Cuộc họp mặt thường niên của Hội các gia đình tù binh và những người lính Mỹ mất tích

Arin Basu – Trà Mi Nhiều khía cạnh trong mối quan hệ Việt –Mỹ có thể được giới quan sát ở 2 nước chú ý qua nội dung cuộc họp mặt thường niên lần thứ 35 của Hội các gia đình tù binh và lính Mỹ mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ ở khu vực Đông Nam Á. Các giới thẩm quyền đã báo cáo những tiến triển mới nhất trong quá trình hợp tác tìm kiếm di hài lính Mỹ tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam với sự cộng tác nhiều mặt của nước này.

Bấm vào đây để nghe bản tin này

Rightclick to download this audio

Cuộc họp vừa nói diễn ra từ ngày 22 đến 24/6 tại Virginia, Hoa Kỳ. Phát biểu tại cuộc họp mặt này, ông Jerry Jennings, phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng chuyên trách về tù binh và lính Mỹ mất tích, đã thông báo đến các gia đình nạn nhân những thông tin mới nhất liên quan đến quá trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ sau chuyến đi của ông đến các nước Đông Nam Á, bao gồm Lào, Kampuchea, và Việt Nam.

Ông cho biết các cuộc gặp gỡ giữa ông và chính quyền 3 nước vừa kể có tầm quan trọng rõ rệt và đã đem lại những tiến bộ khả quan. Nhân dịp này, ông cũng nhắc lại cam kết của chính phủ Mỹ về việc tìm kiếm hài cốt những người lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam . Ông nói rằng trong các buổi tiếp xúc với giới chức VN, ông đã đề nghị và nêu rõ tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc tìm kiếm dưới nước.

Ông Jennings nói: "Để việc tìm kiếm đạt hiệu quả và an toàn, phía Mỹ đề nghị sử dụng tàu hải quân Mỹ. Phía chính phủ VN thì cho rằng có thể sử dụng tàu của họ. Thế nhưng , sau khi các chuyên gia và tôi đích thân xem xét thì tàu Việt Nam không bảo đảm độ an toàn và hiệu quả như các chiến hạm hiện đại hơn."

Phía Mỹ hy vọng sẽ sớm tìm giải được giải pháp cho vấn đề này, và đang sắp xếp cho đại diện phía chính phủ Việt Nam ra thăm bộ tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương, tham quan công tác thăm dò cũng như chiến hạm của Mỹ để thấy được các đặc tính hiện đại của tàu Mỹ, và từ đó, Việt Nam sẽ cho phép Mỹ sử dụng chúng trong công tác tìm kiếm.

Ông Jennings cũng cho biết Hoa Kỳ không qúa cứng rắn trong vấn đề này. Cả 2 bên sẽ có những cuộc thuơng lượng kế tiếp để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề, hoặc là sử dụng tàu Việt Nam được trang bị đầy đủ, hoặc là dùng tàu Mỹ, hoặc có thể liên kết phương tiện và đội ngũ cả 2 bên cho cuộc tìm kiếm.

Cũng theo ông, mức độ hợp tác của Việt Nam trong công tác tìm kiếm này là "có thể chấp nhận được". Tuy nhiên, Việt Nam nên tự mình có những hành động tích cực hơn nữa.

Hoa Kỳ cũng đang yêu cầu Việt Nam cho tiếp cận những văn khố của nhiều bộ thuộc chính phủ, kể cả văn phòng Thủ Tướng, bộ công an , và bộ ngoại giao. Những chuyến thăm gần đây của phía Hoa Kỳ đã đem lại nhiều tiến bộ về việc này. Và chính phó thủ tướng Việt Nam cũng công khai ủng hộ việc hai bên cùng hợp tác tìm kiếm hồ sơ trong các văn khố Việt Nam. Gần đây, hai phía cùng tuyên bố người Mỹ đã được phép xem xét các tài liệu của Việt Nam, nhưng không nói rõ được xem ở mức độ sâu rộng ra sao.

Lên tiếng tại buổi họp mặt, ông Matthew Daley, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao chuyên trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói rằng nổ lực của Việt Nam trong việc hợp tác tìm kiếm lính Mỹ mất tích đã là nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt vào năm 1995. Ông nói thêm, phía chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ là việc phát triển mối quan hệ song phương Việt - Mỹ căn cứ vào sự cộng tác chặt chẽ, nhất quán của hai bên trong vấn đề này.

Gần đây, phía Mỹ đã công nhận rằng Việt Nam đã tỏ thái độ hợp tác chân thành . Tuy nhiên, vẫn còn 1 số lĩnh vực Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa, chẳng hạn như tạo điều kiện cho việc xem xét các tài liệu lưu trữ, lưu ý giải quyết những gì không nhất quán, và giúp đỡ phía Mỹ trong công tác xác định vị trí các di hài lính Mỹ tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của phía Việt Nam trong cuộc chiến.

Đội nghiên cứu và điều tra thuộc Không Lực Mỹ, gọi tắt là RIT, cho biết trong các cuộc điều tra tìm kiếm tại hiện trường, đội đã làm việc trực tiếp với lực lượng hữu trách của Bộ quốc phòng phía Việt Nam . RIT cũng tiến hành các cuộc phỏng vấn nhân chứng, và tiến hành các cuộc khảo sát các vùng tác chiến trứoc đây. Các nhà nghiên cứu cũng tận dụng các nguồn tài liệu sách báo từ VN liên quan trong công tác tìm kiếm của mình.

Tiến sĩ Greg Fox, một thành viên trong nhóm tìm kiếm nói về công việc hàng ngày của ông và 31 đồng sự của mình: "Đây là 1 công việc nguy hiểm, tỉ mỉ, và mất nhiều công sức, dưới điều kiện thời tiết nóng bức. Công việc của chúng tôi không dễ dàng, đòi hỏi sự tận tâm kiên trì. Song, quan trọng hơn đối với chúng tôi là ý nghĩa cao cả của công tác này."

Các mẫu di vật tìm thấy sẽ được phục hồi lại trước khi được gửi đến phòng thí nghiệm chuyên trách tại San Antonio để phân định và đối chiếu để xác định rõ tên tuổi từng nạn nhân một.

Các kết quả phân tích , đối chiếu di vật cũng sẽ được gửi đến gia đình các nạn nhân . Tính đến nay, phòng thí nghiệm tại San Antonio đã tiếp nhận 105 trường hợp lính Mỹ mất tích ở khu vực Đông Nam Á. Tính đến nay, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho phía Mỹ thực hiện công tác này. Gần đây, Việt Nam đã đồng ý cho phía Mỹ khảo sát các khu vực thuộc Cao Nguyên Trung Phần, nơi mà hơn 2 năm qua Mỹ đã bị từ chối không được phép tiếp cận.

Trong thập niên gần đây, mối quan hệ hợp tác Việt Mỹ đã có những bước tiến trỉển đáng kể bao gồm nhiều phương diện: hợp tác kinh tế thương mại, hợp tác chống khủng bố, tệ buôn người, và đại dịch HIV/AIDS, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng .

Tuy nhiên, theo lời ông Matthew Daley, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao chuyên trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì: "Bên cạnh các tiến bộ khả quan trong mối bang giao 2 nước, vẫn còn môt số lĩnh vực chưa đạt được kết qủa như mong muốn. Trong đó phải kể đến chính sách của Việt Nam về nhân quyền và tự do tôn giáo, mà tiêu biểu là việc chính quyền Việt Nam đàn áp cuộc biểu tình của người Thượng ở Cao Nguyên trong dịp Lễ phục sinh vừa qua tại 2 tỉnh Daklak và Gia Lai."