Vị ủy viên bộ chính trị trẻ tuổi và lời “đề nghị” đối thoại

Một đương kim Ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam làm xôn xao giới blogger trong tuần qua. Đó là ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo trung ương, cơ quan phụ trách tuyên truyền của đảng.

Ngày 18 tháng 5, trong một phát biểu về phong trào học tập theo ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng, ông Thưởng nói là đảng của ông không sợ tranh luận và đối thoại, và có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác với đảng của ông.

Tuyên bố này được báo Người lao động bản điện tử trích lại và lập tức gây một làn sóng tranh luận trong giới blogger và cư dân mạng xã hội.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên nhất là Ban tuyên giáo trung ương vốn là đầu não về tư tưởng của đảng cộng sản, luôn chủ trương một chế độ độc đảng, và suy tôn duy nhất lý thuyết chính trị xã hội Mác Lê Nin.

Ông Võ Văn Thưởng là ai?

Ông Thưởng là người trẻ tuổi nhất trong số 18 nhân vật thành viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất đất nước hiện nay.

Theo facebook của nhà báo Tâm Chánh, ông Thưởng xuất thân từ một gia đình cán bộ nghèo ở tỉnh Vĩnh Long, học ban triết học Mác Lê Nin tại Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tiến thân bằng con đường làm cán bộ đoàn của trường đại học, rồi đứng đầu cơ quan thành đoàn của thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với cộng sản thì luôn xem trời bằng vung, đảng là tất cả… từ ý thức, lý luận, chủ trương, chính sách đường lối luôn là khuôn vàng thước ngọc và không thể góp ý cho dù là ai, ở cương vị nào!<br/>-David Trần

Ông Tâm Chánh so sánh cơ quan thành đoàn của Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó như là một nhà trẻ của các quan chức cấp cao, hàm ý rằng đây là nơi bắt đầu con đường hoạn lộ, của con cái các quan chức, hay là những người đàn em được sủng ái của họ.

Từ thành đoàn, ông Thưởng vào trung ương đảng, rồi làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, và đầu năm 2016 vừa qua được bầu vào Bộ chính trị sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12.

Nhà báo Tâm Chánh thuật lại rằng trong giai đoạn ông Thưởng mới bước vào con đường chính trị qua ngả đoàn thanh niên cộng sản, thì cũng là lúc phong trào Cải tổ và Minh bạch (Glassnos và Perestroika) từ Liên Xô cũ lan sang Việt Nam một cách mạnh mẽ, làm dấy lên sự phản ứng của giới sinh viên lúc đó tại Sài Gòn, đòi quyền tự quyết cho những tổ chức thanh niên của chính mình. Giới chức chính quyền, cũng như các quan chức đoàn thanh niên phải gặp sinh viên, tạo ra một không khí mà trong chừng mực nào đó có thể gọi là đối thoại.

Ông Võ Văn Thưởng đã chứng kiến những cuộc đối thoại đó, mặc dù sau đó đảng lại siết chặt sự kiểm soát, sự sôi nổi của sinh viên lặng xuống cho đến ngày hôm nay.

Không tin, nghi ngại, cho đến hy vọng

Xung quanh tuyên bố đối thoại của ông Thưởng, có những blogger hoàn toàn không tin đó là lời nói thật, có những người nghi ngờ, nhưng cũng có người cho đó là một điều tiến bộ đáng trân trọng.

Ông David Trần viết trên trang blog Bà Đầm Xòe rằngĐối với cộng sản thì luôn xem trời bằng vung, đảng là tất cả… từ ý thức, lý luận, chủ trương, chính sách đường lối luôn là khuôn vàng thước ngọc và không thể góp ý cho dù là ai, ở cương vị nào!

Vì thế ông không tin ông Thưởng và đảng của ông nói thật.

Bên ngoài xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chụp hôm 21/4/2017.
Bên ngoài xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chụp hôm 21/4/2017. (RFA photo)

Không gay gắt như ông David Trần, nhà báo Phạm Trần được trang Dân Làm Báo đăng ý kiến cho rằng đảng cộng sản, qua lời ông Thưởng, tuyên bố như vậy chỉ để đánh lạc hướng dư luận sau cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, nơi chính quyền phải nói chuyện với dân chúng, hứa giải quyết những yêu cầu về đất đai của họ, và làm dịu đi dư luận xã hội vì những cuộc biểu tình chống nhà máy Formosa làm ô nhiễm biển miền Trung.

Đồng Tâm, và Formosa cũng là dẫn chứng được nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đưa ra để nói rằng có thể đảng cộng sản lo ngại sự chống đối của tầng lớp bình dân, chứ họ chưa lo ngại đến những phản biện hiện nay của giới trí thức.

Trong khi đó thì luật sư Lê Công Định khi trả lời BBC thì cho rằng tuyên bố của ông Thưởng chỉ để nhắn nhủ với chính phủ Hoa Kỳ, trước cuộc gặp gỡ đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, rằng chính phủ Việt Nam mong muốn sự đối thoại với những người khác chính kiến.

Trong số những người hy vọng có Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Hai ông đã gửi những ý kiến về cuộc đối thoại tương lai đến với ông Võ Văn Thưởng và Bộ chính trị. Giáo sư Cống đề nghị là những cuộc đối thoại nên được tổ chức công khai, còn Giáo sư Hưng đề nghị những vấn đề nên được đưa ra bàn thảo tại cuộc đối thoại như là môi trường, luật sở hữu đất đai, giáo dục…

Có những người nghi ngờ.

Các bài viết trên blog và mạng xã hội của những người này được trình bày bằng những câu hỏi lớn ở tựa bài, như nhà báo bất đồng chính kiến đang tị nạn ở Pháp Bùi Tín hoặc là một loạt những câu hỏi, hay là một nửa tin một nửa ngờ.

Blogger Kami đoán rằng có thể đảng cộng sản mong muốn có một sự đối thoại thật sự nào đấy nhưng nằm dưới sự kiểm soát của đảng.

Ông Bùi Quang Vơm, người thường có những bài phân tích về chính trị Việt Nam cho rằng lời tuyên bố đối thoại xuất phát từ một Ủy viên bộ chính trị, mà nếu đó là sự mong muốn thật tâm thì đây phải là một sự thay đổi lớn, một cuộc cách mạng về tư tưởng của đảng cộng sản. Tuy nhiên ông lại nghi ngờ điều đó vì chỉ cách đây không lâu, sau hội nghị trung ương 5 của đảng cộng sản, người ta vẫn nghe thấy những lời tuyên bố kiên định lập trường tư tưởng của họ.

Điền Phương Thảo hỏi trên trang Bauxite rằng Đối thoại hay đối thọi? Hàm ý sẽ có những cuộc nói chuyện hòa bình hay lại là những trấn áp bằng bạo lực của nhà cầm quyền như từ trước đến nay.

Trước hết là nói về hy vọng là vì "miệng nhà quan có gang có thép", bởi vì ông Thưởng đang nằm trong top người quyền lực nhất nước. Quan nói thì dân nghe và hy vọng.<br/>-Đỗ Thanh Nhan

Tác giả Đỗ Thanh Nhan, có vẻ như là một người quen cũ của ông Võ Văn Thưởng, viết rằng:

Trước hết là nói về hy vọng là vì “miệng nhà quan có gang có thép”, bởi vì ông Thưởng đang nằm trong top người quyền lực nhất nước. Quan nói thì dân nghe và hy vọng.

Còn nói chưa chắc tin là bởi vì trước đây, khi ông Thưởng là người quyền lực nhất tỉnh Quảng Ngãi với vị trí là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản, Bí thư Tỉnh ủy; có lần tôi đã “ĐỐI” với ông Thưởng rồi, nhưng không được “THOẠI” mà còn bị “THỤI” (nếu “anh” Thưởng đồng ý thì mình có thể công khai với nhau việc này?!).

Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài Đối Thoại của ông, viết rằng một khi đảng cộng sản vẫn thượng tôn chủ nghĩa Mác Lê Nin thì không thể có một không khí đối thoại lành mạnh, ông thách thức đảng cộng sản rằng nếu thực tâm muốn đối thoại thì hãy trả tự do lập tức cho những người tù chính trị, những người đấu tranh vì nhân quyền và môi trường hiện vẫn đang bị giam cầm.

Một người từng bị tù vì quyền tự do phát biểu là blogger Trương Duy Nhất viết:

Đừng dựng kịch, cài “quân xanh”, hay lôi mấy cụ hưu hết thời, hoặc vài gã ất ơ nào đó ngồi giữa Ba Đình ê a diễn thuyết, rồi gọi đấy là “đối thoại”.

Quân xanh, quân đỏ, là những từ dùng để chỉ việc đảng cộng sản, hay các quốc gia không có nền dân chủ thực sự, thường dàn dựng nên những phe đối lập giả tạo, tạo nên một hình ảnh dân chủ.

Một số blogger lại đem những câu chuyện lịch sử để bày tỏ mối nghi ngờ của mình, hoặc chứng minh rằng ý tưởng đối thoại không có gì là mới.

Nhà văn Hữu Nguyên cho đăng lại trên blog của ông một bài viết cách đây hơn 10 năm về cố Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, người mà ông cho rằng rất quan tâm đến việc tranh luận giữa những người có ý kiến khác nhau.

Ông Lê Phú Khải, một nhà báo lâu năm của đài truyền hình nhà nước Việt Nam, nhắc lại câu chuyện giữa ông và ông Nguyễn Hà Phan vào năm 1995. Ông Phan lúc đó có triển vọng nắm quyền lực cao trong đảng, và mong muốn đối thoại với những người bất đồng chính kiến, và chỉ một thời gian ngắn sau đó ông Phan bị khai trừ khỏi đảng.

Tương tự như vậy, nhà báo Tâm Chánh nhắc lại những ý kiến phản biện của luật sư Nguyễn Mạnh Tường vào những năm 1950 ở miền Bắc, hay của ông Trần Xuân Bách vào những năm 1990. Cả hai ông này đều bị đảng cộng sản loại trừ.

Những lời khuyên

Nhà báo Nguyễn Thông viết trên mạng xã hội lời nhắn gửi tới ông Võ Văn Thưởng:

Bây giờ mới nghĩ (nghĩ chứ chưa thực hiện) là quá muộn rồi, ông Thưởng ạ. Đối thoại, đó là biểu hiện rõ nhất của dân chủ và tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, quan điểm. Còn rụt rè, chần chừ gì nữa mà không làm ngay đi.

Những kẻ cùng đinh như tôi, ban tổ chức sẽ cho rớt ngay từ vòng gửi xe nên cũng chẳng ham đối thoại. Ghế ấy để dành cho những đấng bậc hào kiệt, trượng phu, thông tỏ sự đời. Tuy nhiên, từ bãi xe, tôi đề nghị các ông phe ông Thưởng trả lời giùm cho tôi câu hỏi:

Trong những nước giàu có, dân hạnh phúc sung sướng, có nước nào theo chủ nghĩa xã hội không? Trong những nước theo chủ nghĩa xã hội, có nước nào sớm thoát khỏi nghèo đói, nội chiến không? Bây giờ thế giới có gần 200 quốc gia, còn mấy nước bám vào thứ chủ nghĩa này?

Ông giả nhời được một cách thuyết phục tức là đối thoại đã thành công.

Kỹ sư Tô Văn Trường thì nhận định ở một khía cạnh bình thường của chuyện đối thoại trong những xã hội dân chủ, thì chuyện ông Thưởng bảo rằng đảng của ông không sợ, tức là đã có một thái độ kiêu ngạo, tức là ông Thưởng nên nói rằng đảng của ông mong muốn chứ đừng nên nói là không sợ, vì ngữ nghĩa của hai từ ấy trong tiếng Việt rất khác nhau.

Tiếp tục có sự nghi ngời thành tâm của đảng cộng sản, tác giả Thiện Tùng đưa ra lời khuyên cho những người bất đồng chính kiến:

Tình hình đang căng thẳng chẳng khác trước năm 1986, Đảng khó an toàn nếu tiếp tục leo thang. Do lực bất tòng tâm, buộc Đảng phải từ từ xuống thang chớ chắc gì có thiện ý. Bởi vậy, có không ít người cảnh báo hảy coi chừng “Con hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Sự nghi ngờ ấy là có cơ sở, bởi vì họ vốn đã từng “cả tin nên mắc, cả nghe nên lầm”.

Người viết thấy rằng, Đảng cầm quyền đang muốn giảm bớt độc tài, nới rộng dân chủ để thoát hiểm cho mình và cho đất nước – đó là sự nhượng bộ cần thiết cho cái riêng và cái chung. Những người đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, nhân quyền nên vui vẻ cùng đại diện Đảng cầm quyền đối thoại, loại bỏ dần cái thô lấy cái tinh. Nếu khi vào đối thoại mà xuất hiện “cả vú lấp miệng em” thì mình có quyền ngưng - “gà ai nấy ôm”.

Ông Nguyễn Quang A, thì nói chuyện đối thoại hay không là ở phía dân chúng, bằng chính thái độ của mình, với những phản ứng như bất tuân, bỏ đi để phản đối chính sách, và ông nói rằng những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nên gia tăng sức ép của mình lên nhà cầm quyền.

Và cuối cùng xin lấy hai nhận xét sau đây của hai nhà quan sát làm kết thúc cho câu chuyện ông Võ Văn Thưởng và lời đề nghị đối thoại:

Nhà báo Tâm Chánh viết rằng đối thoại là một quá trình chính trị không dễ dàng, và blogger Phạm Ngọc Hưng thì cho rằng, qua tuyên bố của ông Thưởng, dù sao đảng cầm quyền tại Việt Nam đã chính thức công nhận rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay có tồn tại một lực lượng bất đồng chính kiến.