Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Kính Chào Quý Vị. Những ngày sau cùng của năm 2007 đang trôi đi trong thời tiết giá lạnh của thành phố Đà Lạt. Festival Hoa cũng đã kết thúc, mang theo cái không khí rộn ràng, hào nhoáng và rực rỡ sắc màu của hoa và của đèn.
Đà Lạt là xứ hoa, và để dể nhớ thì một loài hoa chỉ sống với núi rừng cũng được dùng làm tên gọi cho trường phục hồi chức năng cho cả trăm trẻ tật nguyển ở đây. Đó là Trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan Đà Lạt.
Vào khi năm cũ sắp vẫy tay giã từ cho năm mới về, mời quý vị bỏ chút thì giờ ghé qua ngôi trường đặc biệt trong lòng phố mà chừng như ít nhiều đang bị lãng quên theo năm tháng.
Trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan hiện có 106 trẻ khuyết tật đủ loại, xem ra khá khiêm nhường so với con số hơn 400 trẻ tàn tật trên toàn tỉnh Lâm Đồng. Hiệu trưởng của trường, bà Hán Thị Đạo, cho biết trường trực thuộc Sở Giáo Dục & Đào Tạo tỉnh:
Bà Hán Thị Đạo : Toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 400 trẻ tàn tật, rất là nhiều, nhưng mà chúng tôi chỉ nhận có thể nhận được hơn 100 cháu thôi, bao gồm các trẻ bị các chứng bệnh như hội chứng Down, rồi thần kinh phân liệt, rồi là bệnh tự kỷ, rồi chất độc màu da cam. Có những em bị dị dạng nằm trong dạng vừa đau mà vừa bị cái ấy nữa. Rồi đa tật, tức có những em bị 2 tất trở lên. Thí dụ bị ngoẹo cổ hay là tay chân nó khoèo, nó yếu tay yếu chân. Thì ở đây có cả y sĩ vật lý trị liệu, tức là có máy móc ở dây đầy đủ.
Ở đây vừa làm công tác phục hồi chức năng vừa giảng dạy các em về kiến thức, vừa chăm sóc các em về mặt tinh thần. Ăn uống của các cháu thì nhà nước cho một tháng mỗi cháu 150.000 đồng, còn ngoài ra các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu.
Còn về học tập của các cháu thì nói chung là với 100 cháu thì được chia làm 10 lớp, trong đó có 17 thầy cô giảng dạy các cháu trực tiếp và chương trình học không có đặt nặng về một vấn đề nào, cho nên các em tiếp thu tương đối phù hợp. Có những em sau 10 năm ở trường ra thì các em có thể đọc được, viết được, làm toán được.
Đó là đối với những em thiểu năng ở mức độ bình thường. Còn các em hơi nặng một chút thì đương nhiên là phải xếp theo trí tuệ. Đó, thì ở đây không có nặng về kiến thức mà chủ yếu nặng về vấn đề tâm sinh lý của các em.
Công việc của Trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan không phải chỉ thuần dạy chữ, giáo viên phải hội đủ trình độ chuyên môn và có rất nhiều việc để làm, gần như vượt hơn cả trách nhiệm dạy học và trông trẻ của mình. Cô hiệu trưởng Hán Thị Đạo giải thích:
Bà Hán Thị Đạo : Các cô làm việc từ sáng đến tối tại vì có em bị động kinh. Ở đây rất nhiều trẻ em bị động kinh, có em một đêm 5-6 lần. Có khi nhiều em lên cơn làm cô vội quá không làm gì được, coi như phải quấn vào tay nhau đưa vào trong miệng cho nó. Nó là như thế, không kịp là nó cắn tay. Có những em mà nó bị tự kỷ là nó bắt phải đi tìm thôi. Nó lên thẳng trên chỗ làm việc đó, lên ngồi trên ghế của cô luôn.
Vẫn theo lời cô hiệu trưởng, quan trọng nhất của trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan là tấm lòng yêu trẻ và sự kiên trì của giáo viên:
Bà Hán Thị Đạo : Quan trọng nhất là cái tấm lòng của mình. Cái thứ hai là sự kiên trì, nhẫn nại. Nếu mình không có sự kiên trì thì không làm gì được. Sự kiên trì của mình nó rất lớn và tấm lòng thì phải rất rộng. Em mà không có tình thương thì không thể làm trong đây được.
Tại trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan, Thanh Trúc gần như đã gặp hầu hết các em học sinh mọi lứa tuổi, mọi hình thức tàn tật.
Quý vị vừa nghe tiếng chuông báo giờ vào lớp. Sân trường ồn ào như một bầy ong vỡ tổ, các em đứa thì khóc, đứa thì cười, đứa thì la lối chỉ chỏ huyên thiên. Các cô giáo chạy tới chạy lui thật là vất vả.
Học sinh : Em Lan
Thanh Trúc : Em Lan hả? Lan mấy tuổi?
Lan : Mười tuổi.
Thanh Trúc : Con tên gì ?
Học sinh : Tên Ninh.
Thanh Trúc : Chị là giáo viên ở đây? Thưa chị, các em ở đây đủ mọi lớp hay là ..
Giáo viên : Đủ mọi lớp, mọi lứa tuổi.
Thanh Trúc : Chị ơi, dạy các em nhỏ vất vả lắm phải không?
Giáo viên : Quen rồi.
Thanh Trúc : Một phụ huynh có con trai bị bệnh tâm thần và chậm phát triển, mô tả sự tiến bộ của con mình sau nhiều năm được nhận vào trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan .
Thanh Trúc : Đây là em Huỳnh Nhật Thành và có 3 em đứng một bên. Cô hiệu trưởng nói là khi em vào trường này thì em không có nói được cái gì hết phải không ạ?
Phụ huynh : Dạ đúng rồi.
Thanh Trúc : Em ở đây được bao nhiêu năm?
Phụ huynh : Ở đây được 10 năm.
Thanh Trúc : Anh thấy sự tiến bộ của em như thế nào?
Phụ huynh : Cháu vào trường này mỗi ngày nó tiến bộ một nhiều, tức là từ cái chỗ nói rồi bây giờ mấy cái sinh hoạt cá nhân cháu nó làm rất tốt. Trước đây cháu nó không biết gì hết. Ở trường này các cháu mà bị hoàn cảnh như con tôi mà được vô cái trường này thì cháu nó sẽ phát triển tốt.
Thanh Trúc : Hy vọng là khi mà em ra khỏi trường chắc có lẽ em có thể hoà nhập được với xã hội.
Phụ huynh : Trước đây thì nó chưa biết gì hết, nhưng nay thì biết nấu ăn, biết tự ăn, nó làm được hết.
Trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan là một cơ sở nội trú với bảy mươi em ăn ở tại trung tâm, ba mươi em được cha mẹ đón về nhà buổi chiều, khoảng năm sáu em khác vừa mồi côi vừa tàn tật thì coi như trường phải cưu mang.
Tiếng là một trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc Sở Giáo Dục & Đào tạo của tỉnh, nhưng có đi một vòng Thanh Trúc mới thấy cơ sở vật chất và trường lớp còn thiếu rất nhiều tiện nghi tối thiểu cho trẻ khuyết tật. Mỗi học sinh khuyết tật tại trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan được nhà nước cấp một trăm năm chục ngàn đồng một tháng.
Thầy cô làm việc ở đây được lãnh lương như trường ngoài. Điều kiện nhập học là trẻ con nhà nghèo thì được miễn phí, con nhà khá chút đỉnh thì đóng phụ chi phí với trường. Một ngày học sinh được ăn bốn bữa. Nếu tính luôn số thầy cô thì trường có tất cả ba chục người phục vụ.
Thanh Trúc : Dạ thưa mỗi em là một giường?
Giáo viên : Có giường là 2 em. Một phòng bên đây nữa.
Thanh Trúc : Đây là phòng ngủ của các em?
Giáo viên : Dạ, phòng ngủ của các em.
Thanh Trúc : Cơ sở của Hoa Phong Lan cũng không được khang trang lắm. Kể ra thì chật hẹp.
Giáo viên : Dạ. Cung cấp quá chậm chạp. Cho nên bây giờ nhà nước chuẩn bị cho xây dựng thêm. Đây là lớp học. Hai lớp này học chữ. Các em này viết được, đọc được.
Học sinh đồng thanh lên tiếng : Cháu chào cô ạ!
Thanh Trúc : Giờ này chiều rồi thì em tới mấy giờ thì em nghỉ học?
Học sinh : Học tới bốn rưỡi.
Thanh Trúc : Vâng. Em học tới bốn rưỡi rồi em có được ăn cơm chiều không?
Học sinh : Dạ có.
Thanh Trúc : Đây là khu nhà bếp. Sự ăn của các em thì như thế nào?
Giáo viên : Hiện giờ các em ăn mười nghìn. Một tuần các em được ăn tươi một bữa hoặc hai bữa nếu có nhiều nhà tài trợ. Mười nghìn mà ăn bốn bữa. Bữa sáng, ăn đỡ buổi sàng là một nghìn rưỡi. Bưổi trưa các em ăn cơm có hai món. Buổi chiều các em có thể ăn yaourt, ưống sữa hoặc là nấu chè đậu xanh, ăn trái cây. Có những nhà hảo tâm, như ông nhà thuốc đó một tháng ổng cho một trăm đô. Một năm ổng đến một hoặc hai lần ổng thăm.
Thanh Trúc : Nhà nước cho một số tiền bao nhiêu?
Giáo viên : Mỗi cháu được một trăm rưỡi nghìn mỗi tháng.
Thanh Trúc : Tức là của Sở Giáo Dục & Đào Tạo? Mỗi em được một trăm năm chục ngàn đồng thì có đủ để chi trả hay không?
Giáo viên : Tất nhiên là không đủ rồi. Chí phí nặng quá.
Thanh Trúc : Bác sĩ phụ trách phòng bệnh xá của trường, ông Đào Đức Sơn, cho biết:
Ông Đào Đức Sơn : Những thứ bệnh nào xảy ra thường xuyên đều được quan tâm, nhất là các em bị động kinh. Chúng tôi phải luôn luôn chú trọng đến các em bị bệnh về thần kinh.
Giáo viên nói thêm : Thiểu năng và khuyết tật đấy. Ví dụ tay chân rồi vẹo đầu vẹo cổ như thế này đều phải chữa trị trong này.
Thanh Trúc : Còn những em bị chất đọc da cam chẳng hạn?
Ông Đào Đức Sơn : Chất độc da cam thì ở trong trường này cũng có. Đó cũng là ảnh hưởng tới não và những hình htức khác.
Thanh Trúc : Có lẽ cái phòng này gọi là phòng y tế chắc có lé phưong tiện không được dồi dào lắm phải không ạ, thưa Bác Sĩ?
Ông Đào Đức Sơn : Dạ. Đúng ra phong này chỉ là phòng gọi là sơ cứu thôi, chứ nếu đúng là phòng điều trị và những phòng tập để phục vụ chức năng cho các cháu thì phòng này không đáp ứng, tức là không đủ kích thước và đủ chỗ.
Thanh Trúc : Chỉ có 2 giường thôi ấy mà.
Ông Đào Đức Sơn : Dạ. Những phương tiện như là một cái ghế như thế này thì không thể có chỗ để đúng cho các cháu sử dụng rộng rãi và cái không khí phải thoáng, thoáng hơn như thế này nữa, tại vì cái phòng tập riêng và phòng điều trị riêng. Có những em đau ốm phải nằm tại chỗ.
Thanh Trúc : Đây là phòng vật lý trị liệu và tâm thần vận động, có thể nói là căn phòng rộng nhất, với cô giáo Mai Kha gắn bó trong nghể đã hai mưới năm nay. Thanh Trúc hỏi : Ngày nào các em cũng được vào đây sinh hoạt?
Cô Mai Kha : Dạ.
Thanh Trúc : Nhưng mà 10 lớp mà cái phòng chỉ chừng này, đồ đạc chứng này, quả là không có đủ phải không ạ?
Cô Mai Kha : Tiết đầu là lớp A, lớp Vành Khuyên. Tiết thứ hai là lớp Thỏ Trắng. Nó cứ lần lượt như vậy. Dạ, các em vô đây làm sao giải toả được tâm lý đó chị. Các em tự chơi, tự phát triển, đi đên ổn định tam sinh lý tuổi trẻ.
Thanh Trúc : Đối với các em thiểu năng ở đây thì vấn đề tâm thần trị liệu này với lại việc học chữ, học này kia thì cái nào quan trọng hơn?
Cô Mai Kha : Cả hai đều hỗ trợ cho nhau chị. Muốn cho các em ổn định về mặt tâm lý thì vào trong đây nó được giải toả tâm lý và cháu học thì cháu phát triển tốt hơn.
Thanh Trúc : Vì sao mà chị đeo đuổi công việc này tới 20 năm lận?
Cô Mai Kha : Cũng có một cái duyên đối với các cháu. Mình thấy hoàn cảnh của các cháu thì không dằn lòng được. Toàn thành phố Đà Lạt không có một người nào dám về đây để làm vật lý trị liệu. Song cuối cùng tôi phải từ viện, cô giám đốc mời lên đây để làm.
Thanh Trúc : Chắc là không dám cáng đáng.
Cô Mai Kha : Dạ, không dám cáng đáng vì ở đây quá vất vả đi. Phải hy sinh quá nhiều cho nên người ta rất là sợ. Có những cô giáo ở trường ngoài vào đây thăm các em mà cô đứng ở ngoài chứ không dám đứng ở đây. Phải nói ở đây các cô giáo phải có cái duyên mới được.
Thanh Trúc : Quý vị vừa nghe câu chuyện về trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan dành cho trẻ khuyết tật và tâm thần tại thành phố Đà Lạt. Theo như cô hiệu trưởng Hán Thị Đạo trình bày, trong khi chờ đợi được xây mới vào năm 2010, hiện trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng với cơ sở vật chất thiếu thốn, máy móc cũ kỹ, lớp học, phòng ăn, phòng ngũ và bệnh xá cần được trang bị tốt hơn để có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo cho những thiếu nhi nghèo và bất hạnh này:
Bà Hán Thị Đạo : Đến năm 2010 cô về đây là cô sẽ thấy một dãy phòng học khang trang, các phòng chức năng đều có hết. Nhưng mà riêng các thiết bị, dụng cụ về y tế này thì tất nhiên là sẽ thiếu thốn, thì lúc đó chắc có lẽ phải nhờ các cô vận động cho để trang bị cho dàn bên trong. Chứ bây giờ thì mọi cái cũ kỹ quá, có những cái đã hết thời gian sử dụng rồi nhưng mà vẫn phải tận dụng.
Thanh Trúc : Ứơc mong trường Thiểu Năng Hoa Phong Lan sẽ được Phòng Giáo Dục Đào tạo tỉnh biến thành ngôi trường kiểu mẫu dành cho trẻ khuyết tật tại tỉnh Lâm Đồng. Khi đó, thíêt tưởng việc cưu mang dạy dỗ hơn bốn trăm em tâm thần và chậm phát triển trong tỉnh Lâm Đồng không còn là một vấn đề nữa.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây xin tạm ngưng. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.