Càng gần đến ngày lễ, những hoạt động, những dự án càng được triển khai rầm rộ trên nhiều lĩnh vực. Nhưng không phải dự án nào cũng đạt được sự đồng thuận của người dân. Sự lãng phí, bệnh thành tích, thiếu một tầm nhìn lâu dài…trong tư duy tổ chức của chính quyền các cấp cũng bộc lộ ra qua khá nhiều hoạt động và dự án chung quanh lễ kỷ niệm “1000 năm Thăng Long”. Tình hình ấy được phản ánh trên một số trang Blog trong tuần qua, đặc biệt là đối với một số dự án bị đánh giá là phù phiếm.
Đúc 1.000 con rồng
Ngày 1.6.2009, khi Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành công văn thông báo đồng ý cho “Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn được tổ chức đúc và giới thiệu 1.000 sản phẩm rồng thời Lý, là một hoạt động chính thức trong chương trình đại lễ 1.000 năm Thăng Long.” , báo Tiền phong ngày 14.3.2010 có bài “1000 con rồng- để làm gì?”:
Chẳng lẽ đất Thăng Long ngàn năm văn vật không còn ai đáng mặt tài tử giai nhân, anh hùng liệt nữ sao mà cứ xúm xít quanh ông Trần Thủ Độ để khai thác đề tài?
Hoàng Phủ Ngọc Phan
Theo lời Công ty Đông Sơn thì “1.000 con rồng được đúc bằng đồng nguyên chất, hai mắt gắn đá quý, dựa trên nguyên mẫu rồng thời Lý”, và “những con rồng bằng đồng này được Cty sáng tạo ra từ “ý kiến đóng góp của các nhà sử học, mỹ thuật, văn hóa và điêu khắc hàng đầu Việt Nam” …Được biết, những con rồng này không chỉ để mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mà còn được đem bán đấu giá từ thiện. Bài báo băn khoăn “Để mở những phiên đấu giá, sản phẩm mang đấu luôn phải có giá trị độc đáo và nổi bật. Giá trị nổi bật của những con rồng - cơ sở của việc đấu giá qua truyền hình và Internet - sẽ là gì?”. Chưa kể, “Những con rồng của Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn có thể sẽ là tiền lệ cho hàng loạt rồng bằng đá, bằng mây tre đan, bằng gỗ lũa, bằng hoa giấy... đua nhau chào khách từ nay đến ngày đại lễ.”
Không nhẹ nhàng như bài viết trên báo Tiền Phong, blogger Cây Sậy thẳng thừng chỉ ra những chi tiết bịa, sai và xấu cũng như kỹ thuật đúc quá kém của mẫu sản phẩm rồng thời Lý do công ty Đông Sơn vừa đúc xong với mẫu rồng thời Lý trong các sách mỹ thuật từ trước đến nay và khẳng định:

“Bất kỳ ai được học 1 tý thôi, về Mỹ thuật Lý cũng có thể nhận thấy như tôi.
Bất cứ ai được học 1 tý thôi, về đúc đồng cũng có thể nhận thấy như tôi.
Vậy mà báo Dân Trí "lăng-xê": "Sản phẩm được thiết kế dựa trên những ý kiến đóng góp của các nhà Sử học, Mỹ thuật, Văn học và Điêu khắc."
Vậy mà Chinhphu.vn ca ngợi “đúc dựa trên cơ sở những công đoạn cổ truyền của ông cha kết hợp với các phương pháp cải tiến hiện đại “.
Tác giả gọi đó là "Rồng thời Lý…toét" và tự hỏi: "Tại sao UBND Thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chấp thuận và giao cho Công ty CP Mỹ nghệ Đông Sơn đúc những sản phẩm như vậy?
Đại lễ 1.OOO năm mà sao qua quýt, vô trách nhiệm đến thế?”
Những bộ phim tiền tỷ
Trang bauxitevietnam đăng bài “Phim “mừng’ 1000 năm: Om sòm và lặng lẽ!” của tác giả Hồng Hà đặt câu hỏi vì sao khác với các dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đều được tung hô rầm rộ, hàng loạt bộ phim điện ảnh và truyền hình có kinh phí từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng để mừng dịp đại lễ này lại được tiến hành một cách âm thầm, lặng lẽ, những người làm phim luôn tỏ ra kín đáo hết mức trong việc thông tin cho báo chí. Hỏi tức là đã trả lời. Thật ra trước đó các bộ phim cũng có thời kỳ được quảng bá… hoành tráng, như dự án phim truyện nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn. Nhưng ngay sau đó vấp phải sự soi mói của báo chí và công luận, chưa kể chuyện tranh cãi, kiện tụng giữa những người làm phim vể vấn đề kịch bản, đạo diễn v.v…nên có lẽ để rút kinh nghiệm, các bộ phim khác đều kín tiếng.
Đâu rồi gam màu làm nên sự cổ kính, u tịch của chứng tích cổ xưa, như một "dấu lặng" cần thiết giữa Hà Nội ồn ã, náo nhiệt bây giờ.
Ong Mi
Vấn đề là khi những thông tin và hình ảnh về các bộ phim bị rò rỉ ra, mọi người càng thêm bức xúc vì một vài bộ phim đang tiến hành trông chẳng khác nào phim Trung Quốc, do bối cảnh được quay ở trường quay bên Trung Quốc, ( như cả hai phim truyền hình nhiều tập “Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long” và “Thái sư Trần Thủ Độ” đều được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Triết Giang, Trung Quốc), phục trang, đạo cụ, tạo hình nhân vật rất giống với phim Trung Quốc, thậm chí đạo diễn phim “Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long” (Cận Đức Mậu) cũng là người Trung Quốc, ông cũng là đạo diễn bộ phim không xa lạ với khán giả Việt: “Tuổi trẻ của Bao Thanh Thiên.”! Bài viết đặt vấn đề liệu các bộ phim có rơi vào tình cảnh “hồn Ta da…Trung Quốc” không, và “liệu sau những dự án làm phim chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long, dòng phim dã sử của Việt Nam sẽ đi về đâu, những người làm phim có tiếp tục làm phim lịch sử? Nếu tiếp tục làm thì chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Bài toán này dù khó nhưng nhất thiết phải được đặt ra, chứ không thể mãi “ăn xổi” theo kiểu đến một dịp nào đó, lại cầm tiền chạy sang thuê một ông đạo diễn Trung Quốc làm hộ và sang Hoành Điếm để quay nhờ…”
Việc làm phim về nhân vật Trần Thủ Độ cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trong bài “Đôi điều xin cân nhắc” đăng trên trang bauxitevietnam, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan nhắc lại Trần Thủ Độ là một nhân vật làm tôi nhà Lý mà cướp ngôi nhà Lý, khi vua Lý Huệ Tông đã bỏ đi tu mà Thủ Độ còn vào tận chùa bức tử để sau đó đoạt luôn vợ của vua, bước kế tiếp là lập mưu tận diệt con cháu họ Lý; lấy cớ cần phải có một dòng họ Trần thuần chủng, bắt người trong họ Trần phải lấy nhau, không được lấy người khác họ-đây là cách làm cho mọi người cùng vấy bẩn để che dấu tội loạn luân của mình…Tác giả nhận xét:
“Trong lịch sử chưa từng thấy nhân vật nào đại gian, đại ác, bại hoại cương thường luân lý, bất trung, bất nghĩa, bất nhân đến như vậy.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lấn thứ nhất, đúng là Thủ Độ có vai trò tích cực được ghi nhận qua câu nói: đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.

Nhưng vào đời Trần, không chỉ Thủ Độ mà cả trăm vạn con dân nước Việt cũng đều có được tinh thần quyết chiến quyết thắng ấy. Vả lại không có thứ công lao nào xóa được những tội ác trời không dung đất không tha của Thủ Độ. Càng không thể có thứ mục đích nào biện minh được cho nhân cách của ông ta”. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội không chỉ có phim “Trần Thủ Độ và người tình” mà vở kịch nói “Anh hùng và Mỹ nhân” (Huy Chương Vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc) , nội dung cũng lại xoay quanh chuyện Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng…Tác giả đặt câu hỏi : “Chẳng lẽ đất Thăng Long ngàn năm văn vật không còn ai đáng mặt tài tử giai nhân, anh hùng liệt nữ sao mà cứ xúm xít quanh ông Trần Thủ Độ để khai thác đề tài?”
Mới đây, lãnh đạo Hà Nội vừa quyết định chi 50 tỷ đồng để chỉnh trang lại 75 tuyến phố, trong đó nhiều tuyến phố cổ được sơn đồng màu đã khiến dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình.
Bài “Đồng loạt sơn nhà mặt phố:quá lãng phí?” trên trang bee.net.vn viết : “Khi được hỏi, nhiều người dân đồng thời cho rằng, việc làm này là lãng phí và không cần thiết. Với số tiền trên có thể đem đầu tư cho hạ ngầm hệ thống dây cáp điện, không nhiều nhưng cũng có được một vài phố quang đãng. Như vậy sẽ thiết thực hơn”, có người thì bảo“nhà cửa phải muôn màu mới đẹp chứ. Hơn nữa, màu sơn của mỗi nhà được chọn theo ý thích, nhu cầu, khả năng tài chính, phong thuỷ của chủ nhân, chứ đâu cứ sơn bừa mà xong.”.
Nếu công trình lịch sử nào cũng mang ra cải tạo, chỉnh trang một cách bừa bãi như thế này, thì không phải Hà Nội kỷ niệm nghìn năm lịch sử nữa mà là đang phá đi.
Nguyễn Minh Đức
Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập thì tỏ ra dị ứng với việc ra quân đồng loạt này “… nghe nói đến cuộc ra quân sơn quét này ai cũng giật mình. Sơn quét mặt phố là tạo ra thẩm mỹ cho Thành phố, phàm là cái đẹp không thể làm ào ào được, nó đòi hỏi sự lao động tỉ mẩn của những người có gu thẩm mỹ cao, đừng nhầm tưởng quét màu như quét rác, việc gì cũng có thể ra quân.” Theo tác giả “…ai cũng biết làm kiểu phong trào, chạy theo số lượng này chắc chắn chất lượng sẽ không cao. Được vài hôm mưa nắng bong tróc hết trong khi chưa đến ngày đại lễ thì làm thế nào, chẳng nhẽ lại huy động một cuộc ra quân đồng loạt, lại chi thêm nhiều chục tỉ nữa để sơn quét lại cái đã sơn quét ư? Thậm vô lý”.
Tu bổ hay phá hỏng?
Người dân Hà Nội lại càng thêm bức xúc khi lãnh đạo thành phố quyết định "Cải tạo, chỉnh trang khu vực Tháp nước Hàng Đậu phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội"
Tháp nước Hàng Đậu – di tích nay đã hơn 100 năm tuổi, được chính lãnh đạo Thành phố Hà Nội coi là “công trình kiến trúc lịch sử văn hóa”, nổi tiếng với kiến trúc tròn, cân đối và màu sắc tự nhiên của những viên đá cũ, hài hòa với màu bê-tông thô mộc cùng một tông cổ kính, trầm buồn.
Nay lãnh đạo Hà Nội và các cơ quan chức năng đồng ý chi ngân sách để các nhà thầu trát vá, chỉnh trang ngoại thất tháp nước; làm mới cửa sắt, hoa sắt cửa sổ tháp nước; lợp mới mái tôn; lát mới hè… Người dân bất bình vì công trình này chưa đến nỗi hư hỏng gì để phải tôn tạo mà lại tôn tạo một cách bừa bãi, thiếu thẩm mỹ và không tôn trọng nguyên gốc cũ, đặc biệt là việc cho sơn xanh toát, trắng nhởn toàn bộ từ trên xuống dưới bên ngoài tháp nước.

Có khá nhiều bài báo, ý kiến lên tiếng về việc này. Bài "Sơn xanh, phá nham nhở di tích cổ giữa Hà Nội" của tác giả Ong Mi đăng trên trang bee.net.vn viết: "Đâu rồi gam màu làm nên sự cổ kính, u tịch của chứng tích cổ xưa, như một "dấu lặng" cần thiết giữa Hà Nội ồn ã, náo nhiệt bây giờ? Ông Vĩnh Toàn sinh ra, lớn lên ở phố Hàng Bông thì khẳng định chính gam màu "chìm" của Tháp nước Hàng Đậu như hàng trăm năm nay vẫn vậy đã làm nên vẻ đẹp rất quý, rất lạ của tháp." Và "Phải chăng đến giờ phút này, khi bước sang thế kỷ 21 đã lâu và chỉ chưa đầy 200 ngày là đến Đại lễ nghìn năm, các nhà chức trách Hà Nội vẫn tự cho mình quyền tôn tạo di tích lịch sử một cách cực kỳ dễ dãi là đục phá ra, trát lại, thay cửa sắt mới tinh và sơn trắng toát… tựa như sửa chữa, làm mới lại nhà riêng của mình?" Nhà văn Nguyễn Quang Lập than thở "hết dự án đúc đồng một nghìn con rồng, đến dự án sơn quét thành phố. Nói rồi cả hai chắp tay vái cái tháp nước Hàng Đậu, nói lạy trăm ngàn mớ lạy các bác dự án, tụi em chán lắm rồi, hu hu." Một bài viết khác trên trang bee.net.vn "Người ta đang "trát phấn" cho cụ già ngàn năm?" trích đăng một số ý kiến trong đó có ý kiến của nhà hoạt động nghệ thuật Nguyễn Minh Đức như sau "Nếu công trình lịch sử nào cũng mang ra cải tạo, chỉnh trang một cách bừa bãi như thế này, thì không phải Hà Nội kỷ niệm nghìn năm lịch sử nữa mà là đang phá đi, làm mất đi nghìn năm lịch sử của Thủ đô. Có lẽ chúng ta đang kỷ niệm một năm Thủ đô chứ không phải là 1000 năm nữa. Chúng ta đang đánh mất đi ba số 0 lịch sử của Thủ đô" .
Với một tư duy chưa đủ tầm, thay vì biến sự kiện 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thành một cơ hội hiếm có trong việc chỉnh trang, quy hoạch, làm đẹp đô thị, xây dựng những công trình có ích thật sự cho người dân và là niềm tự hào để lại cho con cháu, đại lễ này lại đang trở thành một dịp để một số người có chức có quyền vẽ ra những dự án phù phiếm, hầu có dịp tiêu tiền thuế của nhân dân một cách không biết xót!
Theo dòng thời sự:
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Hà Nội được chọn là một trong 10 đô thị sạch nhất tại VN
- Văn miếu được công nhận di sản tư liệu thế giới
- Cần một sự thỏa hiệp để bảo tồn và phát triển phố cổ
- Lấy lại phố cổ Hà Nội
- Những vấn đề của đô thị Việt Nam