Một cuốn phim vừa hết, màn ảnh trở lại màu trắng, còn lại chăng là những cảm nghĩ về cốt truyện … đây là về cuộc đời một người với những tình tiết ly kỳ.
Nhiều người từng ví cuộc đời như vở kịch với các màn hỷ nộ ái ố, những đoạn thăng trầm; hay như cuốn phim với những khúc vui, buồn.
Với nhạc sĩ Tùng Giang thì cuộc sống mà anh vừa dứt áo ra đi, có đầy đủ hương vị trần gian, quá đủ nữa là đàng khác. Ví như một vở kịch, hoặc một cuốn phim đều đúng vì Tùng Giang từng đóng kịch, và cũng từng hoạt động trong ngành điện ảnh. Nhưng rồi, đời sống sôi nổi ấy cũng đành phải chịu thua chứng bệnh ngặt nghèo, Tùng Giang từ trần vào tối 4 tháng Sáu vừa qua.
“Biển vắng” …
Cuốn phim bắt đầu với cảnh cậu thiếu niên 15 tuổi trốn nhà, leo lên chuyến xe lửa Nha Trang - Saigon vào thủ đô cho thỏa niềm đam mê văn nghệ. Cơ duyên đến ngay với Phạm Đình Lượng (tên thật của Tùng Giang) là trên chuyến tàu này, có đoàn kịch Tân Dân Nam lưu diễn trở về. Chuyện trò, nghe kể rằng cậu nhỏ này là con một nữ ca sĩ khá có tiếng về Cổ nhạc, là trưởng ban văn nghệ của trường học ở Nha Trang, đánh trống khá, và chịu làm bất cứ việc gì, đoàn kịch đã nhận cậu. Thế là Tùng Giang được cơ hội lên sân khấu kịch. Hai năm như vậy, sau đó trên bước đường giang hồ, anh được điện ảnh gia Thái Thúc Nha chú ý đến, giới thiệu vào học nghề chuyển âm và ráp nối phim.
Kế đến, anh quay sang trau dồi môn trống với danh trống Huỳnh Hớn. Và rồi … tiếng trống điêu luyện của Tùng Giang được nhiều ban nhạc mời tham gia.
Khởi xướng phong trào Nhạc Trẻ
Làn sóng nhạc trẻ từ phương trời Âu Mỹ thổi đến, Tùng Giang và các bạn thân thiết Trường Kỳ, Jo Marcel, Nam Lộc khởi xướng phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam. Cùng nhau, họ thực hiện Đại hội Nhạc Trẻ Quốc Tế đầu tiên tại Việt Nam, đó là vào ngày 29 tháng 5, 1971 tại sân Hoa Lư, Saigon.
Tùng Giang cũng viết nhạc với âm điệu và lời hát trẻ trung.
Các nhạc khúc ấy được giới trẻ nhiệt tình đón nhận, và tới giờ vẫn được ưa chuộng.
“Biết đến thuở nào” nhạc bản Tùng Giang viết cùng với Trường Kỳ, mời quý vị và các bạn nghe Công Thành hát …
Có lúc, Tùng Giang làm chủ phòng trà, khiêu vũ trường nên có bạc triệu khi tuổi đời chưa đến ba mươi.
Tùng Giang được miễn quân dịch vì là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng anh và nhóm bạn trong phong trào Nhạc Trẻ không thể làm ngơ trước hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Cùng nhau, họ tổ chức các đại nhạc hội trẻ để gây quỹ yểm trợ chiến sĩ.
Do sinh hoạt trong các club Mỹ, Tùng Giang rời khỏi Saigon khi Việt Nam rơi vào tay Cộng sản.
Đa tài, đa tình, đa đoan
Sang Mỹ, chỉ một thời gian ngắn là anh cho thấy tài năng đa dạng của mình khi trình làng phòng thâu âm tại Quận Cam. Các cuốn băng đầu tiên của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại là từ studio này thực hiện và phát hành.
Tùng Giang còn được nhiều người cho là có cái tài nhận biết giọng ca nào có triển vọng. Chính anh đã giúp đỡ, hướng dẫn một số tiếng hát như Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Phi Nhung, Thanh Hà, … các bước đầu trên con đường ca hát.
Song song, Tùng Giang đặt lời Việt cho hơn 30 nhạc khúc Hoa và Anh-Mỹ; cộng tác với Trường Kỳ xuất bản tờ báo Hồng dành cho giới trẻ yêu nhạc ở hải ngoại.
“Người tình, người đẹp xinh xinh” Gia Huy hát …
Con người đa tài, đa đoan và cũng đa tình nữa. Từ khi ở trung học, Tùng Giang kể là đã có mấy cô bồ nhí. Phải chăng, sinh hoạt bay bướm văn nghệ, tài đánh trống khiến các nàng say mê? Hay là do cái số đào hoa như lời thày bói từng bảo?
Kế tiếp trên đường đời, phụ nữ đến với anh rất nhiều. Ngay cả khi Tùng Giang đã lâm bệnh, về Việt Nam để chữa trị theo Đông y, cũng có một cô mới đôi mươi, nhất quyết kết hôn với anh.
Tùng Giang làm gì cũng thành công nhưng đến năm 60 tuổi thì có lẽ, ông Trời xét lại, không để cho hưởng nhiều phước lộc như vậy, mà giáng xuống một chứng bệnh nan y.
9 năm dài chống lại với bệnh, tới tháng Tư năm nay thì Tùng Giang đã chấp nhận số phần, xuống tóc, ở chùa và mặc áo lam.
Trong số những tài liệu mà Thy Nga đọc thấy, có bài viết của Đỗ Xuân Tê ghi tóm lại rất hay về cuộc sống sôi nổi của Tùng Giang. Thy Nga xin lược trích như sau:
“Bương trải khi tuổi đời chưa hết trung học, học lóm đủ việc từ các nghệ sĩ đàn anh đàn chị, Tùng Giang đóng kịch rồi trở thành tay trống lừng danh, tổ chức đại nhạc hội trẻ, sáng tác nhạc, làm chủ phòng trà, vũ trường, lập ra Studio thâu âm, phát hành băng nhạc, đào tạo tài năng trẻ, lăng-xê ca sĩ trẻ, làm báo văn nghệ trẻ, đóng phim Việt, phim Mỹ.
Anh không quản ngại bất loại việc gì, như kéo màn sân khấu, bán xăng. Từng nhiều lần làm chủ các cơ sở kinh doanh, nhưng cuối đời thì chẳng có nhà ở …”
Tiền của đổ hết vào chuyện trị bệnh, cuộc hôn nhân với người vợ trẻ sau này trở nên cay đắng.
Cuối năm 2007, một bài báo ghi rằng tình cảnh của Tùng Giang rất bi đát qua hình ảnh một ông già yếu, trông giữ đứa con lên 6, trong khi cô vợ đi làm biền biệt.
“Cuộc tình xưa” qua giọng hát Thế Sơn …
Đoạn cuối cuốn phim đời của Tùng Giang là như vậy. Đám tang diễn ra chiều mùng 10 vừa qua trong tiếng cầu kinh của các nhà sư. Rất đông nghệ sĩ đến tiễn đưa anh. Người vợ trước, và cô vợ sau này đều hiện diện, theo sau linh cữu.
“Cuộc tình xưa” kết thúc chương trình về nhạc sĩ Tùng Giang … Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.