Dịch vụ “Ông Già Noel” ở Việt Nam

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Từ hai năm gần đây, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cứ vào trước ngày lễ Giáng Sinh, nhất là những ngày cao điểm 22, 23, và 24, trên đường phố đông kín người, chúng ta thường thấy những “ông già Noel” trên chiếc Honda cố gắng len lỏi qua dòng xe cộ chật như nêm để kịp giao quà cho đúng hẹn.

ChristmasSantaSaigon150.jpg
Một nhân viên trong trang phục ông già Noel làm việc tại một cửa hàng ở TP. Sài Gòn hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Phần lớn, những “ông già Noel” ấy là các chàng sinh viên làm theo thời vụ để kiếm thêm tiền. Để được tuyển chọn làm “ông già Noel” theo đúng tiêu chuẩn cũng không phải là dễ. Nhân dịp lễ Noel, kỳ này, mời qúi vị và các bạn nghe những thông tin lý thú về dịch vụ ông già Noel, một mảng kinh doanh rất phổ biến ở các thành phố lớn hiện nay.

Tại dịch vụ Đoan Trang ở Tân Sơn Nhì, TPHCM, mỗi ngày, có chừng 10 ông già Noel được giao trách nhiệm đi giao qùa cho khách hàng trên toàn thành phố, và ngày cả các vùng ngoại ô như Thủ Đức, Củ Chi…

Tiêu chuẩn chọn lựa

Chị Trang, chủ nhân của dịch vụ này cho biết rằng, cách đây hai năm, con gái chị lên 5, ước mơ được ông già Noel đến tặng quà, thế là chị thuê một dịch vụ làm việc đó, nhưng chị không vừa ý lắm, nên đã tự mình tổ chức luôn. Vì tốt nghiệp trường đại học Văn Hoá, đã có kiến thức cơ bản tổ chức các sinh hoạt, thế nên chị nhanh chóng xây dựng uy tín với khách hàng. Chị nói:

“ Em thuê sinh viên và huấn luyện, tuỳ theo đơn đặt hàng của khách ví dụ như hát, kể chuyện, chơi trò chơi. Đến nhà thì ông già Noel sẽ có cái chuông, đến trao quà và kể chuyện, và khuyên bé như không chơi điện tử.”

Khi hỏi về tiêu chuẩn để chọn lựa một "ông già Noel" làm nhiệm vụ trao quà, chị cho hay: "Mấy em sinh viên phải cao, to, đẹp trai, thì các em đến làm khoảng chừng 3 ngày, cao điểm là 22, 23, và 24.

Em thuê sinh viên và huấn luyện, tuỳ theo đơn đặt hàng của khách ví dụ như hát, kể chuyện, chơi trò chơi. Đến nhà thì ông già Noel sẽ có cái chuông, đến trao quà và kể chuyện, và khuyên bé như không chơi điện tử.

Trước đó, tôi tập trung các em đó về và huấn luyện các em đó ăn mặc như thế nào, nói chuyện với các cháu như thế nào, chuyện cổ tích phải học thuộc cho các cháu nghe, một số nhà thì họ tập trung cả xóm lại, một vài chục bé, thì có ông già Noel, bà chuá Tuyết…người dẫn chương trình, tổ chức cho các em thi hát, thi muá, kể chuyện, cho các em chơi trò chơi vận động…”

Cũng theo lời chị cho biết, các sinh viên được chọn làm ông già Noel sẽ được trả lương theo ngày, trung bình khoảng từ hai đến ba trăm ngàn một ngày cho 8 tiếng làm việc. Đa số các em đều phải có xe Honda riêng và phải làm sao giao quà cho đúng hẹn. Một dịch vụ khác, tên Thái Bảo, cũng ở TPHCM thì cho biết về dịch vụ “thuê mướn ông già Noel” này. Anh nói:

“Em thấy dịch vụ này cũng lâu rồi, ông già Noel cũng phổ biến lắm rồi, thường thường tụi em chọn lựa người lại, chứ không để người ốm làm (cười) và thường thì những bộ quần aó ông già Noel cũng độn thêm trong đó…Đa số tụi em chỉ làm cho những em nhỏ vui thôi, chứ còn lợi nhuận thu được từ đó thì không nhiều lắm.”

Chị Thu Nga, chủ nhân một dịch vụ ở đường Cách Mạng Tháng 8 quận Tân Bình, thì cho hay rằng, chị đã mở dịch vụ ông già Noel từ 5 năm qua, khởi đầu, cửa tiệm của chị chuyên bán đồ lưu niệm, quà tặng, đồ chơi cho trẻ em, nhưng khách hàng cứ yêu cầu có ông già Noel đến nhà trao quà, thế là chị tổ chức luôn việc này. Chị liên lạc với các em sinh viên và chọn lựa một số đủ tiêu chuẩn thích hợp. Chị nói:

“Tiêu chuẩn là phải nhiệt tình, tụi em thường chọn sinh viên chiều cao tương đối, và trọng lượng phải trên 65 ký. Mình phải huấn luyện kỹ, khi vào tới nhà phải nói là “Merry Christmas”, gọi mấy bé ra, rồi chúc mấy em như thế nào…

Có khi họ yêu cầu kể chuyện, tổ chức trò chơi, mấy dịch vụ đó mình phải đáp ứng hết. Nhu cầu thành phố rất nhiều, còn dưới tỉnh thì không có đâu. Hồi xưa, bên đạo người ta mới có nhu cầu này, còn bây giờ thì đạo Phật người ta cũng có dịch vụ này cho con người ta, rồi các trường mẫu giáo…”

Cảm nghĩ của những “ông già Noel”

Để tìm hiểu thêm, Phương Anh cũng đã liên lạc với các “ông già Noel” này và được nghe họ kể chuyện. Trước hết, bạn Hải, sinh viên trường Đại Học Bách Khoa TPHCM, cho hay:

“Em mới giao được 3 chuyến về, nói chung là em cũng thích con nít nên cũng vui. Tới thì nói chuyện với bé, hỏi xem trong năm có ngoan không, sau đó tặng quà cho nó và năm sau nói nó phải ngoan mới có quà.”

Dưới 3 tuổi thì tụi nó mới tin còn 4, 5 tuổi thì tuị nó biết hết trơn (cười) tụi nó biết là ba mẹ tặng quà cho tụi nó rồi. ..có một trường hợp một đứa bé em đến tặng nó, gương mặt của tụi nó rất bình thường. Em hỏi nó cứ trả lời ậm ừ, em nghĩ là nó biết hết trơn rồi. Em không biết gì hết trơn, em chỉ biết hát mấy bài Giáng Sinh thôi…(cười)

Khi Phương Anh hỏi thăm các em bé gặp ông già Noel thì có tin bạn là “ông già Noel thật” không? Và bản thân bạn có biết lai lịch về ông già Noel không? Anh cười và nói:

“Dưới 3 tuổi thì tụi nó mới tin còn 4, 5 tuổi thì tuị nó biết hết trơn (cười) tụi nó biết là ba mẹ tặng quà cho tụi nó rồi. ..có một trường hợp một đứa bé em đến tặng nó, gương mặt của tụi nó rất bình thường. Em hỏi nó cứ trả lời ậm ừ, em nghĩ là nó biết hết trơn rồi. Em không biết gì hết trơn, em chỉ biết hát mấy bài Giáng Sinh thôi…(cười)”

Một bạn sinh viên khác xin được dấu tên thì cho biết rằng: "Em thích làm ông già Noel nên làm thôi, em cũng biết chút ít về lịch sử của ông già Noel cũng như những đứa trẻ khác thôi, chứ không biết gì nhiều. Em nhìn ánh mắt của mấy đứa nhỏ thì thấy vui lắm…

Cũng theo anh, anh nghĩ là các em bé mà anh đã đến trao quà, đều tin chắc anh là ông già Noel thứ thiệt, vì khi còn bé, chính bản thân anh đã từng mơ ước và tin rằng có ông già Noel: "Các em bé tin chứ, vì hồi còn nhỏ em đã từng tin có ông già Noel, chỉ sau này lớn lên thì mới biết, và em nghĩ đó là một truyền thống tốt."

Bạn Lâm, sinh viên trường Đại Học Kinh Tế TPHCM, thì rất vui khi được chọn làm ông già Noel để đi trao quà: "Vui lắm, mấy đứa nhỏ tin lắm, gặp tụi em chào là ông già Noel không à! Có nhiều đứa bu lại đòi kẹo, vui lắm… Tụi nó sờ râu, sờ người, bắt tay… đủ thứ hết."

Ngoài ra, anh cũng cho biết, điều vui nhất khi mặc bộ đồ “ông già Noel” trên người là trong những ngày vừa qua, khi đi giao quà mà bị kẹt xe, rồi cố gắng chen lấn, luồn lách để đi, thì thấy mọi người dễ thương hẳn lên với mình. Anh kể lại:

“Bình thường người ta chửi um lên rồi, nhưng ngày Noel thì người ta hỏi han và lấy kim tuyến rắc lên người mình, vui lắm…Đầu tiên cũng hơi ngại, nhưng từ từ thì quen thôi, rất vui và thích lắm. Kỳ này tụi em chỉ lấy kinh nghiệm và năm sau em định đi theo các tổ chức từ thiện…”

Về phía phụ huynh

Trong trường, họ có thông báo là phụ huynh nào có quà cho con thì ghi danh và đưa quà cho trường để trường đưa cho ông già Noel phát…Năm rồi, em không mua cho cháu nên hai đứa đi học về cũng buồn, tụi nó nói là ông già Noel tới phát quà nhưng mà tụi con không có…

Thế còn với các phụ huynh thì sao, chị Thuý, một cư dân ở Sàigòn cho hay: "Ông già Noel cũng râu trắng, mập mạp, các cháu bé rất thích, có ông già Noel đến nhà tặng quà cho thì ưng lắm, thích lắm."

Tuy thế, vẫn có những trường hợp "tai nạn nghề nghiệp" xảy ra, chị Hương, ở Hà Nội kể lại: " Nhu cầu thì rất nhiều vì hiện nay trẻ em Việt Nam rất thích ông già Noel…nhưng nói chung sinh viên cũng không được trang bị kỹ lắm, có khi nhiều người cũng không hiểu vai trò của ông già Noel là như thế nào, thường chỉ đến phát quà, nhưng khi các em đòi ông già kể chuyện cho cháu nghe, hát thì các cậu sinh viên ấy không biết kể chuyện, không biết làm gì hết…thế là phải "đánh bài chuồn"."

Tuy dịch vụ ông già Noel phát triển và cũng là một hướng tốt cho các phụ huynh giáo dục cho con em mình, nhất là đối với các bé thơ. Thế nhưng, thực tế, có lẽ chỉ phục vụ cho một số đối tượng nào đó mà thôi. Chị Trâm, nhà ở quận 3 TPHCM, kinh tế gia đình hơi eo hẹp, kể lại:

“Trong trường, họ có thông báo là phụ huynh nào có quà cho con thì ghi danh và đưa quà cho trường để trường đưa cho ông già Noel phát…Năm rồi, em không mua cho cháu nên hai đứa đi học về cũng buồn, tụi nó nói là ông già Noel tới phát quà nhưng mà tụi con không có…”

Và có một điều đáng buồn hơn nữa, là các em bé ở thôn quê thì ông già Noel vẫn chỉ là hình ảnh trong những tấm thiệp, trong tivi. Em Nguyễn thị Phương Mai, năm nay 10 tuổi, ở Hậu Giang nói:

“Con chỉ thấy ông già Noel trong ti vi thôi, chứ không thấy ngoài đời bao giờ . Ở vùng quê của em thì em không có thấy ông già Noel tới. Em ước có ông già Noel tới vùng quê của em, em ước mơ ngày Noel có ông già Noel tới nhà để cho quà.”

Quí vị và các bạn vừa nghe những thông tin về dịch vụ ông già Noel. Ước mong một ngày nào đó, dịch vụ này không chỉ phục vụ riêng cho một tầng lớp nào đó mà tất cả các em thiếu nhi ở khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam, đều sẽ được các “ông già Noel” đến thăm viếng và trao quà. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.