Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Thy Nga, phóng viên RFA

0:00 / 0:00
NhatTruong150.jpg

Theo vòng xoay chuyển của đất trời, ngày 19 tháng Sáu lại trở về trong niềm đau nỗi hận của nhiều người Việt, nhất là những binh sĩ từng đổ máu và nước mắt trong cuộc chiến ngăn làn sóng đỏ.

19 tháng Sáu là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - Thy Nga xin dành chương trình kỳ này để nói đến Trần Thiện Thanh, nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất về đề tài người lính, trong những năm 60, 70 tại miền Nam.

Những nhạc bản như “Hành trang giã từ”, “Tâm sự người lính trẻ”, “Tình thư của lính”, “Anh về với em”, “Người yêu của lính”, “Chiều trên Phá Tam Giang”, ... nói lên tâm tình và phương diện nhân bản của người lính chiến.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, mà cũng là ca sĩ Nhật Trường, hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh và truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay ca diễn với Thanh Lan.

Ngoài ra, anh còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thâu băng tên là “Tiếng hát đôi mươi”. Vào khoảng đầu năm 70 thì anh lập ra ban “Tứ Ca Nhật Trường”.

Kẹt lại Việt Nam sau biến cố 1975, anh nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị cấm hoạt động. Tới năm 84, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại tuy nhiên, anh từ chối làm việc dưới chế độ mới.

Trong những năm bị kềm hãm, Trần Thiện Thanh vẫn soạn tiếng nhạc lời ca. Tới năm 1993 thì anh được sang Hoa Kỳ theo diện ODP. Sau những khó khăn vào thời gian đầu để ổn định, Trần Thiện Thanh - Nhật Trường đã lập lại cuộc sống mới.

Trần Thiện Thanh gom bài “Người bên lề cõi sống” cùng với chín nhạc bản nữa như “Đôi tiếng tự do”, “Từ nửa vòng trái đất”, “Ở giữa muộn phiền”, “Trại cấm”, ... làm thành cuốn CD “Đôi tiếng tự do”.

Và tin về các chuyến bay dũng cảm của Lý Tống vào không phận Việt Nam và Cuba để thả truyền đơn chống Cộng làm nức lòng Trần Thiện Thanh...