những triền núi xanh nhấp nhô, làm cho dải bờ cát trắng tinh chạy dài sáu bảy cây số chia đôi hai vùng xanh ấy càng thêm trắng muốt, như tranh màu cùng những lớp sóng bạc đầu.
Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có phải là nhờ màu xanh biếc ấy của biển, của núi, của hải đảo vùng vịnh Nha Trang chăng?
Và trên miền thùy dương cát trắng ấy, không ít người trai bị lôi cuốn bởi những người thiếu nữ chân chất thật thà, dịu dàng trong sáng tâm hồn, huyền diệu như ánh trăng soi, ngút ngàn như sóng biển khơi, khiến chàng trai tưởng chừng trái tim mình đang hòa nhịp với tiếng sóng dạt dào của biển xanh vỗ về bờ cát trắng.
Hòn Chồng, Tháp Bà
Tiếng hát Trịnh Vĩnh Trinh đang gửi đến quý bạn nhạc phẩm Một thoáng Nha Trang của Lê Phú.
Bài hát nói đến Hòn Chồng, Tháp Bà là hai thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang trước khi những nơi du lịch khác được khai thác. Mang tên Hòn Chồng vì đó là nơi những tảng đá lớn chồng lên nhau từ bờ biển Đồng đế lấn ra biển khơi, tạo nên một hình ảnh độc đáo của thiên nhiên.
Năm xưa trên hòn đá lớn nhất ở trên cùng và ngoài cùng, có người khắc hình bàn tay năm ngón lớn bằng cái thúng, mà bọn trẻ chúng tôi hay chạy xe đạp ra đó tắm biển được nghe kể đó là bàn tay của người tiền sử chụp con cá văng lên bờ, mà thành vết đá ấy. Trên hòn đá ngày đó còn có hàng sơn màu đỏ đậm những chữ “Lập Tô Tốt Trừ Trực”, hẳn là tên của năm ông thanh niên nghịch ngợm du ngoạn Hòn Chồng và muốn lưu danh thiên cổ.
Đến nay năm ông này đã thành năm ông cụ bảy tám mươi tuổi, nếu còn sống sót qua cuộc chiến tranh. Chẳng biết bây giờ những di tích đó có còn không.
Từ Hòn Chồng nhìn vào bờ là dãy núi ba đỉnh, như hình người thiếu nữ nằm dài xỏa tóc ra biển khơi, ngực nhô cao in lên trên bầu trời xanh ngắt, chân duỗi dài bọc cả đèo Rù Rì và xóm Lương Sơn nổi tiếng với những chú “cọp Khánh Hòa”.
Trên triền của ngọn núi chính giữa ngày xưa có bức tượng lớn một người chiến sĩ cầm súng đứng thao diễn nghỉ, nhìn xuống doanh trại và khu bãi huấn luyện của trường Hạ sĩ quan Đồng Đế. Vì thế các sinh viên sĩ quan của quân trường này khi xưa đã đặt hai câu thơ cho dãy núi mang tên “Núi đợi mong” này:
Anh đứng muôn đời thao diễn nghi
Em nằm xỏa tóc ngóng chờ anh
Nhạc phẩm Nha Trang biển hẹn của Xuân Phú, dường như do Nguyễn Thanh Toàn trình bày, kể lại cùng các bạn nhiều nơi đáng ghi nhớ của Nha Trang, nhưng Xuân Phú lại hăng hái đem luôn cả Cam Ranh và Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa vào với Nha Trang.
Nhạc sĩ Minh Kỳ còn một bài nữa cho Nha Trang, rất hay, do Hồ Đình Phương viết lời, mang tên là “Nhớ Nha Trang” với những lời ca:
Nha Thành mến yêu, một ngày trời sang mùa mới
Gió từ biển khơi lộng về mừng khách ngàn nơi
Ôi nguồn vui sống nắng nhuộm vành môi nàng má hồng
Nắng say lướt nhanh qua lòng người trai đùa sóng...
Nhưng chúng tôi không thể tìm ra phần âm nhạc của bài này, quý bạn yêu nhạc nếu có xin gửi về dùm.
Tiếng hát Thiên Kim đang trình bày nhạc phẩm “Nha Trang ngày về” của Phạm Duy, kết thúc chương trình hôm nay.
Tuần sau các bạn muốn thăm Hà Tiên hay Hội An? Xin biên email về vietweb@rfa.org. Việt-Long cùng các bạn đến thăm nơi ấy.