Phương Anh, phóng viên đài RFA
Sau một thời gian dài vận động do Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, trụ sở ở Virginia khởi xướng, cùng với một số hội đoàn người Việt ở hải ngoại, vào ngày 15 tháng 11 năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận Chương Trình Tái Định Cư Nhân Đạo. Đây là một phần nằm trong chương trình ODP đã có trước đây với các diện tù nhân cải tạo, H.O, hay diện làm cho sở Mỹ, còn gọi là U 11 và V 11.
Kể từ ngày đó đến nay, đã có bao nhiêu gia đình được tái định cư ở Hoa Kỳ? Chương trình này thực hiện ra sao? Và kết quả có được như sự trông đợi của Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam hay không? Phương Anh mời qúi vị nghe những thông tin trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.
Để tìm hiểu rõ chương trình tái định cư, Humanitarian Resettlement, gọi tắt là H.R, đã và đang thực hiện ra sao, Phương Anh đã liên lạc với bà Margaret Burkhardt, là Giám Đốc Phụ Trách Chương Trình Định Cư của vùng Đông Nam Á, thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và được bà cho biết về sơ lược chương trình H.R này như sau:
“Kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2005 đến 31 tháng 10 năm 2007, đã có 1890 hộ gia đình mà tổng nhân khẩu là 4488 người tị nạn được đến định cư tại Hoa Kỳ. Tất cả những ai bị từ chối, thì có 90 ngày để làm đơn kháng cáo kể từ ngày nhận thư từ chối. Trong lá thư từ chối này, có địa chỉ của nơi nhận đơn kháng cáo.
Việc xét đơn kháng cáo là công việc của nhân viên sở di trú Hoa Kỳ, nếu đương đơn không nộp đủ bằng chứng thì thật là khó để được tái xét lại.
Từ khi chương trình Humanitarian Resettlement thành lập, chúng tôi bắt đầu nhận đơn ngày 25 tháng 6 năm 2006. Kể từ ngày đó đến nay, chúng tôi nhận được 56980 hồ sơ, và 6% được nhân viên sở di trú công nhận đủ điều kiện để phỏng vấn. Nếu tính trung bình cho đến nay thì có thể nói là từ 13 đến 16% được chấp thuận.”
Những hồ sơ bị từ chối
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không hề làm việc chung với bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào để giúp các đương đơn bị từ chối kháng cáo. Tuy nhiên, có thể có những người muốn giúp cho những đương đơn không rành tiếng Anh hoặc không biết cách làm đơn kháng cáo. Nhưng chúng tôi, như đã nói, tuyệt đối không liên lạc, làm việc với bất kỳ ai để xen vào việc giúp các đương đơn làm kháng cáo.
Khi được hỏi rằng, với những hồ sơ bị từ chối, thì liệu có một tổ chức, dịch vụ hay cá nhân nào có thể giúp các đương đơn làm kháng cáo và can thiệp trực tiếp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hoặc Bộ Phận Tái Định Cư ở toà lãnh sự thành phố Hồ Chí Minh hay không, bà cho biết:
"Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không hề làm việc chung với bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào để giúp các đương đơn bị từ chối kháng cáo. Tuy nhiên, có thể có những người muốn giúp cho những đương đơn không rành tiếng Anh hoặc không biết cách làm đơn kháng cáo. Nhưng chúng tôi, như đã nói, tuyệt đối không liên lạc, làm việc với bất kỳ ai để xen vào việc giúp các đương đơn làm kháng cáo.”
Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm về chương trình McCain, dành cho các con của gia đình H.O, thì bà cho hay rằng, hiện nay, toà lãnh sự Mỹ ở TPHCM tạm ngưng, không giải quyết nữa, vì:
"Bởi vì chương trình Mc.Cain Amendment đã hết hạn rồi, chúng tôi đang chờ đợi được gia hạn thêm. Tôi đã làm việc với người chịu trách nhiệm về việc này và họ cho biết là Quốc Hội vẫn chưa phê chuẩn việc gia hạn thêm. Có những trường hợp đang chờ phỏng vấn thì vẫn phải chờ đợi quyết định mới.”
Trở lại với chương trình H.R., bà cho biết rằng, chỉ còn hơn 6 tháng nữa là chương trình sẽ kết thúc vĩnh viễn, và đây là cơ hội cuối cùng cho những ai chưa có cơ hội nộp đơn theo diện tị nạn, bà nói:
"Ngày cuối cùng chúng tôi nhận đơn là 25 tháng 6 năm 2008. Và sau đó thì chúng tôi phải có thời gian xem xét lại các đơn này, rồi mới được vào phỏng vấn. Nếu chấp thuận, thì đương đơn sẽ được sắp xếp để tái định cư ở Hoa Kỳ. Cho nên, chúng tôi nghĩ là chương trình này sẽ chấm dứt khoảng năm 2009.
Mục đích của chương trình H.R này là để cho những ai vì một lý do nào đó, mà trước đây chưa có cơ hội nộp đơn. Họ được cứu xét một cách công bằng. Vì thế, chúng tôi rất mong những cá nhân nào, nghĩ rằng mình hội đủ điều kiện, thì có nhiều thời gian để tìm hiểu về chương trình này.
Tôi khuyến khích quí vị nộp đơn trước ngày 25 tháng 6 năm 2008. Trên trang web của toà lãnh sự Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh có các tiêu chuẩn để nộp đơn, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giải thích rất chi tiết, rõ ràng.”
Hoàn toàn miễn phí
Một điểm rất quan trọng mà bà muốn nhấn mạnh là để tránh tình trạng các gia đình cựu tù nhân cải tạo phải tốn kém những chi phí “bên lề ” mà đã từng xảy ra trong thời gian trước đây, nên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Bộ Phận Tái Định Cư của toà lãnh sự Mỹ ở TPHCM đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đương đơn có thể nộp hồ sơ một cách dễ dàng, bà nói:
Tôi xin nhấn mạnh một điểm là chương trình H.R. này hoàn toàn miễn phí. Điều này có nghĩa là các đương đơn không hề phải tốn bất kỳ một khoản tiền nào để nộp đơn, hay để được tái định cư tại Hoa Kỳ. Họ chỉ phải trả tiền làm hộ chiếu Việt Nam để vào phỏng vấn và khi được chấp thuận cho định cư ở Hoa Kỳ, thì họ sẽ ký mượn một khoản tiền trả cho vé máy bay.
"Tôi xin nhấn mạnh một điểm là chương trình H.R. này hoàn toàn miễn phí. Điều này có nghĩa là các đương đơn không hề phải tốn bất kỳ một khoản tiền nào để nộp đơn, hay để được tái định cư tại Hoa Kỳ. Họ chỉ phải trả tiền làm hộ chiếu Việt Nam để vào phỏng vấn và khi được chấp thuận cho định cư ở Hoa Kỳ, thì họ sẽ ký mượn một khoản tiền trả cho vé máy bay.
Nếu những ai bị từ chối và làm đơn kháng cáo thì việc này cũng hoàn toàn miễn phí. Họ không phải trả bất kỳ một đồng nào cả. Dĩ nhiên, cũng có những kẻ cơ hội, nói rằng họ sẽ giúp cho hồ sơ của quí vị được giải quyết nhanh hơn, được xem xét kỹ hơn. Những điều này không bao giờ có thật. Nếu quí vị có bằng chứng hay quan tâm đến việc này, chúng tôi rất hoan nghênh nhận những thông tin ấy. Và chúng tôi sẽ tiến hành điều tra ngay.”
Với nỗ lực của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm giúp những cựu tù nhân cải tạo còn sót lại ở Việt Nam được định cư tại Mỹ, cùng với sự hỗ trợ của Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam ở Hoa Kỳ, thế nhưng, số người được chấp thuận tái định cư thật là ít ỏi, so với sự mong đợi của đa số cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nguyên nhân vì đâu? Bà Khúc Minh Thơ, Hội Trưởng Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam ở Hoa Kỳ cho biết:
"Cho đến ngày hôm nay, số người ra đi không được nhiều như Hội chúng tôi mong muốn bởi vì khi vào phỏng vấn, các anh em không nói rõ được hoàn cảnh của anh em như thế nào, cá nhân mình bị như thế nào…Có nhiều người gửi thư cho tôi, nói là “hôm đó không đem giấy tờ theo, quên mang đi…”
Điều này rất quan trọng vì mặc dù mình đã nộp cho họ, nhưng vẫn phải đem đi khi phỏng vấn. Một số người thì lại lo sợ quá. Chúng tôi rất buồn vì chương trình này vận động rất lâu mới được chấp thuận mà bây giờ số người định cư lại không đông. Chúng tôi hy vọng là tất cả những anh em diện H.O, những người làm cho sở Mỹ nên nộp đơn sớm.
Khi bị bác đơn thì có 90 ngày kháng cáo, phải tìm những giấy tờ chứng minh. Đây là cơ hội cuối cùng, nếu không được chấp thuận ra đi thì sẽ khó có cơ hội nữa. Khi vào phỏng vấn, phải bình tĩnh vì không có việc gì phải lo ngại. Trước khi vào phỏng vấn, mình đã nộp cho họ cái gì thì phải hoàn tất cái đó. Cho nên, không có việc gì phải sợ, phải run.”
Tình hình các con lai còn sót lại
Nhân đây, bà Khúc Minh Thơ cũng cho biết sơ lược về tình hình các con lai còn sót lại ở Việt Nam, bà cho hay:
"Tôi có nhiều buổi họp với Bộ Ngoại Giao, thì được biết là chương trình này chưa chấm dứt. Các anh em con lai ở Hoa Kỳ có lập ra Hội Gia Đình Mỹ- Việt. Họ đều muốn làm sao con lai còn kẹt ở Việt Nam được ra đi. Chúng tôi cũng mới nộp cho Bộ Ngoại Giao danh sách những người con lai chưa nộp đơn bao giờ và sẽ có một buổi họp với Bộ Ngoại Giao về những hồ sơ này. Tuy nhiên, các em ở Việt Nam cũng phải nộp thẳng tại lãnh sự quán ở TPHCM.
Trường hợp con lai bị bác vì lý do nào đó trước đây, thì kỳ này, họ sẽ không đem theo gia đình cha mẹ nuôi được, bởi vì các em lớn hết rồi. Cho nên, chỉ cứu xét cho các con lai và vợ con của các con lai đó thôi, không thể đem theo gia đình nuôi như ngày xưa nữa. Mẹ của các em cũng không đem theo được, chỉ đi một mình chúng nó thôi. Qua bên đây thì sẽ bảo trợ sau.”
Cũng theo bà Khúc Minh Thơ, một điều quan trọng hơn cả là các đương đơn phải hết sức trung thực với hồ sơ của mình và gia đình. Điều này áp dụng cho tất cả những diện cựu tù nhân cải tạo, diện làm cho sở Mỹ trước đây, và ngay cả diện con lai, bà nói:
"Tôi cũng xin nhắc nhở là đừng bao giờ thêm tiền, hay vì một lượng vàng nào đó mà làm cho hồ sơ không đúng với sự thật. Nếu toà lãnh sự tìm ra được thì các anh em tù nhân chính trị hay con lai sẽ không bao giờ được vô phỏng vấn cho dù sau này có thân nhân bảo lãnh, cũng không được chấp thuận. Đừng vì bất kỳ lý do nào mà bỏ đi cơ hội cuối cùng cho chính bản thân mình.”
Quí vị vừa nghe những thông tin về chương trình Tái Định Cư Nhân Đạo qua lời trình bày của bà Margaret Burkhardt Giám Đốc Chương Trình Định Cư vùng Đông Nam Á, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bà Khúc Minh Thơ, Hội Trưởng Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Mong rằng những thông tin này phần nào sẽ hữu ích cho quí vị. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ sau.
Thông tin trên mạng:
- Thông tin về tiến trình Tái Định Cư Nhân Đạo (HR)
- Joint U.S. - Vietnamese Announcement of Humanitarian Resettlement Program
- Humanitarian Resettlement Program | Boat People SOS
- Information Regarding Humanitarian Resettlement (HR)
- Humanitarian Resettlement Program