Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
New Caledonia, Nouvelle Caledonie hay Nouméa, hòn đảo có hình dáng một ổ bánh mì vàng óng nằm giữa vùng biển xanh biếc của Nam Thái Bình Dương, thơ mộng và hữu tình chẳng khác nào Côte d'Ivoire tức Bờ Biển Ngà nổi tiếng cùa Châu Phi.

Mời quí vị cùng Thanh Trúc đến Nouvelle Caledonie, còn gọi là Tân Đảo, tìm lại dấu vết người xưa và thăm viếng người Việt ngày nay. Lên phi cơ từ phi trường quốc tế Bangkok của Thái Lan đến phi trường quốc tế Sydney của Australia, rồi từ Sydney chúng ta lấy chuyến bay tiếp đến Nouvelle Caledonie
Máy bay đang hạ dần cao độ, lướt trên vùng đồi núi xanh tươi chập chùng, đáp xuống phi trường Tontouta. Mùa Đông ở đây là mùa hè ở Thái Lan và Việt Nam. Con đường từ phi trường Tontouta về thành phố Nouméa quanh co lên dốc xuống đồi, cây cỏ xanh tươi, chen lẫn bởi những cây thông tán xoè đẹp mắt.
Đến Tân Đảo mà lòng Thanh Trúc rộn ràng, Tân Đảo chừng như có điều gì muốn nói. Hơn một thế kỷ trứơc, người Việt mình, những nam nữ Chân Đăng, đã in dấu đời trên các khu mỏ Nickel và Chrôme của xứ sở này. Chân Đăng là từ đặc trưng thời bấy giờ, ám chỉ những người đăng ký đi phu qua Nouméa để làm công nhân trong các mỏ.
Thế nhưng hôm nay trong bài đầu tiên của loạt phóng sự về lại chốn xưa, xin qui vị đừng nóng vội, hãy cùng Thanh Trúc đi một vòng Nouméa, tìm hiểu nếp sống của người Việt trên đảo hiện giờ trước đã.
Trải dài 450 klômét giữa vùng Nam Thái Bình Dương, rộng 50 kilômét, Nouvelle Caledonie với thành phố Nouméa là nơi mà đến chỗ nào cũng thấy người Việt. Kia rồi, một quán cà phê giữa trung tâm thành phố, một người Việt là chủ nhân, anh Tâm.
Thanh Trúc : Anh mở quán cafe này hồi nào?
Anh Tâm : Năm 1990.
Thanh Trúc : Cửa tiệm xinh xinh như thế này có nhiều tiền không anh?
Anh Tâm : Hồi trước mua là 12 triệu, tiền Nouméa đấy.
Ông Nguyễn Bá Vinh, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Người Việt ở Nouméa, với một cơ sở khang trang rộng lớn ở phố Magenta, mà Thanh Trúc dám nói là lớn hơn bất cứ cơ sở sinh hoạt nào của cộng đồng người Việt trên thế giới.
Ông Vinh cho Thanh Trúc biết: "Người Việt Nam ở hết cả đảo này. Người Việt Nam đặc sệt chưa đến 3 ngàn người, mà tính thêm những người lai nữa thì đến 6 ngàn người. Hồi trước lúc năm 1960 mấy chuyến người Việt Nam về hết. Hồi ấy ông bà cụ già họ muốn về Việt Nam, song về sau thấy hơi buồn một số người bàn nhau lập nên một cái hội. Cuối cùng 39 người lập nên được cái hội năm 1974. Từ đó làm việc dần và có trụ sở rồi."
Thanh Trúc : Mình đang đi qua con đường Blanchaud có quán của người Việt Nam, chắc là họ ở đây lâu lắm rồi?
Ông Vinh : Vâng.

Thanh Trúc : Cái nhà lớn như vậy là của người Việt Nam?
Ông Vinh : Bên này người Việt Nam có nhiều nhà đẹp lắm, to lắm.
Thanh Trúc : À, mình đang di theo con đường này là đường Charles Marie, đang đi dọc theo biển. Biển ở đây rất là đẹp. Cũng trên đường Magenta có cửa hàng của người Việt Nam, họ bàn thứ gì trong đó vậy ông Vinh?
Ông Vinh : Đồ ăn, đồ uống.
Thanh Trúc : Những món ăn thuần tuý Việt Nam?
Ông Vinh : Đồ ấy chả thiếu gì. Bên này còn nhiều hơn bên Pháp.
Thanh Trúc : Đã tới trụ sở Hội Ái Hữu Việt Nam.
Ông Vinh : Cái này mình xin chính phủ. Lúc đầu mình xin một chỗ nhỏ, nhưng bây giờ đất của Hội tới trên núi trên kia. Mình mở rộng đường ra để đậu xe.
Thanh Trúc : Trong trụ sở này có chỗ để đánh bi sắt, có sân tennis nữa. Quý anh ở đây đã lâu chưa?
Khách nam : Bố làm mỏ Chân Đăng. Hồi ấy tôi học ở Trường Đắc Lộ năm 60-63.
Thanh Trúc : Anh với anh Dân sinh đẻ ở Nouméa. Nhưng hồi xưa cho về Việt Nam đi học ở trường Việt Nam?
Khách nam : Ở đây không có trường để học tiếng Việt Nam cho nên phải về đấy để học nói và viết tiếng mẹ đẻ mà.
Thanh Trúc : Thế em bé này đang làm gì đây?
Khách nữ : Các em bé đây chơi thể thao. Các em bé này hết giờ học thì được bố mẹ đón về đây cho chơi tập thể thao.
Thanh Trúc : Bà đó là người Việt Nam hay sao?
Khách nữ : Không. Là người Tây ạ.
Thanh Trúc : Chị ở Nouméa lâu chưa?
Khách nữ : Tôi đẻ ở bên này. Bố mẹ tôi về Việt Nam và chết bên Việt Nam ấy.
Thanh Trúc : Tại sao có nhiều người ở Nouméa lâu nhé, có nhà cửa ở đây rồi, họ đi về Việt Nam, xong rồi họ lại xin trở qua đây.
Chúng tôi sinh đẻ bên này, song đến lúc hồi hương về Việt Nam thì tất cả bố mẹ và tất cả anh em hồi hương Việt Nam. Còn tôi lấy chồng, tôi theo chồng thì tôi ở lại. Còn những người ấy họ về Việt Nam họ sống theo người Việt Nam, song họ có thể ra ngoài được thì gia đình ở đây lại giúp cho họ sang. Cho nên nhiều người về Việt Nam rồi lại quay sang xứ này.
Khách nữ : Chúng tôi sinh đẻ bên này, song đến lúc hồi hương về Việt Nam thì tất cả bố mẹ và tất cả anh em hồi hương Việt Nam. Còn tôi lấy chồng, tôi theo chồng thì tôi ở lại. Còn những người ấy họ về Việt Nam họ sống theo người Việt Nam, song họ có thể ra ngoài được thì gia đình ở đây lại giúp cho họ sang. Cho nên nhiều người về Việt Nam rồi lại quay sang xứ này.
Thanh Trúc : Phải nói là người Việt Nam mình ở Nouméa cũng giỏi giang và cũng làm được nhiều chuyện, phải không chị?
Khách nữ : Nhiều người cũng phải hy sinh cho nên mới được như vậy đấy.
Thanh Trúc : Nhưng mà có giữ văn hoá của mình hay không?
Khách nam : Vẫn giữ chứ. Vẫn có lớp dạy tiếng Việt Nam cho trẻ và dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam mới sang.
Chị Mừng và chị Yến, đến học tiếng Pháp tại Hội Ái Hữu Người Việt: Qua hồi đầu tháng 1-2007. Ông chồng em là người Việt sang đây hồi năm ổng 19 tuổi. Năm 1961 ổng bảo lãnh em sang đây rồi làm đám cưới ở đây luôn. Xong em trở về Việt Nam làm giấy tờ mới đi sang trở lại đây. Quê nội em thì ở Long Xuyên.
Thanh Trúc : Còn chị bên kia là chị Yến.
Chị Yến : Em qua năm 1961.
Về quá trình xây dựng trụ sở Hội Ái hữu Người Việt ở Nouvelle Caledonie, ông Nguyễn Bá Vinh kể là Hội dược xây năm 1979.
Ông Vinh : Chưa khánh thành, mới xây được cái nhà nhỏ, sân đá bóng, ba cái sân đánh bóng rổ, xong mời họ đến. Họ đến họ hỏi tiền ở đâu ra mà làm? Thì tiền quỹ với công lao của hội viên, bởi vậy phải giúp. Do đó họ mới cho 20 triệu. 20 triệu là xây hội trường ở trên.
Thanh Trúc : Rồi mình mới xây thêm thứ khác?
Cách Nhà Việt Nam của Hội Ái Hữu Người Việt Caledonie non trăm mét là ngôi chùa Quan Âm Phổ Đà, xây từ năm 2001. Vị trụ trì cho biết :
“Dạ thưa tôi là đại đức Thích Giác Thiền ở chùa Phước Huệ được đến trụ trì ở đây. Ở đây thường thường thứ bảy và chủ nhật có sinh hoạt. Có khi khoảng mươi mười lăm người. Chủ nhât trung bình khoảng 25-30 người. Ở xứ này thì chỉ có vậy thôi.”
Rời khu Magenta, nơi có Hội Ái Hữu Người Việt và chùa Quan Âm Phổ Đà, mới quí vị đến khu Vallée Du Tir đến nhà thờ Việt Nam.
Thanh Trúc : Vallée Du Tỉr có xa khu Magenta không ạ?
Ông Vinh : 3 cây số.
Thanh Trúc : Trên đường mình đi tới Vallée Du Tir có một tiệm kêu là Super Mart của người Việt Nam. Dạ tiệm mở lâu chưa, thưa bà?
Bà chủ : Cái này mở năm 1966, trên 40 năm. Quán bán đủ thứ, cả sách, đồ chơi, có miến, có đủ, có bắp cải, có món cari, và bán cả bánh mì.

Chúng ta sắp tới nhà thờ Kytô Vua ở Vallée du Tir. Có thể nói là mấy chục năm về trước, hội đoàn đầu tiên và lớn nhất của người Việt ở Nouvelle Caledonie chính là Hội Công Giáo, nguồn gốc của nhà thờ Kytô Vua sau này.
Thanh Trúc : Nhà thờ này xây từ năm nào ạ?
Đáp: Năm 1955 là nhà cũ. Năm 1976 xây lại mới. Còn ngôi thánh đường này năm 1955. Nhà thơ Kytô Vua dành riêng cho người Việt Nam.
Thanh Trúc : Năm 2005 tổ chức cái gì lớn lắm phải không ạ?
Đáp: Năm đó có mời Đức Cha Toàn, Phó Tổng Giám mục ở Sài Gòn. Thành phố Nouméa của Nouvelle Caledonie có những con đường dốc rất đứng mà nếu không quen lái thì quí vị sẽ rất ngại ngùng. Chúng ta đã lên đến một khu khác là Vallée des Colons, có nhiều ngôi nhà rộng lớn của người Việt Nam:
Thanh Trúc : Anh có nói là xóm này có mấy nhà Việt Nam?
Ông Vinh : Hồi ấy họ gọi nhau hễ có nhà nào xây thì họ đến họ giúp nhau.
Thanh Trúc : Đâm ra là nhà to lớn.
Ông Vinh : Nhà lớn là tại vậy. Bây giờ mà xây một cái nhà thì chết tiền.
Thanh Trúc : Hai cái nhà trắng trên đồi cao ấy cũng là người Việt Nam? Rồi có cái nhà có trồng cây chuối đó cũng là người Việt Nam.
Ông Vinh : Cũng của người Việt Nam.
Thanh Trúc : Vậy là Valllée dé Colons có nhiều người Việt Nam quá.
Ông Vinh : Nhiều lắm. Cuối con dốc thoai thoải của Vallée des Colons, mời quí vị bứơc vào cửa hàng bán băng và đĩa nhạc của chị Chu thị Quán:
Thanh Trúc : Có nhạc Việt Nam ở đây không chị?
Chị Quán : Không. Không. Tại vì người ở đây thích musique Tây, không có musique de Vietnam.
Thanh Trúc : Như vậy ở đây không có nhạc Việt Nam.
Chị Quán : Không có.
Thanh Trúc : Người Việt Nam ở dây có kiếm những dĩa nhạc Việt Nam hay những DVD Việt Nam để coi không?
Chị Quán : Chính họ muốn thì tôi cũng không biết mua ở đâu. Bây giờ chúng ta lại ghé đến một cửa tiệm khác ở Koutio, Superette Feu Vert. Ở đây bán thực phẩm Việt Nam và bán các đồ dùng trong nhà. Có những cái chậu bằng sứ bằng sành từ Việt Nam đem qua. Bên trong tiệm thì bán thực phẩm, rất là nhiều giống như một tiệm thực phẩm Á Đông ở Hoa Kỳ hay là ở bên Pháp.

Người Việt ở Nouvelle Caledonie phần lớn sống bằng nghề buôn bán, mở siêu thị, quán ăn. Nếu Thanh Trúc kể với quý vị hết đêm của những khu buôn bán thì có lẽ quý vị chẳng thể nào nhớ nổi.
Cũng có những người trẻ năng động, làm giàu bằng cơ xưởng kinh doanh bề thế như anh Bùi Công Cường, chủ nhân Serical Ducos, dưới tay khoảng ba chục nhân viên. Bùi Văn Cương, anh ruột của Cường, là chủ nhân cơ sở in ấn Artypo, với hơn 50 công nhân.
Đã có năm thế hệ người Việt tiếp nối ở Noumea , tổ tiên ông bà là các Chân Đăng, những người miền Bắc đi làm phu mỏ ở đây cả trăm năm trứơc.
Đầu thập niên 1960, nhiều Chân Đăng và con cái, không còn làm phu và đã vào quốc tịch Pháp, xin trở về Việt Nam. Sau đó, một số người đăng ký trở qua Nouméa, được chính phủ Pháp chấp thuận cho hồi hương.
Ông Vinh : Họ sang đây họ rất chịu khó làm. Không mấy năm là họ đuổi kịp những người ở lại đây.
Thanh Trúc : Lý do vì sao họ giỏi vậy?
Ông Vinh : Tại họ biết cái khổ ở Việt Nam. Những dân sinh đẻ ở lại đây không biết cái khổ. Bên này chịu khó làm là có tiền.
Trên đường phố Nouméa một buổi chiều, Thanh Trúc đã gặp một nhóm thiếu niên gốc Việt. Mặc dầu hiểu được lời thăm hỏi của Thanh Trúc nhưng chẳng em nào trả lời tiếng Việt cho suông sẻ. Chừng như con trẻ Việt Nam ở Nouméa không rành tiếng Việt bằng người trẻ ở Hoa Kỳ.
Mà tại sao có tên Tân Đảo hay Tân Thế Giới? Thưa Tân Đảo là tên của Nouvelle Caledonie, nơi có nhiều khoáng sản mà người Chân Đăng đến làm phu mỏ lúc xưa. Tân Thế Giới là tên gọi của đảo Vanuatu, cách Nouméa không xa.
Người Chân Đăng đến Vanuatu chỉ để trồng dừa và cà phê. Năm 1980, Vanuatu độc lập, tách khỏi nứơc Pháp, trong lúc Nouvelle Caledonie vẫn là một lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, từ Vanuatu qua Nouméa năm 1981, trở thành nhà thầu xây dựng rất thành công, nói về đời sống của người Việt ở chốn này:
Ông Phúc : Tôi tới đây cũng làm ăn như mọi người. Tôi thấy ở đây thư thái hơn vì ở đây Pháp mỗi năm người ta viện trợ tiền nhiều hơn. Bên kia người Việt làm không có nhiều đâu.
Thanh Trúc : Hình như những người ở dây, con cái của họ thì họ cho đi ngoại quốc học hết?
Ông Phúc : Các con tôi, tôi cho sang Canada đi học.
Thanh Trúc : Nói chung người Việt Nam ở đây người nào cũng có nhà có cửa có tiền bạc?
Ông Phúc : Ở đây chuyện thất nghiệp thì không có. Chúng tôi ở đây có thể nói là trung lưu. Người giàu ở đây cũng nhiều lắm.
Câu chuyện người Việt ở Nouméa còn dài, Thanh Trúc xin tạm ngừng ở đây và hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.