Bằng chứng là rằm tháng 8 tuần này, các gia đình Việt Nam vẫn tiếp tục mua tiền vàng, đồ mã để cúng và đốt.
Người dân và những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam nghĩ gì về lệnh cấm mới này?
Văn hóa tâm linh lâu đời
Rằm tháng tám là một trong những ngày rằm được đông đảo người dân Việt Nam đón chờ nhiều nhất trong năm. Năm nay cũng như mọi năm, các gia đình Việt Nam lại vừa có một ngày rằm tháng 8 vui vẻ mà đi kèm với nó là nghi lễ cúng và đốt vàng mã, một việc đã bị cấm chính thức từ đầu tháng 9 năm nay, nhưng dường như chả mấy ai để ý.
Chị Vũ Khánh Tâm, 46 tuổi, ở Hà Nội cho biết chị không hề biết gì về lệnh cấm đốt vàng mã của chính quyền:
"Chị có để ý quyết định đó đâu. Chị vẫn đốt, chỉ có điều đốt ít thôi, chị đốt vàng mã, giấy vàng tiền."
Ngày 12 tháng 7 năm 2010, chính phủ Việt Nam ban hành nghị định số 75 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó có việc đốt vàng mã.
Việt Nam cũng như rất nhiều các quốc gia phương đông khác có tập tục cúng và đốt vàng mã từ lâu đời. Đây được coi là một nghi lễ về văn hóa tín ngưỡng của người dân. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, viện Nghiên cứu Hán Nôm nói về nguồn gốc của tập tục này như sau:
"Vàng mã hay tục đốt vàng mã là một tập tục bắt nguồn từ Trung quốc và nó đã có ở trong văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng của Việt nam từ rất lâu đời rồi. Việc sử dụng vàng mã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Việt và cho người ta niềm tin đối với các vị thần thánh hay tổ tiên cha ông của người dân trong khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Đó là vấn đề thuộc niềm tin tín ngưỡng."
Việc sử dụng vàng mã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Việt và cho người ta niềm tin đối với các vị thần thánh hay tổ tiên cha ông của người dân trong khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Việt Nam là quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số, trong đó có từ 80 đến 90% dân số có thiên hướng Phật giáo. Đến phần lớn các chùa tại Việt Nam, người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những lễ tiền vàng được bày bán phổ biến ngoài cổng chùa cho người đi lễ. Ở ngay trong chùa, cũng có nơi để cho người dân ‘hóa vàng’ để đốt các giấy tiền vàng sau lễ. Thế nhưng theo các nhà nghiên cứu thì Phật giáo cũng không chủ trương đốt vàng mã, mà đây chỉ là do tập quán của người dân mà thôi.
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu về các nghi lễ ngày một lớn. Nếu trước kia đa số các gia đình mỗi khi cúng tổ tiên ông bà thường chỉ mua một lễ tiền vàng để cúng và đốt thì giờ đây người ta còn mua nhiều thứ khác để cúng thường gọi là đồ mã làm giả các đồ như quần áo, mũ mão, nhà lầu xe hơi, điện thoại… với suy nghĩ trần sao âm vậy.
Số tiền mỗi gia đình bỏ ra để mua lễ cúng cho các ngày rằm hay giỗ cũng ngày một lớn. Một người buôn bán ở phố Lương Văn Can, một phố nổi tiếng ở Hà Nội cho biết trung bình mỗi gia đình cúng rằm giờ đây mất khoảng 30,000 đến 50,000 đồng một lễ. Trong khi nếu chỉ mua một lễ tiền vàng đơn thuần, giá là khoảng 5,000 đồng. Đối với các nhà khá giả, họ có thể trả từ 200,000 đồng đến 300,000 đồng một lễ. Những người buôn bán thậm chí có thể trả tiền triệu. Thói quen này đã gây ra lãng phí không cần thiết. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận xét:
"Càng những năm gần đây, do đời sống kinh tế phát triển lên thì người ta đã sử dụng vàng mã quá nhiều, không những số tiền bỏ ra để đốt vàng mã, số giấy bỏ ra để làm vàng mã rất lớn mà còn ở các vật phẩm vàng mã đó đã đi quá xa so với truyền thống, và tiêu tốn theo như thống kê của Bộ Văn hóa vài năm trước là, riêng thành phố Hà Nội đã đốt vài trăm tấn vàng mã. Tôi cho rằng việc đốt vàng mã hiện nay đi đến chỗ thái quá, như đốt nhà lầu xe hơi… nó quá với truyền thống của ta. Đôi lúc nó như là sự cuồng tín tức là đi xa cả phạm vi tín ngưỡng."
Theo thống kê của Cục Văn hóa Thông tin cở sở, làng Cót (huyện Từ Liêm, Hà Nội) và làng Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) là những nguồn sản xuất, cung cấp vàng mã lớn nhất cho các tỉnh thành lân cận. Mỗi ngày ở đây tiêu thụ gần 3,000 kg giấy.
Bà Đỗ Kim Thịnh, Cục phó cục Văn hóa Thông tin cơ sở nói với báo chí trong nước rằng ‘đốt vàng mã tràn lan và hoang phí như hiện nay là một biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Quan niệm ‘trần sao âm vậy’ khiến nhiều người đốt mã như ‘hối lộ cõi âm’ chứ không còn là chăm lo đến tổ tiên, tín ngưỡng’.
Đó là tập tục thói quen, chỉ có điều thuyết phục bằng cách nói thế nào để cho người dân người ta dùng ít đi thôi chứ còn cấm hoàn toàn thì nghe chừng khó, nhiều người cũng không nghe."
Chị Vũ Khánh Tâm, người dân Hà Nội
Cũng đã có nhiều bài báo phản ánh về vấn đề ô nhiễm khói bụi do việc đốt tràn lan vàng mã, nhất là tại các chùa lớn vào những ngày lễ, ngày rằm.
Những khía cạnh tiêu cực của tập tục đốt vàng mã đang tồn tại giải thích nguyên nhân mà chính quyền Việt Nam muốn thực hiện lệnh cấm việc thực hiện nghi thức này. Thế nhưng, ý kiến của đa số người dân và các nhà nghiên cứu là không ủng hộ lệnh cấm này.
"Không thể cấm bằng một sắc lệnh"
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói nghị định mới sẽ gây xáo trộn và không đồng tình từ phía người dân:
"Ở đây có thể xem cái nghị định 75 của chính phủ khi mà có một cái gì đó can thiệp đến đời sống tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân thì chắc chắn sẽ gây sự xáo trộn và phản ứng của nhân dân."
Chị Vũ Khánh Tâm, người dân ở Hà Nội nói chị cho rằng việc cấm đối với chị không phải là khó thực hiện dù lòng chưa muốn, nhưng nhiều người khác sẽ thấy khó khăn.
"Cũng chả quan trọng lắm, nhưng theo tâm linh thì mình cảm giác như là… vì theo người ta nói trần sao âm vậy, mình không đốt thì mình thấy hơi khó chịu. Đó là thói quen từ xưa đến nay thôi, chứ không phải là khó thực hiện lắm. Đó là tập tục thói quen, chỉ có điều thuyết phục bằng cách nói thế nào để cho người dân người ta dùng ít đi thôi chứ còn cấm hoàn toàn thì nghe chừng khó, nhiều người cũng không nghe."
Ông Diện cho rằng những người soạn thảo ra nghị định này vẫn chưa thực sự am hiểu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, và để can thiệp vào vấn đề tín ngưỡng văn hóa, cần phải có một lộ trình, chuẩn bị dư luận kỹ lưỡng:
"Điều này cho thấy những người soạn nghị định 75 được ban hành năm 2010 quy định về việc xử phạt hành vi hành chính trong các hoạt động văn hóa trong đó có nói đến vàng mã, thì là những người tôi cho rằng chưa am hiểu về văn hóa và tín ngưỡng của người Việt.
Bởi vì khi can thiệp vào một vấn đề văn hóa tâm linh, tinh thần của con người như vậy thì chắc chắn phải có sự chuẩn bị về mặt dư luận và có sự chuẩn bị cho người dân, chứ không phải là bỗng nhiên đưa ra một nghị định như vậy thì chắc chắn người dân không tán thành là đương nhiên. Ở đây chúng tôi thấy không những người dân bình thường không đồng ý, mà còn những nhà khoa học, những nhà văn hóa tâm linh, ví dụ giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm bảo tồn văn hóa di sản tín ngưỡng Việt Nam cũng cho rằng là không nên, và cần có một lộ trình nó khác, không thể cấm bằng một sắc lệnh."
Lệnh cấm này không những thế còn ảnh hưởng đến kinh tế của rất nhiều người dân vốn sống nhờ vào việc sản xuất và buôn bán vàng mã. Câu chuyện này làm người ta nghĩ đến lệnh cấm pháo trước kia cũng khiến nhiều gia đình làm pháo lâu đời ở làng Đồng Kỵ gặp khó khăn khi chuyển đổi.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, việc cấm pháo của Việt Nam dễ thực hiện hơn vì chỉ liên quan đến vấn đề văn hóa, còn vàng mã thì đã thuộc về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng nên phải mất nhiều thời gian hơn.
Liệu có thực hiện được không?
Mặt khác, việc thực hiện nghị định mới này ở Việt Nam còn gặp một khó khăn nữa đó là lấy đâu ra lực lượng để đi kiểm soát hết từng nhà, gia đình. Ngay chính ông trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Vang, Huế, cũng thừa nhận là việc xử phạt theo nghị định rất khó thực hiện, vì đến nay ông cũng chưa rõ lực lượng nào có chức năng xử phạt trong lĩnh vực này. Ngay cả nếu hoạt động xử phạt được giao cho phòng Văn hóa thông tin thì chắc chắn phòng cũng không thể vươn tay về tận các thôn xóm.
Theo tôi không cấm được, vì không cấm được việc đốt vàng mã trong các gia đình vào ngày rằm mùng một. Có nhu cầu thì người ta vẫn sản xuất, người ta sản xuất lén lút phục vụ nhu cầu tâm linh đó.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền có thể cấm được việc sản xuất các đồ vàng mã hay không? Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng khi có cầu thì khắc có cung, nên việc cấm là hoàn toàn không thể.
"Theo tôi không cấm được, vì không cấm được việc đốt vàng mã trong các gia đình vào ngày rằm mùng một. Có nhu cầu thì người ta vẫn sản xuất, người ta sản xuất lén lút phục vụ nhu cầu tâm linh đó."
Cách đây không lâu, chính quyền Đài loan, một nước cũng rất gần Việt Nam vừa đưa ra khuyến cáo người dân thắp hương và đốt vàng mã theo cách mới để bảo vệ môi trường. Cách mà họ đề nghị người dân làm là thắp hương và đốt vàng mã trên mạng.
Nhiều người dân Đài loan nghi ngờ về hiệu quả của chiến dịch này thế nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ít nhất đó cũng là một cách để giáo dục người dân dần dần thay đổi hành vi, có lẽ hiệu quả hơn là việc đưa ra một sắc lệnh cấm hoàn toàn mà lại không có tính thực thi.