Xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2007

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, năm 2007 kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lên tới 1 tỷ 500 triệu đô la, cao hơn cả mặt hàng gạo. Sản xuất cà phê Việt Nam nhìn lại một năm qua, là đề tài chúng tôi tổng hợp thông tin từ các báo điện tử trong nứơc trong mục đọc báo trên mạng tuần này.

CoffeeMilling200.jpg
Thu hoạch cà phê ở Việt Nam. AFP PHOTO

Những bước đầu khó khăn

Khởi đi từ một ít đồn điền cà phê ở Tây Nguyên vào thời điểm 1975, sau ba thập niên diện tích trồng cà phê ở Việt Nam đã gia tăng gấp 25 lần và luôn duy trì ở diện tích nửa triệu ha, cắt giảm ở vùng này lại được trồng mới ở nơi khác.

Đầu thập niên 2000, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng cà phê trầm trọng, giá cả rơi tự do từ mức hai, ba ngàn đô la một tấn xuống tới mức thấp nhất chỉ còn 300 đô la một tấn. Việt Nam được qui lỗi là đã làm thị trường mất quân bình vì đã phát triển cây cà phê ồ ạt, chính xác là cà phê robusta nông dân gọi là cà phê vối.

Dù người nông dân Việt Nam nhiều lần chặt bỏ cây cà phê để trồng khoai sắn nhưng nói chung, nhà nông và doanh nghiệp đã vẫn sống lây lất, vượt qua cuộc khủng hoảng kéo dài để những năm gần đây thị trường bắt đầu hồi phục.

Niên vụ vừa qua từ tháng 10/2006 tới hết tháng 9/2007 cà phê robusta của Việt Nam đã đạt mức giá hơn 1.400 đô la một tấn, giá mua trung bình tại vườn của nông dân trên dưới 20 ngàn/kg. Hiện nay cà phê Tây Nguyên đang vào vụ 2007-2008, giá mua tại vườn từ 26 tới 27 ngàn đồng/Kg.

Tâm sự người làm cà phê

Tuy nhiên vụ cà phê hiện nay vừa là niềm vui của người này cũng là nỗi buồn của người khác. Ông Đoàn Triệu Nhạn Phó chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Cacao Việt Nam xác nhận là có thất mùa vì nhiều nguyên nhân, tuy nhiên ông vẫn dự báo sản lượng niên vụ 2007-2008 đạt khoảng 15 triệu bao tới 15 triệu 500 ngàn bao tương đương hơn 900 ngàn tấn:

“Chúng tôi đánh giá chung các tỉnh Tây Nguyên thiệt hại nhiều nhất là khoảng 30%. Thực ra vấn đề ấu trùng ve sầu chích hại rễ cà phê là có thể xảy ra và ở trên diện lớn, thế nhưng vẫn chưa có một kết luận chính xác.

Đặc biệt năm nay mùa mưa của Tây Nguyên kéo dài quá, mọi năm tháng 10 đã khô cà phê chín và người ta hái, năm nay sang tháng 11 vẫn mưa, mưa nhiều như thế cà phê chín chậm không hái được và chẳng ai hái làm gì vì sẽ không có chỗ phơi. Cho nên vụ mùa có chậm, năm nay chúng tôi vào vụ chậm.”

Những người trồng cà phê ở cao nguyên xác nhận với chúng tôi là cà phê được giá như vậy nhưng do bị thiệt hại nên thu nhập sẽ chẳng đủ vào đâu:

“Năm vừa rồi bị sâu ve sầu có nơi thất 80% riêng tôi bốn phần còn có một. So giá với sản lượng năm nay tụi tôi đều bị lỗ hết. Riêng cái giá thôi không kéo lại được sản lượng, ở vùng Di Linh người trồng cà phê trao đổi thông tin, chúng tôi đều lỗ hết.”

Chuyên gia dày kinh nghiệm trong ngành Cà Phê, ông Đoàn Triệu Nhạn tuy tỏ ra phấn khởi về khuynh hướng thị trường thế giới, nhưng ông vẫn tỏ ra quan ngại cho người trồng cà phê vì năm nay vật giá tại Việt Nam tăng hơn hai con số:

“Giá xăng dầu lên giá phân bón lên chúng tôi gay go lắm, cả giá sinh hoạt cũng đắt đỏ lên. Cho nên giá thế giới lên cũng chẳng bù đắp được, chúng tôi chẳng lãi được bao nhiêu. Tất nhiên giá tốt làm chúng tôi phấn khởi, nhưng với tình hình bây giờ dù giá cao hơn nữa cũng không phải là có lợi gì lắm cho ngừơi nông dân Việt Nam.”

Doanh nghiệp chế biến và nông dân trồng cà phê đúng ra có thể có nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, hạt cà phê Việt Nam từ 20 chục năm nay vẫn vứơng mắc những vấn đề hết sức cơ bản là phẩm chất không đồng đều không theo một chuẩn nhất định.

Một thương gia xuất khẩu cà phê nhận xét về vấn đề thu hoạch của nông dân:

“Quả cà phê phải chín mới lấy được cái nhân tốt, nhưng họ hái quả chín quả xanh luôn một lần. Khi phơi thì phơi ngay trên sân trên đường, con vịt con gà đi qua…những thứ đó làm cho mất cái phẩm chất rất thơm ngon của cà phê Việt Nam.”

Cạnh tranh trên trường quốc tế

Ngoài ra Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, chỉ lên tới đỉnh cao thế giới ở vai trò nứơc xuất khẩu nông sản ở dạng thô.

Thương buôn quốc tế hiểu rõ và tận dụng nhược điểm của Việt Nam để ép giá, cà phê cùng loại của Việt Nam so với Indonesia thấp hơn từ 50 tới 70 đô la thậm chí 100 đô la một tấn tuỳ thời điểm. Với cách mua này, hạt cà phê Việt Nam được phân loại theo độ ẩm và tỷ lệ phần trăm hạt đen vỡ, trong khi Việt Nam đã tiêu chuẩn quốc gia về cà phê theo thông lệ quốc tế mang tên TCVN 4193: 2005, phân loại cà phê theo khuyết tật, thí dụ không lẫn hạt không có hạt mốc hư, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do thuận mua vừa bán hay đúng hơn, người mua chỉ muốn mua theo cách do họ chọn lựa với giá rẻ. Chính vì vậy cà phê Việt Nam xấu nhất thế giới, những số liệu mà Bộ NN&PTNT đưa lên mạng làm nhiều ngừơi giật mình: niên vụ 2006-2207 sàn giao dịch cà phê quốc tế ở Luân Đôn thải loại hơn 700 ngàn bao cà phê kém phẩm, gần 90% trong số này tương đương 37 ngàn tấn là cà phê Việt Nam.

Trước đó trong niên vụ 2005-2006, tổ chức cà phê thế giới ICO cho biết khoảng 1, 5 triệu bao cà phê mỗi bao 60kg đã bị thải loại ở 10 cảng châu Âu. Lượng cà phê phải vứt bỏ vừa nói xuất xứ từ 17 nứơc và vùng lãnh thổ, tuy nhiên có tới 1 triệu bao tương đương 60 ngàn tấn là của Việt Nam.

Rất may xuất khẩu cà phê của Việt Nam là thuận mua vừa bán, không có chuyện trả về như một số thông tin lầm tưởng. Điểm đáng nói ở đây dù phải vứt bỏ nhiều đến thế mà các nhà buôn vẫn muốn mua theo thể thức không áp dụng tiêu chuẩn quốc gia của VN. Và cách mua này dẫn tới việc nông dân tiếp tục hái quả non cho lợi thời gian và tránh nạn hái trộm cà phê.

Nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng xác nhận điều này:

“Đi hái cà phê khổ một nỗi không có công lao động, khi quyết định hái là người ta hái cùng một loạt, rõ ràng như thế không đạt phẩm chất. Nhưng cũng có những khó khăn phức tạp, khi một lô quả chín được hái họ cũng phải hái luôn lô còn xanh vì nếu không sẽ không có người canh gác.”

Hy vọng cho năm tới

Năm 2007, Việt Nam những tưởng đã có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về cà phê từ tháng 10 vừa qua, nhưng nhiều khó khăn khiến cho chưa thực hiện được và có thể sẽ còn lâu mới thực hiện được triệt để. Ông Đoàn Triệu Nhạn cho biết:

“Cũng không hẳn là không thành, chúng tôi đang làm việc này. Hiện nay chính phủ có chỉ tiêu xây dựng qui chuẩn quốc gia cho một số ngành hàng chế biến xuất khẩu, qui chuẩn chứ không phải là tiêu chuẩn quốc gia. Tiêu chuẩn thì là thoả thuận tự nguyện, còn qui chuẩn thì sẽ có những thứ bắt buộc và không bắt buộc.”

Tuy vậy, đã có một số chuyển biến rõ rệt khi thương lái bắt đầu trả giá cao hơn cho cà phê chín và phẩm chất đồng đều.

Hướng tới một kết quả tốt đẹp cho người trồng cà phê, Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam hy vọng nâng mức tiêu thụ nội địa từ 5% tổng sản lượng hiện nay lên 10% trong 5 năm sắp tới. Thị trường nội địa là một đối trọng cần thiết để ổn định giá cà phê, vừa rồi Hà Nội và Saigon đã tổ chức Lễ Hội Cà Phê 2007 như một đóng góp cho nỗ lực này.

Ngoài ra Hiệp Hội cà phê Việt Nam cũng đặt kế hoạch phát trểin bền vững:

“Chúng tôi phải lo nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình đó có hái quả chín, dùng công nghệ tiên tiến chế biến ướt, đánh sạch nhớt và chống ẩm, làm khô và giữ sản phẩm thật sạch, chống ô nhiễm và chống khuẩn…đấy vừa là nâng cao chất lượng vừa là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.”

Đối với nông dân trồng cà phê Hiệp Hội cà phê Việt Nam cũng tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình:

“Giúp đỡ họ chuyển giao kỹ thuật, tập huấn để chuyển giao tổ chức thành các nhóm nông hộ, khi họ có tổ chức tập thể tạo điều kiện cho họ có thể giúp đỡ nhau nhiều hơn. Hiện nay họ đang phần nhiều là cá thể, tổ chức lại sản xuất cho họ để họ có điều kiện tiếp thu kỹ thuật mới. Chúng tôi nghĩ rằng có thể giúp họ một phần nào về cơ sở nông thôn, vấn đề thuỷ lợi, nứơc tứơi và một số vấn đề khác”.

Để cải thiện chất lượng cà phê Việt Nam, ngừơi nông dân trồng cà phê đóng vai trò quan trọng nhất, vì họ là khâu đầu tiên từ chọn giống, canh tác và thu hoạch đúng kỹ thuật, phần còn lại là khâu sau thu hoạch thuộc về các đại gia doanh nghiệp sơ chế và xuất khẩu.

Ở tầm cao hơn vấn đề này nằm trong tay các nhà hoạch định chiến lược chính sách phát triển phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam cũng như những người thực hiện nó.