Phan Ni Tấn với khu vườn văn nghệ đa sắc màu

“Pleiku, em ở núi rừng” Siu Black hát ... Trong khi tìm kiếm nhạc vùng Tây Nguyên, Thy Nga có dịp nghe một số nhạc bản đặc sắc nên xin chia sẻ cùng quý thính giả thân mến.

0:00 / 0:00
phan-ni-tan-155.jpg
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn. Hình do nhạc sĩ cung cấp.

Các sắc dân ở cao nguyên dĩ nhiên là có âm nhạc đặc trưng của họ, nhưng nhạc sĩ người Kinh mà viết bài bản về miền cao thì ít lắm. Phan Ni Tấn là một trong số ít đó.

Sinh trưởng ở Ban-Mê-Thuột, Phan Ni Tấn thiết tha gắn bó với vùng đất này. Anh ghi lại âm thanh núi rừng qua những nốt nhạc, rồi nhờ các nhạc cụ đặc trưng của miền cao thể hiện, đến với người nghe. Và điểm đặc biệt nơi các bài hát này của Phan Ni Tấn, là lời ca. Quý vị nghe nhé

“Đứa con của mẹ núi” Huyền Thoại trình bày ...

“cái lòng của em xa anh

Yàng sẽ giận làm xôn xao cái bụng người làng”

Câu trao đổi của dân miền cao, ngộ quá! Người miền xuôi đâu có nói như vậy, phải không ạ.

Soạn nhạc khúc viết về vùng miền, Phan Ni Tấn cho rằng để thể hiện tốt, phải sử dụng nhạc cụ và ngôn từ đặc trưng của địa phương đó.

Với các thính giả trung niên thì nhiều vị, có lẽ đã nghe tên của Phan Ni Tấn từ thời ở trong nước. Vài năm trước khi chiến cuộc kết thúc, có một ca khúc phổ biến trong giới sinh viên thanh niên.

“Bài ca học trò” do Thế Sơn trình bày ...

Như tất cả thanh niên Việt Nam thời đó, Phan Ni Tấn trăn trở về tình hình đất nuớc chìm đắm trong chiến tranh, cũng như về thân phận của mình. Anh bắt đầu viết nhạc đấu tranh từ năm 1969. Phan Ni Tấn thuật lại:

Dạ, tôi học năm 69 tại trường Đại học Khoa học Saigon, tôi có sinh hoạt thường xuyên với đoàn Du Ca.

Năm 1972, Phan Ni Tấn có người anh cả tử trận tại Pleiku. Mang tâm trạng đó, lại được xem một bài thơ của một tác giả cùng lứa tuổi với những suy tư như mình, Phan Ni Tấn phổ thành “Bài ca học trò” và hát cùng với bạn bè trong sinh hoạt phong trào “Du Ca Lòng Mẹ” tại Ban-Mê-Thuột.

Không rõ thế nào mà bài ấy lan xuống Saigon và phổ biến, nhất là trong giới thanh niên. Tuy nhiên, Phan Ni Tấn nói rằng so với nhạc bản chánh, thì bài mà Elvis Phương hát, lời ca bị thay đổi nhiều, và tiết điệu chậm hơn.

Phan Ni Tấn:

Tốt nghiệp trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức ra, tôi trở về Ban-Mê-Thuột, có sinh hoạt một thời gian với đoàn Du Ca Lòng Mẹ. Dù trong chiến tranh nhưng chúng tôi (đoàn Du Ca Lòng Mẹ) cũng đi tác động ở những làng xã có tính cách an ninh. Sau đó một thời gian thì tôi vì là lính nên đổi đi các nơi khác, thí dụ như Nha Trang, tôi cũng có sinh hoạt với đoàn Du Ca Nha Trang.

Rồi mất nước, tôi đi tù cải tạo. Trở ra thì tôi vượt biển (năm 1979 từ Rạch Giá qua Thái Lan). 4 tháng sau thì qua Canada ở Toronto cho tới nay.

Thy Nga:

Thời kỳ chiến tranh qua đi, lịch sử đã lật sang các chương khác, dòng đời cũng đã qua khúc quanh mới nhưng “Bài ca học trò” mãi gắn liền với tên tuổi Phan Ni Tấn.

Phan Ni Tấn:

Ra hải ngoại thì hồi thập niên 80 lúc đó không có phương tiện rộng rãi như sau này. Chúng tôi chỉ liên lạc với nhau thỉnh thoảng bằng phone nhưng đa số thì bằng thư từ qua Bưu điện. Riêng tại Toronto, chúng tôi thành lập được đoàn Du Ca Về Nguồn gồm một số anh chị em cựu du ca. Chúng tôi đã trình diễn tại địa phương cũng như đi Montreal trình diễn với nhóm Du Ca Đồng Vọng.

Thời gian đó, chúng tôi đã ra mắt được những tác phẩm của tôi như “Đêm dậy lửa Trường Sơn” (năm 1983).

Sinh hoạt ở hải ngoại được hai năm (tại địa phương và Montreal mà thôi). Sau này, chúng tôi thành lập đoàn Hưng Ca thì mới đi sinh hoạt nhiều, ra các nước khác.

“Đường chân mây” Ngọc Huy hát ...

Kể lại về thuở nhỏ, Phan Ni Tấn cho biết cha anh hay đón tiếp các nghệ sĩ Cổ nhạc đến nhà đờn ca. Những buổi đó, chú bé Tấn thường lấp ló bên cửa, lắng nghe cha kéo violon.

Lớn lên, được cha hướng dẫn về nhạc, rồi anh cũng tự học nữa. Lên đại học thì khởi sự viết nhạc, bắt đầu với các ca khúc về Mẹ và quê hương trong chiến tranh.

Phan Ni Tấn cho hay anh viết dựa trên những hình ảnh, nhân vật và kỷ niệm đời mình, như quý vị vừa nghe qua các nhạc bản về Ban-mê-Thuột và vùng Tây Nguyên, về nỗi trăn trở của tuổi trẻ trong thời chiến.

Mùa Hè 1970, rong ruổi trên chiếc xe gắn máy Honda cùng với người bạn, Phan Ni Tấn có dịp đi chơi khắp miền Tây Nam bộ trong nửa tháng. Chuyến đi này lưu lại nhiều kỷ niệm cảm mến mà anh nhớ mãi, để sau này viết nên các nhạc bản đặc sắc về miền quê hương đó. Đặc biệt, Phan Ni Tấn đưa điệu Nam Ai của Vọng Cổ (mà âm hưởng đã thấm vào anh từ thuở nhỏ, nghe cha đờn) vào bài “Lý con sáo Bạc Liêu” mời quý vị nghe Phi Nhung trình bày sau đây ...

Lời ca vùng sông nước miền Tây, thiệt là ngọt ngào.

“Lý con sáo Bạc Liêu”, và “Đứa con của mẹ núi” quý vị nghe ở phần trên, là các ca khúc trong CD đầu tay của Phan Ni Tấn trình làng vào tháng 10 năm 2005.

“Sinh nhật của cây đàn” là tên ca khúc đề tựa cho cuốn CD này, và nói lên niềm hạnh phúc chan hòa của Phan Ni Tấn

(cây đàn là ý nghĩa tên vợ anh).

Chàng nhạc sĩ du ca năm nào, ôm đàn dạo qua khu vườn văn nghệ và ghé lại nào là Thơ, Văn, nào là Nhạc.

Với những ý tưởng sáng tạo không ngừng, Phan Ni Tấn luôn tìm đến cái mới. Anh cho biết cũng thử viết về dục tính, là lãnh vực còn khó nói đối với người Việt mình. Đó là các ca khúc “Nụ lan thiêng”, “Tình già” trong tuyển tập “Tình khúc Phan Ni Tấn” phát hành năm 2006.

Và đến với một lãnh vực khác hẳn lại, Phan Ni Tấn có các ca khúc mang sắc thái Thiền, mà ta có thể thấy trong cuốn CD “Ao trời”.

Phan Ni Tấn:

Thì tôi vẫn sáng tác từ năm 1966 tới tận bây giờ, trong các bộ môn Văn, Thơ và Nhạc.

Thy Nga:

Riêng về lãnh vực nhạc thì sinh hoạt của anh dạo gần đây, cũng như dự tính trước mắt như thế nào ạ?

Phan Ni Tấn:

Mỗi lần có chương trình văn nghệ gì thì tôi cũng xách cây đàn và bản nhạc để hát lên thôi, cá nhân tôi mà thôi chứ tôi không còn sinh hoạt tính cách tập thể.

Thy Nga:

Thưa anh, theo tài liệu mà tôi đang có thì năm 2005, anh ra cuốn CD đề tựa là “Sinh nhật của cây đàn”, 2006 có CD “Đèn kéo quân”, và 2008 thì có CD “Ao trời” phải không ạ?

Nếu mà so với một số nhạc sĩ cùng lứa tuổi thì như vậy là khả năng sáng tác vẫn còn mạnh lắm đó thưa anh.

Phan Ni Tấn:

Dạ (cười) cũng có cái máu nghệ sĩ một cách buồn cười là tôi ít có thích phổ biến cái tác phẩm của mình ra phía ngoài. Chỉ có tính cách nghệ sĩ chứ không bán. Hoặc ra mắt sách thì bán ngay tại đó mà thôi.

“Hương tóc” ...

Ca khúc “Hương tóc” qua giọng hát Thanh Thúy kết thúc chương trình về Phan Ni Tấn … Thy Nga hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.