Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Báo chí Việt Nam nói gì về khía cạnh đạo đức, pháp lý và vấn đề bảo vệ trẻ em, qua vụ nữ sinh 10 tuổi ở Đồng Tháp lâm tình trạng hoảng loạn với hậu quả khó lường. Nạn nhân bị nghi ngờ làm mất số tiền quĩ lớp rất nhỏ, dẫn tới việc bị công an tra hỏi và đe đoạ theo yêu cầu của hiệu trưởng. Câu chuyện thương tâm này sẽ được lần dở từ những trang báo đầu tiên đánh động dư luận.
Sự việc được công luận biết tới sau khi các báo điện tử tải lên mạng vào ngày 4/4, và cùng xuất hiện trên báo in ở khắp các tỉnh thành. Nếu căn cứ trên lượng bài vở và ý kiến phản hồi của độc giả, thì có thể nói vụ bé gái bị ép cung đến nỗi điên loạn đã gây chấn động dư luận.
Hầu như báo nào cũng có bài tường thuật, phóng sự điều tra kèm những hình ảnh gây xúc động. Theo đó, em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, 10 tuổi là lớp phó-học-tập lớp 5/1 trường tiểu học An Hiệp 2, Xã An Hiệp, Huyện Châu Thành Tỉnh Đồng Tháp.
Em Trâm và một bạn ở lớp 5/2 được giao giữ số tiền 48 ngàn là tiền học sinh nuôi heo đất, để dành liên hoan cuối năm. Với 48 ngàn đồng ở Việt Nam thì chỉ đủ ăn hai hoặc ba tô phở là nhiều, số tiền nhỏ này đã bị thất lạc không rõ nguyên do. Em Trâm nói là đã trao hết cho bạn Hồng Anh Thư, nhưng bạn này cũng nói ngược lại là em Trâm giữ.
Theo Vietnam Net, tai họa ập đến em Trâm vào ngày 14/3/2007 khi thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca và thầy tổng phụ trách đội Lê Văn Xem cho gọi hai em Trâm và Thư lên văn phòng để hỏi lại vụ mất tiền.
Không có chứng kiến của người giám hộ
Do không có kết quả, hiệu trưởng Lưu Văn Ca đã chỉ đạo ông Lê Văn Xem chở hai em giao cho công an xã để tiếp tục điều tra xét hỏi. Tại trụ sở xã An Hiệp, Trâm và Thư bị tách riêng ra để cán bộ xã xét hỏi.
Rõ ràng là công an Đồng Tháp và cả cơ quan trung ương cần tiến hành điều tra ngay việc này, đây là sự xâm phạm quyền trẻ em và vi phạm các qui định của bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam.
Một hội đồng người lớn ở đó đã ép cung đứa bé 10 tuổi. Những ngừơi này gồm hai ông Lê Văn Thanh và Võ Thanh Phương, trưởng và phó công an xã, bà Lê Thị Kim Em chủ tịch hội phụ nữ xã và ông Trần Văn Lang phó chủ tịch hội nông dân xã cùng tiến hành điều tra và lập biên bản sự việc với hai đương sự.
Đây là cách gọi của các vị này. Trưởng công an xã đã tiến hành xét hỏi điều tra 2 em bé gái lớp 5, mà không có chứng kiến của người giám hộ.
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đã nhận định về vụ việc như sau: "Rõ ràng là công an Đồng Tháp và cả cơ quan trung ương cần tiến hành điều tra ngay việc này, đây là sự xâm phạm quyền trẻ em và vi phạm các qui định của bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam. Tôi cho rằng ông hiệu trưởng này đã có những sai lầm cả về mặt giáodục cũng như pháp luật vì thế ông cũng phải liên đới chịu trách nhiệm."
Ngay cả ông Nguyễn Văn Tân, chánh văn phòng Uỷ Ban Dân Số-Gia Đình và Trẻ Em Trung Ương, một cơ quan ngang Bộ của chính phủ liên quan tới việc bảo vệ quyền của trẻ em, cũng khẳng định việc vi phạm pháp luật :
“Việc này đã vi phạm luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và những văn bản hướng dẫn luật đó.”
Hăm doạ bắt nhốt bỏ tù
Trở lại buổi ép cung ngày 14/3 ở trụ sở công an xã An Hiệp, theo Vietnam Net em Trâm nhất mực không nhận lấy tiền, nhưng trước sự hăm doạ và ép cung của công an kéo dài 2 giờ, cuối cùng Trâm đã phải nhận là làm mất tiền.
Sau khi trở về nhà đã bị hoảng loạn và như người mất hồn, nửa đêm em vùng dạy kêu khóc cầu cứu xin tha đừng bắt em khai nhận. Những ngày sau đó em Trâm sợ hãi ở nhà không đi học, mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy em thường chùm chăn kín mít vì sợ bị bắt giao cho công an.
Trong giai đoạn hoảng loạn em Trâm đã mô tả vụ ép cung trong nhật ký bằng các hình vẽ có ghi chú như kiểu truyện tranh của thiếu nhi. Những hình vẽ của em được các báo đưa lên mạng cho thấy công an và ông tổng phụ trách đội Lê Văn Xem đã hăm doạ bắt nhốt bỏ tù em vì chuyện lấy tiền, em tự vẽ mình ngồi ở một đầu bàn với lời chú giải là em không có lấy tiền. Những hình vẽ nguệch ngoạc đó gây xúc động không kém cho bạn đọc.
Ngày 9/4 Việt Nam Express đưa lên mạng bài ‘ Nữ sinh bị hỏi cung nhập viện trong điên loạn’. Do tình trạng của em Trâm càng ngày càng hoảng loạn, bố mẹ em đã đưa em vào bệnh viện đa khoa Sadec. Tại đây bác sĩ Nguyễn Thanh Hải trưởng khoa nhi sau khi xem xét tình trạng của em đã nhận xét rằng, phải chuyển em Trâm lên bệnh viện tuyến trên để được điều trị tốt hơn.
Tuổi trẻ Online ngày 11/4 trong Nhật Ký Phóng Viên với tựa đề Trách Nhiệm và Lương Tâm, nhà báo đã tới tận nhà em trâm ở An Hiệp, Huyện Châu Thành Đồng Tháp để tìm hiểu sự thực. Sau đó đã vào bệnh viện đa khoa Sa Đéc để thăm em.
Khi thấy sự xuất hiện của người lạ, em Trâm đã co rúm người lại, giật lùi nép người vào cuối giường, chụp con búp bê che mặt. Càng dỗ dành, Trâm càng sợ hãi lấy mọi vật dụng để che mặt, sau cùng Trâm tát bốp vào mặt mẹ em là bà Nga.
Theo phóng viên Lê Thanh Hà, mỗi khi bác sĩ và y tá vào thăm khám, em Trâm vùng vẫy phản ứng, nếu không lẩn trốn thì lại hung dữ tấn công đánh tát thầy thuốc. Nhà báo mô tả là sau những khi như vậy, cuối cùng thì Trâm tay chống đất bò loanh quanh. Những lúc không kích động Trâm ngồi thu mình, đưa tay lên miệng cắn, hai tay em đầy những vết răng cắn sâu. Nhà báo viết rằng không thể cầm lòng trước cảnh tượng đó vì ông cũng có con gái trạc tuổi Trâm.
Bị stress cấp tính
Theo Vietnam Net, ngoài Bệnh Viện Sadec, em Trâm đã qua ba lần khám ở khoa khám trẻ em bệnh viện TP.HCM. Lần thứ nhất ngày 23/3, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp cho biết Trâm được chẩn đoán bị phản ứng stress cấp tính, biểu hiện là em không ăn, giấc ngủ nông, thỉnh thoảng đang đêm choàng dậy khóc kêu cha mẹ.
Vào lần khám đầu tiên bác sĩ hầu như không thể tiếp xúc với bệnh nhân vì cháu hết sức sợ hãi. Em được cho thuốc an thần giảm căng thẳng lo âu. Lần khám thứ hai ở bệnh viện tâm thần TP.HCM, bé đã tiếp xúc trở lại.
Nhưng theo Bác sĩ Diệp, với những chấn thương tâm lý như vậy, quá trình điều trị chắc chắn đòi hỏi lâu dài, nhưng lâu tới đâu tuỳ thuộc diễn tiến của bệnh. Stress cấp tính theo Bác sĩ Diệp có thể hết, tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài trong tương lai thì không thể nói trước. Chỉ cần một cú sốc tâm lý có thể biến bệnh thành mãn tính, dẫn đến rối loạn về cảm xúc hành vi và thậm chí chuyển sang tình trạng loạn thần mà dân gian gọi là điên loạn.
Lần tái khám thứ ba tại bệnh viện tâm thần ngày 10/4, theo Vietnam Net tình trạng tâm thần cuả em Trâm đã chuyển biến xấu hơn, một tuần qua em có phản ứng tâm lý mãnh liệt như hung hăng, gào khóc, la hét đánh và cắn ngừơi thân.
Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc nếu hậu quả của em Trâm thực sự nghiêm trọng, thì Uỷ Ban Dân Số Gia Đình và Trẻ em Trung Ương có ủng hộ việc truy tố tất cả những người có trách nhiệm hay không. Ông Nguyễn Văn Tân với tư cách người phát ngôn cho Uỷ Ban đáp rằng:
Đương nhiên chúng tôi ủng hộ, trong trường hợp gia đình gia đình em Trâm không kiện ra toà, thì cơ quan bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương sẽ được Uỷ ban yêu cầu là cơ quan đại diện đưa vấn đề này ra toà.
“Đương nhiên chúng tôi ủng hộ, trong trường hợp gia đình gia đình em Trâm không kiện ra toà, thì cơ quan bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương sẽ được Uỷ ban yêu cầu là cơ quan đại diện đưa vấn đề này ra toà.”
Trên các báo như Việt Nam Express, Vietnam Net, Tuổi trẻ, có cả trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc, tất cả đề phê phán nghiêm khắc ông hiệu trưởng Lưu Văn Ca, ông tổng phụ trách đội Lê Văn Xem, cũng như cách thức mà công an địa phương hành xử với thiếu nhi. Đa số ý kiến đều yêu cầu thực thi pháp luật nghiêm chỉnh không thể chỉ cách chức điều chuyển công tác mà phải truy tố trách nhiệm hình sự những người liên quan.
Vấn đề trẻ em bị xâm hại
Theo lời ông Nguyễn Văn Tân chánh văn phòng Uỷ Ban Dân Số gia đình và Trẻ Em, dù có nỗ lực nhưng Việt Nam sẽ phải có nhiều thời gian mới thay đổi tư duy xã hội về tôn trọng nhân quyền trẻ em:
“Ở đây có hai khía cạnh, hành động của những giáo viên ở trường, cũng như của cán bộ công an thục thi pháp luật cho thấy hiểu biết pháp luật của họ về bảo vệ quyền trẻ em là chưa đầy đủ. Những yếu tố ấy cũng được tính đến trong quá trình tố tụng, trong quá trình truy tố ra toà.
Tuy nhiên đứng ở góc độ những người làm công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì việc đưa luật vào cuộc sống để cho mọi người hiều biết pháp luật xử lý những trường hợp cụ thể, thì cũng có những tác dụng nhất định. Tôi nghĩ rằng nếu không xử lý nghiêm những hành động tương tự, thì sẽ rất chậm để thay đổi những cách hiểu từ xưa đến nay vốn không phù hợp với tinh thần của luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.”
Thưa quí thính giả, vấn đề trẻ em bị xâm hại là hiện tượng xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên ở các quốc gia dân chủ pháp trị, những kẻ phạm tội đối với trẻ em bị trừng trị rất nghiêm khắc với những án tù hàng chục năm.
Chưa xử lý triệt để
Ở Việt Nam, gần đây báo chí được rộng cửa hơn để đánh động dư luận với các thông tin nhậy cảm liên quan tới những vụ trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên ở Việt Nam dư luận vẫn chưa đồng tình về cách xử lý các vụ việc. LS Trần Vũ Hải nhận định:
“ Điều quan trọng nhất là báo chí và công luận muốn theo dõi là sẽ xử lý như thế nào. Chính tại thời điểm này tôi cho rằng các vị lãnh đạo Việt Nam không nên mải mê quá vào vấn đề bầu cử hay các vấn đề khác mà hãy nói thẳng về vấn đề này.
Thời gian gần đây báo chí đưa một số vụ tuy có xử lý nhưng hình thức thì không thể chấp nhận được, xử lý như kiểm điểm hay rút kinh nghiệm v..v dư luận không chấp nhận. Có lẽ lãnh đạo của đất nước phải yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý triệt để, nếu không tình trạng sẽ “nhờn”, có vi phạm thì chỉ bị xử lý kiểm điểm cùng lắm là bị sa thải.
Tôi nghĩ là phải lôi ra những vụ xâm phạm nghiêm trọng và trừng trị đích đáng. Vụ em Trâm là vụ điển hình chính quyền Việt Nam cần phải tỏ thái độ là họ thực sự bảo vệ quyền trẻ em, và những người xâm phạm quyền trẻ em phải bị trừng phạt nghiêm minh, bất kỳ họ là ai ở trong ngành công an hay ngành giáo dục.”
Cho tới ngày 12/4 các cơ quan chức năng của ngành công an mới chỉ nói tới chuyện cách chức và chuyển công tác hai cán bộ bức cung thiếu nhi. Ngành giáo dục Đồng Tháp cũng vậy, các biện pháp được nói tới cũng là điều chuyển công tác hiệu trưởng Lưu Văn ca và tổng phụ trách đội Lê Văn Xem.
Các luận cứ đưa ra vẫn là có tính cách bao che, mà không nhìn thẳng vào vấn đề. Xem ra thay đổi tư duy nhận thức của các cấp chính quyền Việt Nam đặc biệt ở cấp tỉnh huyện vô cùng khó khăn dù rằng ở Việt Nam đã ban hành năm 2004 bộ luật chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em, cũng như sự kiện Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế quyền trẻ em.