Dưới ngòi bút của các blogger, thông tin về số phận của họ đã nhanh chóng đến được với mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, trong lúc có trường hợp, báo chí nhà nước đã không dám đưa tin hoặc đưa rồi sau đó vài giờ phải rút bài xuống vì có "chỉ thị của trên."
Số phận người dám đấu tranh
Khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người anh hùng chống tiêu cực tại trường trung học THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) nộp đơn xin nghỉ dạy vì quá mệt mỏi sau nhiều năm đấu tranh mà mọi việc chẳng đến đâu, lại bị trù dập nặng nề, rất nhiều ý kiến, bài báo của cả "lề phải" lẫn "lề trái" đã lên tiếng, khen chê đủ cả. Tính ra cũng phải vài chục bài báo. Người thì gọi đó là "Bi kịch của một Người đương thời" (Blogger Cây sậy), bác sĩ-blogger Nguyễn Văn Tuấn gọi thầy Khoa là một người "Sinh nhầm thế kỷ và sống nhầm chỗ"- blogger Bút Lông cám cảnh "Khi người đương thời vào dĩ vãng", tác giả Vũ Duy Chu thì đặt tít cho bài viết của mình là "Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đì-en (the end)", blogger Hiệu Minh ngậm ngùi suy nghĩ về một trường hợp "Gặp thời, đương thời và…hết thời"…
Trường hợp của thầy Khoa có lẽ là tín hiệu mà xã hội Việt Nam muốn gửi ra: đừng có dại dột vạch trần tiêu cực trong giáo dục ở Việt Nam.
BS Nguyễn Văn Tuấn
Có rất nhiều blogger viết rằng họ cảm thấy buồn và xót xa trước tin thầy Khoa cuối cùng phải bỏ cuộc và xin nghỉ dạy. Bác sĩ-blogger Nguyễn Văn Tuấn viết: "Tôi chợt nhớ đến câu của một bạn đọc ở một đại học Hà Nội viết cho tôi rằng "Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng." Thầy Khoa là một "dị dạng" trong quần thể của những người gù." Trong một xã hội mà tình trạng tiêu cực nhan nhản khắp nơi và ai cũng hèn nhát không dám cất tiếng nói, thầy Khoa đã "lãnh đủ" cho sự dũng cảm của mình. Trong khi đó, như tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ ra, ở bên Anh chẳng hạn, khi một người dám tố cáo xếp mình vi phạm đạo đức khoa học, sự nghiệp của ông xếp này lập tức bị tổn hại nặng nề, nhưng người đứng ra tố cáo thì không hề hấn gì.
Tác giả chua chát nhận xét: "Trường hợp của thầy Khoa có lẽ là tín hiệu mà xã hội Việt Nam muốn gửi ra: đừng có dại dột vạch trần tiêu cực trong giáo dục ở Việt Nam. Một xã hội mà trong đó kẻ ác ngang nhiên lộng hành, còn người lương thiện bị trù dập; một xã hội bất lực trước cái ác và không bảo vệ được người ngay kẻ thẳng thì nên xem đó là xã hội gì". Nhẹ nhàng mà sâu cay, blogger Người buôn gió vạch ra bản chất của sự việc, đó là trong khi Đảng thì đề cao khẩu hiệu "phát triền bền vững, hài hòa, ổn định" và với đa phần dân chúng thì tiêu chí của cuộc sống xoay quanh hai vấn đề "cá nhân chúng ta được gì, mất gì?" thì những hành động của thầy Khoa là đang làm mất đi sự "ổn định-hài hòa" đó và đi ngược lại với số đông. Tác giả kết luận: "Vì lý do Ổn định-Hài hòa đó mà Đỗ Việt Khoa không được cái gì, chỉ có mất đi.".
Sau một thời gian dài đấu tranh trong cô đơn, bị trù dập, con gái nhiều lúc không dám nhận là con bố Khoa, còn người vợ có những lúc đã muốn bế con bỏ đi khỏi làng vì không chịu nổi sự ghẻ lạnh của các đồng nghiệp của chồng và cộng đồng, bản thân thầy Khoa thì suốt bốn năm bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, không được lên lương, thầy Khoa quyết định rút lui, bỏ nghề. Sự rút lui đó trong mắt nhiều người là một sự thất bại. Nhưng mỗi người nhìn sự thất bại đó theo một cách. Với tác giả Hiệu Minh, đó là cái nhìn vẫn chưa tắt niềm hy vọng: "Tiếng kèn" Đỗ Việt Khoa từ miền đất hẻo lánh Vân Tảo nhằm chống tiêu cực trong giáo dục có thể bị nghẹn lại vì cơ chế. Với vài cá nhân có thể là thất bại, là mất mát, là hết thời như người lính thổi kèn thành Krakow.
Nhưng với số đông và dư luận báo chí xung trận, thì đó là bước tiếp theo. Thời vận của ngành này đã mở sang trang mới. Rồi một thầy cô khác sẽ bước theo Đỗ Việt Khoa như tiếng kèn Hejnał Mariacki tồn tại mãi với thời gian.”
Thấy trước kết cục
Trong khi đó, nhà văn Đào Hiếu trong lời "Tâm sự với Đỗ Việt Khoa" hay tác giả Vũ Duy Chu trong bài "Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đì-en (the end)" đều cho rằng đây là cái kết cục có thể thấy trước. Nhà văn Đào Hiếu phải xót xa nói thằng với Đỗ Việt Khoa rằng anh đã quá lạc quan, quá ngây thơ khi một mình đứng ra chống tiêu cực: "Làm sao anh lại không thấy rằng các vị bộ trưởng tiền nhiệm cũng đã hô không ít những khẩu hiệu rất kêu mà chất lượng giáo dục vẫn cứ đi xuống? Làm sao anh không thấy rằng ở xã hội ta muốn leo lên đến tận chức đó thì đã phải có hàng kho mưu mẹo, và "chống bệnh thành tích" cũng chỉ là một mẹo để "lấy thành tích" theo một cách mới? Và việc ông ấy xoa đầu Đỗ Việt Khoa cũng chỉ là để "lấy thành tích" mà thôi!
Ở xã hội ta muốn leo lên đến tận chức đó thì đã phải có hàng kho mưu mẹo, và "chống bệnh thành tích" cũng chỉ là một mẹo để "lấy thành tích" theo một cách mới?
Nhà văn Đào Hiếu
Người ta cứ so sánh sự ra đi của vị bộ trưởng Giáo Dục và của Đỗ Việt Khoa. Chẳng lẽ ở đây có một sự tương đồng nào đó? Không hề! Một kẻ ra đi với tâm trạng u buồn vì thất bại, một người bỏ lại một ngôi nhà đổ nát đầy rác bẩn để tìm một nơi phong quang sau khi đã làm nó nát thêm nhưng lại có những động tác giả ra vẻ muốn vực nó dậy và dọn sạch nó, và người thứ hai này đã rất thành công. (Nếu không, sao ông ta dám tuyên bố: sau 3 năm chống tiêu cực, đến nay việc thi cử đã trở nên đàng hoàng minh bạch?) Làm sao hai người đó có thể giống nhau?
Và cứ cho là có một ông bộ trưởng muốn chống tiêu cực thực sự thì ông ta có làm nổi không?”…
Nhưng không phải ai cũng thông cảm cho thầy Khoa. Như cái nhìn của nhà báo Trương Duy Nhất về "Chuyện thầy Khoa", tác giả cho rằng trong trường hợp thầy Khoa, báo chí đã thổi quá đà "Thế nên, cái kết cục… mất dạy (giã từ nghề giáo) của thầy bây giờ là điều không quá bất ngờ", "Tôi tôn trọng việc làm của thầy, đặc biệt là trong một môi trường mà hầu như tất thảy ai cũng chọn cách câm lặng. Nhưng tôi cũng ngộ như thầy Văn Như Cương: Hình như thầy Khoa không bình thường?"… Bài viết của tác giả Đào Tuấn "Phải biết mình là ai đã chứ" đăng trên blog Huybom càng nặng nề hơn, rằng có lẽ thầy thực sự "có vấn đề" khi tuyên bố ra ứng cử đại biểu QH và hành vi của Thầy là "Ngồi xe ủi xéo vào đời tư của người khác", "sục xạo lục cả vào nồi cơm của bạn bè, đồng nghiệp của mình"… Cuối cùng tác giả kết luận: "Cái chết của Thầy là một sự bức tử mà thủ phạm chính là VTV, là báo chí dư luận, là cả Bộ GT và ĐT."
Mọi việc càng trở nên cay đắng và ê chề hơn cho thầy Khoa khi phóng viên báo Vietnamnet phỏng vấn Giáo Sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh về lời hứa 4 năm trước sẽ nhận thầy Khoa về trường nếu thầy có gặp khó khăn gì, vị Giáo Sư này trả lời thẳng "bây giờ thì tôi không nhận thầy nữa vì nhận thức đã thay đổi". Không những thế, vị Giáo sư này cũng nhận xét về thầy Khoa bằng những cụm từ "không bình thường", "tự đề cao mình", "đánh giá mình rất quan trọng", "định ứng cử vào quốc hội" …
Những câu nói như vậy từ miệng một vị giáo sư danh tiếng về một con người đơn độc đã bị dồn đến đường cùng như thầy Khoa quả là bất nhẫn. Đã có những bài viết của các tác giả Thanh Chung "Thưa thầy Văn Như Cương" , Hà Hiển "Ngộ và dại" phản ứng về bài viết của nhà báo Trương Duy Nhất hay những câu nói của giáo sư Cương. Điểu đọng lại sau cùng qua số phận của thầy giáo Đỗ Việt Khoa đó là thực trạng của ngành giáo dục Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam hôm nay nói chung-một xã hội trong đó cái xấu, sự tiêu cực là bình thường, và tràn lan còn cái tốt, sự tử tế là bất bình thường, hiếm hoi; trong một xã hội như vậy không có chỗ cho người tốt có thể tồn tại, họ sẽ bị đơn độc đến tận cùng trong một cuộc chiến không cân sức chống lại cái xấu giữa sự thờ ơ, vô cảm hoặc hèn nhát câm lặng hoặc thủ thế khôn ngoan của đám đông và cuối cùng họ sẽ bị nghiền nát.
Cái chết của người vô tội
Một sự việc khác khiến cho dư luận vô cùng bức xúc, căm phẫn là vụ công an nổ súng bắn vào những người dân trong vụ xô xát tại khu lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến một em bé 12 tuổi trúng đạn vào bụng chết ngay tại chỗ, một người đàn ông bị thương vào đầu chết tại bệnh viện sau đó mấy ngày và một người phụ nữ khác bị thương ở tay. Trong những ngày qua, thông tin trên cộng đồng mạng đã loan truyền rất nhanh hai câu nói được cho là của chủ tịch xã Tĩnh Hải Lê Trọng Hồng: "Ai cản trở thi công thì bắn, tôi chịu trách nhiệm" và Trần Văn Thực, Chánh Văn phòng Công an cộng sản tỉnh Thanh Hóa: "Để bảo vệ chế độ cộng sản, lực lượng công an chúng tôi sẵn sàng nghiền nát cả dân tộc này, nếu họ có ý đồ chống lại đảng, nhà nước và chế độ".
Báo chí của nhà nước có đưa tin về vụ công an bắn chết người này nhưng chỉ sau đó vài giờ đã phải tự động rút bài xuống. Nhưng tin tức trên mạng thì đã kịp thời đi rất xa. Trong bài "Người chết như nhau", blogger Người buôn gió so sánh việc cùng là những cái chết oan như nhau nhưng trong lúc báo chí xúm lại khai thác vụ án một thanh niên giết người yêu cũ rồi chặt đầu để phi tang, nhiều báo khai thác đến 6, 7 bài; ngược lại im re trong vụ em bé bị công an bắn này. Xót xa trước cái chết tức tưởi oan nghiệt của đứa trẻ thơ, tác giả nhắn gửi với cô gái đã chết: "Ở dưới suối vàng, cô có thấy một em bé trai nhà quê bé nghèo, bố mẹ là dân cày, mặc chiếc quần đùi cũ kỹ, cái áo phông sờn mà ở thành thị chúng ta chưa chắc đã làm giẻ lau nhà. Em bé ấy cũng chết ngay tức khắc, chết tươi, chết lúc còn nở nụ cười hồn nhiên trên môi bởi một phát đạn từ súng của công an (nghe nói là cướp cò). Xin cô hãy bao bọc em ấy, đừng phân chia thành thị với nông thông, giàu với nghèo, con cán bộ công an hay con của nông dân. Bởi khi phải từ giã cõi đời, nên bình đẳng và bác ái với nhau.
Chỉ có những người đang sống mới cư xử phân biệt giữa con người với con người, với cả người chết thế này, người chết thế kia. Mong sao dưới cõi âm cô và em Dũng thân ái trong tình chị em. Không như chúng tôi, những người đang sống trong cõi trần thế vinh quang, cao cả đầy lý tưởng này." Blogger Đinh Tấn Lực thì viết "Gửi bạn ở Nghi Sơn" cho người công an đã nã phát súng bắn chết em bé, đồng bào của mình, rằng anh ta hãy xem lại mình đang bắn vào ai và đang bảo vệ cho cái gì vậy. "Hãy tượng tượng coi, một giuộc lãnh đạo đớn hèn/im lặng/cúi đầu với giặc và sẵn sàng ra lệnh xả súng vào dân, vào đồng hương/đồng bào như thế là loại lãnh đạo gì, và có đáng để bạn tiếp tục lấy sinh mạng/tài sản/hạnh phúc của mình và gia đình mình ra mà thế chấp cho cái lòng trung thành mù quáng đó nữa không?
Nghĩ lại coi! Những kẻ ký lệnh giải phóng mặt bằng không hề chìa cái mặt dày nào ở đó. Vậy thì, lúc xiết cò bắn vào trẻ thơ, bạn đang thực sự bảo vệ những tay mặt dày đó, hay chỉ bảo vệ cái phễu rót mớ tiền đô dự án vào túi riêng của chúng?”
Trong lúc đó, mục sư Thân Văn Trường bức xúc viết thư ngỏ gửi "Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, giám đốc công an Thanh Hóa": "Được biết, đúng lúc viên đạn xuyên tay cô Thanh, thủng bụng cháu Lê Xuân Dũng và lòi mắt anh Lê Hữu Nam, thì cũng là lúc anh Lộc xúng xính lễ phục tướng, bước lên lễ đài nhận Huân Chương chiến công hạng nhất, từ tay trung tướng Lê Quí Vương, thứ trưởng Bộ CA…
Anh nghĩ gì anh Lộc ơi, khi em thơ đổ máu, còn anh nhận huân chương chiến công? Bữa liên hoan đón mừng huân chương chiến công ấy, các anh giết bao nhiêu bò, gà, lợn, chi hết bao nhiêu tiền thuế của dân, anh cho nhân dân biết được không anh?" Và: "Tôi nghe nông dân xã Tĩnh Hải nói rằng, viên sĩ quan bắn chết người hôm đó, chính là cháu của anh. Chính vì vậy mà đến giờ này, súng nổ từ tay ai vẫn chưa được công bố. Người Thanh Hóa nói rằng, anh đang bày binh, bố trận để bắt người cày mất ruộng đi tù thay cho cháu anh về tội giết người. Sự việc này thực hư thế nào, mong anh sớm trả lời công khai cho dân biết." Vị mục sư kết luận: "Dù bối rối, hoảng loạn thế nào, tôi khuyên anh bình tĩnh, anh đừng dấn sâu vào tội ác, đừng bắt tù thêm ai nữa. Hãy can đảm xin lỗi gia đình nạn nhân, xin sự tha thứ của họ. Sai rồi, nhận tội và ăn năn, để được tha tội, đừng bày mưu, tính kế hại người nữa."
Rồi đây, những bức hình chụp cảnh công an dàn thành hàng ngang, trang bị khiên, dùi cui, súng,lựu đạn cay như thời chiến tranh để đối phó với những người dân tay không tấc sắt, hình ảnh cậu bé 12 tuổi nằm chết trong trạm xá, vũng máu khô dưới đất, người mẹ ngất lên ngất xuống, còn người đàn ông thứ hai bị thương ở đầu thì bị công an lôi xềnh xệch lên sàn xe tài như lôi "một con lợn bị dịch tai xanh chết"… sẽ là những hình ảnh nhức nhối đọng lại mãi trong lòng người, và có sức mạnh ngàn cân tố cáo chế độ. Chỉ xót xa cho thân phận người dân như con sâu cái kiến, sống làm người tử tế cũng không yên mà nhiều khi lại chết oan tức tưởi dưới họng súng của những người vẫn được gọi là "lực lượng bảo vệ cho dân".
Theo dòng thời sự:
- Vì sao thầy giáo Đỗ Việt Khoa rời khỏi ngành giáo dục?
- Trăn trở của Nhà giáo về giáo dục Việt Nam
- Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao – đáng mừng hay đáng lo?
- Giáo dục Việt Nam thiếu nhà sư phạm?
- Chất lượng giáo dục ở Việt Nam?
- Những nạn nhân trong vụ Nghi Sơn lên tiếng
- Thanh Hóa: khởi tố công an bắn chết em nhỏ 12 tuổi
- Slideshow: Tranh chấp giữa công an và người dân ở Thanh Hóa
- Tranh chấp giữa công an và người dân ở Thanh Hóa, một cháu bé thiệt mạng