Nghị định 75/2010 về quản lý lễ hội do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành có hiệu lực từ 1/9 vừa qua. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, hiểu biết sâu rộng về Đạo Mẫu và sự thực hành tín ngưỡng này qua hình thức 'lên đồng' được VietnamNet trích lời đã nói: "Không thể có tín ngưỡng chỉ giữ ở trong tâm, mà niềm tin ấy phải được thể hiện trong những hành động cụ thể."
Vẫn theo Vietnam Net tự do tín ngưỡng là khái niệm luôn được nhấn mạnh trong hiến pháp và điều này làm Giáo Sư Ngô Đức Thịnh băn khoăn : "Đảng và Nhà nước khẳng định tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng lại ngăn cản việc thực hành tín ngưỡng đó thì có mâu thuẫn không? Có phạm luật không?"
Dân gian tin vào Thần Thánh
Vậy thì lên đồng để thực hành Đạo Mẫu có được xem là một tín ngưỡng ở Việt Nam hay không? Chúng tôi nêu câu hỏi này và được Phó Giáo Sư Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Văn Hóa ở Hà Nội giải đáp:
"Từ xưa đến nay vẫn được coi là một tín ngưỡng dân gian và được lưu truyền lâu đời rồi. Đa số họ tin vào các vị thần thánh chủ yếu như Trần Hưng Đạo và các vị khác rất nhiều trong tín ngưỡng dân gian.”
Trên VietnamNet, GS Ngô Đức Thịnh phân tích: “với những người theo Đạo Mẫu, họ có niềm tin vững chắc rằng người chết đi có linh hồn, tin có những người hiển thánh như đức Thánh Trần chẳng hạn và họ muốn thông quan với các vị thần, thánh đó để cầu xin. Các ông đồng bà đồng chính là những người giúp họ thực hiện được nguyện vọng đó, theo cách thức các vị thánh sẽ “nhập” vào ông đồng, bà đồng để đáp lại lời mong, cầu tài lộc, sức khỏe…của những người tham dự nghi lễ hầu đồng đó.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói rằng, ông chưa tiếp cận Nghị Định 75/2010 một cách đầy đủ, nên chưa tiện đưa ra nhận định một cách chính thức. Ông Dương Trung Quốc tiếp lời:
Với những người theo Đạo Mẫu, họ có niềm tin vững chắc rằng người chết đi có linh hồn, tin có những người hiển thánh như đức Thánh Trần chẳng hạn...
GS Ngô Đức Thịnh
“Cá nhân tôi nghĩ rằng, hầu đồng là một sinh hoạt tín ngưỡng ở Việt Nam. Có thể nói đấy là một trong những cái cũng giống như thờ Mẫu mang yếu tố bản địa một cách sâu rộng, bởi vì nếu nhìn vào những ‘giá đồng’ thì phải nói đó là hình thức để truyền bá và trao truyền lại những giá trị lịch sử.
Đương nhiên bất cứ một tôn giáo cũng có những người lợi dụng tôn giáo đó là mặt trái của nó, việc đó mình phải quản lý chặt chẽ, nhưng còn sinh hoạt hầu đồng tôi cho đấy là nhu cầu chính đáng của người dân.”
Trên Tiền Phong Online, ông Lê Anh Tuyến Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch phát biểu rằng, cái mà nhà nước muốn loại bỏ là lên đồng phán truyền, là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét.
Vậy cấm lên đồng theo Nghị Định 75 có là cấm lên đồng thực hành Đạo Mẫu hay không? Phó Giáo Sư TS Lê Hồng Lý, Viện Phó Viện Nghiên Cứu Văn Hóa nhận định về vấn đề liên quan:
“Cái đó cũng ở trong Đạo Mẫu, nhưng do có nhiều hiện tượng lên đồng như báo chí phản ánh có việc phán truyền này khác…cho nên họ muốn cấm, nhưng giữa hai chuyện đó ranh giới của nó rất mỏng manh. Thành ra có nhiều tròng tréo bây giờ cấm thì có cái đúng và có cái chưa hẳn là đúng.”
Phản văn hóa phi chính trị
Nghị định 75 của chính phủ cũng qui định phạt tiền ngay cả với hoạt động xem bói, xin xăm, xóc thẻ. Cấm đoán như thế phải chăng có thể phá vỡ một nét văn hóa dân gian truyền thống của người Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định:
Fact box | |
|
"Tôi nghĩ là những hình thức đó đã tồn tại hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm rồi. Nó cũng đáp ứng nhu cầu của đời sống con người, họ luôn luôn hy vọng vào tương lai, cái tương lai mà họ không định đọat được. Việc đó trong chừng mực nào đó cũng giống như sự may rủi trong đời sống xã hội thôi.
Cho nên tôi nghĩ rằng cần phải phân tách ra cho thực rõ ràng, chỉ nên cấm những gì phương hại lợi ích cộng đồng, đi ngược lại giá trị truyền thống và nhất là đi ngược lại đạo lý xã hội.
Cá nhân tôi thấy rằng, đương nhiên có rất nhiều người lợi dụng, nhưng lợi dụng là một chuyện mà ta phải tìm cách ngăn cản nhưng không thể vì việc đó mà hất bỏ tất cả mọi giá trị truyền thống tồn tại hàng trăm năm, nghìn năm rồi. Tôi nghĩ rằng bản thân sự tồn tại lâu năm ấy cũng là lý do tồn tại của nó.”
Nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ, một tiến sĩ luật ở Hà Nội phân tích khía cạnh tín ngưỡng văn hóa và pháp luật liên quan tới Nghị Định 75/2010, ông nhắc lại là tự do tín ngưỡng được minh định trong bản hiến pháp của Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông nói:
“Việc chính phủ có văn bản cấm chuyện lên đồng mà theo tôi là một hình thức tín ngưỡng thì việc cấm đó là hoàn toàn bất hợp pháp. Hơn thế nữa nhà nước Việt nam, về mặt hình thức luôn kêu gọi phải phát huy bản sắc dân tộc của Việt Nam, hay nói cách khác bản sắc đậm đà văn hoá dân tộc mà chính phụ thân tôi nhà thơ Huy Cận nêu ra cho nhà nước Việt Nam khi sinh thời, thì lên đồng là một hình thức văn hóa tâm linh.
Quan không nhận thức đúng về tín ngưỡng, nên đưa ra lệnh cấm tùy tiện, hồ đồ. Còn dân không hiểu đúng về tín ngưỡng nên hành động lệnh lạc.
GS Ngô Đức Thịnh
Việc chính phủ ra nghị định cấm lên đồng thì nó không đơn thuần là một hành vi phản hiến pháp, vì hiến pháp qui định phải tôn trọng quyền tự do về tín ngưỡng, mà còn thể hiện hành vi phản văn hóa.
Với những chứng cứ như vậy tôi lấy làm tiếc mà nói rằng nhà nước Việt này không đủ văn hóa và đủ chính trị để thực hiện nền cai trị vừa hợp pháp vừa đắc nhân tâm ở Việt Nam.”
Lên đồng ở các đền, miếu, điện thờ khá phổ biến ở Việt Nam, một hoạt động mà nhà nước chưa bao giờ thực sự kiểm soát được. Tuy bị ngăn cấm nhưng những người tin Mẫu, tin Thánh bất chấp tù tội, thiệt hại tài sản vẫn hầu đồng.
Như báo chí ghi nhận hiện tượng xe con biển số nhà nước từng đoàn đưa các ông lớn, bà lớn, cậu ấm cô chiêu đi xin lộc Bà Chúa Kho, đi vía Bà Chúa Xứ, xin xăm Lăng Ông, cúng vái Đức Thánh Trần… thật không hiểu nổi ý đồ của những người tham mưu soạn thảo nghị định 75/2010 cho chính phủ.
Việt Nam có nhiều tín ngưỡng như đạo Chúa, đạo Phật, đạo Hồi, Cao Đài, Hòa Hảo…về phần những người tin Đạo Mẫu thì nhà nước cũng không có lý do gì để ngăn cấm họ thực hành đạo. Nếu không tin vào cõi tâm linh, thì đã không có những đại lễ cầu siêu được chính quyền trung ương, địa phương tổ chức hàng năm.
Nghị định 75/2010 như đã đề cập là khó thực hiện khó có hiệu lực trên thực tế, còn những nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian thì tha thiết kiến nghị nhà nước không lặp lại vết xe đổ với những cấm đoán không hợp lòng người.
Chúng tôi xin trích lời GS Ngô Đức Thịnh trên VietnamNet để thay lời kết: "Có việc cấm vô lý này là do nhận thức về tín ngưỡng không chính xác, không đầy đủ. Quan không nhận thức đúng về tín ngưỡng, nên đưa ra lệnh cấm tùy tiện, hồ đồ. Còn dân không hiểu đúng về tín ngưỡng nên hành động lệnh lạc. Tín ngưỡng của dân, do người dân sáng tạo, nhưng vì ta đã từng cấm đoán, khiến bị đứt đoạn, nên mới tuột khỏi tay họ."