Đêm Thánh Vô Cùng

Đêm Giáng Sinh
Đêm Giáng Sinh (Photo Cát Linh/RFA)

0:00 / 0:00

Cát Linh và toàn ban Việt ngữ đài Á châu tự do xin dành tạp chí ngày hôm nay để gửi đến quí vị những ca khúc bất hủ của mùa Giáng Sinh. Kính chúc quí vị một mùa Noel an bình và hạnh phúc.

“Một mùa giáng sinh an lành và một mùa tuyết ôm cây cành

Một trời trắng bao la tình một nỗi sống vui hồi sinh

Mừng ngày Chúa sinh ra đời người người đó đây tươi cười

Và người sẽ không buồn nữa ta mong giáng sinh như mong ơn lành…”

Cứ như một lời hẹn hò đã được giao ước trước, sau ngày lễ Tạ Ơn, khi những giai điệu rộn rã này vang lên cùng với đợt không khí lạnh ùa về trong băng tuyết, thì người ta biết rằng, mùa lễ hội cuối cùng trong năm đã đến, mùa chúc tụng, mùa ban phước ơn lành, mùa của những bài thánh ca, của Đêm Thánh vô cùng.

“Đêm thánh vô cùng

Giây phút tưng bừng

Đất với trời se chữ Đồng

Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…” (Đêm thánh vô cùng)

Cũng chính từ bài hát này, mà sau đó, một giai điệu sâu lắng trầm buồn được ra đời vào năm 1972, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng về Giáng Sinh của nền âm nhạc Việt Nam. Đó là Bài Thánh ca buồn, của nhạc sĩ Nguyễn Vũ.

“Bài thánh ca đó còn nhớ không em

Noel năm nào chúng mình có nhau

Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt

Áo trắng em bay tựa cánh thiên thần

Đẹp môi hôn dưới tháp chuông ngân…” (Bài thánh ca buồn)

Giai điệu buồn bã cùng với ca từ lại nói lên tâm trạng hoài niệm, ray rứt về một cuộc tình đã rất xa. Cho nên tuy là nhạc có chủ đề Giáng Sinh, nhưng nhạc phẩm này lại chất chứa nhiều những tục luỵ của trần thế. Cũng có giáo đường, cũng có thánh ca, cũng có tiếng chuông ngân, nhưng bao trùm lên đó là một tình yêu dưới thế. Và có vẻ như bài ca này dành riêng cho những ai có hoài niệm về một tình yêu đã có và đã mất trong đêm Giáng Sinh lạnh giá.

Đêm Thánh Vô Cùng ( Thánh đường La vang Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972)
Đêm Thánh Vô Cùng ( Thánh đường La vang Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972) (Ảnh minh họa)

Giáng Sinh là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Latinh, chữ Natalis, có nghĩa là “ngày sinh ra đời”. Theo nhiều tài liệu của người Kito giáo, một thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa, đã có một buổi lễ được tổ chức vào ngày 25 tháng 12, gọi là lễ tôn thờ Mirthra, vị thần ánh sáng của người Ba Tư. Cho đến thế kỷ thứ II, tại La Mã, giáo hội Thiên Chúa đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Jesus. Những tín hữu Kito giáo tin là Chúa Jesus được sinh ra tại Bethlehem thuộc xứ Judea của nước Do Thái.

“Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.
Trong hang Bêlem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng

Đàn hát, réo rắt tiếng hát, xướng ca, dư âm vang xa.
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta.
Người hỡi, hãy kịp bước tới, đến xem, nơi hang Bêlem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn…”(Hang Belem)

Nếu tính đến năm nay thì ca khúc Hang Belem đã tròn 70 tuổi kể từ khi nhạc sư Hải Linh sáng tác đúng vào mùa Giáng Sinh năm 1945. Từ đó đến nay, ca khúc bất hủ này luôn vang lên trong những đêm thánh, như ngọn lửa sưởi ấm thắp sáng lòng tin của những con chiên ngoan đạo vào Thiên Chúa. Nhưng nào có phải chỉ thế thôi, có những người ngoại đạo, vẫn lắng nghe và tìm đến “Hang Belem” như tìm đến niềm tin vĩnh cữu trong cõi trần thế.

Kể từ thời Phục hưng cho đến sau này, ngày Lễ Giáng Sinh đã không còn chỉ là của riêng những người Thiên chúa giáo. Giáng sinh đã trở thành ngày lễ quốc tế, ngày lễ của gia đình. Mọi người thuộc các thế hệ tề tựu về bên cạnh nhau, thể hiện tình yêu thương cho nhau theo cách của họ. Trẻ con sẽ là những thiên thần lên ngôi trong mùa lễ hội này. Những thiên thần ấy sẽ đi vào giấc ngủ cùng với hình ảnh ông già tuyết leo vào từ ống khói, đặt vào trong chiếc vớ len màu đỏ món quà mà chúng mong đợi nhất và hát vang bài hát vui tươi Jingle Bells, một thông điệp của mùa lễ Giáng sinh.

Hang Belem
Hang Belem

Rất thú vị là ca khúc nổi tiếng này có tên gọi ban đầu là One Horse Open Sleigh, được sáng tác năm 1840 dành cho ngày lễ Tạ Ơn. Nhưng sau đó, đã trở thành ca khúc chủ đề Giáng Sinh nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng rộng lớn nhất. Jingle bell đã được dịch ra hằng trăm ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt là ca khúc Chuông vang vang do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dịch lời.

“Chuông vang vang, chuông vang vang
Chuông giáo đường ấm cúng
Chuông thanh thanh, chuông thanh thanh
Tiếng dây chuông chạy nhanh.

Chuông ngân ngân, chuông ngân ngân
Chuông giáo đường ấm cúng
Chuông thanh thanh, chuông thanh thanh
Ôi tiếng chuông trong tim mình…”(Chuông vang vang)

Thế giới có Jingle Bell rộn rã vang lên khi mùa Giáng Sinh về, thì Việt Nam chào đón mùa lễ hội này với những giai điệu du dương, nhẹ nhàng như chính dòng chảy của dân tộc,

“Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa

Hoà trong làn gió nhè nhẹ vấn vương

Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn

Một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương.

Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt

Hát khen con một Chúa Trời, rày sinh xuống cõi đời

Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn

Mau tìm cho tới thờ kính vua giáng trần…" ( Cao cung lên)

Cao Cung Lên, tác phẩm đầu tiên của nhạc sỹ Hoài Đức tức Linh Mục Giuse Lê Đức Triệu và Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên sáng tác năm 1945. Đây là bài hát được được coi là một trong những bài Thánh ca Giáng sinh bất hủ của Việt Nam.

Có lẽ do người sáng tác là một linh mục, cho nên từng nốt nhạc trầm bổng của ca khúc này nghe như một bài thánh ca, ca từ và giai điệu trong vắt như dòng nước thánh. Tiếng ngân vang vọng trong đêm khuya, đánh thức người dương thế, báo cho biết tin rằng Người đã xuống cõi đời, này thế nhân hãy cùng tôn kính, cùng hoà vào đêm thánh để đón nhận ơn lành.

Đất nước và dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao mùa Giáng Sinh trong chinh chiến. Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi mùa Noel về, người ta vẫn còn gửi cho nhau những tấm ảnh của người lính chiến, quỳ bên những thánh đường đổ nát. Những tấm ảnh qua bao năm tháng vẫn còn vang vọng tiếng nguyện cầu bình an, cầu xin cho quê hương ngừng tiếng súng.

“Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu.

Cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi.

Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng.

Dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung trong lời khấn xin chan chứa niềm tin…” (Bóng nhỏ giáo đường)

Bóng nhỏ giáo đường của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông luôn được nhắc đến mỗi khi tiết trời trở lạnh cuối năm, báo hiệu mùa Giáng Sinh đang về. Tác giả là một người lính, nên hơn ai hết, ông hiểu rõ cảm giác lạnh lẽo, cô đơn của người lính trận xa nhà trong đêm thánh. Tình yêu Thiên chúa và tình yêu trong thời chiến được khắc sâu trong ngôi giáo đường đổ nát.

Mỗi chúng ta ai cũng có những kỷ niệm rất riêng của mỗi mùa Giáng Sinh. Dù vui, hay buồn, dù là người ngoại đạo hay là con chiên của Chúa thì đêm thánh mãi mãi là một đêm huyền diệu, lấp lánh muôn màu những ước mơ và niềm tin bất tử. Đêm thánh vô cùng!!!