Nghĩ gì từ “Sự kiện Ngô Bảo Châu”?

Ngày 19-8 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thành phố Hyderabad, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhận được giải thưởng Fields - giải thưởng toán học danh giá của thế giới.

0:00 / 0:00

Cùng nhận được giải thưởng này năm nay có ba nhà toán học khác đến từ Israel, Thụy Sĩ và Pháp.

Lập tức, báo chí truyền thông Việt Nam “mở hết công suất” đưa tin, viết bài về sự kiện này. Ngay từ nhiều ngày trước đó, khi thông tin về việc giáo sư Ngô Bảo Châu có khả năng sẽ đoạt giải thưởng Fields, các bài viết về giáo sư Ngô Bảo Châu đã tràn ngập khắp các trang báo trong và ngoài nước, có báo khai thác đến hàng chục bài, thế giới blog cũng không kém - có trang blog cá nhân làm luôn năm, bảy bài! Rõ ràng lâu lắm rồi Việt Nam mới có một nhân vật đạt được thành tựu tầm mức thế giới trong lĩnh vực toán học nói riêng và trong bất cứ lĩnh vực nào nói chung, và do đó, được đề cập nhiều và ca ngợi hết lời như vậy!

Báo chí truyền thông ca ngợi

Thế nhưng đố có ai ở Việt Nam hiểu được cái bổ đề Langlands của em Châu là cái gì, nó sẽ có tác dụng gì cho loài người?<br/>

BS Hồ Hải

Search vào google tên giáo sư Ngô Bảo Châu ngay lập tức sẽ cho ra khoảng hàng triệu kết quả và chỉ cần nhìn lướt qua các tít bài báo, sẽ thấy báo chí không còn thiếu từ gì để ca ngợi giáo sư Ngô Bảo Châu. Dần dần sự nồng nhiệt, phấn khích trở nên quá đà khiến nhiều người ở ngoài cuộc cũng bắt đầu thấy chướng và phải lên tiếng giùm giáo sư.

Blogger Đông Ngàn bình luận: "Chẳng có gì đáng ầm ĩ về giải thưởng của Ngô Bảo Châu": "…Đọc báo thấy Châu được đưa lên mây xanh, Châu như kẻ cứu rỗi cho nền toán học Việt Nam.

Đúng là phù thịnh!… Nghĩ về Ngô Bảo Châu tôi thấy mừng cho anh nếu có tấm huy chương thừa nhận đóng góp về khoa học. Còn chuyện được giải của Châu tôi thấy chẳng có gì đáng mừng hú lên, đến mức tưởng như Châu sắp xốc nách nền toán học Việt Nam bay lên phía trước ngang thế giới đến nơi như một bang chủ trong kiếm hiệp. Hão huyền quá.

Được giải hay không được giải thì Châu đã tự cháy sáng lên từ nhiều năm nay rồi. Anh đã có chỗ đứng trong bản đồ toán học thế giới. Cái giải hôm nay chỉ là đánh đấu mốc vinh quang của anh thôi…”

Bàn về "Chuyện phiếm toán học", bác sĩ Hồ Hải:

“Tôi làm thử một cú gúc gù (google) xem độ nóng của em Châu đến mức nào? Thì chỉ 0.20" có kết quả với 12,8 triệu lượt bằng tiếng Việt nói về em. Thế mới thấy mức độ tự sướng của dân mình quả thật là vô địch thiên hạ. Thế nhưng đố có ai ở Việt Nam hiểu được cái bổ đề Langlands của em Châu là cái gì, nó sẽ có tác dụng gì cho loài người?”

GS Ngô Bảo Châu và huy chương Fields trong lễ khai mạc Đại hội toán học quốc tế tại Hyderabad, ngày 19 Tháng 08 năm 2010. AFP PHOTO / Noah SEELAM.
GS Ngô Bảo Châu và huy chương Fields trong lễ khai mạc Đại hội toán học quốc tế tại Hyderabad, ngày 19 Tháng 08 năm 2010. AFP PHOTO / Noah SEELAM.

Blogger Mr. Do cho thái độ đó của người Việt như một kiểu phải giành giật huy chương bằng mọi giá: "Người ta chỉ cần thế là đủ, không cần phải tìm hiểu việc giải cái bổ đề đó thì có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới, cũng chẳng cần nhìn lại nền toán học - rộng hơn là khoa học - của nước nhà đang gặp những vấn đề gì." Và: "Cơn hưng phấn của báo chí Việt Nam sôi nổi tới mức "nạn nhân" phải lên tiếng: "Sự manh động của một số bạn nhà báo có thể làm mất mặt quốc gia, và các bạn đó có thể phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình". Tôi thích lời cảnh báo này!"

Khi mọi thông tin về giải thưởng, cuộc sống, công việc trong hiện tại và những dự định trong tương lai của giáo sư Ngô Bảo Châu đã được khai thác hết, báo chí quay sang khai thác những thông tin đời tư từ lúc còn nhỏ, đi học, yêu đương ra sao, bạn bè thầy cô cũ nói gì về Ngô Bảo Châu, cả những trang blog cá nhân của nhà toán học cũng bị soi vào. Nhà thơ Đỗ Trung Quân gọi đó là "Hai mặt của tấm huy chương Fields":

“Tổng thống Pháp cũng chúc mừng và cảm ơn ông khi ông đồng thời mang lại niềm vinh dự cho nước Pháp - ông vào quốc tịch Pháp 2010. Nước Pháp làm vừa đủ thái độ trân trọng và văn hóa ứng xử lịch lãm.

Nước ta chưa kết thúc ở đấy. Tuổi nhỏ của GS đã được xới lên. Trang Blog của GS đã được trưng bày, sắp tới sẽ là phòng ngủ và toilet. Giáo sư khổ rồi. Đời tư của ông với kiểu cách của báo chí Việt Nam sẽ không còn là đời tư nữa. Hai mặt của tấm huy chương là thế. Chia sẻ niềm vinh hạnh là người Việt Nam với ông và cũng chia sẻ nỗi mệt mỏi sắp có của ông qua báo chí nước nhà…”

Nhà thơ Trần Tiến Dũng chỉ trích cách mà báo chí ví giải thưởng fields là "Nobel toán học": "Nhưng về mặt chính danh giải Fields là giải Fields, đâu có mắc mớ gì mà giới truyền thông tiếng Việt cứ tự tiện mở ngoặc kép, đóng ngoặc kép viết là giải "Nobel toán học" (cứ gõ Google là hiện lên một đống báo trong nước, web nước ngoài, cả những hãng tin lớn có trang tiếng Việt).

Tính tự trọng ở đâu mà trước dư luận Việt Nam, trước ông Giáo Sư Ngô Bảo Châu, trước hội đồng trao giải Fields, mà tự sướng khi làm ồn đưa tin đó là giải “Nobel toán học.”

Nhà nước cũng o bế

Giáo sư khổ rồi. Đời tư của ông với kiểu cách của báo chí Việt Nam sẽ không còn là đời tư nữa. Hai mặt của tấm huy chương là thế.<br/>

Ô. Đỗ Trung Quân

Không chỉ giới truyền thông, nhà nước Việt Nam cũng tỏ ra hết lòng "chiêu hiền đãi sĩ". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đến tận nhà riêng thăm Ngô Bảo Châu và mời Ngô Bảo Châu đảm nhận trọng trách Viện trưởng hay Viện trưởng danh dự của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Cấp cao về Toán học. Thậm chí còn nói rằng Chính phủ có nhã ý "tặng giáo sư Ngô Bảo Châu một căn hộ để giáo sư có thể thuận lợi hơn khi về nước công tác" (theo VietnamNet). Khi thông tin chính thức về việc Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields từ Hyderabad, Ấn độ dội về, báo chí loan tin ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ cùng một phái đoàn trong ngành giáo dục ra tận sân bay Nội Bài đón Ngô Bảo Châu và một buổi lễ mừng thành công của giáo sư sẽ được tổ chức trọng thể. Cũng theo Vietnam Net, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công văn và hồ sơ sang Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu.

Giới blogger nghĩ gì về sự trọng thị này của nhà nước Việt Nam dành cho nhà toán học Ngô Bảo Châu? Blogger Mai Xuân Dũng nhận xét: "Nên làm tốt còn nói tốt ít thôi": "Nói thật, cách ứng xử của nhà nước ta đối với con người nói chung, lúc nào cũng cho thấy một cái gì đó gờn gợn thiếu tự nhiên. Ngay cả việc ca tụng nghệ sỹ Đặng Thái Sơn trước đây và giáo sư Ngô Bảo Châu ngày nay cũng vậy. Thái độ của chúng ta thật sự là tiền hậu bất nhất. Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn khi đi dự thí giải âm nhạc quốc tế Frédríc Chopin, nước ta có ai đoái hoài. Ngay đại sứ quán còn chẳng thèm biết tới, bảo sao mà Sơn chẳng chọn Canada làm bến đỗ cho đời và xin nhập quốc tịch quốc gia này.

Trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu thì từ năm 2008, nhà toán học tài ba này đã đưa lên một chứng minh Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie và đến năm 2009, Châu đưa ra Kết quả chứng minh bổ đề cơ bản Lanlands và được tạp chí Time bình chọn là 1 trong mười phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Trong lúc đó người nước ngoài hết sức ngạc nhiên khi thấy chẳng có tờ báo cũng như TiVi từ Việt nam đưa tin chứ đừng nói đến có ai đại diện bộ Giáo dục và cơ quan nào ở cấp nhà nước gửi thư hoặc điện chúc mừng.”

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho GS. Ngô Bảo Châu - Trường Đại học Paris-Sud, Pháp – tại Đại hội Liên đoàn Toán học Quốc tế ở Hyderabad ngày 19/8/2010. AFP PHOTO / Noah SEELAM.
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho GS. Ngô Bảo Châu - Trường Đại học Paris-Sud, Pháp – tại Đại hội Liên đoàn Toán học Quốc tế ở Hyderabad ngày 19/8/2010. AFP PHOTO / Noah SEELAM.

Thậm chí nhiều người còn cho rằng những hành động này từ phía nhà nước là có ý đồ chính trị chứ chưa chắc đã thật sự biết quý trọng tài năng.

Blogger Tào Lao viết trong bài "Về đây nghe em": "…báo chí, truyền thông Việt Nam đang "đưa GS lên mây" nhằm mục đích gì? Tôi không nghĩ vấn đề ở đây chỉ nhằm đề cao cái sự học, vì quả thực nếu có như vậy không phải là tốt lắm ru? Mà qua đó, muốn định hướng cho chúng dân Việt Nam, nhứt là những người đang được sự giáo thụ ngay tại Việt Nam thấy được sự vĩ đại của nền giáo dục dưới mái trường XHCN."

Blogger Đào Hữu Nghĩa Nhân thì có suy nghĩ khác: "…vì sao có hiện tượng bất thường như vậy trong việc ưu ái tài năng của Ngô GS?

Phải chăng vì sự quá nổi tiếng của GS, hay vì những kiến nghị của GS không ủng hộ việc chủ trương lớn của đảng và nhà nước trong việc khai thác bauxit, bất chấp sự ngăn cản của đa số người dân?

Bản thân những kẻ chăn cừu đang sợ hãi những phản ứng có thể có cho sự bất lợi của đảng độc tài. Nếu như vị GS này tiếp tục có những phát biểu kém đồng thuận dài hơi trong tương lai? Chính vì thế việc tung chiêu hỏa mù “đồng tiền đi trước là đồng tiên khôn” của những tay kinh doanh chính trị chuyên nghiệp. Phải nói đây là nước cờ cao tay ấn trong thời buổi lòng người ly tán hiện nay.”

Sẽ đóng góp được gì?

Trong một môi trường như Việt Nam hiện nay, nếu về nước liệu Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ đóng góp được gì?

Khi niềm vui bộc phát qua đi, nhìn lại sự kiện Ngô Bảo Châu mà càng thấy buồn. Trước hết là buồn cho nền giáo dục của nước nhà bao nhiêu năm qua vẫn bê bết. Đó là tâm sự của tác giả Nguyễn Trung khi "Nức lòng sự kiện GS Châu, tĩnh tâm nghĩ về vận nước". Theo tác giả, một nền giáo dục tiên tiến để phát triển con người Việt Nam phải dựa trên nền tảng những giá trị cao đẹp nhất của tự do và dân chủ. Trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, tài năng Việt khó mà thăng hoa nổi. Trong bài "Sự thông minh và sự "chậm lớn" của người Việt", tác giả Kim Dung nói về cơ chế quản lý "cào bằng", "các thang bậc giá trị trắng đen lẫn lộn, sớm muộn cũng gây ra những bất công, làm ly tán lòng người. Nhiều người tài, cũng từ sự bất công đó mà ra đi. Sự suy yếu, tụt hậu của dân tộc là không tránh khỏi."

Nên làm tốt còn nói tốt ít thôi: Nói thật, cách ứng xử của nhà nước ta đối với con người nói chung, lúc nào cũng cho thấy một cái gì đó gờn gợn thiếu tự nhiên.

Blogger Mai Xuân Dũng

Nhà văn Nguyễn Quang Thân đặt ra câu hỏi "Trí thức cần gì?": "Chúng ta nên thật sự trả lời câu hỏi đang ám ảnh nhiều người: trí thức thật sự cần gì để có thể đóng góp hiệu quả nhất cho đất nước? Từ 1945 đến nay chúng ta có khá nhiều kinh nghiệm vui buồn, ngọt bùi với quá trình đón nhân tài ở hải ngoại về sinh sống và giúp nước, từ thế hệ Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo đến Huỳnh Mùi (nhà toán học lớn từ Nhật về hiện vẫn trụ được) hay Nguyễn Ngọc Trân... Chưa từng nghe một trí thức lớn nào kêu ca hay xin xỏ về lương bổng, nhà ở. Điều họ phàn nàn là những trở ngại về môi trường nghiên cứu, giảng dạy, ước mơ gần thế kỷ nay vẫn chưa thành."

Chính vì vậy, trong rất nhiều lời khuyên chân thành đã được nhắn gửi đến giáo sư Ngô Bảo Châu về việc nên hay không nên ở lại Việt Nam sống và làm việc, đa số ý kiến là không nên. Không chỉ vấn đề vật chất lương bổng, mà cái chính là một môi trường giáo dục xã hội chính trị thối nát, không có tự do như ở Việt Nam sẽ không có đất đứng cho người có thực tài và những tài năng như giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ nhanh chóng tàn lụi đi.

Chưa kể, tấm gương của nhiều người trí thức tên tuổi, nhiều tài năng lớn tự nguyện rời bỏ môi trường nước ngoài nhiều thuận lợi để về Việt Nam làm việc và gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí có người vì khẳng khái, cương trực, còn bị chính quyền trù dập, làm cho lao đao khốn khổ…vẫn còn đó. Từ triết gia Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường trước kia cho đến giáo sư Phạm Minh Hoàng, giảng viên trường Đại Học Bách Khoa TP. HCM gần đây mới bị bắt giữ vì lí do chính trị… Nhắc đến chuyện giáo sư Phạm Minh Hoàng, blogger Đông Ngàn viết: "Tôi giật mình nghĩ đến chuyện Ngô Bảo Châu cũng là người phản đối bauxite. Nếu về nước, nhân sự kiện nào đó anh phát biểu lại giống như chứng minh bổ đề, hợp khoa học nhưng trái ngược với ý muốn của bác Nhân chẳng hạn, biết đâu lại bị tra tay vào còng số 8.

Nếu về nước, nhân sự kiện nào đó anh phát biểu lại giống như chứng minh bổ đề, hợp khoa học nhưng trái ngược với ý muốn của bác Nhân chẳng hạn, biết đâu lại bị tra tay vào còng số 8.

Blogger Đông Ngàn

Lúc ấy báo chí có bênh không, hay im re như chuyện Giáo sư Hoàng hôm nay. (May mà còn blog lề trái đưa nếu không thì ngủm trong thùng nước gạo). Thử hỏi lúc ấy liệu huy chương Nobel toán học có cứu được cậu ra tù. Lúc ấy cậu chẳng là giáo sư giáo xiếc gì hết mà là tội phạm.”

Nhân cách Ngô Bảo Châu

Không chỉ tài năng, bình thản trước mọi hào quang, sống có tình có nghĩa qua việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn thường xuyên đi về giảng dạy trong nước dù đồng lương không đáng bao nhiêu và vẫn không bỏ quốc tịch Việt Nam dù đã nhập thêm quốc tịch Pháp "cho tiện việc đi lại" (lời giáo sư Châu) đồng thời như một sự tri ân nước Pháp đã tạo cho mình một môi trường sống, làm việc và nghiên cứu toán học từ nhiều năm qua, giáo sư Ngô Bảo Châu còn là một trí thức, một nhân sĩ với đúng nghĩa của từ này. Nhiều người nhắc đến hành động giáo sư đã ký vào bức thư phản đối dự án khai thác bauxite của nhà nước.

Cũng chính Ngô Bảo Châu trên trang blog của mình đã viết về quyền tự do của con người: "Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện Ngô Bảo Châu là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do."

Nhiều trang blog, báo chí đã đăng lại nguyên bài hoặc chỉ câu này của Ngô Bảo Châu. Giáo sư Trần Hữu Dũng, chủ trang mạng Viet - Studies thì bình ngắn: "Với câu này, Ngô Bảo Châu đáng được thêm một giải Nobel!"

Cùng với tài năng, nhân cách đó khiến cho con người Ngô Bảo Châu càng trở nên đáng ngưỡng mộ.

Theo dòng thời sự: