Ðọc báo trong nước trên mạng Internet (Ngày 26-6-2004)

Tuần lễ vừa qua thời sự quốc nội có thể nói là quá nóng với tin tức giá cả thị trường ảnh hưởng đời sống người dân, chính phủ đã khéo chọn thời điểm cả nước đang chộn rộn về giải bóng đá châu âu EURO 2004 để công bố quyết định tăng giá xăng dầu một cách khá quyết liệt.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này

Rightclick to download this audio

Rồi chuyện Việt Nam chưa thể gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới vào thời điểm tháng Giêng 2005 như mong đợi, mặc dù Việt Nam đã bước được một chân, vâng một chân thôi vào cánh cửa đang rộng mở của WTO. Hai đề tài lớn vừa nói choán hết chỗ các trang báo điện tử ở Việt Nam trong tuần.

Thưa quí vị và các bạn thính giả, lang thang trên xa lộ thông tin, lướt một vòng hết các báo mạng trong nước, chuyện vật giá leo thang và sẽ còn phi nước đại sau khi xăng dầu tăng giá, là đề tài nóng được các báo online lớn như Vietnam Net, Việt Nam Express, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động đưa lên mạng rất nhiều.

Điểm đáng nói là trong những tháng gần đây Tổng Cục Thống Kê Việt Nam chứng tỏ vai trò độc lập và chuyên môn của mình, khi đưa ra các tính toán không làm vui lòng các giới chức Bộ Thương Mại, Tài Chánh và Ngân Hàng Nhà nước. Ngày 22/6 các báo mạng đều đưa tin của Tổng Cục Thống Kê về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong ba tuần đầu tháng 6. Theo đó tháng 6 giá cả tiếp tục tăng 0,8% so với tháng 5 , đưa mức tăng giá tiêu dùng thực tế 6 tháng đầu năm 2004 lên tới 7, 2%.

Lao Động gọi đó là những con số biết nói, vâng thưa quính giả quả là vậy, vì mức tăng vứa nói khác xa với dự báo hồi cúôi tháng 5, đầu tháng 6 của Thống Đốc ngân Hàng Nhà Nước và Liên Bộ Thương Mại Tài Chánh, các giới chức chuyên trách đã cho rằng cả năm 2004 giá trị tiêu thụ sẽ chỉ tăng khỏang 7%. Nay mới 6 tháng đã tăng 7,2% và hòan tòan là mức tăng chưa có tác động của việc tăng giá xăng dầu hôm 19/6.

Xem chi tiết các báo, độc giả ở Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng giá sinh họat tăng từng ngày có thể kiểm nhận thực tế: (audio clip)

Những ‘con số biết nói’ được báo Lao Động phân tích rằng, riêng mặt hàng lương thực và thực phẩm tăng cao nhất , trong vòng 6 tháng đầu năm các mặt hàng thuộc lọai thiết yếu cho đời sống, nôm na là bữa cơm hàng ngày của người dân Việt Nam đã bị dội giá thêm hơn 13%, và trong những ngày tới sẽ còn tăng nữa do ảnh hưởng giá xăng dầu. Không chỉ Lao Động mà các báo mạng khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnam Net, Việt Nam Express đều có phóng sự giá cả và đời sống phản ánh nỗi khó khăn của người dân đặc biệt là người làm việc ăn lương.

Tình trạng giá sinh họat leo thang vượt mọi dự báo chính thức khiến các giới chức nhà nước không thể làm ngơ, theo Thanh Niên Online, ông Mai Quốc Bình, phó đoàn đại biểu Quốc Hội TP.HCM đồng thuận với các ý kiến cho rằng đồng lương công chức không nuôi nổi gia đình. Ông Bình cho biết TP.HCM thực hiện thí điểm khoán biên chế và quĩ lương, bình quân mỗi cán bộ công chức được tăng khỏang 200 ngàn đồng tháng, có những nơi mức tăng được 4 hay 5 trăm ngàn đầu người mỗi tháng.

Ông Mai Quốc Bình mới rời chức vụ Phó Chủ Tịch TP.HCM mới đây và quan điểm của ông là mức tăng lương chưa thỏa mãn mong muốn của giới công chức. Ý kiến sau đây của một bạn trẻ ở TP.HCM phản ánh những điều vừa nói: (audio clip)

Còn ông Tào Hữu Phùng, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Ngân Sách Quốc Hội thì tuyên bố với Việt Nam Express rằng, nếu tốc độ tăng giá không chậm lại, thì đợt tăng lương dự kiến vào tháng 10 tới đây sẽ không còn ý nghĩa trong việc cải thiện đời sống đối với những người làm công ăn lương. Cũng trên tờ báo mạng này, thứ trưởng tài chánh Nguyễn Ngọc Tuấn đưa ra ước tính mới, theo đó chỉ số giá tiêu dùng tòan năm 2004 có thể tăng 9% , tức gần gấp đôi mức quốc hội qui định là 5%.

Một nhân vật khác, Giáo Sư Tiến Sĩ Kinh Tế Phạm Đỗ Chí thì tuyên bố trên báo Tuổi Trẻ Online rằng, lạm phát đang là vấn đề kinh tế vĩ mô hàng đầu ở VIệT NAM, ông cho rằng nếu chính phủ không có sự can thiệp chính sách thích ứng, lạm phát có thể lên đến mức cao 9% hay 10% cho cả năm 2004. Giáo sư Phạm Đỗ Chí đưa ra giải pháp mà ông gọi là Đáp Xuống Mềm tức Soft Landing trong tiếng Anh, một chính sách mà Trung Quốc đang áp dụng để giảm bớt độ nóng của áp lực tăng trưởng cao cũng như giảm bớt áp lực lạm phát. Giáo sư Chí đơn cử thí dụ điều tiết vĩ mô để làm chậm bớt tỷ lệ tăng trưởng dự kiến xúông còn độ 6,5% tới 7% thì có thể kìm hãm mức lạm phát 7 tới 8% cho cả năm.

Ở trường hợp VIệT NAM, vẫn theo báo Tuổi Trẻ, giáo sư Chí cho rằng cần có những quyết định ở tầm mức chính phủ, với vai trò điều tiết vĩ mô của các cơ quan đầu não liên hệ như Bộ kế Họach Đầu Tư, Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chánh, hầu đưa ra quyết định về mức tăng trưởng GDP tức tổng sản phẩm nội địa cho sáu tháng sắp tới, mạnh tay cắt giảm chi tiêu mà vẫn giữ được độ tăng trưởng vừa phải. Giáo sư Phạm Đỗ Chí sau cùng khuyến cáo nên sử dụng các biện pháp tiền tệ và tài khoá để làm giảm bớt áp lực lạm phát trong các tháng sắp tới, theo ông một khi tâm lý lạm phát hình thành và lan rộng thời sẽ rất khó kiểm soát. Hiện chưa thấy phản ứng của giới chức có thẩm quyền, về những nhận định vừa nói của giáo sư kinh tế Phạm Đỗ Chí.

Đề tài thứ hai mà chúng tôi điểm từ các báo mạng trong nước, là chuyện các giới chức Việt Nam cho công luận trong nước hiểu rằng họ đặt được một chân qua cổng vào của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Tuy vậy mục tiêu chính thức gia nhập vào tháng giêng 2005 thì chưa thành hiện thực và có thể phải mất từ một tới hai năm nữa. Chúng tôi xem nhiều báo mạng nhưng chỉ thấy có Vietnamnet là có cập nhật bản thông báo từ phiá tổ chức WTO phổ biến ở Geneve, cho thấy là Việt Nam chưa đạt được mục tiêu, mặc dù hai bên đã tới gần với nhau hơn về nội dung đàm phán.

Bài này mang tựa đề với một dấu hỏi, WTO Điểm Đến Gần Hơn. Đáng tiếc là chúng tôi chỉ xem được một lần ở trên mạng. Còn lại đa phần các báo khác đều bung hết cỡ với bản thông báo của Ủy Ban Quốc Gia Về Hợp Tác Kinh Tế Quốc Tế, cũng như các cuộc phỏng vấn các giới chức Việt Nam liên hệ. Theo đó đòan đàm phán Việt Nam đã đạt một bước đột phá quan trọng và được các đối tác của WTO đánh giá cao. Các nhà đàm phán của Việt Nam đã trình làng bản chào phiên 8, tức là trưng ra các đề nghị về sự cải tổ và nhượng bộ mở cửa thị trường ở 10 nhóm với gần 100 mặt hàng, hạ thuế quan trung bình 18%. Ngưng trợ cấp xuất khẩu cà phê, và hứa hẹn đẩy mạnh cải tổ pháp luật.

Theo bản gốc thông cáo của WTO mà chúng tôi xem được, WTO ghi nhận các nỗ lực cải tổ và đề nghị mở cửa thị trường của VIệT NAM, nhưng WTO cho rằng Việt Nam còn phải thực hiện nhiều việc cụ thể hơn nữa về công tác lập pháp, các luật lệ qui định cần rõ ràng minh bạch để có thể thực hiện được...

Nói chung hai cách trình bày từ phía Việt Nam trên báo chí và từ phiá WTO trên trang Web của họ và được các hãng thông tấn đăng lại, không khác nhau bao nhiều. Duy chỉ có một điều là các giới chức Việt Nam không nói thẳng ra là chưa đạt mục tiêu gia nhập WTO vào tháng Giêng 2005, mặc dù có bước đột phá và khả năng các phiên đàm phán sắp tới rất sáng sủa và cụ thể.

Tuy vậy, báo chí Việt Nam cũng mạnh dạn nêu lên nhiều vấn đề lớn về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước nhà, một khi Việt Nam được tham gia WTO và phải mở cửa thị trường, dù là theo một lộ trình ấn định. Chúng tôi xin trích ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, một cộng tác viên của ban Việt Ngữ về chặng đường khó khăn trước khi Việt Nam có thể trở thành hội viên chính thức của WTO: (audio clip)