Nghệ danh là một tấm thẻ bài được các nghệ sĩ mang theo mình trong suốt mặt trận nghệ thuật. Hầu hết mỗi nghệ danh khi nghe đến đều có thể hình dung ngay phong cách trình diễn và nét riêng của người nghệ sĩ đó. Tuy nhiên, trong làng nhạc trẻ của thập niên 60, 70, có một ca sĩ với nghệ danh hoàn toàn đối lập với hình ảnh trên sân khấu của cô. Tên gọi ấy, và những ca khúc cô trình diễn đã từng đốt cháy sân khấu, tụ điểm, đại nhạc hội bấy giờ. Đó là Đệ nhất sexy búp bê lửa Mai Lệ Huyền.
Thế nhưng, bên trong những điệu nhảy bốc lửa ấy, là một người phụ nữ bình thường, rất bình thường như bao người phụ nữ khác. Cát Linh mời quí vị cùng trò chuyện với Mai Lệ Huyền.
Từ cô học trò hát thế…
Tại ngôi trường tỉnh nhỏ của tỉnh Bình Long, Hớn Quản, có cô học trò tên Nguyễn Kim Cúc thích ca hát và đoạt giải Tiếng hát hay nhất của trường Bình Long với ca khúc Duyên quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây cũng là bài hát đầu tiên trong cuộc đời ca hát của ca sĩ Mai Lệ Huyền, nghệ danh sau này của cô học trò ấy.
“Lần đầu tiên được hát ca là trong trường, bài hát đầu tiên là bài hát Duyên quê. Một duyên may, một dịp để có tên Mai Lệ Huyền là vì Ban Tân Dân Nam ngày xưa là của bà Tuý Hoa, có người con là ca sĩ Tuý Phượng, rất nổi tiếng. Ban Tân Dân Nam lên trình diễn ở một tỉnh nhỏ ở Bình Long, thì ngày đó người ca sĩ chính để mở màn bị bệnh, không lên được. Ban đó hỏi là trong trường này có ai dám lên hát mở màn giùm để ban Tân Dân Nam diễn không, thì tôi bằng lòng lên hát mở màn. Từ đó ban nhạc Tân Dân Nam mời tôi, và vài nhạc sĩ nói rằng nếu có dịp về Sài Gòn thì liên lạc, nếu muốn làm ca sĩ thì sẽ có người dìu dắt.”
Ca khúc Duyên quê trữ tình, nhẹ nhàng lại là ca khúc bắt đầu đưa Mai Lệ Huyền, người sau này “đóng đinh” với dòng nhạc sôi động và cả phong cách trình diễn đầy chất lửa trên sân khấu. Điều này theo lời của Mai Lệ Huyền, đó là do buổi ban đầu chưa xác định được phong cách mình sẽ theo đuổi, vì cô không nghĩ rằng mình sẽ là ca sĩ.
“Thời đó là thời học sinh. thời đó tôi chưa có rõ ràng loại nhạc nào mình sẽ diễn sau này. Nhưng mà thật sự cái thích của mình là được hát những loại nhạc tươi trẻ, nhảy nhót. Sau này về Sài Gòn, khi được khi hát và được những người nhạc sĩ coi được cái khiếu của mình là gì thì đã thể hiện ra cái mình có bây giờ.”
Từ lúc đó, niềm đam mê và ý định trở thành ca sĩ mới thực sự bắt đầu hình thành trong tâm tưởng cô học trò Nguyễn Kim Cúc. Ngôi trường trung học Bình Long bé nhỏ không giữ chân được cô, không giữ được tiếng hát khoẻ, trong vắt hoang sơ và đầy chất lửa. Cho nên, cô quyết định rời Bình Long để về Sài Gòn.
“Bắt đầu liên lạc được với những người nhạc sĩ mà mình đã biết 1 lần hát ở Bình Long, có đến nói chuyện thì họ thấy mình có khiếu, hồi đó chưa có tên Mai Lệ Huyền thì họ quyết định nếu muốn đi hát thì đến tập thường xuyên và sẽ được hướng dẫn đi hát và đặt cho cái tên.”
Cho đến nghệ danh “Đệ nhất sexy” búp bê lửa Mai Lệ Huyền
Nghệ danh là cái tên gắn liền với cuộc đời của một người nghệ sĩ, phần nhiều nói lên tính cách hoặc mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó. Cái tên Mai Lệ Huyền buồn và nhẹ nhàng như vậy lại được gắn với một giọng hát và phong cách trình diễn được gọi là “búp bê lửa” thời đó. Nhắc lại lời nói của những người nhạc sĩ đặt cho cô nghệ danh này rằng, trên núi rừng Bình Long lúc đó, lại có một cô gái da ngăm đen, nghe nói là từ bên Lào về, mang dáng vẻ của một người Thượng.
“Họ nói là cái tính rất là lý lắc. Trong trường lúc nào cũng quậy phá, ca hát. Da thì ngăm đen. Mà hễ nói cái gì đụng tới là rơi lệ, dễ khóc. Thành ra họ nói thôi nếu đi hát thì đặt cho tôi cái tên hợp nhất Mai là con khỉ, hay nhảy nhót, Lệ là nước mắt, đụng đến là hay khóc, Huyền là người có nước da nâu đen.”
Từ đó cái tên Mai Lệ Huyền ra đời. Từ đó, khán thính giả được biết đến một ca sĩ Mai Lệ Huyền với những bài hát sôi động, những điệu nhảy có thể thiêu đốt những phòng trà, tựu điểm của thập niên 70.
" Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều!
Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu!
Mộng vàng hai đứa có chi là quá xa xôi:
Ta mơ một mái nhà tranh
Ta mơ một túp lều tình
Đời mình đẹp mãi với Em và Anh…” (Túp lều lý tưởng)
Sự tương phản rõ rệt giữa nghệ danh và phong cách trình diễn. Chính người đặt cho cô cái nghệ danh Mai Lệ Huyền là nhạc sĩ Trần Trịnh và Đinh Việt Lang đã nhìn thấy hai sự đối lập trong một con người của cô học trò Nguyễn Kim Cúc.
“Lần đầu tiên họ không biết mình nhiều. Khi mà gặp nhau để chuẩn bị cho một cuộc hành trình bắt đầu đi hát thì họ đã cho mình một nghệ danh như vậy. Khi Mai Lệ Huyền kể với họ là khi đi học trong trường, phá phách như 1 cậu tomboy, leo lên cây mít cây xoài, phá phách như con khỉ, lúc nào cũng lăng xăng, lí lắc. họ nhìn thấy được cái đó. Trong niềm đam mê nhạc quậy khi đứng trên sân khấu thì thích quậy tới bến. Họ nhìn thấy được cái đó. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng nhìn thấy được dòng lệ của mình lúc nào cũng rơi, mà dễ rơi. Lúc nào cũng có thể khóc được.”
Mai Lệ Huyền cho biết cô rất thích “nhạc quậy”. Kể lại thời điểm đó, cái thời có ca sĩ Tuý Phượng, Băng Tâm, thời của nhạc 60, nhạc ngoại quốc, mà người ta gọi chung là nhạc trẻ, những nơi đầu tiên cô đi diễn là club Mỹ.
Và chính những người nhạc sĩ Việt Nam trình diễn trong club Mỹ thời đó đã nhìn thấy phong cách rất riêng của Mai Lệ Huyền, mời cô về Đại nhạc hội Quốc Thanh hát chung với Hùng Cường, bắt đầu với ban nhạc Khánh Băng, Phùng Trọng.
“ Cái chính là Mai Lệ Huyền đi hát ở club Mỹ, do ông Trần Văn Trạch, là người nhìn thấy Mai Lệ Huyền nhìn thấy mình hát nhạc quậy thời đó, cũng là cái thời tập tành hát nhạc Mỹ, vì thời đó người Mỹ qua Việt Nam nhiều lắm, mình cũng là người thích hát nhạc đó, nên đi hát ở club Mỹ rất nhiều trước khi ra hát nhạc Việt Nam với Hùng Cường, để có cái tên chính thức là Mai Lệ Huyền.”
Mai Lệ Huyền – “Người yêu của lính”
Sau khi từ những club Mỹ ở Bình Long về Sài Gòn hát cho phòng trà Tự Do, Văn Cảnh, và gần như là cái tên thiêu cháy phòng vé thời đó, Mai Lệ Huyền được nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, nghệ danh của hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân “đo ni đóng giày” bằng những ca khúc viết về người lính.
“Bắt đầu từ đó Mai Lệ Huyền hát rất nhiều đại nhạc hội mà nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân ráp vô đặt những loại nhạc ca tụng lính như ‘Hờn anh giận em’, Hai trái tim vàng, 100 phần 100, Đám cưới nhà binh….”
" Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Nguời yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi
Nào đâu nào biết tâm tư nguời lính
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau
với em tâm tình… " (Một trăm phần trăm)
Cái tên Mai Lệ Huyền – Hùng Cường bắt đầu gắn liền với những ca khúc lính. Cô cho biết cả hai đã có rất nhiều những buổi đi tiền đồn để trình diễn cho những người lính. Thời gian đó, tiếng hát Mai Lệ Huyền như tiếng chuông báo thức trên đài phát thanh mỗi sáng.
Khi nhớ về những kỷ niệm vàng son ấy, Mai Lệ Huyền có nhắc lại một câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay nói với những người lính của ông rằng.
“Anh, biết cô này là ai không? Dạ thưa biết! À, tưởng anh không biết thì anh không phải là lính Việt nam cộng hoà.”
“…Một tấc đất là một tấc vàng
Một viên đạn là một chiến công
Anh hy sinh vì dân
Tôi hy sinh vì dân
Thì một viên đạn đồng này
Phải lập nên chiến công
Chiến công đó đã xây bằng xương và máu…” (Tấc đất tấc vàng)
“Chúng tôi được ân sủng của chánh phủ thời cộng hoà rất nhiều. vì sao? vì thời đó ai cũng là lính hết. Người nào cũng là lính. Dù là đàn bà, mình là ca sĩ, mình vẫn là lính theo kiểu của ca sĩ. Thành ra ông Thiệu cứ nói là cô Huyền, cô đã là lính, chiến đấu tới cùng. Mỗi lần ông Thiệu gặp tôi đi công tác, là ‘cô Mai Lệ Huyền đâu, cô lên đây. Cô phải mở màng bài Tấc đất tấc vàng. Khi tôi hát, tất cả lính phải hừng chí.”
Người phụ nữ bình thường sau sân khấu
Tự nhận mình là người phụ nữ rất bình thường như bao người phụ nữ khác. Ngoài những lần biểu diễn, những điệu nhảy sôi động trên sân khấu, thì cô không có thói quen đi khiêu vũ.
“Hay là đi sòng bài, hát, diễn bao nhiêu nhưng vẫn không rờ đến 1 con bài, 1 ly rượu cũng không biết. Có thể nói là Mai Lệ Huyền là một người đàn bà rất simple và bình thường trong gia đình, một người vợ, một người mẹ.”
Thời gian không thể dừng lại. Hào quang nào cũng phải trôi theo vòng quay đó. Như lời Mai Lệ Huyền nói rằng, tre già thì măng mọc. Cô cảm thấy vui và hài lòng với những gì mình đã tạo được và đã có, mà khán giả đã cho mình đến ngày nay. Không hối tiếc những gì đã qua, và khẳng định rằng, nếu có kiếp sau, cô vẫn mong mình lại là ca sĩ.
“Nhưng hẳn nhiên mình phải biết là không có gì tồn tại trên đời vĩnh cửu. Nếu mình bằng lòng với những gì mình có, số phận ông trời đã cho thì lúc nào mình cũng happy.”